28/02/2018, 16:11

Sự thật tàn ác trần trụi trong các lò nuôi của ngành công nghiệp lông thú

Với các tín đồ thời trang xa xỉ, việc sở hữu cho mình những trang phục, phụ kiện từ lông thú là chuyện quá thường tình. Nhưng đằng sau đó lại là sự thật trần trụi đến tàn nhẫn của ngành công nghiệp nuôi thú lấy lông. Biết rằng thời trang từ lông động vật có một vẻ đẹp rất khó cưỡng, nhưng sự ...

Với các tín đồ thời trang xa xỉ, việc sở hữu cho mình những trang phục, phụ kiện từ lông thú là chuyện quá thường tình. Nhưng đằng sau đó lại là sự thật trần trụi đến tàn nhẫn của ngành công nghiệp nuôi thú lấy lông.

Biết rằng thời trang từ lông động vật có một vẻ đẹp rất khó cưỡng, nhưng sự thật trần trụi đằng sau nó lại khiến con người ta phải rùng mình.

Như những hình ảnh bi hài về chú cáo trong lò nuôi thú của Phần Lan mới đây là một ví dụ. Chú béo ngấn mỡ, nặng tới 19kg - gấp gần 6 lần trọng lượng của một con ngoài tự nhiên. Cách chăn nuôi tàn nhẫn này nhằm tăng diện tích da con vật, từ đó tăng lượng lông lấy được trên cơ thể chúng. Nhưng đổi lại là sự đau đớn đến tột cùng của sinh vật đáng thương ấy.

Trong nhiều năm, các nhà bảo vệ động vật đã phải đấu tranh và kêu gọi rất nhiều để chống lại ngành công nghiệp lông thú. Theo thống kê từ PETA (Tổ chức bảo vệ động vật), thì 85% lông thú dùng cho thời trang đến từ các nhà máy nuôi thú.

Những "lò nuôi" này có thể chứa hàng ngàn, hàng vạn con vật, được thiết kế để tối đa hóa lợi nhuận, bóc lột các sinh vật đáng thương đến tột cùng.

85% lông thú dùng cho thời trang đến từ các nhà máy nuôi thú.
85% lông thú dùng cho thời trang đến từ các nhà máy nuôi thú.

Cuộc sống bên trong các nhà máy - đau đớn và ngắn ngủi

Các loài thú được nuôi lấy lông nhiều nhất là chồn và cáo. Ngoài ra còn có sóc, linh miêu, thỏ, thậm chí cả chuột hamster.

Trích trong số liệu của PETA, 58% lò nuôi chồn có mặt tại châu Âu, 10% ở Bắc Mỹ, số còn lại rải rác trên toàn cầu, như Argentina, Trung Quốc, Nga...

Tại nhà máy, những con chồn cái được cho giao phối 1 lần trong năm. Mỗi đợt sinh nở sẽ có khoảng 3 - 4 con non/mẹ, và toàn bộ sẽ bị giết trong vòng 6 tháng (chỉ lông chồn non mới được dùng cho ngành thời trang).

Đối với những con mẹ, chúng bị nhốt trong những cái chuồng siêu nhỏ, phải sống trong sợ hãi, căng thẳng, chịu đựng bệnh tật, ký sinh trùng... Rốt cục, chúng cũng chỉ tồn tại lâu hơn các con khoảng 4 - 5 năm.

Các loài thú được nuôi lấy lông nhiều nhất là chồn và cáo.
Các loài thú được nuôi lấy lông nhiều nhất là chồn và cáo.

Đối với loài thỏ, câu chuyện còn khủng khiếp hơn. Trước kia, hàng triệu con thỏ bị giết mỗi năm để lấy thịt. Tuy nhiên từ khi được tận dụng cả lông, những con thỏ được vỗ béo đến nực cười, nhưng đồng thời quãng thời gian được sống cũng ngắn lại, chỉ 12 tuần.

Theo số liệu của UN, mỗi năm giờ đây có tới hơn 1 tỉ con thỏ bị sát hại để lấy lông - chủ yếu dùng làm quần áo và một số phụ kiện thời trang. Nhưng không chỉ vậy, các cuộc điều tra của PETA châu Á còn cho thấy cuộc sống khổ sở của chúng: bị nhồi nhét chung trong môi trường chật hẹp, bẩn thỉu, và thậm chí bị lột da trong lúc vẫn còn đang sống.

Cũng chỉ là vì một chữ "tiền"

Nguyên nhân cho sự bạc đãi ấy cũng chỉ đến từ một chữ "tiền". Các lò mổ muốn cắt giảm tối đa chi phí, và họ nhốt chung rất nhiều con vật trong một cái chuồng cực nhỏ.

Môi trường chật hẹp ấy gây ảnh hưởng rất nhiều đến các loài vật như chồn và cáo, khi mình chúng có thể kiểm soát một khu vực rộng cả ngàn mẫu Anh. Chúng trở nên căng thẳng, bị kích động, thường xuyên tự cắn xé, thậm chí là ăn lẫn nhau (trích nghiên cứu ĐH Oxford).

Những con chồn bị lột da.
Những con chồn bị lột da.

Ngoài ra như đã nêu ở trên, phương pháp sát hại thú cũng gây rất nhiều tranh cãi. Để đảm bảo chất lượng lông được tốt, các chủ lò nuôi có thể sử dụng những cách lột da nguyên tấm, nhưng đồng thời khiến các sinh vật đáng thương cực kỳ khổ sở.

Một trong những phương pháp được sử dụng là nhốt thú trong một cái hộp rất lớn, và xả vào đó khí thải từ xe tải.

Loại khí này chắc chắn rất độc, nhưng chưa chắc đã đủ mạnh để gây chết, nên rất nhiều trường hợp thú đã bị lột da khi vẫn còn tỉnh.

Xác những con thú bị lột da chất thành đống.
Xác những con thú bị lột da chất thành đống.

Các loài vật lớn hơn thậm chí được đấu dây ở cả miệng và hậu môn, rồi cho dòng điện chạy qua. Đây là phương pháp được đánh giá là cực kỳ tàn bạo, vì tuy có thể khiến loài vật chết nhanh chóng, nhưng "động vật có thể vẫn còn ý thức trong vòng 10 - 30s" - theo Hiệp hội thú y Mỹ. Tức là, chúng bị buộc phải cảm nhận cơ thể chết từ từ, trong khi chúng hoàn toàn nhận thức được điều ấy?

Ngoài ra, đầu độc, gây tê, bẻ cổ... cũng là những cách phổ biến.

Tác động lớn đến môi trường

Một trong những tác hại lớn nhất của ngành công nghiệp lông thú là phá hủy môi trường. Theo thống kê, số năng lượng cần để sản xuất một chiếc áo lông thú cao gấp 20 lần một chiếc áo giả da.

Để lông thú không phân hủy, con người phải dùng một số hóa chất, và những hóa chất này có rủi ro rất lớn gây ô nhiễm môi trường nếu bị rò rỉ.

Một trong những tác hại lớn nhất của ngành công nghiệp lông thú là phá hủy môi trường.
Một trong những tác hại lớn nhất của ngành công nghiệp lông thú là phá hủy môi trường.

Chưa kể, mỗi con chồn dùng trong ngành công nghiệp lông thú sản sinh ít nhất 20kg phân. Nhân lên với tổng số chồn tại Mỹ trong năm 2014 là 3,76 triệu, con số rơi vào khoảng 10.000 tấn - đủ để gây tác động lớn đến hệ sinh thái trong một khu vực.

Chúng ta nên làm gì?

Không ai cấm bạn dùng sản phẩm từ lông thú, nhưng cũng cần hiểu rằng làm như vậy là gián tiếp ủng hộ ngành công nghiệp nuôi thú tàn nhẫn này.

Vậy phải làm gì ư? Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn!

0