03/06/2017, 18:05

Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (Bài 5)

Từ khi trên quả đất này có sự sống, thì Thượng Đế đã sinh ra vạn loại, trong đó có loài người. Một điều đặc biệt thay là tạo hóa đã ban tặng cho loài người chúng ta một thứ quý báu đó chính là “tình cảm”. Người ta nói con người là loài sinh vật sống bằng “tình cảm”. Tình cảm cũng ...

Từ khi trên quả đất này có sự sống, thì Thượng Đế đã sinh ra vạn loại, trong đó có loài người. Một điều đặc biệt thay là tạo hóa đã ban tặng cho loài người chúng ta một thứ quý báu đó chính là “tình cảm”.

Người ta nói con người là loài sinh vật sống bằng “tình cảm”. Tình cảm cũng giống như một thứ linh dược quan trọng, nó có thể cảm hóa được mọi thứ, nó là sợi dây gắn kết giữa con người với con người, nó đã mang con người đến lại gần nhau hơn. Con người ai cũng sống bằng cái “tình” thì chắc hẳn mọi thứ xung quanh ta sẽ đẹp vô cùng, bầu trời này sẽ không còn những áng mây đen, mặt đất này sẽ không còn những lầm than, cơ cực, không có những lỗi lầm.
 
Tình thương yêu, sự chân thành, nỗi xót xa hay sự cảm thông, tha thứ tất cả đều xuất phát từ cái “tình” mà ra, nếu một khi bạn đã đánh mất đi cái “tình người” ấy thì khi đó bạn đã tự tách mình ra khỏi thế giới của lương tri và lúc này con người sẽ không còn là con người nữa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người khi còn tồn tại trong cái thế giới này đó chính là được sống, được tắm mình trong cái biển cả đầy tình yêu thương của mọi người.
 
Danh ngôn có câu: “kẻ mất đi của cải là kẻ mất ít, mất bạn là kẻ mất nhiều, nhưng đánh mất đi cái “tình” thì là mất tất cả”. Thật vậy một người sống mà không có tình cảm thì trở nên hung bạo và tàn nhẫn vô cùng, cha con có thể bất hòa, vợ chồng vì cãi nhau mà li tán, anh em vì tranh giành mà bất đồng, bạn bè vì tình cảm mà có thể giết hại lẫn nhau, … Tất cả là vì họ không biết cảm thông, họ không cảm nhận được cái hạnh phúc của cuộc sống, họ quá vô tình và thờ ơ với thực tại.
 
Hằng ngày bạn thường đối mặt với những bộn bề của cuộc sống, nhiều lo toan trong công việc hay cũng có lúc bạn mải mê trải mình trong những phút giây lạc thú, vui vẻ bên bạn bè mà đã lãng quên đi phút giây êm đềm, hạnh phúc, những hình ảnh thiêng liêng cao cả của cha, của mẹ, những người ngày đêm thương nhớ, mong chờ, dõi theo bước chân bạn từng phút, từng giây. Ấy thế mà mỗi khi đang đi với bạn bè tình cờ bắt gặp cha và mẹ đang làm những công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì bạn vẫn cuối đầu mà bước tiếp, điềm nhiên một cách lạ thường. Thử hỏi “tại sao?” phải chăng vì rào cản của sự mặc cảm quá lớn đến nổi bạn không thể trèo qua? Sao lại vô tình đến thế, chính cái bệnh vô cảm đã làm cho ngọn lửa yêu thương trong trái tim của bạn đã vụt tắt?
 
Tình cảm nó giống như những hạt mưa, mưa càng to thì có thể dập tắt đi ngọn lửa của sự căm hờn, của lòng thù hận hay ghen ghét, nhưng nó có thể là ngọn lửa của tình thương yêu, sự khoan dung, lòng vị tha hay của ước mơ và hi vọng. Tại sao chúng ta lại để cho những ngọn lửa ấy lại vụt tắt đi trong đêm tối.
 
Cuộc sống xung quanh ta còn đầy rẫy biết bao cảnh khổ, những hoàn cảnh thật đáng thương trông mà ai chẳng xót, vậy mà cũng có những kẻ nhìn như không thấy. Nhìn những bà lão tuổi ngoài 70, một tay run run chống gậy, tay kia cầm sấp vé số, đi hết đoạn đường này đến đoạn đường kia, đi trong những hơi thở yếu ớt, đôi chân quằn quại mệt mỏi dường như muốn ngã quỵ; Hay những ông lão khoác trên người bộ sơ mi rách, không còn chỗ vá, sống một cuộc đời hành khất nhờ vào sự bố thí của xã hội. Đáng thương hơn là những đứa bé mới chào đời thì chẳng được nhìn thấy cha mẹ đâu, 5, 3 tuổi thì phải đi lượm ve chai, bán vé số, nhặt từng mẫu bánh dỡ vụn của người khác ăn thừa mà lót dạ, chứng kiến những cảnh đời ấy ai mà chẳng xót, chẳng thương, thế mà có những kẻ lại rất thờ ơ, quá vô tâm cứ ngoảnh mặt mà bước đi trước những số phận vô hình trong khi họ đang cần đến vòng tay nhân ái của mọi người. Phải chăng chính cái bệnh vô cảm đã làm cho bạn trở nên vô tri, vô giác, chẳng thèm nhòm ngó gì đến sự hiện hữu của mọi người chung quanh?
 
Nói đến đây làm tôi nhớ đến câu nói của Bác: “Hạnh phúc của tôi là đây, là chính cái giây phút mà tôi được nhìn thấy đồng bào tôi ai cũng có cơm no áo ấm, ai cũng được học hành”. Lúc sinh thời Bác thương yêu con người hết mực. Bác không bỏ xót một việc nhỏ, Người đã hi sinh hạnh phúc của mình để mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Vậy sao chúng ta lại không giống như Bác, tại sao chúng ta lại không noi gương Bác, một con người luôn có tình thương yêu bao la rộng lớn, tại sao lại để cho cuộc đời này vẫn còn nhiều nổi khổ đau, vẫn còn nhiều trái tim phải vụn rời như thế, tại sao khi nhìn thấy một người gặp hoạn nạn mà lại làm ngơ, thấy một chiếc xe bị ngã hay một em bé bị rơi xuống nước bạn vẫn ung dung mà bước tiếp, thấy người khác mắc lỗi lầm mà chẳng đoái hoài đến.
 
Một người thầy giáo chỉ vì lo vun vén cho một đứa học trò cưng mà đã phụ đi biết bao trái tim nhỏ bé của những đứa học trò khác, hay vì lí do, phương diện nhìn nào đó mà ở mỗi đứa học trò khác nhau thì việc truyền đạt kiến thức cũng khác nhau. Trong lớp có học sinh gặp khó khăn mà không được bước tiếp đến trường. Khi đó vì chỉ lo cho công việc của bản thân mà thầy cô cứ phó mặc cho học sinh.
 
Gần gũi với chúng ta hơn là những người bác sĩ. Một bác sĩ tuy không giỏi lắm nhưng với một trái tim nhân hậu, tấm lòng của một lương y cảm hóa vào trong từng viên thuốc, từng đôi tay ân cần chu đáo, sự quan tâm , chăm sóc và chia sẻ với bệnh nhân thì chắc chắn họ sẽ mau khỏi hơn là khi được chữa trị với một bác sĩ mà không có cái tâm của người thầy thuốc, thấy người nghèo là cứ muốn bỏ mặc, không cần biết họ thế nào. Hay có những lúc bạn vào trong những shop mua hàng, nhìn cách ăn mặc của bạn hơi sành điệu thì chủ shop đón tiếp và phục vụ một cách ân cần, chu đáo, còn nếu bạn ăn mặc hơi “quê”, hơi “bình dân” một chút thì họ chẳng để ý, chẳng cần biết đến sự có mặt của bạn, ngay cả ngôn từ cũng thế. Có phải xã hội này không công bằng hay chăng? Công lý là chính ở trái tim của mỗi người, nếu chúng ta biết đồng điệu trái tim của mình với suy nghĩ của người khác, chúng ta có đặt mình vào vị trí của người thì khi đó chúng ta mới hiểu và cảm thông cho họ. Tức là khi đó cái bệnh vô cảm đã được cảm hóa bằng cái “tình” của bạn.
 
Chúng ta hãy sống bằng chính con tim của mình, bằng chính những gì mà tạo hóa đã ban tặng cho ta, chúng ta sống và đừng để cho cái bệnh vô cảm len lỏi vào đời sống này, hãy lấy cái “tình” mà cảm hóa hành động, hãy lấy tình thương yêu mà làm ngôi vị trung tâm của cuộc sống, hãy dang rộng trái tim mình, hãy biết quý trọng tình cảm và tha thứ cho sự lỗi lầm.

0