Soạn bài giá trị văn học và tiếp nhận văn học
GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC I. GIÁ TRỊ VĂN HỌC Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, và tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người. Văn học có ba giá trị cơ bản: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị ...
GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC I. GIÁ TRỊ VĂN HỌC Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, và tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người. Văn học có ba giá trị cơ bản: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ. 1. Giá trị nhận thức Văn học phản ánh hiện thực theo nghĩa khám phá và lí giải hiện thực đời sống của con người ở nhiều thời gian và không gian khác nhau, trong mọi thời đại ...
GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ TIẾP NHẬN VĂN HỌC
I. GIÁ TRỊ VĂN HỌC
Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, và tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người. Văn học có ba giá trị cơ bản: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ.
1. Giá trị nhận thức
Văn học phản ánh hiện thực theo nghĩa khám phá và lí giải hiện thực đời sống của con người ở nhiều thời gian và không gian khác nhau, trong mọi thời đại và xứ sở. Vì vậy văn học là một bức tranh rộng lớn, phong phú, đa dạng, đem lại cho người đọc những điều mới lạ mà họ chưa biết để họ hiểu thêm về cuộc sống và con người. Đó là giá trị nhận thức của văn học. Nhờ văn học, con người ngày nay có thể biết được cuộc sống của con người xa xưa; người ở phương Đông có thể hiểu được người ở phương Tây (và ngược lại); người ở xứ sở này có thể “làm quen” với người ở xứ sở khác trên trang sách... Văn học giúp cho con người nhận thức thế giới qua tác phẩm của các nhà văn một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc (Chiến tranh và hòa bình, Tam quốc chí,...). Cùng với quá trình nhận thức thế giới, là quá trình tự nhận thức mà văn học mang tới cho mỗi người.
2. Giá trị giáo dục
Từ giá trị nhận thức mà văn học có giá trị giáo dục. Nói cách khác, qua việc nhận thức những cuộc sống đẹp, những con người tốt mà nhà văn đã miêu tả bàng thái độ trân trọng, tình cảm ngợi ca, người đọc sẽ thấy được lẽ sống đẹp, biết yêu ghét đúng đắn, biết sống có ích cho mọi người và cho bản thân mình. Những hình tượng về cuộc sống và con người đẹp đó, tự nó đã có tác dụng giáo dục sâu sắc với người đọc. Và ngay cả khi văn học miêu tả cái xấu, cái ác, thì vẫn có tác dụng giáo dục tốt đến độc giả, nếu nhà văn có cái tâm trong sáng và thái độ phê phán đúng đắn. Có điều, cần thấy rằng đặc trưng giáo dục của văn học hoàn toàn khác với luật pháp hay những lời giáo huấn về đạo đức, bởi văn học giáo dục con người bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của hình tượng sinh động, đầy sức thuyết phục.
3. Giá trị thẩm mĩ
Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó. Giá trị thẩm mĩ của văn học được thực hiện trong một phạm vi hết sức rộng lớn, phong phú, mang tới cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời, của thiên nhiên và con người, từ những vẻ đẹp bình thường, nhỏ bé đến những vẻ đẹp lớn lao của dân tộc và nhân loại. Cái đẹp trong văn học là cái đẹp hài hòa giữa nội dung đẹp và hình thức đẹp. Chính vì thế, văn học cuốn hút, hấp dẫn người đọc bằng cái đẹp của nó và dùng cái đẹp đó để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho người đọc, hướng họ tới những gì là cao thượng, tốt lành.
Ba giá trị trên đây của văn học có mối liên hệ mật thiết với nhau, cùng tác động tới người đọc để làm nên sức mạnh riêng biệt của nó đối với đời sống của con người.
II. TIẾP NHẬN VĂN HỌC
Các giá trị văn học thể hiện sức tác động thông qua tiếp nhận văn học.
1. Tiếp nhận trong đời sống văn học
Trong đời sống văn học, tác giả là người sáng tạo, tác phẩm là phương tiện truyền bá, người đọc là chủ thể tiếp nhận. Không có người đọc, không có công chúng thì những cố gắng của tác giả, mọi giá trị của tác phẩm cũng trở nên vô nghĩa.
Cần phân biệt tiếp nhận và đọc, bởi tiếp nhận rộng hơn đọc. Tiếp nhận văn học chính là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của nó, cảm nhận nó và biến nó thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình. Trên ý nghĩa đó, tiếp nhận cũng là “đồng sáng tạo” cùng với tác giả.
2. Tính chất tiếp nhận văn học
Tiếp nhận văn học thực chất là một quá trình giao tiếp. Sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận là mối quan hệ giữa người nói và người nghe, người viết và người đọc, người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông. Trong sự giao tiếp giữa tác phẩm với độc giả, cần chú ý tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận bởi chính những điều này đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm. Đồng thời cũng phải thấy tính đa dạng, không thống nhất trong sự giao tiếp của người đọc với tác phẩm đã đem đến những cảm nhận và đánh giá không giống nhau giữa các chủ thể tiếp nhận về cùng một tác phẩm văn học. (Xem ví dụ trong SGK).
3. Các cấp độ tiếp nhận văn học
Nhìn chung, có ba cấp độ tiếp nhận văn học:
- Cách cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm, tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, diễn biến ra sao, các nhân vật như thế nào, kết cục ra sao,... Đây là cách tiếp nhận văn học đơn giản và khá phổ biến.
- Cách cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm, tức là từ những cái cụ thể, sinh động mà khái quát thành chủ đề tư tưởng tác phẩm.
- Cách cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm, thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó, biết thưởng thức cái hay, cái đẹp của tác phẩm qua hình tượng bằng lời, qua các biện pháp nghệ thuật,... Trong nhà trường, cần hướng tới cách cảm nhận này (cấp độ thứ ba của tiếp nhận văn học) để có thể chiếm lĩnh đầy đủ hơn giá trị của tác phẩm.
Cuối cùng, đọc kĩ và học thuộc phần Ghi nhớ cuối bài học.
LUYỆN TẬP
Các bài luyện tập trong SGK đều vừa sức. Anh (chị) tự làm, riêng câu 3 có thể trao đổi thêm trong nhóm.