27/04/2018, 15:29

Soạn bài Tây Tiến SBT Ngữ Văn 12 tập 1

Giải câu 1, 2, 3,4,5 trang 61 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 1 . Bài tập 1, trang 90, SGK. Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ là bút pháp hiện thực hay lãng mạn? Phân tích so sánh Tây Tiến với bài thơ Đồng Chí của ...

Giải câu 1, 2, 3,4,5 trang 61 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1Bài tập 1, trang 90, SGK.

Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ là bút pháp hiện thực hay lãng mạn? Phân tích so sánh Tây Tiến với bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu để làm rõ bút pháp đó.

Trả lời:

Bút pháp của Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến là bút pháp lãng mạn, khác với bút pháp hiện thực của Chính Hữu trong bài thơ Đồng chí.

Bút pháp trong thơ thường được quy định bởi hai yếu tố : bản chất của hồn thơ và tính chất của đối tượng miêu tả.

- Chính Hữu là một hồn thơ mộc mạc, bình dị, thơ ông hướng tới những người nông dân mặc áo lính, họ ra đi từ những làng quê nghèo khó của đất nước, do đó bút pháp hiện thực rất thích hợp để thể hiện hình tượng người chiến sĩ này. Cũng chính bút pháp hiện thực đã quy định việc miêu tả người chiến sĩ chủ yếu được nhấn mạnh, tô đậm ở cái hằng ngày, cái thưởng thấy, cái bình thường. Ví dụ, miêu tả vẻ ngoài của người chiến sĩ như trong đời sống thực của cuộc kháng chiến đầy gian khổ, thiếu thốn : “Áo anh rách vai - Quần tôi có vài mảnh vá [...] - Chân không giày”, biểu hiện nỗi nhớ với những hình ảnh thực, gắn với tâm trạng người nông dân chất phác : “Ruộng nương ... Gian nhà ... Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”.

- Còn Quang Dũng là một hồn thơ hào hoa và lãng mạn. Lính Tây Tiến cũng là những con người như thế, phần lớn là người Hà Nội, mang đậm chất hào hoa, lãng mạn của những chàng trai kinh thành. Do đó bút pháp lãng mạn mà Quang Dũng sử dụng rất thích hợp để miêu tả hình tượng người chiến sĩ này. Cũng chính bút pháp lãng mạn đã quy định việc miêu tả người chiến sĩ chủ yếu được tô đậm, nhấn mạnh ở những cái đặc biệt, cái khác thường, cái phi thường. Ví dụ, miêu tả vẻ ngoài của những chiến binh Tây Tiến bằng những chi tiết gây ấn tượng mạnh mẽ : “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc - Quân xanh màu lá dữ oai hùm", biểu hiện nỗi nhớ với vẻ đẹp thơ mộng của người con gái nơi thành phố quê hương : “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

2. Một nét đặc sắc của bài thơ Tây Tiến là tinh thần bi tráng. Do đâu mà có tinh thần bi tráng ấy và nó được thể hiện rõ nhất ở hình ảnh nào trong bài thơ ?

Trả lời:

Một nét đặc sắc của bài thơ Tây Tiến là tinh thần bi tráng. Do đâu mà có tinh thần bi tráng đó ? Chiến trường Tây Tiến ác liệt, hoang vu, nhiều thú dữ, bệnh sốt rét hoành hành, không ít người lính ngã xuống trên đường hành quân,... Đó là cái bi, là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến. Quang Dũng không lẩn tránh những gì bi thảm, mất mát, đau thương, nhưng lại đem đến cho cái bi thảm ấy một âm hưởng hùng tráng của cuộc chiến đấu vì Tổ quốc độc lập, tự do - từ đó có chất bi tráng. Cái hùng tráng này là của Quang Dũng và của cả một lớp thanh niên thời ấy, họ mang trong mình bầu máu nóng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “một ra đi là không trở về” như hình mẫu những tráng sĩ trong truyện cổ mà họ từng ôm ấp ; lại được luồng gió yêu nước của cái thời anh hùng rực lửa lúc bấy giờ thổi vào, nên càng hào hùng, rực rỡ.

Tinh thần bi tráng thể hiện rõ nhất ở hai câu thơ :

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Cái chết là bi thảm ; nhưng đây không phải là cái chết bi luỵ, bi thảm mà là cái chết lẫm liệt, hào hùng. Đối với người lính Tây Tiến, còn sống là còn chiến đấu vì Tổ quốc, chiến đấu quên mình “chẳng tiếc đời xanh”. Cũng vì hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống và cái chết như thế cho nên họ ra đi chiến đấu thật thanh thản, họ chấp nhận cái chết thật nhẹ nhàng và sự hi sinh của họ được nhà thơ ca ngợi bằng những lời thơ đẹp đẽ. Tấm áo lính bình thường đưa người chiến sĩ về nấm mồ viễn xứ bỗng đẹp hơn, đậm màu chiến trận hơn và tăng thêm vẻ trang trọng, thiêng liêng khi được gọi là áo bào. Còn cái chết của người chiến sĩ được diễn tả bằng hai chữ về đất - cách nói giảm như thế làm bớt đi cảm giác bi luỵ, ghê sợ về cái chết, đồng thời làm tăng thêm tính chất hào hùng, thanh thản của sự hi sinhCách nói ấy cũng đã làm xuất hiện một ý nghĩa mới: Người chiến sĩ ngã xuống cũng là trở về với Đất Mẹ, trở về trong lòng Tổ quốc yêu thương. Trước cái chết của người đồng đội, Quang Dũng không trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình, ở đây chỉ có thiên nhiên chứng kiến và dòng sông Mã cũng gầm lên đau đớn như cùng chia sẻ, cảm thông với nỗi đau xót vô hạn của con người. Do đó có thể coi tiếng sóng nước réo gào, cái khúc độc hành của dòng sông Mã chính là khúc nhạc bi tráng của đất trời núi sông Tổ quốc tiễn biệt người chiến sĩ.

3. Có người cho rằng “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm - Heo hút cồn mây súng ngửi trời - Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống - Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi" là “bốn câu tuyệt bút” của Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến. Phân tích bốn câu thơ để làm rõ ý kiến ấy.

Trả lời:

Tham khảo đoạn trích sau :

Một bức tranh thể hiện cái hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội của núi rừng Tây Bắc. Tranh vẽ bằng hình ảnh và âm thanh. Thủ pháp đối lập được khai thác triệt để. Lên cao rồi xuống sâu, gập ghềnh, khúc khuỷu, lắng nghe như thấy được tiếng thở nặng nhọc của người lính trên đường hành quân - câu thứ nhất là như thế. Câu thứ hai đầy tưởng tượng với những hình ảnh, chữ dùng rất bạo. Người lính dường như đi trên mây, trèo lên lưng mây, mũi súng chạm tới đỉnh trời. Chữ “ngửi” có thể xem là một nhãn tự có sức biểu hiện cao. Câu thứ ba vẽ bằng thủ pháp đối lập một đường gấp khúc diễn tả hai bên dốc núi gần như thẳng đứng, nhìn lên rất cao, nhìn xuống rất sâu. Câu thứ tư thì toàn thanh bằng. Có thể tưởng tượng người lính hành quân nơi lưng chừng núi, tạm dừng chân và phóng ngang tầm mắt ra xa để thấy nhà ai đó thấp thoáng chơi vơi ẩn hiện qua một không gian mịt mùng sương rừng mưa núi.

Ngày xưa Tản Đà có hai câu thơ củng gần như thế. Câu trước uất nghẹn với nhiều thanh trắc, câu sau toàn thanh bằng như một tiếng thở dài:

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương

                                                                                        (Thăm mả cũ bên đường)

Điều khác ở đây là Tản Đà thì tả tình, còn Quang Dũng thì vẽ cảnh.

(Theo Văn học 12, Sách giáo viên, NXB Giáo dục, 1992)

4. Vẻ đẹp của người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Trả lời:

Nên tập trung vào mấy ý chính sau :

- Người lính hiện về trong hồi ức như một biểu tượng xa vời trong thời gian và không gian (Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi... Nhớ về rừng núi... Tây Tiến người đi không hẹn ước - Đường lên thăm thẳm một chia phôi - Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy…) nhưng vẫn là hoài niệm không dứt, một nỗi thương nhớ mênh mang (Nhớ về, nhớ chơi vơi,...).

- Người lính được miêu tả rất thực trong những sinh hoạt cụ thể hằng ngày, trong những bước đi nặng nhọc trên đường hành quân, với những đói rét bệnh tật, với những vẻ tiều tuỵ về hình hài song vẫn rất phong phú trong đời sống tâm hồn với những khát vọng rất mãnh liệt của tuổi trẻ.

- Tác giả phát hiện ra vẻ đẹp trong đời sống tâm hồn của người lính:

+ Nhạy cảm, tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng với những cảnh sắc độc đáo [hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc, dòng nước lũ, cánh hoa đong đưa).

+ Khát khao lập chiến công nhưng vẫn ôm ấp những giấc mơ đẹp về tình yêu tuổi trẻ (Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).

- Người lính hiện lên chân thực, lãng mạn (đến đa tình, đa cảm), đồng thời cũng rất hào hùng, rất tráng sĩ. Với những từ Hán Việt vốn mang sắc thái cổ điển trang trọng (Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành...), tác giả tạo được không khí thiêng liêng khiến cho sự hi sinh của người lính trở thành một hành vi lịch sử có sức thấu động cả dòng sông Mã. Âm hưởng bốn câu thơ cuối làm cho hơi thơ cứ vọng dài thăm thẳm, hoà với bước đường của người chiến sĩ tình nguyện ra đi cho mùa xuân đất nước :

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

5. Về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng : “Bài thơ viết về nỗi buồn đau nhưng là cái buồn đau bi tráng chứ không phải là cái buồn đau bi luỵ”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Trả lời:

Tham khảo những gợi ý sau :

a)  Bài thơ Tây Tiến có viết về nỗi buồn đau

- Nỗi buồn từ những gian nan, thử thách mà người lính Tây Tiến phải trải qua trên con đường hành quân :

+ Những hiểm trở trên đường hành quân :

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

+ Những bí ẩn của rừng thiêng và cảnh thú dữ rình rập:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

-Nỗi buồn từ những bệnh tật mà người lính phải chịu đựng do rừng thiêng nước độc gây ra:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

- Nỗi buồn đau từ những hi sinh mất mát mà người lính phải đối diện:

+ Ngã gục trên con đường hành quân đầy gian khó :

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

+ Cống hiến tuổi thanh xuân, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Những nỗi buồn đau đó được nhà thơ Quang Dũng khắc hoạ một cách chân thực, không né tránh, không tô hồng hay bôi đen.

b) Nhưng đó là những nỗi buồn đau bi tráng chứ không bi lụy

- Tính chất bi tráng thể hiện ở tinh thần lạc quan, tinh nghịch, ngạo nghễ, ngang tàng của người lính giữa núi rừng hiểm trở : “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Trước những gian nan, thử thách của núi rừng miền Tây, người lính Tây Tiến vẫn say sưa phóng tầm mắt, ngắm nhìn cảnh vật mờ ảo dưới cơn mưa rừng : “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” và vẫn cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp hài hoà, thơ mộng, lãng mạn của thiên nhiên và con người miền Tây:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Những hiểm nguy của núi rừng sẽ tan ngay trong trí nhớ, người lính Tây Tiến sống trong niềm vui của đêm lửa trại với tình quân dân ấm áp.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

-    Tính chất bi tráng thể hiện ở vẻ oai phong, đa tình, lãng mạn dù người lính có ốm đau, bệnh tật:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Đây là nét hào hùng, hào hoa rất đặc trưng của người lính Tây Tiến.

- Tính chất bi tráng thể hiện ở việc người lính Tây Tiến thanh thản, chủ động đối diện với những hi sinh, mất mát:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Quang Dũng nói về sự hi sinh của người lính nhưng không một lần dùng từ “chết” hoặc “hi sinh". Sự hi sinh cao cả của người lính là một sự ra đi nhẹ nhàng, ngang tàng, phảng phất vẻ nghệ sĩ - tài tử.

(Nguyễn Thị Hương soạn)

Sachbaitap.com

0