23/04/2018, 22:32

Soạn bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người

I. Đọc – hiểu văn bản: Câu 1: Nhận xét về bài 1, em đồng ý với ý kiến: a. Bài ca dao có 2 phần: phần đầu là câu hỏ của chàng trai, phần sau là lời đáp của cô gái. Hình thức đối đáp này có rất nhiều trong ca dao, dân ca. Câu 2: *Chàng trai, cô gái lại dùng những địa danh với ...

I. Đọc – hiểu văn bản:

Câu 1: Nhận xét về bài 1, em đồng ý với ý kiến:

 a. Bài ca dao có 2 phần: phần đầu là câu hỏ của chàng trai, phần sau là lời đáp của cô gái. Hình thức đối đáp này có rất nhiều trong ca dao, dân ca.

Câu 2:

*Chàng trai, cô gái lại dùng những địa danh với những đặc điểm của từng địa danh như vậy để hỏi – đáp:

Vì đây là lời mà các chàng trai và các cô gái hát giao duyên trong chặng hát đố  - chặng hát thử tài hiểu biết của nhau về lịch sử, địa lí, phong tục của các vùng miền.

Những địa danh trong bài 1 là địa danh của vùng núi Bắc Bộ. Nó gắn với nhiều đặc điểm văn hóa, phong tục của nhiều vùng đất. Người hỏi – chàng trai hỏi những vùng rất tiêu biểu, trong khi đó người trả lời – cô gái trả lời rất chuẩn và chính xác. Từ đó, thông qua cuộc hỏi đáp như vậy, chàng trai và cô gái bày tỏ tình cảm với nhau.

Câu 3:

*Phân tích cụm từ “rủ nhau”: chỉ mối quan hệ thân thiết, gần gũi của những người cùng sở thích. Cảnh Hà Nội là niềm say mê của rất nhiều người, muốn chia sẻ tình cảm về Hà Nội với mọi người. Đặc biệt, cụm từ “rủ nhau” thể hiện yếu tố cộng đồng và xuất hiện khá nhiều trong ca dao.

*Nhận xét tả cảnh của bài 2:

- Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ: Kiếm Hồ tức là Hồ Hoàn Kiếm  một thắng cảnh, một di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”, nơi Rùa Vàng ngoi lên đòi lại gươm báu

=> Câu thơ “Rủ nhau…Kiếm Hồ” là một câu dẫn, câu gợi cho người đọc, người nghe đến với Hồ Gươm. Bởi khi đến Hồ Gươm, mọi người không chỉ thấy có Hồ Gươm mà còn đến với những địa danh nổi tiếng như cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn tạo nên bức tranh thơ mộng. Thủ pháp gợi chứ không tả  gợi lên những địa danh tuyệt đẹp – là niềm tự hào của dân tộc.

*Suy ngẫm về câu “Hỏi ai gây dựng nên non nước này?” là một câu hỏi tu từ, có ý nghĩa khẳng định, nhắc nhở về công lao xây dựng đất nước của ông cha ta. Đó là lời nhắc nhở các thế hệ về sau phải luôn luôn giữ gìn, bào vệ và phát triển những truyền thống tốt đẹp đó.

Câu 4:

*Nhận xét của em về cảnh trí xứ Huế và cách tả trong bài 3:

Cảnh trí xứ Huế được tác giả dân gian phác họa qua vẻ đẹp của con đường. Đó là con đường gợi tả bằng những màu sắc tươi tắn (non xanh, nước biếc). Cảnh đó đẹp như tranh vẽ. Bức tranh xứ Huế tạo nên vẻ đẹp gần gũi, khoáng đạt và nên thơ.

- Đại từ “ai” là một từ phiếm chỉ: có thể chỉ trực tiếp người mà tác giả quen nhưng đó cũng có thể là lời nhắn nhủ đến với tất cả mọi người.

- “Ai vô xứ Huế thì vô”: ẩn chứa lời mời, lời nhắn gửi, hẹn hò rất tinh tế, kín đáo. Một mặt thể hiện tình yêu đối với xứ Huế còn một mặt là muốn giới thiệu, chia sẻ với mọi người về cảnh đẹp của xứ Huế.

Câu 5:

*Hai dòng thơ đầu bài 4 có những đặc điểm về từ ngữ:

- Các từ “ni, tê” (này, kia) cho người đọc hiểu đây là tiếng miền Trung.

- Các điệp ngữ, đảo ngữ: “đứng bên ni đồng, đứng bên tê đồng”, “mênh mông bát ngát, bát ngát mênh mông” thể hiện cánh đồng rộng lớn nhìn hút tầm mắt; từ bên nào nhìn ra cũng cũng thấy sự rộng lớn của cánh đồng- cánh đồng đang vươn lên, đầy sức sống.

=> Ý nghĩa: Tất cả đều nhắm khắc họa khoảng không gian rộng lớn bát ngát của cánh đồng qua cái nhìn mải mê, sung sướng của người ngắm cảnh.

Câu 6: Phân tích hình ảnh cô gái trong hai dòng cuối bài 4:

Cô gái được so sánh với “chẽn lúa đòng đòng”

+, Lúa đòng đòng: lúa sắp trổ bông, sắp trưởng thành, thân lúa bắt đầu cong xuống, hạt lúa non sắp mẩy căng, ngậm sữa ngọt lành.

+, Người con gái nông thôn đang vào tuổi dậy thì phơi phới sức xuân, mơn mởn như chẽn lúa ấy.

=> Trước cánh đồng mênh mông, bát ngát,  hình ảnh cô gái có vẻ nhỏ bé nhưng lại thể hiện được tâm trạng hồn nhiên, trẻ trung tươi mới, tinh sạch và đầy sức sống như “phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”.

=> Đó cũng là mối quan hệ giữa cảnh và người tạo nên bức tranh hài hòa, mang vẻ đẹp tinh tế và gợi cảm.

Câu 7:

*Bài 4 là lời của chàng trai đang ngắm cô gái đứng trên cánh đồng. Chàng trai thấy cánh đồng rộng mênh mông, cô gái trẻ trung, xinh đẹp và đầy sức sống.

*Cách hiểu khác về bài 4: cô gái đứng trước cánh đồng rộng mênh mông, rợn ngợp, nhìn đâu cũng không thấy bờ, cô gái cất lên tiếng than về thân phận nhỏ bé của mình. Em không đồng tình với cách hiểu này vì trong câu thể hiện được niềm vui, sự hạnh phúc nên không thể nào lại là sự nhỏ bé, vô định được.

II. LUYỆN TẬP:

Câu 1: Nhận xét về thể thơ trong bốn bài ca

- Sử dụng thể thơ lục bát nhưng cũng có sử dụng lục bát biến thể (bài 1 và 3) và thể thơ tự do ở hai câu đầu bài 4.

=> Mỗi thể loại như vậy đều có những ưu, nhược điểm nhất định trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc.

Câu 2: Tình cảm chung của cả 4 bài:

- Là tình yêu quê hương, đất nước và con người.

- Tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người, quê hương, đất nước.

Zaidap.com

0