Suy nghĩ câu: “Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quì gối”…
Đề bài: “ Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quì gối.” (W. Gơt) Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu danh ngôn trên. Gợi ý giải 1. Giải thích: (0,5 điểm) Câu nói bộc lộ sự ngưỡng mộ trước trí ...
Đề bài: “Trước bộ óc vĩ đại tôi cúi đầu, trước trái tim vĩ đại tôi quì gối.” (W. Gơt)
Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu danh ngôn trên.
Gợi ý giải
1. Giải thích: (0,5 điểm)
Câu nói bộc lộ sự ngưỡng mộ trước trí tuệ và lòng nhân hậu của con người. Tuy nhiên nghiêng về khía cạnh ca ngợi sức mạnh của lòng nhân hậu, tình thương. (Làm rõ qua hình ảnh ẩn dụ cúi đầu và quì gối).
2. Phân tích, chứng minh: (1,5 điểm)
– Vai trò của trí tuệ trong cuộc sống của con người: sự hiểu biết, thông minh sẽ giúp con người có khả năng nhìn nhận, đánh giá một cách sáng suốt nhanh nhạy, đúng đắn.
– Vai trò của lòng nhân hậu trong cuộc sống của con người: khiến con người sống biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ, làm cho con người sống gần gũi, chan hòa, thân ái.
– Hai phẩm chất trên của con người rất đáng quý đều được trân trọng, ngưỡng mộ. Ở đây vai trò, sức mạnh lòng nhân hậu được đề cao.
– Cần thấy mối quan hệ giữa trí tuệ và lòng nhân hậu, giữa tài và đức trong mỗi con người; “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” (Hồ Chí Minh).
3. Bình luận, mở rộng: (1,0 điểm)
– Ca ngợi những tấm gương vừa có tài năng vừa có đức độ để mọi người yêu mến, quý trọng.
– Phê phán những kẻ có tài năng nhưng sống hời hợt, giả tạo.
(Mỗi luận điểm cần có dẫn chứng thực tế từ trong cuộc sống để minh họa)
– Bài học cho bản thân:
+ Trí tuệ và lòng nhân hậu là hai phẩm chất đáng quí của con người.
+ Rèn luyện tài và đức là việc làm thiết thực của mỗi con người nhất là học sinh trên ghế nhà trường.
—– Tham khảo thêm—-
Một con người được gọi là hoàn thiện cần phải có ít nhất hai thứ: “Trí tuệ” và “Trái tim”.
Trí tuệ được hình thành từ quá trình học tập, lao động, rút ra từ thực tiễn đời sống. Muốn tồn tại trong xã hội, muốn thành đạt trong cuộc sống, tất nhiên, trí tuệ là quan trọng.Chẳng ai muốn sống cùng một gã ngốc.Những người có một “trí tuệ vĩ đại” luôn được người khác nể phục, nể phục vì mình không bằng họ, không được như họ và nếu như muốn sánh với họ thì quả là một chuyện khó. Họ tài năng, trí tuệ và như có lẽ, lúc nào họ cũng đúng trên ta một bậc thang, vì vậy, ta cúi đầu.
“Trái tim” nghĩa là lương thiện, là hiền lành. Nó được hình thành từ quá trình cọ xát với cuộc sống.”Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, đó gần như là một chân lý của cha ông ngày trước ý muốn nói: trong một hoàn cảnh, môi trường khác nhau sẽ hình thành những nhân cách khác nhau, tốt có, xấu có. Thật sự, một trái tim vĩ đại không dễ gì có được vì trong thời đại xưa cũng như bây giờ, để thành công, người ta thường “sống bằng lừa lọc”, hay “Sống là phải biết tàn nhẫn, phải biết ác” dù xã hội luôn cần một “Thiên lương cao cả”. Người có một trái tim vĩ đại sẽ cân bằng hai điểm cực ấy. Họ yêu mọi người, yêu cuộc sống như yêu chính bản thân họ. Họ làm tất cả vì người khác mà không cần ai đáp trả. Họ cũng sẽ sẵn sàng cho người khác chén cơm của mình trong khi họ đói lã, họ sẽ sẵn sàng nhường chăn trong khi họ đang lạnh cóng- Họ sẽ làm tất cả vì họ biết, những con người tội nghiệp ấy còn đói, còn lạnh hơn mình. Đứng trước một con người như vậy, ta chẳng biết làm gì để xứng với họ, bản thân ta tự nhiên thấy quá nhỏ bé, quá yếu đuối trước một con người như vậy. Và mặc dù, ta và họ cùng đứng trên một con đường nhưng thật ra, tự bản thân họ đã cao hơn ta hàng vạn bậc thang, vì thế, ta bó gối trước trái tim vĩ đại ấy.
Tìm hiểu thêm về W. Gơt: https://vi.wikipedia.org/wiki/Johann_Wolfgang_von_Goethe