Sẽ xem xét điều chỉnh cộng điểm ưu tiên
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng năm học tiếp tới ở các cơ sở giáo dục Đại học, trường Sư phạm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học vừa qua. Trước câu chuyện cộng điểm ưu ...
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng năm học tiếp tới ở các cơ sở giáo dục Đại học, trường Sư phạm, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề cập nhiều vấn đề "nóng" của kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học vừa qua.
Trước câu chuyện cộng điểm ưu tiên gây bất cập, ông Nhạ cho rằng, đây là chủ trương tốt, nhân văn, không chỉ ở Việt Nam mà quốc gia khác cũng áp dụng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế, xã hội đã thay đổi, sự chênh lệch giữa các khu vực 1-2-3 đã khác xưa. Việc cộng điểm ưu tiên do đó cũng cần cân nhắc điều chỉnh. "Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe để có sự điều chỉnh cho phù hợp với chính sách cộng điểm này", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Bộ GD Phùng Xuân Nhạ
Nhắc đến hiện tượng 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng một, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, do nhiều thí sinh điểm cao cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành "hot" như Y Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí giảm tới 50%, nên điểm chuẩn bị đẩy lên. Để khắc phục tình trạng đó, Bộ sẽ ra đề thi phân hóa tốt hơn cho những năm sau. Đây cũng là giải pháp cho câu chuyện "mưa điểm 10" trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. "Phương thức thi như năm nay sẽ được giữ ổn định nhưng chúng ta vẫn phải cải tiến về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng tốt hơn", Bộ trưởng nói.
Câu chuyện điểm chuẩn của ngành Sư phạm thấp tiếp tục "nóng" hội nghị khi Đại diện Đại học Đà Nẵng nêu thực trạng một số trường lấy 15,5 điểm chuẩn ngành Sư phạm Toán, Lý, thì thí sinh chỉ cần 1,5 điểm môn chuyên ngành là đỗ. "Sư phạm nhất thiết phải lấy 20-22 điểm trở lên, môn chuyên ngành phải hơn 7 điểm", vị này phát biểu và giải thích điều đó giúp chất lượng giáo viên đảm bảo và đồng đều.
Đại diện Đại học Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ xem xét lại nhu cầu nhân lực giáo dục để đề ra chỉ tiêu tuyển mới phù hợp, tránh tình trạng cử nhân thất nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam nên học tập các nước tiên tiến, có quy định chuẩn đầu ra nghiêm ngặt cho ngành đào tạo con người này.
Nhiều hiệu trưởng đại học khác cũng kiến nghị phải cấp thiết quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm để tránh chồng chéo, lãng phí nhân lực, kinh tế. Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng, sự quy hoạch này cần dựa trên nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng tình hình dân số, nhu cầu giáo viên và số lượng thầy cô, nhà trường sư phạm hiện có, năng lực của từng trường... Quy hoạch cần theo mô hình trường trọng tâm, các phân hiệu, trường vệ tinh, để tập trung đầu tư cho nơi đào tạo đội ngũ chất lượng cao. Ông đặc biệt nhấn mạnh, "cần trả lại công tác giáo dục về cho ngành giáo dục" khi hiện nay việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương phụ thuộc vào quyết định của UBND huyện, tỉnh.
Giải đáp băn khoăn này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, Bộ đang quyết liệt thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến nhiều chính sách, nhiều bộ ngành khác nên không thể nóng vội làm trong 1-2 năm là được.
"Tuần tới tôi sẽ làm việc với hiệu trưởng các trường sư phạm để bàn kỹ vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, quy hoạch hệ thống. Ở đó sẽ đánh giá thực trạng và tính toán chỉ tiêu của trường theo hướng giao chỉ tiêu khớp với nhu cầu thực tế và các đại học phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng đầu vào... Nhiều vấn đề bức xúc của ngành không phải ta không biết, Bộ cũng đang làm nhưng phải từng bước một", ông Nhạ kết luận hội nghị.
Theo TTHN