Soạn bài Đồng chí SBT Ngữ Văn 9 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 83 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Viết một đoạn trình bày cảm nhận của em về ba dòng thơ cuối bài Đồng chí. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 83 SBT Ngữ Văn 9 tập 1. Viết một đoạn trình bày cảm nhận của em về ba dòng thơ cuối bài Đồng chí.
1. Bài thơ Đồng chí ra đời năm nào ? Em biết gì về hoàn cảnh sáng tác bài thơ ?
Trả lời:
Xem lại chú thích (★) trong SGK Ngữ văn 9, tập một, trang 129, để biết hoàn cảnh sáng tác bài Đồng chí.
2. Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên Đồng chí cho bài thơ viết về tình đồng đội của những người lính ? Tên bài thơ gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm của những người lính cách mạng ?
Trả lời:
Xem lại chú thích (1) về từ đồng chí. Tình đồng đội của những người lính được tác giả gọi bằng tình đồng chí, điều đó đã nhấn mạnh cơ sở giai cấp, lí tưởng chiến đấu và tính chất cách mạng của mối quan hệ giữa những người lính trong kháng chiến chống Php. Tình đồng chí là cốt lõi, là bản chất sâu xa của sự gắn bó giữa những người lính cách mạng.
3. Trong bài Đồng chí có nhiều câu thơ đối ứng với nhau. Hãy chỉ ra những câu đối ứng ấy và nhận xét về ý nghĩa của biện pháp đó trong bài thơ.
Trả lời:
Các câu thơ đối ứng : 1 và 2, 13 và 14, 15 và 16. Ngoài ra còn nhiều câu thơ có những chi tiết, hình ảnh sóng đôi, như câu 5, 6, 11, 17,... Biện pháp nghệ thuật này đã làm nổi bật sự gần gũi, thống nhất của những người lính cách mạng, từ hoàn cảnh xuất thân đến sự chia sẻ những gian lao, thiếu thốn và cùng một lí tưởng chiến đấu. Đó chính là cơ sở và cũng là biểu hiện cụ thể của tình đồng chí giữa họ. Biện pháp nghệ thuật này đã góp phần quan trọng để xây dựng hình tượng người lính cách mạng trong bài thơ, với sự gắn bó keo sơn trong tình đồng chí, đồng đội. Tình cảm ấy vừa là vẻ đẹp tinh thần, vừa là cơ sở tạo nên sức mạnh chiến đấu của người lính.
4. Viết một đoạn trình bày cảm nhận của em về ba dòng thơ cuối bài Đồng chí.
Trả lời:
Có thể tham khảo những gợi ý sau :
- Trong bức tranh ấy nổi lên trên nền cảnh rừng đêm giá rét là ba hình ảnh gắn kết với nhau : người lính, khẩu súng, vầng trăng. Trong cảnh rừng hoang sương muối những người lính đứng bên nhau, chờ giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt lên tất cả những khắc nghiệt của thời tiết và mọi gian khổ, thiếu thốn. Người lính trong cảnh phục kích giặc giữa rừng khuya còn có một người bạn nữa, đó là vầng trăng. "Đầu súng trăng treo, ngoài hình ảnh, bốn chữ này còn có nhịp điệu như nhịp lắc của một cái gì lơ lửng, chông chênh trong sự bát ngát. Nó nói lên cái gì lơ lửng ở rất xa chứ không phải là buộc chặt, suốt đêm vầng trăng ở bầu trời cao xuống thấp dần và có lúc như treo lơ lửng trên đầu mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng đối với chúng tôi như một người bạn". (Theo Chính Hữu, Một vài kỉ niệm nhỏ về bài thơ "Đồng chí”)
- Hình ảnh "đầu súng trăng treo" còn mang ý nghĩa biểu tượng, gợi ra những liên tưởng phong phú, súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ.
Sachbaitap.com