Sắp có máy tính đọc được ý nghĩ

Một cái nhướn mày, một ánh nhìn giễu cợt hay thậm chí một cái gật đầu trong thời gian tới cũng giúp máy tính "đọc" được suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Nguồn: BusinessWeek Là công trình hợp tác của các nhà khoa học Anh và Mỹ, những cỗ máy tính đặc biệt ...

Một cái nhướn mày, một ánh nhìn giễu cợt hay thậm chí một cái gật đầu trong thời gian tới cũng giúp máy tính "đọc" được suy nghĩ và cảm xúc của bạn. 

Nguồn: BusinessWeek
Là công trình hợp tác của các nhà khoa học Anh và Mỹ, những cỗ máy tính đặc biệt này có thể "đọc vị" tâm trạng và suy nghĩ của người dùng bằng cách phân tích những cử động, biểu lộ của gương mặt họ.

Thường thì những cử động được chọn mang tính "biểu mẫu" rất cao, với cảm xúc rõ ràng ẩn chứa trong đó. Với một camera chĩa thẳng vào người dùng, thu lại mọi "động tĩnh" trên gương mặt, máy tính sẽ đối chiếu những dữ liệu hình ảnh thu nhận được với cơ sở dữ liệu "tâm lý" phong phú bên trong bộ nhớ.

Theo lời giáo sư Peter Robinson của đại học Cambridge, Anh thì những ứng dụng dành cho máy tính "đọc suy nghĩ" rất phong phú, trải đều từ nâng cao kỹ năng lái xe cho người dùng đến quảng cáo theo tâm trạng khán giả.

"Hãy tưởng tượng một chiếc máy tính có thể chọn đúng tâm trạng của bạn, bức xúc của bạn để rao bán một món đồ "đắc địa". Một tương lai nơi điện thoại di động, ô tô và các website đều có thể đọc được tâm trí và tương tác với xúc cảm của người dùng", ông nói.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu của giáo sư Robinson mới lập trình cho công nghệ này nhận dạng các sắc thái mặt do diễn viên tạo ra. Ông hy vọng sẽ bổ sung thêm nhiều dữ liệu để máy tính phán đoán chính xác hơn sự chán chường, thích thú, bối rối, nhất trí hay bất mãn của người dùng trong thời gian tới.

Về phần mình, các cộng sự của giáo sư Robinson đến từ Học viện công nghệ Massachussetss, Mỹ, hy vọng rằng máy tính sẽ có thể chấp nhận cả những "đầu vào" khác như cử động của tay và tư thế, dáng điệu của cơ thể người dùng.

"Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cho phép các website điều chỉnh lại quảng cáo theo đúng tâm trạng người lướt Web. Lấy thí dụ, một webcam link với phần mềm này sẽ xử lý hình ảnh, mã hóa đúng tâm trạng rồi truyền thông tin về cho website", Robinson tỏ ra tràn trề tự tin.

Ngoài ra, nó cũng có thể rất đắc dụng trong đào tạo từ xa khi các giảng viên có thể biết học viên của mình đã thực sự hiểu bài hay chưa. Tương tự, một chiếc ô tô "thông minh" sẽ biết được khi nào tài xế bối rối, chán chường hay mệt mỏi để có giải pháp thích hợp, đảm bảo an toàn giao thông.

"Chúng tôi đang hợp tác cũng một đại gia ôtô và họ hy vọng triển khai công nghệ này trong các mẫu xe của mình trong vòng 5 năm tới", Robinson tiết lộ. Khi ấy, đừng lấy làm lạ nếu trên bảng điều khiển điện tử của xe lại xuất hiện một chiếc camera!

Thiên Ý
0