Soạn bài Cách lập ý của bài văn biểu cảm SBT Ngữ Văn 7 tập 1
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 81 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Cho đề bài : Quê hương trong lòng tôi. Tìm ý và lập dàn ý. ...
Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 81 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Cho đề bài : Quê hương trong lòng tôi. Tìm ý và lập dàn ý.
Bài tập
1. Cho đề bài Đâu còn tiếng ếch với các gợi ý sau đây. Em hãy lựa chọn, sắp xếp, phát triển để có một dàn bài bài văn biểu cảm hợp lí.
- Ếch là loại “gà đồng”, món đặc sản được ưa chuộng.
- Ếch là người bạn của nhà nông, là giống vật có ích.
- Trước đây cánh đồng làng em đêm đêm râm ran tiếng ếch, nay thì im ắng.
- Ếch ăn các côn trùng, các thứ sâu hại lúa.
- Từng gánh ếch nặng trĩu quẩy vào các nhà hàng, khách sạn.
- Hãy bảo vệ loài ếch.
- Cửa hàng đặc sản dày đặc trên phố.
- Hãy tưởng tượng khi đồng ruộng không còn có con ếch nào thì sẽ ra sao.
2. Hãy lập ý và lập dàn bài cho đề văn biểu cảm. Nỗi lo về hiểm hoạ đối với con mèo nhà em theo các gợi ý sau đây (chỉ lựa chọn những ý cần thiết cho bài văn của em) :
- Em có con mèo như thế nào ? Làm sao em có được con mèo đó ?
- Em chăm sóc con mèo như thế nào ?
- Mèo đem đến cho em những niềm vui gì ?
- Mèo có làm cho em buồn bực không ?
- Mèo có ích như thế nào ?
- Những mối hiểm hoạ đối với mèo (người ta rình bắt trộm mèo để bán cho nhà hàng, mèo có thể chết vì ăn phải chuột bị đánh bả,...).
- Nhà em yêu quý con mèo như thế nào ?
- Em nghĩ gì về vai trò của mèo trong đời sống ?
3. Cho đề bài : Quê hương trong lòng tôi. Tìm ý và lập dàn ý.
4. Cho đề bài : Ca ngợi cây tre. Tìm ý và lập dàn ý.
Gợi ý làm bài
1. Để làm bài này, em hãy đọc kĩ đề và các ý được nêu ra. Xác định rõ tình cảm muốn biểu đạt trong bài này là tình cảm đối với đồng lúa quê hương. Muốn đồng lúa tốt thì phải đảm bảo cho nó một môi trường sinh thái thuận lợi, tự nhiên. Từ bao đời nay, con ếch trong ruộng lúa là một giống vật có ích. Nó ăn côn trùng, sâu bọ hại lúa, nó cung cấp nguồn thức ăn cho con người. Sự khai thác ếch để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn đã làm cho nguồn ếch cạn kiệt, ếch sinh trưởng không kịp, đồng ruộng mất cân bằng sinh thái, sâu rầy, côn trùng nhiều lên làm cho đồng lúa xơ xác. Như vậy tình cảm cần biểu đạt theo đề bài này là : tình yêu đồng lúa, tình cảm với môi trường, tình cảm đối với giống ếch và sự lo âu trước sức phá hoại môi trường. Từ định hướng đó, em sẽ sắp xếp lại thứ tự các ý :
- Em yêu đồng lúa.
- Em vui nghe tiếng ếch rộn làng.
- Tiếng ếch không còn râm ran.
- Nỗi niềm lo âu.
2. Bài này có nội dung tương tự như bài trên. Hãy thử sắp xếp ý theo gợi ý sau :
- Con mèo cần thiết biết bao cho cuộc sống của mỗi nhà.
- Con mèo gắn bó với gia đình em như thế nào ?
- Nỗi lo âu trước nguy cơ mất mèo.
3. Đề bài “Quê hương trong lòng tôi” tương tự như bài An Giang quê tôi của Mai Văn Tạo (SGK, trang 89-90). Em hãy nghĩ về quê mình, ghi lấy nét chính trong ấn tượng và tình cảm quê hương của mình mà lập dàn ý. Có thể mô phỏng bố cục của bài văn ấy qua các phần : Tôi yêu gì, Tôi nhớ gì, Tôi ước gì…
4. Đề bài “Ca ngợi cây tre” rất quen thuộc và thú vị. Người Trung Quốc xưa ghép tre (trúc) với mai, tùng làm ba người bạn mùa đông chịu được rét, biểu tượng của khí tiết cứng cỏi.
Người Việt Nam yêu tre như người bạn. Tre được trồng thành “luỹ tre” bao bọc làng xóm. Rễ tre giữ đất. Tre toả bóng mát trên đường làng. Tre dùng vào đủ mọi việc của con người, từ việc lớn như làm nhà, làm bàn ghế, làm đòn gánh, đến việc nhỏ như đan lát rổ rá, chẻ lạt, làm đũa, làm tăm. Cây tre thân thiết với con người trong mọi việc. Khi giặc đến nhà thì tên tre, gậy tre, chông tre chống giặc...
Sachbaitap.com