Soạn bài: Mùa xuân nho nhỏ
Bố cục: - Phần 1 (khổ thơ đầu): Mùa xuân trữ tình, nên thơ của thiên nhiên đất trời và cảm xúc của tác giả. - Phần 2 (hai khổ thơ tiếp theo): Mùa xuân của đất nước trong dòng chảy lịch sử. - Phần 3 (hai khổ thơ tiếp): Ước nguyện chân thành được cống hiến cho đất ...
Bố cục:
- Phần 1 (khổ thơ đầu): Mùa xuân trữ tình, nên thơ của thiên nhiên đất trời và cảm xúc của tác giả.
- Phần 2 (hai khổ thơ tiếp theo): Mùa xuân của đất nước trong dòng chảy lịch sử.
- Phần 3 (hai khổ thơ tiếp): Ước nguyện chân thành được cống hiến cho đất nước của nhà thơ.
- Phần 4 (khổ thơ còn lại): Tình cảm của nhà thơ giành cho quê hương đất nước qua điệu dân ca Huế.
Hướng dẫn soạn bài
Câu 1:
Từ xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể hiện khát vọng được dâng hiến "mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.
Có thể xác định bố cục của bài thơ gồm bốn đoạn:
- Khổ đầu (6 dòng thơ): cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
- Hai khổ 2, 3 (từ "Mùa xuân người cầm súng" đến "cứ đi lên phía trước"): hình ảnh mùa xuân đất nước.
- Hai khổ 4, 5 (từ "Ta làm con chim hót" đến "Dù là khi tóc bạc"): những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước thiên nhiên đất nước.
- Khổ thơ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu ca Huế.
Câu 2:
Mùa xuân ở khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Chỉ bằng vài nét phác hoạ, tác giả đã vẽ ra cả không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, với màu sắc tươi thắm (sông xanh, hoa tím biếc), với những âm thanh vang vọng (tiếng chim chiền chiện) của mùa xuân.
Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân được diễn tả qua hai câu thơ:
Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng.
Có nhiều cách hiểu về hai câu thơ này, tuy nhiên có thể hiểu "từng giọt" là "những giọt mùa xuân", là sự chuyển đổi các cảm giác, từ màu sắc, âm thanh, hình ảnh... sang hình khối, đường nét, một sự cụ tượng hoá những yếu tố vô hình (âm thanh, màu sắc...) thành một yếu tố hữu hình, có thể cảm nhận được bằng nhiều giác quan. Dù hiểu như thế nào thì hai câu thơ cũng thể hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước cảnh mùa xuân.
Câu 3:
Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm về mùa xuân đất nước. Đó là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống, được cống hiến phần tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình: muốn "làm con chim hót", muốn "làm một cành hoa"... Niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa toả hương sắc, mang đến vẻ đẹp cho cuộc đời.
Đoạn thơ gợi cho ta những suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết sống, biết chăm lo cho cuộc đời chung và có thể đóng góp những gì tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
Câu 4: Bài thơ có nhịp điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Đặc điểm ấy có được là nhờ nhà thơ đã sử dụng các yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, cách gieo vần, cách sử dụng các điệp từ, điệp ngữ rất hiệu quả:
- Thể thơ năm chữ gắn liền với các điệu dân ca, nhất là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Cách gieo vần liền giữa các khổ thơ cũng góp phần toạ nên sự liền mạch cho cảm xúc.
- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị (bông hoa tím, tiếng chim hót, vì sao...) với các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát (đất nước như vì sao...).
- Tứ thơ xoay quanh hình ảnh mùa xuân, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước. Cách cấu tứ như vậy khiến cho ý thơ luôn tập trung, cảm xúc trong thơ không bị dàn trải.
- Giọng điệu của bài thơ thể hiện đúng tâm trạng của tác giả, biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: vui, say sưa ở đoạn đầu, trầm lắng, thiết tha khi bộc bạch tâm niệm, sôi nổi, tha thiết ở đoạn kết.
Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải. Nhiều nhà thơ đã viết về mùa xuân với những sắc thái khác nhau: mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), Xuân ý, Xuân lòng (Tố Hữu)... Trong bài thơ này, ý nguyện của tác giả là muốn làm một mùa xuân nhưng chỉ là một mùa xuân nho nhỏ - đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm đẹp thêm mùa xuân đất nước.
Luyện tập
Câu 1 (trang 58 SGK):
Học thuộc lòng bài thơ
Câu 2 (trang 58 SGK): Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích.
Gợi ý: Đoạn văn bình khổ thơ:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Khổ thơ trên là lời ước nguyện thiết tha mà chân thành của nhà thơ, mong muốn được cống hiến cho đất nước. Điệp từ “ta” được lặp lại ba lần đi cùng với những động từ “làm”, “nhập” đã thể hiện một cách trực tiếp tư thế sẵn sàng nhập cuộc, sẵn sàng cống hiến của nhà thơ. Nhà thơ muốn trở thành một “con chim hót”, “một cành hoa”, “một nốt trầm xao xuyến”, những điều tuy giản đơn, bé nhỏ nhưng đẹp đẽ, ý nghĩa. Nhà thơ ý thức được sự nhỏ bé của cá nhân trước tầm vóc của cả một dân tộc. Ước nguyện của nhà thơ là trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” hòa cùng với sắc điệu mùa xuân của cả đất nước, chỉ khi có thể góp sức mình cho dân tộc thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, đáng sống. Tấm lòng cao đẹp, tinh thần dân tộc sáng ngời được gửi gắm đằng sau cách nói khiêm tốn nhưng đầy chân thành khiến cho ý nghĩa của đoạn thơ càng trở nên sâu sắc, cảm động.
Ý nghĩa - Nhận xét
- Về nội dung: Học sinh cảm nhận được tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời và ước nguyện chân thành muốn được cống hiến cho đất nước của nhà thơ.
- Về nghệ thuật: Học sinh phân tích được giá trị biểu đạt của thể thơ năm tiếng, với nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca cũng như những hình ảnh đẹp, giản dị mà giàu tính biểu cảm, cùng những ẩn dụ, so sánh chuyển đổi cảm giác mà tác giả sử dụng.
Các bài soạn văn lớp 9 hay