Soạn văn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Đi-phô)
Đánh giá bài viết Soạn văn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Đi-phô) Đọc hiểu văn bản Câu 1: Bài văn có thể chia làm bốn phần: Phần 1 (đoạn 1): mở đầu. Phần 2 (đoạn 2, 3): trang phục của Rô-bin-xơn. Phần 3 (Từ "Quanh người tôi…" đến "bên khẩu súng của tôi"): trang bị của ...
Đánh giá bài viết Soạn văn bài: Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Đi-phô) Đọc hiểu văn bản Câu 1: Bài văn có thể chia làm bốn phần: Phần 1 (đoạn 1): mở đầu. Phần 2 (đoạn 2, 3): trang phục của Rô-bin-xơn. Phần 3 (Từ "Quanh người tôi…" đến "bên khẩu súng của tôi"): trang bị của Rô-bin-xơn. ...
Đọc hiểu văn bản
Câu 1: Bài văn có thể chia làm bốn phần:
-
Phần 1 (đoạn 1): mở đầu.
-
Phần 2 (đoạn 2, 3): trang phục của Rô-bin-xơn.
-
Phần 3 (Từ "Quanh người tôi…" đến "bên khẩu súng của tôi"): trang bị của Rô-bin-xơn.
-
Phần 4 (còn lại): diện mạo của Rô-bin-xơn.
Câu 2:
Trong bài văn, phần miêu tả diện mạo chỉ chiếm một dung lượng ít ỏi (hơn mười dòng). Điều này có nguyên nhân từ ngôi kể chuyện. Chuyện được kể từ ngôi thứ nhất. Rô-bin-xơn tự miêu tả về mình, do đó chàng chỉ có thể miêu tả những gì chàng trông thấy mà thôi, điển hình là bộ ria mép. Ngược lại, các chi tiết về trang bị vũ khí, trang phục lại được miêu tả khá kỹ.
Đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bằng cách kể theo ngôi thứ nhất, từ góc nhìn như vậy, tác giả có thể miêu tả một bộ dạng kỳ khôi, thu hút sự chú ý của bạn đọc.
Câu 3:
Rô-bin-xơn đã sống một mình ngoài đảo hoang trên mười năm. Mọi trang phục của chàng hầu hết đều bằng da dê: "bộ quần áo" là những tấm da dê buộc túm lại, ủng cũng bằng da dê, thậm chí cả bao đựng đạn cũng bằng da dê. Bên cạnh đó là những vật dụng khác: dao kiếm, cưa, rìu… Chỉ qua trang phục và các vật dụng chàng mang trên người cũng đủ thấy cuộc sống của Rô-bin-xơn khi đó vất vả, khó khăn như thế nào, đồng thời cũng cho ta thấy một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá, một bản lĩnh sống không gì khuất phục nổi.
Câu 4:
Mở đầu đoạn trích, nhân vật "tôi" đã tưởng tượng: "Nếu có ai đó ở nướcAnh gặp một kẻ như tôi lúc bấy giờ, chắc tôi sẽ làm cho họ hoảng sợ hoặc phá lên cười sằng sặc ; và lắm khi tôi đứng lặng ngắm nghía bản thân mình, tôi cứ mỉm cười tưởng tượng tôi lang thang khắp miền Y-oóc-sai với trang bị và áo quần như vậy…". Có thể nhận thấy ngay rằng, không cần phải trở về nước Anh, ngay lúc đó nhân vật "tôi" cũng đang "phá lên cười sằng sặc" bởi cái bộ dạng kì quái của mình. Từ cái mũ "to tướng, cao lêu đêu chẳng ra hình thù gì", chiếc áo có vạt "dài tới khoảng lưng chừng hai bắp đùi" cho đến cái quần "loe đến đầu gôi", lại thêm một đôi chẳng biết nên gọi là bít tất hay là giày, tất cả đều bằng da dê. Điều đó trước hết cho thấy một sự thực: Rô-bin-xơn đã không còn lấy một mảnh vải mà may áo quần (làm gì có thứ vải nào còn lại được qua mấy chục năm trời?). Nhưng đằng sau đó là một sự thật đáng khâm phục: để có thể tồn tại được, Rô-bin-xơn đã làm tất cả những gì có thể (trong truyện kể anh ta còn thuần hoá và nuôi được cả dê, trồng được lúa mạch để làm bánh…). Những thứ trang phục kì quái ấy (mũ, quần áo, giày, đai lưng để đeo các vật dụng sinh hoạt, ô che nắng mưa…) đều được chế tạo phù hợp nhằm thay thế một cách tốt nhất cho quần áo thông thường. Chỉ qua trang phục thôi, chúng ta cũng đã thấy ý chí và nghị lực của nhân vật "tôi" lớn đến mức nào. Thay vì bị hoàn cảnh éo le khuất phục, Rô-bin-xơn đã không ngừng lao động, cải tạo nó để nó phục vụ cho cuộc sống của mình.