12/03/2018, 11:19

Stt tâm trạng Có phải con người càng trưởng thành sẽ càng cô đơn?

Vì mong có cuộc sống tốt hơn, công việc tốt hơn, có thể tự kiếm sống và thậm chí trở thành chỗ dựa tốt cho gia đình, chính chúng ta lựa chọn đi làm xa, sống xa gia đình. Stt tâm trạng Anh ơi, hôm nay em mệt rã rời, anh đang nơi đâu? Thành phố giữ trong lòng nó bao nhiêu ảo ảnh. Ảo ...

Vì mong có cuộc sống tốt hơn, công việc tốt hơn, có thể tự kiếm sống và thậm chí trở thành chỗ dựa tốt cho gia đình, chính chúng ta lựa chọn đi làm xa, sống xa gia đình.

  • Stt tâm trạng Anh ơi, hôm nay em mệt rã rời, anh đang nơi đâu?

Thành phố giữ trong lòng nó bao nhiêu ảo ảnh. Ảo ảnh về sự sung túc, hạnh phúc, thăng tiến, thành đạt… Cũng vì những ảo ảnh đó mà chúng ta những thiêu thân không ngừng bay về phía ánh sáng, để đạt được những ước vọng, để chứng tỏ bản thân, để thấy một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước. Chúng ta lao theo nó mà dần tách mình ra khỏi những người thân thuộc, những mối quan hệ gắn bó.

 

 

Vì công việc, những hợp đồng và các mối giao kết xã hội nhiều thêm và đậm lên, chúng ta bỏ lỡ những bữa ăn gia đình. Chúng ta ngồi trên bàn nhậu nhiều hơn là ngồi trên bàn ăn cạnh những người thân yêu.

 

 

Vì sự phát triển của công nghệ, chúng ta dành phần lớn thời gian dán mắt vào chiếc di động thông minh. Chúng ta nhìn thế giới tròn ở xung quanh mình qua cái điện thoại chữ nhật. Chúng ta nói chuyện trên facebook thay vì cùng nhau gặp mặt.

 

Vì muốn được yên, chúng ta ném cho những đứa trẻ các thiết bị điện tử. Cho xem quảng cáo, phim ảnh để chúng chịu ăn mà không nhận ra rằng chính điều đó khiến trẻ phân tâm.

 

 

Lớn lên một chút, chúng ta quen làm vài việc cùng lúc. Vừa ăn vừa xem, vừa làm việc này nhưng cũng đồng thời tiện tay tiện chân làm việc khác khiến bản thân không thể ngồi yên một lúc. Hễ ngồi yên là thấy bồn chồn, không phải ai cũng đủ kiên tâm mạnh mẽ theo đuổi điều gì đó dài lâu.

 

Một khi đã dùng hết năng lượng bên ngoài xã hội, ta thường về nhà trong trạng thái cạn năng lượng, mệt mỏi, cáu gắt, thậm chí không thể trút bỏ những thứ công việc, ưu tư, lo âu thuộc về phần xã hội ngoài cánh cửa nhà.

 

Chúng ta trở nên càng rệu rã cô đơn. Lòng trống rỗng vô định, điều chúng ta muốn theo đuổi, rốt cuộc mang hình hài gì? Hạnh phúc là gì? Chúng ta cô đơn trong cuộc sống hối hả, công việc bận rộn, bạn bè tụ tập, những ý tưởng điên cuồng thay đổi cả cuộc đời, và vài ba lần hẹn hò mây mưa.

 

 

Chúng ta càng trưởng thành càng cô đơn vì chúng ta đã chọn lựa cách sống, cách suy nghĩ tách biệt. Khi bạn đặt bản thân lên đầu, nghĩ cho lợi ích của riêng mình, có những mục đích riêng cụ thể, cho cảm xúc và tự do của mình, tự khắc bạn sẽ tách mình ra khỏi số đông, khỏi tập hợp trước đây mình thuộc về, xa rời những người bạn không còn có chung mục đích, chí hướng. Thậm chí không còn thời gian và chung tiếng nói với những người chung sống với một mái nhà.

  • Stt tâm trạng về nỗi buồn của tuổi trưởng thành - Khi người lớn cô đơn

Và rồi chúng ta cảm thấy cô đơn. Chúng ta đổ lỗi cho trưởng thành mà không thử nhìn lại xem người khác đang xa lánh ta hay ta đang xa lánh họ. Người khác đang đối lập quan điểm, lẽ sống với ta nên rời khỏi, hay ta đã làm như thế với họ?

 

Thứ làm ta xa rời người khác phải chăng chính là lý trí của chúng ta. Vì nó đã ham muốn, khao khát nhiều thứ, thậm chí sẵn sàng chối bỏ những khác biệt ở người khác, hoàn cảnh khác... thay vì chấp nhận đối phương để đi chung, làm cùng.

 

 

Càng trưởng thành, càng cô đơn ư? Xem chừng thời gian không có lỗi. Là ở bản thân chúng ta thôi, chúng ta chọn điều gì, điều đó sẽ đến. Và dĩ nhiên hệ quả của nó cũng đồng thời xuất hiện mà thôi....

 

 

Lời kết: Như vậy thì cô đơn không tự nhiên sinh ra, nó cũng không phải là điều tất yếu đến của tuổi trưởng thành. Cô đơn là cách sống chúng ta tự chọn cho mình khi lớn lên, khi ta mải miết chạy theo cuộc sống hối hả, bận rộn. Chúng ta tự buông mình theo những ham muốn, những vội vã của cuộc sống. Cách tốt nhất để bạn có thể bước qua sự trống rỗng, cô đơn của tuổi trưởng thành đó là: “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn…”

0