02/06/2017, 23:28

Suy nghĩ của em về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay (Bài 4)

Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, ...

Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên với rất nhiều thuận lợi giúp cho con người, đặc biệt là giới trẻ có điều kiện học hỏi, trau dồi và tiếp cận với nhiều phương tiện hiện đại. Tiếc thay, giá trị đạo đức lại bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến “bệnh vô tâm”.

Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”. Lời cha ông ta đã dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với những người mắc “bệnh vô tâm” này, chúng ta cần giúp họ hiểu rõ lời dạy của cổ nhân:
 
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
 
Vấn đề vô tâm trong xã hội hiện nay đang là thách đố cho các nhà giáo dục, các bậc cha mẹ, cũng như những người có trách nhiệm. Tìm hiểu thực trạng và nguyên nhân của “bệnh vô tâm”, chúng ta sẽ thấy tác hại ghê gớm của nó hầu tìm ra phương cách để chống lại căn bệnh quái ác này. 
 
Hiện tượng vô tâm ở giới trẻ đang ngày càng trở nên phổ biến và khó có thể được chấp nhận ở giới trẻ. Ban đầu chỉ xuất phát từ những suy nghĩ và việc làm đơn giản nhưng nếu không được điều chỉnh thì những hành động nhỏ sẽ dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc và không chút cảm xúc từ những đối tượng là tuổi trẻ. 
 
Hành động và thái độ vô tâm của con trẻ không phải là hiếm trong cuộc sống hàng ngày. Không hiếm để thấy một trẻ nhỏ đi qua người ăn mày hay những cảnh đời bất hạnh với ánh mắt kỳ thị, thái độ khinh thường. Có rất nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt bị xa lánh và bị đối xử không công bằng trong lớp, trong trường. 
 
Lớn hơn chút nữa đó là hưởng ứng, hay trực tiếp tham gia vào những hành động vô tâm khác trong cuộc sống đời thường. Dường như cảm xúc và bản chất của con người đã bị chai lỳ trong suy nghĩ và những hành động của giới trẻ hiện nay. Những hành động đó đã được hình thành từ nhỏ hay do quá trình hình thành nhân cách con người đã bị tác động để thay đổi theo một chiều hướng khác.
 
Từ đâu trẻ vô tâm?
 
Trẻ nhỏ chịu tác động và ảnh hưởng từ những môi trường sống xung quang, gia đình và cha mẹ. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy và quá trình hoàn thiện nhân cách của trẻ nhỏ.
 
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của giới trẻ, nhưng tựu chung, cái gốc chính là cách sống của giới trẻ ngày nay, và cách giáo dục nhân bản từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt. 
 
1. Nguyên nhân bản thân
 
Do bản thân họ thiếu tình yêu thương, thiếu lòng quảng đại; họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình. Thêm vào đó, do ngoại cảnh tác động: khi một con người bị chính cái xấu hãm hại, khi mà những điều tốt đẹp không xảy đến với bản thân, thì họ sẽ trở nên hận đời và vô cảm trước cuộc đời. Họ không còn lòng tin vào điều tốt, thế nên họ vô cảm trước những điều tốt đẹp trên cuộc đời này. Đối với họ, nhà hàng xóm gặp hoạn nạn, có người thân mắc phải tệ nạn xã hội, họ cũng bàng quan như không hay biết, không hỏi han, cũng chẳng an ủi một vài lời. Trên đường đi, gặp người bị nạn, họ bỏ đi, chẳng thèm quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, giương đôi mắt ếch nhìn chung quanh, không hề giúp đỡ nạn nhân vì họ sợ phải gánh trách nhiệm. Gặp kẻ bất hạnh, tàn tật nằm bên vệ đường, họ chẳng những không thương xót mà còn khinh bỉ, rẻ rúng những con người kém may mắn đó. Quả thật, đó là những hành động đáng lên án. Ngày nay xã hội phát triển cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, trẻ nhỏ sớm được tiếp xúc với các loại hình giải trí mang tính chất bạo lực hay thế giới ảo làm cho trẻ bị chai lỳ cảm xúc. Hơn nữa, sự đua đòi theo bạn bè, thần tượng là một phần lớn tác động đến lối sống, nhân cách và thái độ của trẻ. Trẻ nhỏ sớm được tiếp xúc với các loại hình giải trí mang tính chất bạo lực hay thế giới ảo làm cho trẻ chai lỳ cảm xúc. Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với những người ảo trên mạng game online. Những cảnh bạo lực từ đấm đá đến chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trên ti vi, trong truyện tranh; những thú vui giải trí được giới trẻ yêu thích sẽ dẫn tới thờ ơ hay lãnh đạm với những việc xảy ra xung quanh, đó là một hệ quả không tránh khỏi.
 
2. Nguyên nhân từ gia đình
 
Luôn sợ con khó, khổ hay thiệt thòi so với bạn bè là tâm lý chung của những bậc phụ huynh đặc biệt là những gia đình có điều kiện. Chính điều này đã tạo điều kiện giới trẻ ỷ lại vào cha mẹ, chỉ biết đòi hỏi mà quên đi cảm xúc, suy nghĩ của người khác. Mặt khác, cha mẹ không dành thời gian hoặc giáo dục con cái đúng cách tạo khoảng trống để con cái phát triển tự nhiên một cách thái quá, không có trách nhiệm với bản thân và cuộc sống của mình. Hơn nữa, nhiều phụ huynh vì cưng chiều con nên đáp ứng tất cả những yêu cầu vô lối của con một cách vô điều kiện. Thế nhưng, họ lại không dạy con phải biết chia sẻ, quan tâm và có trách nhiệm với người thân, với bạn bè. Một đứa trẻ chỉ biết "nhận" chứ không biết "cho" sẽ nghèo nàn về cảm xúc, vô tâm trước đòi hỏi của tình người, và bàng quan trước nỗi đau của kẻ khác.
 
Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự vô tâm của trẻ đó là hành động bắt chước ở người lớn, thường là cha mẹ hoặc những người có ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Khi cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và chạy theo nhu cầu vật chất mà quên đi quan tâm đến người thân trong gia đình thì vô hình là tấm gương xấu cho con cái.
 
Để con cái không bị chai lỳ về mặt cảm xúc, hay quá vô tâm với cuộc sống gây nên những hậu quả đáng tiếc, cha mẹ là một phần quyết định trong việc định hướng suy nghĩ và hướng trẻ đến những việc làm tốt. Con cái vô tâm là một phần trách nhận lớn từ phía cha mẹ và gia đình.
 
3. Nguyên nhân từ nhà trường
 
Nhà trường là nơi đào tạo ra những con người có tài đức, biết quan tâm đến mọi người và tích cực phục vụ cho nhân quần xã hội. Thế mà ngày nay, trong một số trường học, người ta chỉ chú tâm đến việc nhồi nhét tri thức, còn vấn đề đạo đức dường như đang bị bỏ ngỏ, thậm chí có những trường chỉ dạy môn giáo dục công dân cho qua lần chiếu lệ.
 
Bên cạnh một số thầy cô mẫu mực, nhiệt huyết với việc giáo dục, vẫn còn đó những thầy cô chưa hoàn thiện nhân cách. “Có thầy cô gọi học sinh là mày xưng tao, có thầy cô chêm cả những câu chửi tục vào lời nói của mình, có thầy cô quát mắng học sinh như kiểu dân chợ búa, … Chính các em đã phải thốt lên rằng “giáo viên ăn nói thô lỗ, vô văn hóa như vậy thì trách sao học sinh không bắt chước”. Những hành động đó ít nhiều xâm nhập vào thế giới quan của giới trẻ, dần dà hình thành lối hành xử thô bạo, thiếu tình thương. Sự vô tâm lẽ nào chẳng bắt nguồn từ đó? Thầy cô được xem như cha mẹ thứ hai của học sinh. Nếu họ vô tâm thì sẽ thiếu tình thương dành cho những đứa con của mình, thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh. Vì “vô tâm” họ cũng sẽ “đào tạo” ra những học trò vô tâm như họ. Như thế, ta phải nói sao về những chủ nhân tương lai của đất nước? Đây chính là một mối họa lớn cho xã hội.
 
Quả thật, môi trường giáo dục đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết. Đó thật sự là mối lo ngại sâu sắc đối với ngành giáo dục và cả xã hội. Nguyên nhân của vấn nạn trên thì có nhiều. Nhưng có một nguyên nhân mà khiến người ta day dứt, trăn trở nhiều nhất, đó là căn bệnh vô tâm, nó giảm sút nghiêm trọng tinh thần đấu tranh đang bao trùm ở khắp nơi, với mọi đối tượng.
 
4. Nguyên nhân từ xã hội
 
Do ảnh hưởng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống vô cảm không quan tâm đến những việc xung quanh. Theo GS Mark Bauerlein (Mỹ), khi càng sử dụng internet thì người ta càng lơ là với những gì diễn ra xung quanh. Khi blog, mạng xã hội xuất hiện, giới trẻ được tự do thể hiện mình. Nhưng một khi tự giam mình quá lâu trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẽ có lối sống bất thường và dẫn tới trầm cảm hay vô cảm…
 
Đồng thời, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến đạo đức truyền thống: một mặt, nó làm cho những giá trị truyền thống được phát huy, những giá trị đạo đức mới được hình thành; mặt khác, nó làm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, lãng quên trách nhiệm cộng đồng, đề cao cái tôi cá nhân lên trên cái ta cộng đồng, lấy giá trị vật chất làm thước đo cho tất cả. Có một cuộc khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện đại dẫn đến các bạn trẻ sống vô tâm.
 
Hơn nữa, căn bệnh vô tâm là kết quả của một lối sống thực dụng ngày càng ăn sâu vào văn hóa của xã hội ngày nay. Khi mà các giá trị sống, giá trị đạo đức, tinh thần, lòng bao dung nhân ái, tình thương yêu đồng loại, sự hy sinh… đang dần bị thế chỗ cho chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa duy lợi và chủ nghĩa cá nhân, thì con người không còn cảm giác trước nỗi đau của đồng loại. Bên cạnh đó, do sự gia tăng những bất công xã hội, là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lối sống “phong bì”, người lớn không còn là tấm gương đạo đức cho giới trẻ, khiến đạo đức bị suy giảm. 
 
Để giới trẻ bớt vô tâm
 
“Bệnh vô tâm” không phải là tội ác, nhưng chính nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó còn lây lan trong cộng đồng: một người vô tâm thì mọi người xung quanh sẽ vô tâm theo, và cuối cùng, có thể là cả một xã hội vô tâm. Vô tâm còn ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”. Nói đến căn bệnh thể xác thì người ta sợ nhất là ung thư, còn nói đến căn bệnh tâm hồn thì “vô tâm” cũng đáng sợ không kém. Bởi lẽ, nó có sức công phá ghê gớm trên nhân cách và đạo đức của con người. Từ đó, nó phá hủy toàn bộ nền kinh tế và chính trị của cả một dân tộc. Chính vì thế, từ cá nhân đến gia đình, từ trong nhà trường ra ngoài xã hội, phải chung tay góp sức, tích cực đẩy lùi căn “bệnh vô tâm” này ra khỏi đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
 
1. Về phía bản thân
 
Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình. Ngoài ra, cần phải học hỏi những tấm gương của những người đạo đức, đồng cảm trong xã hội.
 
2. Về phía gia đình
 
Gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Gia đình là ngôi trường đầu tiên của con người, từ đó những đứa trẻ học được nhân cách làm người. Vì thế, muốn cho con cái trở nên tốt, gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ “dạy chữ’ mà nhất là phải “dạy người”. Hơn nữa, phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nếu người lớn có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế.
 
Dành thời gian cho con nhiều hơn để giúp con trẻ khám phá những cảm xúc và phát triển nó theo hướng tích cực. Khi giới trẻ phải đối mặt với những khó khăn, khổ cực thì sẽ có những cái nhìn đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh tương tự, vì vậy để giới trẻ trải nghiệm là một điều rất tốt. Tuy nhiên sự trải nghiệm đó phải có sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ. Bên cạnh đó, không nên để cho giới trẻ hưởng thụ quá sớm nhờ vảo bố mẹ.
 
Phát hiện những suy nghĩ trái chiều tốt đẹp và định hướng lại suy nghĩ phù hợp với lứa tuổi của con cái là điều quan trọng cần phải làm của các bậc phụ huynh. Không nên con cái tiếp xúc với bạo lực hay những tổn thương về tình cảm quá sớm khiến trẻ sẽ bắt chước và thử cho biết. Trên mỗi chặng đường của con cái, cha mẹ cần phê bình, góp ý thẳng thắn để có thể cùng con hoàn thiện nhân cách và cảm xúc. 
 
Để con cái biết đồng cảm, chia sẻ và quan tâm tới mọi người thì cha mẹ phải là người tiên phong làm điều đó. Có thể sau những hành động tích cực của cha mẹ, con cái sẽ tự hành động theo mà không cần phải nói thành lời.
 
Gia đình phải tích cực, bằng cách quan tâm giáo dục cảm xúc một cách thực tế cho con cái ngay từ nhỏ. Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm. Con cái chỉ có thể hiểu được một cách rõ ràng nhất khi được cha mẹ hướng dẫn cụ thể bằng những việc phù hợp. Chính những điều nhỏ nhặt này tạo nền tảng đầu tiên để trẻ bớt nghĩ đến bản thân, mở rộng lòng ra cùng người khác. Và điều quan trọng, người lớn phải tạo cơ hội cho các em thực hiện.
 
3. Về phía nhà trường
 
Môi trường giáo dục ở nhà trường không chỉ là nơi trang bị kiến thức mà còn phải quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức và đồng cảm với các bạn trẻ. Một khi nhà trường biết quan tâm đúng mức về giáo dục đạo đức cho giới trẻ thì kết quả sẽ khả quan hơn. Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo.
 
Mặt khác, nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, sinh động, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất sống. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu tình nghĩa, yêu thương nhưng lại mạnh mẽ, không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác thường nảy sinh, ẩn nấp dưới nhiều hình, nhiều dáng vẻ trong cuộc sống.
 
4. Về phía xã hội
 
Xã hội nên quan tâm đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người. Giới trẻ ngày nay, không phải là họ không muốn sống cho ra người mà còn muốn sống tốt hơn nữa. Cơn khát làm một người sống lương thiện, sống đạo đức cháy âm ỉ trong tâm khảm của họ. Chính vì thế, họ đang cần được xã hội quan tâm giúp đỡ, nhất là mở những lớp học về cách ứng xử trong cuộc sống. Đồng thời, họ mong muốn những người có trách nhiệm nên làm gương cho họ.

0