Soạn bài lớp 10: Thề nguyền
Soạn bài lớp 10: Thề nguyền Soạn bài môn Ngữ văn lớp 10 học kì II được trích trong tác phẩm Truyện Kiều do Nguyễn Du sáng tác được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt ...
Soạn bài lớp 10: Thề nguyền
được trích trong tác phẩm Truyện Kiều do Nguyễn Du sáng tác được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các bạn để tham khảo giúp học tập tốt môn Ngữ Văn lớp 10 chuẩn bị cho bài giảng của học kỳ mới sắp tới đây của mình.
Soạn bài lớp 10: Nỗi thương mình
Soạn bài lớp 10: Trao duyên
Bài giảng Bài Thề nguyền Ngữ văn 10
Giáo án bài Thề nguyền Ngữ văn 10
THỀ NGUYỀN
(Trích Truyện Kiều)
NGUYỄN DU
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Xem mục Tìm hiểu về tác giả ở bài Đọc Tiểu Thanh kí và bài Nguyễn Du.
2. Xem mục Thể loại trong bài Truyện Kiều.
3. Với nghệ thuật sử dụng từ ngữ có sức gợi tả sâu sắc, hệ thống hình ảnh hàm súc, gợi cảm, đoạn trích Thề nguyền giúp ta hiểu về quan niệm tình yêu tự do hết sức tiến bộ của Nguyễn Du: Sức mạnh của tình yêu mãnh liệt đã vượt qua lễ giáo phong kiến.
II – RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tìm hiểu xuất xứ đoạn trích
Gợi ý:
Đoạn trích nằm ở phần một của tác phẩm Truyện Kiều có tên "Gặp gỡ và đính ước". Sau khi đi du xuân, gặp Kim Trọng, Kiều và Kim "tình trong như đã mặt ngoài còn e". Tiếp đó, Kim Trọng dọn đến ở trọ gần nhà Thuý Kiều. Nhân một lần Kiều bỏ quên chiếc thoa, Kim Trọng bắt được, hai người trao kỉ vật và hứa hẹn chung thuỷ cùng nhau. Rồi một hôm, khi cả nhà Kiều đi mừng thọ bên ngoại, nàng đã chủ động sang nhà Kim Trọng. Hai người tự tình với nhau đến tối mới chia tay. Khi Kiều về nhà, thấy cha mẹ cha về, nàng lại sang nhà Kim Trọng lần thứ hai. Đoạn trích kể về buổi tối hai người gặp nhau tại nhà trọ của Kim Trọng, hai người hứa hẹn, thề nguyền chung thuỷ với nhau đến trọn đời.
2. Nhận xét về nghệ thuật sử dụng điển tích, điển cố và hình ảnh ẩn dụ: giấc hoè, Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần, đỉnh Giáp non thần,...; Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa, Tóc tơ, chữ đồng,...
Gợi ý: Ở đây, việc sử dụng điển tích, điển cố và những hình ảnh ẩn dụ, giàu tính ước lệ có tác dụng tạo ra sắc thái trang trọng, tránh cái suồng sã và tô thêm vẻ lãng mạn, nên thơ của mối tình Kim – Kiều.
3. Phân tích hiệu quả biểu đạt của các từ láy được sử dụng trong đoạn trích
Gợi ý: Các từ láy được sử dụng (xăm xăm, hắt hiu, thiu thiu, bâng khuâng, mơ màng, vội vàng, vằng vặc, song song,...) là những từ giàu giá trị tạo hình, biểu cảm.
Gợi ý:
Từ láy xăm xăm đi liền với động từ băng diễn tả bước chân nhanh nhẹn và lòng can đảm, sự hăm hở và mạnh mẽ của Thuý Kiều khi dám dỡ rào, vượt tường sang nhà Kim Trọng để tình tự. Đó là hành động biểu thị rõ rệt về khát vọng một tình yêu tự do chính đáng của thanh niên trong xã hội. Đã có lời bình giữa thế kỉ XX rằng: "Gót sen thoăn thoắt của nàng Kiều còn làm ngơ ngác bao thiếu nữ ngày nay".
4. Tác giả đã tô đậm tính chất thiêng liêng của cuộc thề nguyền giữa Kiều và Kim Trọng như thế nào?
Gợi ý: Tuy rằng đây là cuộc thề nguyền "vụng trộm" (Chưa được phép của cha mẹ) nhưng được Nguyễn Du miêu tả rất trang trọng.
- Kiều có tình yêu sâu nặng, mãnh liệt với Kim Trọng, do đó bất chấp luật hà khắc của chế độ phong kiến, Kiều đã dám "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" sang nhà Kim Trọng.
- Kim Trọng là người có học thức, có tình yêu chân thành với Kiều, do đó, chàng đã tiếp đón Kiều rất trang trọng khiến cho cuộc gặp gỡ và thề nguyền có tính chất thiêng liêng:
Nghe Kiều tâm sự:
Nàng rằng: khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa,
Kim Trọng đã:
Vội vàng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương
Rồi Kim Trọng cùng Thuý Kiều ghi lời thề nguyền ("Tiên thề cùng thảo một chương"), cùng làm các thủ tục của nghi thức thề nguyền ("Tóc mây một món dao vàng chia đôi"), cùng ghi lòng tạc dạ lời thề đồng tâm, đồng lòng đến trăm năm.
5. Phân tích lời nói của Kiều khi sang nhà Kim Trọng
Gợi ý:
Khi Kiều sang nhà Kim Trọng, chàng vừa mới tỉnh dậy, Kiều đã chủ động nói: "Khoảng vắng đêm trường, - Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa". Câu nói đó hàm chứa nhiều thông tin quan trọng:
Thứ nhất, nhà Kiều ngay gần nhà Kim Trọng trọ học, vậy mà nàng nói "Khoảng vắng đêm trường", đó là biểu hiện của không gian và thời gian tâm lí. Khi yêu nhau, gần nhau bao nhiêu vẫn là chưa đủ, do đó, mới xa Kim Trọng sau ngày Thanh minh mà Kiều đã có cảm giác lâu lắm không gặp; thêm nữa gần nhau về khoảng cách không gian nhưng không được gặp nhau thì cũng coi như là khoảng cách rất xa. Bởi thế, việc Kiều sang nhà Kim Trọng đêm nay là nỗ lực, cố gắng vượt bậc để vượt qua sự rợn ngợp của thời gian và không gian tâm lí mà vươn tới làm chủ tình yêu, làm chủ số phận của mình.
Thứ hai, Kiều nói: "Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa" ý nói vì tình yêu mãnh liệt mà Kiều phải chủ động dỡ rào ngăn tường sang nhà Kim Trọng lần thứ hai. Chữ "hoa" thông thường để chỉ người con gái, ở đây, Kiều dùng chữ "hoa" như một hàm ý tốt đẹp chỉ tình yêu sâu sắc mãnh liệt của mình dành cho Kim Trọng.
Tiếp đó Kiều nói:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Câu nói này chứng tỏ Kiều là một phụ nữ rất nhạy cảm, biết quý giá và trân trọng từng giây, từng phút được ở bên người mà mình yêu dấu. Với người phụ nữ nhạy cảm thì tâm lí lo âu, sợ hãi, dự cảm về sự xa cách luôn luôn thường trực.
6. Nhận xét về hình tượng nhân vật Thuý Kiều trong đoạn trích
Qua đoạn trích, có thể khẳng định Kiều là một người con gái có tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc, mãnh liệt trong tình yêu. Vì tình yêu, vì khát vọng hạnh phúc mà nàng đã bất chấp lễ giáo (lẽ ra nhất nhất phải theo ý cha mẹ), bất chấp quan niệm "trâu đi tìm cọc chứ cọc không thể đi tìm trâu" vốn tồn tại khá nặng nề trong tâm thức con người lúc đó.