Soạn bài Đất nước trang 117 SGK Ngữ văn 12 tập 1 – Văn lớp 12...
Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm – Soạn bài Đất nước trang 117 SGK Ngữ văn 12 tập 1. Đoạn thơ trình bày sự cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước. Hãy chia bố cục, gọi tên nội dung trữ tình của từng phần, tìm hiểu trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn văn trên ...
I. Soạn văn
1. Đoạn thơ trình bày sự cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước. Hãy chia bố cục, gọi tên nội dung trữ tình của từng phần, tìm hiểu trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn văn trên.
– Bố cục – nội dung trữ tình mỗi đoạn:
+ Phần đầu: Từ đầu đến “làm nên đất nước muôn đời” cảm nhận của tác giả về đất nước.
+ Phần sau: Phần còn lại: Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao huyền thoại.
– Mạch cảm xúc theo trình tự: từ cảm nhận đến triết luận.
2. Cảm nhận của nhà thơ về đất nước trong phần đầu đoạn trích dựa trên những phương diện nào? Cảm nhận đó có gì khác so với các bài thơ cùng viết về đề tài này?
– Các phương diện cảm nhận của tác giả về đất nước:
+ Từ phương diện địa lí: hòn núi bạc, nước biến khơi
+ Từ phương diện lịch sử: Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
+ Từ phương diện đời thường: miếng trầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo, một nắng hai sương, giã, dần, sàng…
+ Đặc biệt là phương diện văn hoá – phong tục
– So với các tác giả khác cùng viết về đất nước, đây là sự cảm nhận sâu sắc và toàn diện hơn.
3. Trong phần sau của đoạn trích (từ “Những người vợ nhớ chồng…” đến hết) tác giả đã làm nổi bật tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Tư tưởng ấy đã đưa đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hoá của đất nước ta như thế nào? Tư tưởng ấy nổi bật trong đoạn thơ này và trong nhiều bài thơ thời chống Mỹ. Vì sao?
– Phát hiện sâu sắc của tác giả trong đoạn thơ từ: “Những người vợ nhớ chồng…” đến hết thể hiện ở các khía cạnh sau:
+ Những biểu hiện của đất nước được khai thác từ chiều sâu văn hoá của dân tộc cũng như từ những sinh hoạt đời thường rất đỗi bình dị của nhân dân. Đó là sự cảm nhận, chiêm nghiệm, quan sát rất sâu sắc và tinh tế của tác giả.
+ Những suy ngẫm, chiêm nghiệm không dừng lại ở ghi chép đơn thuần mà nâng lên triết luận, tư tưởng: “Đất nước của nhân dân”.
– Những phát hiện này mới mẻ và nổi bật trong thơ chống Mĩ vì:
+ Trước đó, các nhà thơ thường chỉ nói tới đất nước trên phương diện địa lí. Một số bài thơ khai thác chiều sâu của lịch sử và văn hoá truyền thông, nhưng chưa có ai nói tới những người dân vô danh.
+ Thời kì chống Mĩ, nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân miền Nam ở vùng địch tạm chiếm được nghe nhiều về tình yêu đất nước, nhưng nhân dân ta rất tâm đắc với những dòng thơ này bởi chất bình dân, cũng như những phát hiện về văn hoá dân gian trong quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
4. Hãy nêu những ví dụ cụ thể và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả (tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, phong tục…). Từ đó tìm hiểu những đóng góp riêng của tác giả về nghệ thuật diễn đạt. Vì sao nói, chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn thơ này gây ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ?
a. Cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian:
Tác giả sử dụng chất liệu văn hoá dân gian rất phong phú, khiến đoạn thơ có sức sống, sức hấp dẫn đặc biệt. Nhiều bài ca dao, truyện tích, truyền thuyết, phong tục được huy động. Ví dụ:
– Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng phu (Truyện Sự tích núi Vọng Phu).
– Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái (Sự tích hòn Trống Mái).
– Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại (Truyện Thánh Gióng)
– Tương tự, có các sự tích Hùng Vương, núi Bút, non Nghiên, vịnh Hạ Long…
b. Đóng góp của tác giả đã dưa vào thơ Việt Nam chất liệu văn hoá phong tục, tạo ra một cách nhìn mới về đất nước.
c. Chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn thơ này gây ấn tượng vừa quen thuộc, vừa mới lạ:
– Quen thuộc vì những hình ảnh, chi tiết trong văn hoá phong tục dân gian rất gần gũi với con người Việt Nam.
– Mới lạ vì trong thơ nói riêng và trong văn học nói chung chưa có ai nói về đất nước bằng cách khai thác chất liệu văn hoá dân gian này.
II. Luyện tập
Đề 1. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” được Nguyễn Khoa Điềm thể hiện như thế nào trong đoạn trích Đất nước (Trích trường ca Mặt đường khát vọng)?
Gợi ý: Với đề bài này, HS cần trình bày được những nội dung sau:
a. Giới thiệu về tác giả và tác phẩm:
– Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, những con người có ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình đối với cuộc chiến đấu của dân tộc.
– Đoạn thơ Đất nước thể hiện một cái nhìn mới mẻ về đất nước qua cách cảm nhận mang tính tổng hợp, toàn diện về cái Tôi tự ý thức của thế hệ những người cầm bút trẻ tuổi giàu tri thức, niềm tin và niềm tự hào dân tộc. Theo đó, đất nước là nơi hội tụ và kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân – Nhân dân là người làm chủ đất nước.
b. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” là tư tưởng bao trùm lên toàn bộ đoạn trích nhưng nó thể hiện rõ nhất trong đoạn thứ hai trên hai hướng vừa khơi sâu vừa phát hiện nhiều ý nghĩa mới về đất nước
– Cảm nhận về tư tưởng đất nước của nhân dân thông qua những phát hiện thú vị và độc đáo của tác giả trên các phương diện: trong chiều dài thời gian – lịch sử, trong chiều rộng của không gian – lãnh thổ – địa lí trong bề dày của văn hoá, phong tục, lối sống, tâm hồn và tính cách dân tộc…
– Tất cả những vẻ đẹp của đất nước hôm nay đều là kết tinh của bao công sức và khát vọng của nhân dân, của những con người bình thường, vô danh.
– Khi nói đến truyền thống bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc, tác giả không nhắc đến những vị anh hùng dân tộc mà chỉ nhấn mạnh đến lớp lớp những người vô danh. Họ là những người đã giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ sau mọi giá trị văn hoá, tinh thần, vật chất của đất nước, của dân tộc: hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói dân tộc, tên làng, tên xã… Họ cũng là những người: “Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm. Có nội thù thì vùng lên đánh bại”.
– Mạch cảm xúc của đoạn thơ đi đến tư tưởng cốt lõi, điểm hội tụ và cũng là đỉnh cao của cảm xúc trữ tình ở cuối đoạn. Tác giả trở về với ngọn nguồn phong phú và đẹp đẽ của văn hoá và văn học dân gian, trong ca dao cổ tích:
“Đất nước của nhân dân, Đất nước của ca dao thần thoại”
Từ đó, người đọc càng hiểu thêm những phẩm chất đáng yêu đáng quý trọng tính cách của những người Việt Nam bình dị: say đắm trong tình yêu; quý trọng tình nghĩa và cũng rất quyết liệt trong chiến đấu.
Nghệ thuật biểu hiện: giọng điệu trữ tình sâu lắng, lựa chọn và đưa những chi tiết đời thường vào trong văn học, thi liệu lấy từ văn học dân gian được vận dụng một cách sáng tạo, lập luận chặt chẽ, giàu cảm xúc và chất triết lí sâu sắc