Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm SBT Ngữ văn 10 tập 2
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 trang 135 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Nhìn tổng quát, văn học dân gian và văn học viết có những điểm gì giống và khác nhau ? ...
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 trang 135 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Nhìn tổng quát, văn học dân gian và văn học viết có những điểm gì giống và khác nhau ?
1. Nhìn tổng quát, văn học dân gian và văn học viết có những điểm gì giống và khác nhau ? Vận dụng những kiến thức đã học ở lớp 10 để so sánh hai bộ phận văn học này trong tiến trình lịch sử vãn học Việt Nam.
Trả lời:
Có thể sử dụng các tiêu chí mang tính tổng quát như: Tác giả - Cách thức sáng tác và lưu truyền - Nội dung, cảm hứng - Ngôn ngữ nghệ thuật của bộ phận văn học dân gian, bộ phận văn học viết. Dựa vào các tiêu chí đó, nêu lên những điểm giống và khác nhau của hai bộ phận văn học này.
Nhìn tổng quát hai bộ phận văn học nói trên trong tiến trình lịch sử văn học nước ta, phần giống nhau gồm nhiều điểm trong nội dung - ngôn ngữ nghệ thuật; phần khác nhau gồm nhiều điểm về tác giả, cách thức sáng tác.
Từ gợi ý trên, hãy trả lời các ý cụ thể theo yêu cầu của câu hỏi. Có thể trình bày theo chiều ngang, ví dụ : Những điểm giống nhau của văn học dân gian và văn học viết; Những điểm khác nhau ; hoặc trình bày theo chiều dọc bằng cách kẻ bảng : Hai cột đứng (Văn học dân gian - Văn học viết). Hai cột nằm ngang (Giống nhau - Khác nhau).
Xen kẽ những nội dung so sánh, cần nêu dẫn chứng cụ thể, ngắn gọn.
2. Nêu ngắn gọn những đặc điểm lớn về nội dung và nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam.
Trả lời:
Xem lại bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX, Ngữ văn 10, tập một. Chú ý các trang 108 - 110. Từ đó nêu ngắn gọn theo 2 mục lớn, mỗi mục gồm một số ý nhỏ. Ví dụ :
a) Về nội dung : Văn học trung đại Việt Nam có các đặc điểm...
b) Về nghệ thuật: Văn học trung đại Việt Nam có các đặc điểm...
3. Nhiều người cho rằng thơ văn Nguyễn Trãi tiêu biểu cho giai đoạn văn học nước ta từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII, còn những tác phẩm của Nguyễn Du tiêu biểu cho thơ văn giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Ý kiến của anh (chị) thế nào ? Hãy phân tích và chứng minh.
Trả lời:
Xem xét nội dung, nghệ thuật bao trùm, ta có thể đồng tình với ý kiến cho rằng : Thơ văn Nguyễn Trãi tiêu biểu cho giai đoạn văn học nước ta từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XVII - Những tác phẩm của Nguyễn Du tiêu biểu cho thơ văn giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX. Phân tích và chứng minh :
a) Những giá trị lớn, có ý nghĩa bao trùm thơ văn nước ta giai đoạn thế kỉ X - XVII là:
- Về nội dung... - Về ngôn ngữ nghệ thuật... Dẫn chứng...
- Thơ văn Nguyễn Trãi cũng chứa đựng những nội dung và ngôn ngữ nghệ thuật vừa bao trùm, vừa nâng cao chất lượng của cả giai đoạn... Dẫn chứng...
- Như vậy, có thể khẳng định thơ văn Nguyễn Trãi tiêu biểu cho giai đoạn văn học thế kỉ X-XVII.
b) Dựa vào cách phân tích và chứng minh trên, trả lời vế thứ hai của luận điểm : "Những tác phẩm của Nguyễn Du tiêu biểu cho thơ văn giai đoạn thế kỉ XVIII - nửa đầu XIX".
4. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật khác phong cách ngôn ngữ sinh hoạt ở những điểm nào, tại sao ? Dẫn chứng và phân tích ngắn gọn để từ đó rút ra bài học cụ thể trong cách nói, cách viết khi giao tiếp cũng như khi học văn, làm văn.
Trả lời:
Cần dựa vào hoàn cảnh, mục đích sử dụng của mỗi phong cách ngôn ngữ, từ đó xác định:
a) Điểm khác nhau cơ bản của hai phong cách ngôn ngữ ấy là... Dẫn chứng...
b) Vận dụng vào thực tế:
- Khi giao tiếp hằng ngày bằng lời nói, bằng viết thư, trao đổi ý kiến..., ta cần chú ý dùng từ ngữ, câu nói, câu văn, thái độ, ngữ điệu...
- Khi phát biểu ý kiến trong bài học văn chương, hoặc viết bài làm văn phân tích, cảm nhận thơ văn, ta cần chú ý dùng từ, viết câu, dùng các biện pháp tu từ...
5. Hãy nêu và phân tích những nét đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong đoạn thơ sau:
Ngơ ngác trông quanh, lạ mấy lần
Hỏi thăm cô gái má bồ quân
Mái đầu tóc xoã xanh bên giếng
- Vâng, đúng nhà em, bác nghỉ chân
- Ô kìa, cô bé nói hay sao!
Nhà của tôi, ai lại hỏi chào
Như thể khách đường xa ghé lại
Bố đi đâu, hĩm, mẹ đâu nào ?
Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi ?
- Hai mươi.
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến
Gió lộng đường khơi, rộng đất trời !
(Tố Hữu, Mẹ Tơm)
Trả lời:
Anh (chị) hãy ôn lại những đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và đối chiếu xem đoạn trích thể hiện những đặc trưng nào của nó.
Đoạn trích thơ có hội thoại giữa tác giả với cô gái tên là Nhiều (một dạng ngôn ngữ hội thoại phổ biến). Đoạn hội thoại tuy nằm trong bài thơ (phong cách ngôn ngữ nghệ thuật) nhưng vẫn mang nhiều biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt như:
- Có lời hỏi, lời đáp. Lời nói ngắt ra từng nhịp ngắn phù hợp với ngôn ngữ sinh hoạt tự nhiên.
- Có các lượt lời của hai nhân vật tham gia hội thoại. Hai nhân vật đó luân phiên lượt lời cho nhau.
- Có các từ xưng hô trong hội thoại trực tiếp, các từ tình thái thể hiện tình cảm, cảm xúc.
6. Phân tích giá trị của phép tu từ trong hai câu thơ sau :
Đầu xanh đã tội tình gì,
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trả lời:
- Giới thiệu hai câu thơ.
- Chỉ ra phép tu từ được sử dụng: Đầu xanh, má hồng là hai từ ngữ có cả phép hoán dụ và ẩn dụ. Đầu xanh tượng trưng cho người con gái trẻ trung, trong trắng; má hồng tượng trưng cho thân phận bất hạnh của người con gái.
- Phân tích và đánh giá tác dụng biểu đạt của hai hình ảnh này.
7. Phát hiện và phân tích giá trị của phép điệp trong đoạn trích sau :
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !
(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)
Trả lời:
- Giới thiệu xuất xứ của đoạn trích.
- Chỉ ra phép điệp :
+ Điệp từ ngữ;
+ Điệp các thành phần câu.
- Phân tích giá trị của phép điệp: Giọng văn dồn dập, đanh thép khẳng định quyền được hưởng tự do, độc lập của dân tộc ta.
8. Hãy lập bảng để ghi nhớ và sử dụng ba kiểu văn bản : tự sự, thuyết minh, nghị luận theo 3 nội dung : đặc điểm, nội dung, phương thức biểu đạt.
Trả lời:
Nên dựng 3 cột dọc : Tự sự - Thuyết minh - Nghị luận. Sau đó triển khai các ý theo 3 hàng ngang : Đặc điểm - Nội dung - Phương thức biểu đạt.
9. Hãy viết một bài văn ngắn nói lên suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến sau đây của nhà thơ Pháp La Phông-ten: "Tính ích kỉ là thuốc độc giết chết tình bạn".
Trả lời:
Bài văn cần nêu bật nội dung: Tính ích kỉ là liều thuốc độc làm tan vỡ tình bạn.
Người ích kỉ sẽ không có bạn.
Sau đây là một số gợi ý :
- Thế nào là tính ích kỉ trong tình bạn ?
- Vì sao tính ích kỉ là liều thuốc độc giết chết tình bạn ?
- Xây dựng tình bạn tuổi trẻ ở học đường: chân thành, biết quan tâm đến bạn bè, biết hi sinh vì bạn khi cần thiết.
10. Hãy viết một đoạn vãn để bày tỏ ý kiến của anh (chị) về vấn nạn in-tơ-nét "đen" hiện nay.
Trả lời:
- Đoạn văn có thể nêu nội dung :
+ Thế nào là in-tơ-nét "đen" ?
+ Tác hại của in-tơ-nét "đen" ?
+ Làm thế nào để ngăn chặn hậu quả của nó ?
- Khi viết đoạn văn, cần tập trung làm rõ ý chính, tính liên kết và mạch lạc giữa các câu trong đoạn.
11. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết : "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước".
Phân tích một vài tác phẩm thơ văn trung đại để chứng minh tình cảm ấy của cha ông ta đã được thể hiện một cách thật sâu sắc, đa dạng và phong phú.
Trả lời:
a) - Vấn đề cần nghị luận : Lòng yêu nước của dân tộc ta đã được nhiều tác phẩm văn học trung đại thể hiện sâu sắc, đa dạng và phong phú, trở thành một nội dung lớn mà ta có thể gọi là "chủ nghĩa yêu nước" trong văn học.
- Những ý cụ thể : Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được văn học từ thế kỉ X đến nửa đầu thế kỉ XIX thể hiện tập trung ở các khía cạnh : Ý thức tự cường dân tộc - Lòng căm thù giặc, nêu cao lí tưởng nhân nghĩa, quyết chiến, quyết thắng bọn giặc ngoại xâm - Yêu thiên nhiên tươi đẹp - Tự hào trước những chiến công hiển hách của cha ông - Tin ở ngày mai đất nước tươi đẹp, cuộc sống của nhân dân no ấm, thanh bình... Những cảm xúc yêu nước ấy đã được các tác giả thể hiện một cách sâu sắc, đa dạng và phong phú.
b) Tham khảo dàn ý sau :
- Mở bài : Từ một ý chung về đạo lí dân tộc, dẫn câu viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., từ đó nêu vấn đề cần nghị luận và giới hạn các tác phẩm văn chương mà mình sẽ sử dụng.
- Thân bài : Lần lượt phân tích theo các ý cụ thể đã nêu trên. Có thể sử dụng các tác phẩm : Sông núi nước Nam, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Phú sông Bạch Đằng, Cảnh ngày hè, Qua Đèo Ngang,... để lựa chọn dẫn chứng và phân tích.
Trong quá trình phân tích, chứng minh, cần bình luận, đánh giá tính sâu sắc, đa dạng, phong phú của chủ nghĩa yêu nước trong văn chương không chỉ biểu hiện ở các khía cạnh nội dung như các ý cụ thể nêu trên, mà còn toát ra từ thể loại tác phẩm, ngôn ngừ nghệ thuật, từ giọng điệu, hình ảnh bộc lộ những cung bậc cảm xúc khi nhẹ nhàng thấm thía, lúc mạnh mẽ hào hùng, có khi vút lên như bài ca vang vọng, có lúc lại lắng xuống để nghĩ suy, triết lí...
- Kết bài: Tổng hợp các ý, vận dụng vào lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc xây dựng đất nước ngày nay, từ đó có thể rút ra bài học về đạo lí cho bản thân.
12. Viết về một bài thơ trung đại Việt Nam (được học hoặc đọc thêm) mà anh (chị) tâm đắc nhất.
Trả lời:
Có thể viết về bất cứ bài thơ nào mà mình yêu thích. Trong quá trình giới thiệu, giải mã bài thơ, cần nhấn mạnh ý: Vì sao mình tâm đắc nhất ? (Vì chiều sâu của nội dung, vì vẻ đẹp của nghệ thuật hay vì ý nghĩa giáo dục, tư tưởng, tâm hồn đối với riêng mình,...)
13. Cảm nhận của anh (chị) về tính nhân đạo qua hai đoạn trích: Trao duyên (Truyện Kiều - Nguyễn Du), Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Chinh phụ ngâm - nguyên tác chữ Hán: Đặng Trần Côn, bản dịch Nôm: Đoàn Thị Điểm (?)).
Trả lời:
Cảm nhận về tính nhân đạo trong hai đoạn trích.
a) Trao duyên
- Thấu hiểu tâm trạng phức tạp, đầy mâu thuẫn và khát vọng tình yêu của Thúy Kiều.
- Trân trọng vẻ đẹp tâm hồn và đồng cảm với nỗi đau của nàng.
b) Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Cảm thông sâu sắc với tâm trạng nhớ thương sầu muộn của người chinh phụ trong tình cảnh lẻ loi và niềm khao khát hạnh phúc của nàng. Đồng thời, đoạn trích còn là tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến phi nghĩa.
14. Phân tích sự phát triển của tư tưởng yêu nước từ bài Sông núi nước Nam (tương truyền của Lý Thường Kiệt) qua bài Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) đến bài Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi).
Trả lời:
Giới thiệu khái quát về tư tưởng yêu nước qua ba tác phẩm : Sông núi nước Nam, Hịch tướng sĩ và Đại cáo bình Ngô.
Phân tích sự phát triển của tư tưởng yêu nước qua ba tác phẩm trên :
- Sông núi nước Nam - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc : Khẳng định chủ quyền quốc gia, cương vực lãnh thổ, sức mạnh chính nghĩa của lòng yêu nước.
- Hịch tướng sĩ - mệnh lệnh chiến đấu bảo vệ đất nước.
+ Cảm nhận sâu sắc nỗi nhục mất nước, lòng tự trọng, tự tôn dân tộc.
+ Gắn liền quyền lợi của quốc gia dân tộc với quyền lợi của mỗi người.
+ Tuy ý thức dân tộc vẫn nằm trong quan niệm phong kiến, nước gắn với vua, trung với vua là yêu nước nhưng bước đầu đã nêu quan hệ gắn bó giữa người dân với đất nước.
- Đại cáo bình Ngô - một bước phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn về tư tưởng yêu nước trong văn học trung đại Việt Nam.
+ Trong Sông núi nước Nam, quan niệm về quốc gia, dân tộc được xác định chủ yếu trên hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền.
+ Quan niệm về quốc gia, dân tộc trong Đại cáo bình Ngô bổ sung thêm ba yếu tố: văn hiến, phong tục tập quán và lịch sử. Quan niệm của Nguyễn Trãi sâu sắc hơn vì ông đã ý thức được văn hiến, truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất để xác định dân tộc.
+ Trong Sông núi nước Nam, khẳng định Nam đế, tác giả nhằm mục đích đối lập với Bắc đế, phủ định tư tưởng : "Trời không có hai mặt trời, đất không có hai hoàng đế". Nguyễn Trãi so sánh trực tiếp giữa hai vua "mỗi bên hùng cứ một phương". Tác giả Sông núi nước Nam khẳng định độc lập chủ quyền bằng "thiên thư" còn Nguyễn Trãi lại khẳng định bằng chính lịch sử của dân tộc.
+ Trong Sông núi nước Nam, quyền lợi của đất nước bước đầu gắn liền với quyền lợi của mỗi người. Trong Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc gắn liền với tư tưởng nhân nghĩa và vai trò của nhân dân. Nhân nghĩa nhằm yên dân, trước nhất là trừ bạo, nhân nghĩa phải gắn liền với chống xâm lược.
Sachbaitap.com