Soạn bài Những yêu cầu về sử dụng tiếng Việt SBT Ngữ văn 10 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 51 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Lựa chọn những cách đánh giá thích hợp đối với câu văn sau đây: Với nghệ thuật so sánh của tác giả đã làm nối bật sự hi sinh to lớn của những người mẹ Việt Nam. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 trang 51 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Lựa chọn những cách đánh giá thích hợp đối với câu văn sau đây: Với nghệ thuật so sánh của tác giả đã làm nối bật sự hi sinh to lớn của những người mẹ Việt Nam.
1. Bài tập 1, trang 68, SGK.
Lựa chọn những từ ngữ viết đúng trong các trường hợp sau :
bàn hoàng / bàng hoàng ; chất phát / chất phác ; bàn quan / bàng quang ; lãng mạn / lãng mạng ; hiu trí / hưu trí ; uống riệu / uống rượu ; trau chuốt / chau chuốt ; lồng làn / nồng nàn ; đẹp đẽ / đẹp đẻ ; chặc chẻ / chặt chẽ.
Trả lời:
Có thể dùng Từ điển tiếng Việt hoặc Từ điển chính tả tiếng Việt để xác định và lựa chọn những từ viết đúng, phù hợp với chuẩn ngữ âm và chuẩn chính tả. Ví dụ, các từ đúng chuẩn : bàng hoàng, chất phác, bàng quan, lãng mạn...
2. Bài tập 2, trang 68, SGK.
Phân tích tính chính xác và tính biểu cảm của từ lớp (thay cho từ hạng) và của từ sẽ (thay cho từ phải) trong bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc đầu Bác dùng các từ hạng, phải, sau đó gạch bỏ) :
- Năm nay,tôi vừa 79 tuổi, đã là [hạng] lớp người "xưa nay hiếm"...
- Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi [phải] sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột.
(Bút tích "Di chúc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12,
NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000)
Trả lời:
Phân tích tính chính xác và tính biểu cảm của hai từ trong bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Từ hạng (cùng với các từ đồng nghĩa : loại, thứ) có nét nghĩa đánh giá tốt / xấu. Nếu dùng chỉ người thì nó thường thể hiện nét nghĩa đánh giá xấu. Trong khi đó, từ lớp chỉ phân biệt người theo tuổi tác, thế hệ, không có nét nghĩa đánh giá tốt / xấu. Câu văn chỉ nói về tuổi (Năm nay, tôi vừa 79 tuổi), cho nên dùng từ lớp là phù hợp với mạch ý của cả câu.
- Từ phải mang nét nghĩa bắt buộc, cưỡng bức, nặng nề không phù hợp với sắc thái coi cái chết nhẹ nhàng, coi đó là vinh hạnh đi gặp các vị cách mạng đàn anh. Từ sẽ có nét nghĩa bình thản, nhẹ nhàng, phù hợp với sắc thái chung của câu văn.
3. Bài tập 3, trang 68, SGK.
Phân tích chỗ đúng, chỗ sai của các câu và của đoạn văn sau :
Trong ca dao Việt Nam những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn tất cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau sinh sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đén công việc trong xóm ngoài làng. tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc.
Trả lời:
Chú ý lỗi của đoạn văn nằm ở hai điểm :
- Câu đầu chỉ nói về tình yêu nam nữ, những câu sau lại nói sang cả những tình cảm khác.
- Quan hệ thay thế của từ họ ở những câu 2 và 3 không rõ.
Cần chữa đoạn văn ở hai phương diện đó.
4. Bài tập 4, trang 68, SGK.
Câu văn được tổ chức mạch lạc theo cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt (chủ ngữ - vị ngữ - phụ ngữ - thành phần phụ chú), đồng thời cũng đậm đà sắc thái biểu cảm và có tính hình tượng cụ thể. Hãy phân tích và làm sáng tỏ điều đó.
Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái chốn này, nơi chị đã oa oa tiếng khóc đầu tiên, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hoongd da dẻ chị.
(Anh Đức, Hòn Đất)
Trả lời:
- Câu văn cấu tạo đúng với chuẩn mực trong ngữ pháp tiếng Việt :
Chủ ngữ (Chị Sứ) - vị ngữ (yêu) - phụ ngữ 1 (biết bao nhiêu) - phụ ngữ 2 (cái chốn này) - thành phần phụ chú 1 (nơi chị đã oa oa cất tiếng khóc đầu tiên) - thành phần phụ chú 2 (nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị).
- Đồng thời, câu văn cũng có sắc thái biểu cảm và tính hình tượng (giá trị nghệ thuật) rõ rệt. Đó là nhờ ở việc dùng từ ngữ khắc hoạ được hình ảnh rõ nét và mang sắc thái biểu cảm : oa oa cất tiếng khóc, quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị (âm thanh, màu sắc, đường nét).
5. Lựa chọn những cách đánh giá thích hợp (tuỳ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng) đối với câu văn sau đây:
Với nghệ thuật so sánh của tác giả đã làm nối bật sự hi sinh to lớn của những người mẹ Việt Nam.
a) Thừa từ với.
b) Câu đúng.
c)Thừa từ của thứ nhất, cần có quãng ngắt (dấu phẩy) ở chỗ đó.
d) Thiếu chủ ngữ ở sau từ tác giả. Cần đánh dấu phẩy và thêm chủ ngữ ở chỗ đó (chẳng hạn : tác phẩm).
Trả lời:
Cùng một câu văn, nhưng do tách nó ra khỏi ngữ cảnh nên có thể có nhiều phương án đánh giá và sửa chữa. Có thể lựa chọn một trong ba phương án a, c, d tuỳ thuộc vào ngữ cảnh mà câu này được sử dụng. Phương án b thì sai.
6. Trong câu văn sau đây, những từ ngữ nào thừa, lặp ý không cần thiết ? Hãy chữa lại cho đúng.
Diện mạo của một nền văn học Việt Nam giàu tính truyền thống và hiện đại là một chân dung đang hình thành.
Trả lời:
Câu văn mắc lỗi dùng thừa từ, nên ý lặp : từ diện mạo và chân dung lặp ý, chỉ nên dùng một trong hai từ ngữ đó. Có hai cách chữa :
- Bỏ các từ diện mạo của.
- Bỏ các từ là một chân dung.
7. Đoạn văn sau đây cần những dấu câu gì và cần đặt chúng ở những vị trí nào để đạt được tính mạch lạc, sáng rõ ?
Nguyễn Du là người đầu tiên trong lịch sử văn học cổ điển Việt Nam đã phác ra một bức tranh xã hội toàn diện đã lấy những đau khổ của con người đương thời để đặt thành những vấn đề xã hội chung thành vấn đề của con người trong xã hội có áp bức bóc lột đã đưa nghệ thuật văn học đặc biệt là nghệ thuật thơ ca Việt Nam đến một đỉnh cao vời vợi trước đó chưa từng thấy.
Trả lời:
Cần dùng : một dấu chấm cuối câu, hai dấu phẩy để ngăn cách thành phần nhấn mạnh ở giữa câu, hai dấu chấm phẩy ngăn cách ba vế câu ngang hàng nhau (đều bắt đầu bàng từ đã), một dấu gạch ngang để tách thành phần chú thích.
8. Đọc và chỉ ra những câu văn đúng :
a) Bằng hình tượng Từ Hải đã nói lên phong trào nông dân khởi nghĩa.
b) Ở châu Úc, diện tích trồng ngô giảm một nửa, nhưng năng suất lại tăng gấp đôi, nhờ thế mà giữ nguyên được tổng sản lượng.
c) Với anh một con người luôn hi sinh hạnh phúc của mình cho những người khác.
d) Bà lão nhai trầu bằng hai hàm răng.
Trả lời:
Muốn xác định được câu đúng/sai, cần xem xét câu theo những yêu cầu về cấu tạo ngữ pháp, quan hệ ý nghĩa và yêu cầu về thông tin trong giao tiếp. Câu a nhập nhằng giữa trạng ngữ và chủ ngữ. Câu c mới chỉ có các thành phần phụ (trạng ngữ : với anh và phụ chú ngữ : một con người... người khác). Câu d không có thông tin mới, tức không có giá trị trong giao tiếp.
Sachbaitap.com