Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập SBT Ngữ Văn 12 tập 1
Giải câu 1, 2, 3,4 trang 11 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1. Theo anh (chị), tính cổ điển và tính hiện đại của bút pháp đã được thể hiện như thế nào trong thơ của Hồ Chí Minh ? Lấy dẫn chứng từ một vài bài thơ của Người. ...
Giải câu 1, 2, 3,4 trang 11 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1
1. Theo anh (chị), tính cổ điển và tính hiện đại của bút pháp đã được thể hiện như thế nào trong thơ của Hồ Chí Minh ? Lấy dẫn chứng từ một vài bài thơ của Người.
Trả lời:
Bài làm phân tích những biểu hiện của tính cổ điển và tính hiện đại trong bút pháp của Hồ Chí Minh, kèm theo những dẫn chứng cụ thể để minh hoạ.
- Về tính cổ điển, nên chú ý đến :
+ Thế giới thiên nhiên quen thuộc : một ánh nắng ban mai, một vầng trăng đẹp, một ngọn núi cao, một dòng sông xanh, cảnh núi rừng hùng vĩ hay cánh đồng quê với tiếng sáo chăn trâu,...
+ Giọng điệu phảng phất phong vị thơ Đường, Tống.
+ Nhân vật trữ tình cũng có phong thái ung dung tự tại, hoà hợp với thiên nhiên, coi thiên nhiên là người bạn tâm tình.
- Về tính hiện đại, nên chú ý đến thiên nhiên không tĩnh lặng như trong thơ xưa mà vui tươi, khoẻ khoắn, vươn tới sự sống; con người trong thơ không phải là ẩn sĩ mà là chiến sĩ.
- Về dẫn chứng minh hoạ, nên lấy từ các bài thơ tiêu biểu như Chiều tối, Giải đi sớm, Cảnh khuya, Rằm tháng giêng,...
2. Có ý kiến cho rằng đọc Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, chúng ta bắt gặp một bức chân dung tự hoạ của tác giả. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào ?
Trả lời:
Trước khi nói đến bức chân dung tự hoạ, cần lưu ý Bác không bao giờ muốn nói về mình. Đây là hình tượng khách quan của nhân vật trữ tình toát lên từ những trang nhật kí.
- Về bức chân dung tự hoạ, có thể có nhiều cách viết khác nhau, hoặc đi từ nội dung Nhật kí trong tù hoặc dựa theo lời bình luận của một số chính khách, nhà văn hoá lớn để dàn dựng bài viết (ví dụ, theo Viên Ưng, Bác là một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng"), tuy nhiên cần nêu lên mấy ý chính sau đây:
+ Một bản lĩnh thép trước mọi gian nguy, bất trắc ("Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao").
+ Một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước cái đẹp của thiên nhiên và nỗi đau của cuộc đời và con người (Ngắm trăng, Giải đi sớm, Chiều tối, Người bạn tù thổi sáo,...).
+ Một con người hết lòng yêu nước thương dân, luôn khắc khoải lo âu cho vận mệnh nước nhà khi thức cũng như trong mộng (Ốm nặng, Đêm không ngủ, Việt Nam có báo động,...; Trăng thu, Đêm lạnh,...).
+ Một con người ung dung tự tại, luôn lạc quan tin tưởng (Giải đi sớm ; Mới ra tù, tập leo núi,...).
3. Vì sao có thể nói Tuyên ngôn Độc lập là một văn bản chính luận giàu tính nhân bản ?
Trả lời:
- Trước khi trả lời yêu cầu chính của đề (tính nhân bản), nên nói qua các giá trị chính trị, lịch sử, pháp lí,... của Tuyên ngôn Độc lập.
- Về nội dung chính là tính nhân bản, cần nêu được một số ý chính sau đây:
+ Khẳng định quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng của con người và của mọi dân tộc.
+ Lên án những tội ác đối với con người về các mặt : chính trị, luật pháp, văn hoá, kinh tế,...
+ Xót xa trước những đau thương của nhân dân Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp (dân ta chịu hai tầng xiềng xích... dân ta càng cực khổ, nghèo nàn... hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói…).
+ Đề cao những hành vi nhân đạo và khoan hồng của người Việt Nam đối với người Pháp.
+ Lên án những hành vi hèn hạ, lật lọng của thực dân Pháp, khẳng định hành động dũng cảm đứng lên giành quyền sống cũng như quyết tâm giữ vững quyền độc lập, tự do của người Việt Nam.
4. Tuyên ngôn Độc lập không chỉ hấp dẫn bởi nghệ thuật nghị luận mẫu mực mà còn lay động sâu sắc người đọc bởi tình cảm thắm thiết của tác giả. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào ?
Trả lời:
- Lâu nay, khi phân tích Tuyên ngôn Độc lập, nhiều người chỉ khai thác phương diện nghệ thuật nghị luận mẫu mực mà coi nhẹ hoặc bỏ qua một phương diện quan trọng khác là nội dung tình cảm, chất văn của văn bản. Chế Lan Viên sớm chú ý đến phương diện thứ hai này trong bài viết Trời cao xanh ngắt sáng Tuyên ngôn.
- Theo yêu cầu của đề, khi làm bài này, anh (chị) cũng cần đề cập đến phương diện thứ nhất nhưng trọng tâm là phương diện thứ hai.
- Về sức lay động của những “tình cảm thắm thiết” của bản tuyên ngôn, nên chú ý đến mấy ý chính sau đây:
+ Thái độ căm phẫn của tác giả khi vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta (Chúng thi hành... Chúng lập ra... Chúng thẳng tay... Chúng ràng buộc... Chúng dùng... Chúng cướp... Chúng giữ độc quyền... Chúng đặt ra... Chúng không cho...).
+ Tình cảm xót thương của tác giả khi nói đến những nỗi đau của dân tộc ta (tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu... nòi giống ta suy nhược... dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều...).
+ Tình cảm thiết tha, mãnh liệt; thái độ cương quyết, đanh thép khi nói đến quyền được hưởng tự do, độc lập... của nhân dân Việt Nam cũng như quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc (Sự thật là... Sự thật là... Chúng tôi tin rằng... quyết không thể không công nhận... Một dân tộc đã gan góc... một dân tộc đã gan góc... dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập !)
+ Bài văn toát lên khát vọng tự do, độc lập, ý chí mãnh liệt của tác giả và cũng là khát vọng muôn đời của dân tộc ta.
Tất cả những tình cảm trên được biểu lộ qua một giọng điệu đặc biệt: khi thì nồng nàn thiết tha, khi thì xót xa thương cảm, khi thì hừng hực căm thù, khi thì hùng hồn, đanh thép,...
Sachbaitap.com