06/05/2018, 16:24

Soạn bài: Chuyện người con gái Nam Xương

Xem thêm: Bố cục: - Phần 1 (từ đầu đến "như đối với cha mẹ đẻ mình"): Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh cho đến trước khi Trương Sinh trở về. - Phần 2 (tiếp theo đến "nhưng việc trót đã qua rồi"): Số phận oan khuất của Vũ Nương. - ...

Xem thêm:

Bố cục:

   - Phần 1 (từ đầu đến "như đối với cha mẹ đẻ mình"): Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh cho đến trước khi Trương Sinh trở về.

   - Phần 2 (tiếp theo đến "nhưng việc trót đã qua rồi"): Số phận oan khuất của Vũ Nương.

   - Phần 3 (đoạn còn lại): Vũ Nương được giải oan.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1. Bố cục của truyện:

- Đoạn 1: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh, phẩm hạnh của Vũ Nương trong thời gian xa cách (từ đầu đến "cha mẹ đẻ mình").

- Đoạn 2: Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương (Qua năm sau… trót đã qua rồi.

- Đoạn 3: Vũ Nương được giải oang (còn lại.

Câu 2. Để khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương, tác giả đã đặt nhân vật này vào những hoàn cảnh khác nhau để miêu tả:

- Trước hết, tác giả đặt nhân vật vào mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày, nàng không để xảy ra mối bất hòa.

- Tiếp đến, tác giả đặt Vũ Nương vào trong tình huống chia li: khi tiễn chồng đi lính, nàng bày tỏ sự thương nhớ, và chỉ mong chồng bình yên trở về.

- Khi vắng chồng, Vũ Nương là một người vợ thuỷ chung, một người mẹ hiền, dâu thảo, ân cần, hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau. Khi mẹ chồng mất "Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình."

- Khi bị chồng nghi oan, Vũ Nương đã cố phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình, nhưng không có kết quả. Lúc bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đành mượn dòng nước sông quê để giãi tỏ tấm lòng trong trắng. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự.

Tóm lại, qua các hoàn cảnh, nhân vật Vũ Nương hiện lên là một người phụ nữ hiền thục, một người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng con hết mực, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì cha mẹ, gia đình, đồng thời cũng là người phụ nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh, quyết bảo vệ sự trong sạch của mình.

Câu 3. Nỗi oan khuất của Vũ Nương do nhiều nguyên nhân đưa đến:

- Nguyên nhân trực tiếp là do Trương Sinh quá đa nghi, hay ghen, gia trưởng, độc đoán. Trương Sinh đã không cho Vũ Nương cơ hội trình bày, thanh mình.

- Nguyên nhân gián tiếp là do xã hội phong kiến – Một xã hội gây ra bao bất công ấy, thân phận người phụ nữ thật bấp bênh, mong manh, bi thảm. Họ không được bênh vực chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí, …

Câu 4. Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện tạo kịch tính, lôi cuốn. Từ những chi tiết hé mở, chuẩn bị thắt nút đến khi nút thắt ngày một chặt hơn đã tạo cho truyện trở nên hấp dẫn, sinh động. Những đoạn đối thoại, độc thoại của nhân vật được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện kể trở nên sinh động, góp phần khắc họa tâm lý nhân vật, tính cách nhân vật (lời nói của Vũ Nương bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, có tình có lý, lời đứa trẻ hồn nhiên, thật thà…).

Câu 5. Những yếu tố truyền kỳ trong truyện là: chuyện nằm mộng của Phan Lang, Chuyện Phan Lang và Vũ Nương dưới động rùa của Linh Phi,… chuyện lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về ngồi trên kiệu hoa, cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện, rồi "bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.".

Nguyễn Dữ đã sử dụng cách đưa yếu tố truyền kì vào câu chuyện kết hợp với các yếu tố tả thực để tạo hiệu quả nghệ thuật về tính chân thực của truyện. Tác giả muốn tạo cơ sở để minh oan cho Vũ Nương, khẳng định lòng trong trắng của nàng. Đồng thời tạo ra một thế giới ước mơ, khát vọng của nhân dân về sự công bằng, bác ái.

Luyện tập

Câu hỏi (trang 52 SGK): Kể lại Chuyện người con gái Nam Xương theo cách của em.

    (học sinh tham khảo cách kể ở phần Tóm tắt)

Ý nghĩa - Nhận xét

    - Qua câu chuyện về cuộc đời và số phận của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, học sinh thấu hiểu, đồng cảm với số phận bất hạnh, bé nhỏ của người phụ nữ Việt Nam dưới xã hội phong kiến hà khắc, đồng thời biết trân trọng, khẳng định vẻ đẹp phẩm chất ngời sáng của họ.

    - Học sinh phân tích được nghệ thuật tự sự mà tác giả đã sử dụng như: nghệ thuật xây dựng cốt truyện, miêu tả nhân vật, bút pháp tự sự kết hợp hài hòa với trữ tình.

Các bài soạn văn lớp 9 hay

0