Sông Hoàng Hà
Hoàng Hà (tiếng Hán: 黃河; pinyin: Huáng Hé; Wade-Giles: Hwang-ho, nghĩa là "sông màu vàng"), là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc với chiều dài 5.464 km sau sông Dương Tử. Cũng như các tên gọi khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, tiếng Việt gọi sông này là sông ...
Hoàng Hà (tiếng Hán: 黃河; pinyin: Huáng Hé; Wade-Giles: Hwang-ho, nghĩa là "sông màu vàng"), là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc với chiều dài 5.464 km sau sông Dương Tử. Cũng như các tên gọi khác có nguồn gốc từ Trung Quốc, tiếng Việt gọi sông này là sông Hoàng Hà, tuy nhiên về mặt ngữ nghĩa có vẻ không chính xác vì Hà đã có nghĩa là sông còn Hoàng chỉ màu vàng của nước sông này. Phần còn lại của bài này sẽ sử dụng tên gọi Hoàng Hà.
Hoàng Hà bắt nguồn từ dãy núi Côn Lôn ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hải, từ độ cao 4.500 m trong vùng lòng chảo Yekuzonglie nằm ở phía bắc của dãy núi Bayankara (hay Ba Nhan Khách Lạp) trên cao nguyên Thanh Tạng.
Từ đầu nguồn của nó, con sông chảy theo hướng nam, sau đó tạo ra một chỗ uốn cong về hướng đông nam và sau đó lại chảy theo hướng nam một lần nữa cho đến khi tới thành phố Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc, là nơi mà điểm uốn cong lớn về phía bắc, bắt đầu. Con sông chảy về phía bắc qua Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ tới khu tự trị Nội Mông, đoạn cong này gọi là Hà Sáo. Sau đó con sông này lại đổi hướng, chảy gần như thẳng về phía nam, tạo ra ranh giới của hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây. Khoảng 130 km về phía đông bắc của thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Hoàng Hà lại đổi hướng để chảy về phía đông. Nó chảy tới những vùng đất trũng ven biển ở miền đông Trung Quốc gần thành phố Khai Phong. Sau đó chảy qua Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông và đổ ra biển Bột Hải (vịnh Bột Hải).
Bạch hà
Hắc hà
Hoàng thủy
Tổ Lệ hà
Thanh Thủy hà
Đại Hắc hà
Quật Dã hà
Vô Định hà
Phần hà
Vị hà
Lạc hà
Thấm hà
Đại Vấn hà
Nó tưới tiêu cho một khu vực rộng 944.970 km vuông (364.417 dặm vuông), nhưng do tính chất khô cằn chủ đạo của vùng này (không giống như phần phía đông thuộc Hà Nam và Sơn Đông) nên lưu lượng nước của nó tương đối nhỏ. Tính theo lưu lượng nó chỉ bằng 1/15 của sông Trường Giang và 1/5 của sông Châu Giang, mặc dù khu vực tưới tiêu của con sông cuối (Châu Giang) chưa bằng một nửa của Hoàng Hà.
Trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, Hoàng Hà vừa đem lại lợi ích vừa đem lại tai họa cho người dân, vì thế nó còn được coi là "Niềm kiêu hãnh của Trung Quốc" (pinyin: Zhōngguó de Jiāoào) và "Nỗi buồn của Trung Quốc" (pinyin: Zhōngguó de Tòng). Các ghi chép chỉ ra rằng, từ năm 602 đến ngày nay, con sông này đã ít nhất 5 lần đổi dòng và các con đê bao bọc đã vỡ không dưới 1.500 lần. Lần thay đổi dòng năm 1194 đã phá vỡ hệ thống tưới tiêu của sông Hoài trong gần 700 năm sau. Phù sa Hoàng Hà đã ngăn chặn dòng chảy của sông Hoài và làm hàng ngàn người mất nhà ở. Mỗi lần đổi dòng nó khi thì đổ ra Hoàng Hải, khi thì ra vịnh Bột Hải.[1] Hoàng Hà có dòng chảy như ngày nay từ năm 1897 sau lần đổi dòng cuối cùng năm 1855.[2] Trong suốt thế kỷ 20, Hoàng Hà mang ra biển khoảng 0,9x10⁹ tấn trầm tích/năm.[1]
Màu nước vàng của con sông là do phù sa mà nó mang theo. Hàng thế kỷ của việc bồi đắp và sự bao bọc của các con đê đã làm con sông này chảy ở độ cao lớn hơn so với đất nông nghiệp hai bên bờ, làm cho việc ngập lụt trở nên nguy hiểm hơn. Ngập lụt của Hoàng Hà đã gây ra sự chết chóc khủng khiếp trong lịch sử như năm 1887 Hoàng Hà đã giết chết khoảng 900.000-2.000.000 người và năm 1931 nó đã giết chết khoảng 1.000.000-3.700.000 người. Năm 1938, trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, quân đội của Tưởng Giới Thạch đã phá đê bao bọc Hoàng Hà để ngăn cản bước tiến của quân Nhật và làm ngập lụt một vùng rộng lớn làm chết khoảng 500.000-900.000 người.
Đôi khi người ta còn gọi nó là 濁流 (Trọc Lưu), nghĩa là dòng nước đục. Thành ngữ Trung Quốc "Khi nước Hoàng Hà trong" ám chỉ điều không bao giờ xảy ra.
Hiện nay, tình trạng khô hạn do có quá nhiều đập nước trên Hoàng Hà đã trở thành một vấn đề cho nông nghiệp và hệ sinh thái của khu vực đồng bằng Hoa Bắc.
Hai tỉnh Hà Bắc và Hà Nam được đặt tên theo con sông này. Tên của hai tỉnh này có nghĩa là "bắc" và "nam" của Hoàng Hà.
Các thành phố chính dọc theo Hoàng Hà tính từ đầu nguồn bao gồm: Lan Châu (thuộc tỉnh Cam Túc), Ô Hải, Bao Đầu, Khai Phong, và Tế Nam.