Soạn bài lớp 7: Ôn tập phần tiếng Việt (Tiếp theo)
Soạn bài lớp 7 Ôn tập phần tiếng Việt Soạn bài Ôn tập phần tiếng Việt (Tiếp theo) được VnDoc biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 giúp các em học sinh ôn tập, từ đó học tập tốt môn ...
Soạn bài Ôn tập phần tiếng Việt (Tiếp theo)
được VnDoc biên soạn bám sát theo nội dung sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 giúp các em học sinh ôn tập, từ đó học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 7 chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.
Bài tham khảo 1
1. Về khái niệm từ đồng nghĩa và các loại từ đồng nghĩa, xem lại bài "Từ đồng nghĩa" (Bài 9).
- Hiện tượng từ đồng nghĩa (nhiều từ cùng biểu thị một sự vật, họat động, tính chất) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu biểu thị các sự vật, hoạt động, tính chất trong những biểu hiện phong phú, sinh động, đa dạng, nhiều màu vẽ của nó trong thực tế khách quan.
2. Về khái niệm từ trái nghĩa, xem lại bài "Từ trái nghĩa" (Bài 10).
3. Muốn tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa với một từ cho sẵn nào đó, có thể dựa vào từ cho sẵn ấy (gọi là từ điểm tựa, từ kích thích) để liên tưởng tìm từ. Có hai kiểu liên tưởng về ngữ nghĩa: Liên tưởng tương đồng (liên tưởng tương tự) để tìm từ đồng nghĩa và liên tưởng trái ngược để tìm từ trái nghĩa. Vận dụng cách làm này vào việc giải bài tập, ta có:
- Bé: Từ đồng nghĩa là “nhỏ”, từ trái nghĩa là “to”, “lớn”,...
- Thắng: Từ đồng nghĩa là “được”, từ trái nghĩa là “thua”, “thất bại”...
- Chăm chỉ: Từ đồng nghĩa là “siêng năng”, “cần cù”,... từ trái nghĩa là” “lười biếng”, “lười nhác”,...
4. - Về khái niệm từ đồng âm, xem lại bài "Từ đồng âm" (Bài 11).
- Phân biệt từ đồng âm với từ nhiều nghĩa: Trong từ nhiều nghĩa (một từ nhưng có thể gọi tên nhiều sự vật, hoạt động, tính chất; biểu thị nhiều khái niệm), các nghĩa của từ có mối quan hệ với nhau. Còn trong từ đồng âm, các từ vốn là những từ hoàn toàn khác nhau, không có mối quan hệ nào giữa chúng.
5. - Về khái niệm thành ngữ, xem lại bài "Thành ngữ" (Bài 12).
- Thành ngữ có giá trị tương đương từ. Do đó, về cơ bản, nó có thể đảm nhiệm những chức vụ cú pháp giống như từ (làm chủ ngữ, vị ngữ trong câu; làm phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ...).
6. Muốn tìm thành ngữ thuần Việt đồng nghĩa tương ứng với mỗi thành ngữ Hán Việt được nêu trong bài tập, trước hết, cần tìm hiểu nghĩa của từng yếu tố Hán Việt cấu thành. Ví dụ, trong thành ngữ bách chiến, bách thắng: Bách có nghĩa là trăm; chiến: Trận chiến; thắng: Thắng lợi. Nghĩa của cả thành ngữ: Trăm trận trăm thắng. Theo cách này, có thể tìm được các thành ngữ thuần Việt đồng nghĩa với mỗi thành ngữ Hán Việt. Cụ thể:
- Bán tín bán nghi là Nửa tin nửa ngờ.
- Kim chi ngọc diệp là Lá ngọc cành vàng.
- Khẩu Phật tâm xà là Miệng nam mô bụng bồ dao găm.
7. Hãy đọc kĩ từng câu để nắm nội dung của câu, làm cơ sở cho việc tìm thành ngữ thay thế các từ ngữ in đậm:
- Gợi ý:
+ Đồng rộng mênh mông và vắng lặng: Đồng không mông quạnh.
+ Phải cố gắng đến cùng: Còn nước còn tát.
+ Làm cha làm mẹ phải chịu trách nhiệm về hành động sai trái của con cái: Con dại cái mang.
+ Giàu có, nhiều tiền bạc, trong nhà không thiếu thứ gì: Giàu nứt đố đổ vách.
8. Về khái niệm điệp ngữ và các dạng điệp ngữ, hãy xem lại Bài 13.
9. Cũng tương tự như trên, về khái niệm "chơi chữ", hãy xem lại bài Thành ngữ (Bài 14).
Bài tham khảo 2
Các phép biến đổi câu
Về các phép biến đổi câu
Có nhiều phép biến đổi câu nhưng tập trung ôn tập hai phép biến đổi: Thêm, bớt thành phần trong câu và chuyển đổi kiểu câu.
a) Thêm bớt thành phần câu gồm:
- Rút gọn câu là lược bỏ một số thành phần câu, thường nhằm những mục đích:
• Làm cho câu gọn hơn, vừa thông tin được nhanh, vừa tránh lặp những từ ngữ đã xuất hiện trong câu đứng trước.
• Ngụ ý hành động, đặc điểm nói trong câu là của chúng mọi người (lược bỏ chủ ngữ).
- Mở rộng câu thường bằng hai cách:
• Thêm trạng ngữ vào câu để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc nêu trong câu. Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hay giữa câu; giữa trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ thường có một quãng nghỉ khi nói hoặc có một dấu phẩy khi viết.
• Dùng cụm chủ
- Vị để mở rộng câu là dùng những cụm từ có hình thức giống câu đơn bình thường, gọi là cụm chủ
- Vị làm thành phần của câu hoặc của cụm từ để mở rộng câu. Các thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, các phụ ngữ trong cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ đều có thể được cấu tạo bằng cụm C - V.
b) Chuyển đổi kiểu câu: Việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động và ngược lại ở mỗi đoạn văn nhằm liên kết các câu trong đoạn thành một mạch văn thống nhất.
- Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người, vật khác (chỉ chủ thể của hoạt động).
- Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của người, vật khác hướng vào (chỉ đối tượng của hoạt động).
Về các phép tu từ cú pháp Có nhiều phép tu từ cú pháp nhưng tập trung ôn tập vào hai phép: Điệp ngữ và liệt kê.
a) Điệp ngữ là biện pháp lặp lại từ ngữ hoặc cả một câu (để làm nổi bật ý, gây cảm xúc mạnh). Điệp ngữ có nhiều dạng: Điệp ngữ cách quãng, điệp ngữ nối tiếp, điệp ngữ chuyển tiếp (điệp ngữ vòng).
b) Liệt kê là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay của tư tưởng, tình cảm.
- Xét theo cấu tạo, có thể phân biệt kiểu liệt kê theo từng cặp với kiểu liệt kê không theo từng cặp.
- Xét theo ý nghĩa, có thể phân biệt kiểu liệt kê tăng tiến với kiểu liệt kê không tăng tiến.
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Dưới đây là bài soạn Ôn tập phần tiếng việt (tiếp theo) bản rút gọn nếu bạn muốn xem hãy kích vào đây
Ngoài đề cương ôn tập chúng tôi còn sưu tập rất nhiều tài liệu từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh. Hy vọng rằng này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới