Sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp
Bản chất của sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Sản xuất hàng hoá. Sản xuất hàng hoá là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán, không phải để tự tiêu dùng bởi chính người sản ...
Bản chất của sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất hàng hoá.
Sản xuất hàng hoá là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán, không phải để tự tiêu dùng bởi chính người sản xuất ra sản phẩm đó. Để hiểu được khái niệm này, cần phân biệt hai hình thức sản xuất hàng hoá.
Thứ nhất, đó là sản xuất hàng hoá giản đơn. Đây là hình thức sản xuất hàng hoá ở trình độ thấp. Điều này được thể hiện trước hết ở mục đích của người sản xuất. Việc tạo ra sản phẩm được gọi là hàng hoá trong hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn chỉ là ngẫu nhiên, không phải mục đích của người sản xuất, hoặc ít ra, đó không phải mục đích chính của họ. Phần sản phẩm dư thừa được trở thành hàng hoá chỉ là ngẫu nhiên, thừa ra ngoài nhu cầu tiêu dùng cho bản thân người sản xuất. Trình độ sản xuất hàng hoá thấp còn được thể hiện ở trình độ của lực lượng sản xuất xã hội trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Nói chung, trong hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn, trình độ kỹ thuật của sản xuất còn lạc hậu, phân công lao động xã hội chưa phát triển. Sản xuất hàng hoá giản đơn được tiến hành bởi nông dân sản xuất nhỏ, thợ thủ công cá thể, dựa trên chế độ sở hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và sức lao động của bản thân nông dân, thợ thủ công là chính. Hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn ra đời vào cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ - thời kỳ tan rã của phương thức sản xuất này, và bắt đầu ra đời phương thức sản xuất chiễm hữu nô lệ. Đến thời kỳ phương thức sản xuất phong kiến, sản xuất hàng hoá giản đơn vẫn còn chiếm vị trí phổ biến.
Thứ hai, đó là sản xuất hàng hoá lớn. Điều khác biệt cơ bản giữa sản xuất hàng hoá giản đơn và sản xuất hàng hoá lớn trước hết thể hiện ở mục đích của người sản xuất. Trong sản xuất hàng hoá lớn, ngay từ trước khi tiến hành sản xuất, mục đích sản xuất ra sản phẩm để bán được đã khẳng định; sản phẩm trở thành hàng hoá đã được xác định từ trước khi quá trình sản xuất diễn ra, nó là quá trình tất nhiên, không phải là sự kiện ngẫu nhiên. Sự khác nhau giữa hai hình thức sản xuất hàng hoá còn được thể hiện ở trình độ kỹ thuật, trình độ phân công lao động cao trong sản xuất hàng hoá lớn.
Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hoá.
Theo khái niệm sản xuất hàng hoá, đó là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán. Như vậy, để có sản xuất hàng hoá không thể có chỉ một người sản xuất, mà phải có nhiều người sản xuất khác nhau, chỉ khi đó mới hình thành được mục đích sản xuất sản phẩm để trao đổi, để bán. Nhưng nếu chỉ có nhiều người sản xuất khác nhau thì cũng chưa đủ để có sản xuất hàng hoá, mà những người sản xuất khác nhau đó phải là những người chủ sở hữu độc lập về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra. Khi đó sản phẩm trao đổi giữa những người sản xuất phải được bồi hoàn chi phí sản xuất cho nhau, tức là phải mua bán sản phẩm hàng hoá giữa họ với nhau. Đến đây, vẫn chưa thể có sản xuất hàng hoá, nếu những người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra đó đều cùng làm ra một loại sản phẩm như nhau. Vậy là, những người sản xuất khác nhau đó còn phải sản xuất ra những sản phẩm hàng hoá khác nhau, tức là mỗi người sẽ chuyên môn hoá sản xuất một hay một số sản phẩm nào đó. Để tồn tại và phát triển bình thường, khi đó những người sản xuất sản phẩm khác nhau sẽ phải trao đổi sản phẩm cho nhau trên cơ sở có sự bồi hoàn chi phí cho nhau.
Tóm lại, để sản xuất hàng hoá ra đời và phát triển cần có 2 điều kiện cơ bản là: có sự phân công lao động xã hội, và có nhiều người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra.
Trên thực tế, biểu hiện của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp thông qua việc hình thành những người lao động chuyên môn hoá, ngành chuyên môn hoá, doanh nghiệp chuyên môn hoá, vùng chuyên môn hoá. Khi đó sẽ xuất hiện mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ trao đổi sản phẩm lẫn nhau giữa những người chuyên môn hoá sản xuất. Phân công lao động xã hội là quá trình mang tính khách quan, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất xã hội; trình độ của những người lao động; các quan hệ chính trị - xã hội chủ đạo trong nền kinh tế - xã hội...
Biểu hiện của những người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta là: sự tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế được pháp luật thừa nhận và khuyến khích phát triển. Trong mỗi thành phần kinh tế, lại có nhiều doanh nghiệp có tư cách pháp nhân riêng, hoặc có nhiều lao động cá thể có tư cách thể nhân. Do có quyền sở hữu khác nhau đối với tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra, nên khi trao đổi sản phẩm cho nhau, họ phải bồi hoàn chi phí cho nhau, ngoài ra còn phải có lãi. Chỉ khi chi phí sản xuất được bồi hoàn và có lãi cho người sản xuất, khi đó mới tạo ra được động lực thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển.
Chỉ tiêu phản ánh trình độ của sản xuất hàng hoá.
Do sản xuất hàng hoá là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán, nên chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh trình độ của sản xuất hàng hoá là chỉ tiêu tỷ suất sản phẩm hàng hoá trong tổng sản phẩm của người sản xuất. Chỉ tiêu này có thể tính bằng tỷ lệ về mặt hiện vật, nếu trong cơ cấu sản phẩm là đồng nhất, có thể so sánh được về lượng hiện vật. Ví dụ, trong sản xuất lúa gạo, nếu sản phẩm của hộ nông dân chỉ là lúa gạo, thì tỷ trọng sản phẩm hàng hoá có thể được tính bằng cách so sánh giữa lượng lúa gạo hàng hoá với lượng lúa gạo đã được sản xuất ra. Chỉ tiêu tỷ trọng hàng hoá tính theo lượng hiện vật cũng có thể được sử dụng để phân tích trình độ sản xuất hàng hoá, khi sản phẩm nằm trong cùng một nhóm có tính chất gần như nhau. Ví dụ, sản lượng lương thực qui thóc, sản lượng ngũ cốc, sản lượng rau xanh...
Bên cạnh tỷ suất sản phẩm hàng hoá tính theo tỷ lệ hiện vật, người ta còn sử dụng chỉ tiêu tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hoá. Đây là chỉ tiêu phổ biến khi nghiên cứu trình độ sản xuất hàng hoá của một đơn vị kinh doanh, hoặc một vùng kinh tế. Để tính chỉ tiêu này, có thể so sánh giữa tổng giá trị sản phẩm hàng hoá nói chung với tổng giá trị sản lượng của doanh nghiệp. Khi tính tỷ suất sản phẩm hàng hoá bằng giá trị cần lưu ý rằng, nếu muốn so sánh chỉ tiêu này qua các năm, thì người ta có thể dùng giá cố định, hoặc cũng có thể dùng giá hiện hành. Nếu để so sánh trình độ sản xuất hàng hoá của các đơn vị trong cùng năm, người ta thường dùng giá hiện hành để tính toán.
Việc phân tích trình độ sản xuất hàng hoá được dựa chủ yếu vào chỉ tiêu tỷ suất sản phẩm hàng hoá. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu chỉ sử dụng chỉ tiêu đó, sẽ chưa nói lên trình độ của sản xuất hàng hoá là cao hay thấp. Ví dụ, một người nông dân sản xuất được 5 con gà trong một năm và đem bán cả 5 con gà đó trên thị trường, thì tỷ trọng sản phẩm hàng hoá sẽ là 100%. Nếu so với người khác, nuôi được 50 con gà, và để tiêu dùng 25 con, bán ra thị trường 25 con, và đương nhiên tỷ trọng sản phẩm hàng hoá sẽ là 50%, khi đó sẽ khó có thể đánh giá là trình độ sản xuất hàng hoá của người thứ nhất cao hơn người thứ hai. Hoặc nếu như người thứ nhất nuôi gà theo lối chăn thả quảng canh, còn người thứ hai chăn thả theo lối thâm canh, thì cũng khó có thể nói người thứ nhất có trình độ sản xuất cao hơn người thứ hai.
Để khắc phục hạn chế trên, người ta còn dùng chỉ tiêu qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá. Thông thường khi sử dụng chỉ tiêu tỷ suất hàng hoá đều kèm theo chỉ tiêu qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra để đánh giá trình độ sản xuất hàng hoá của từng loại nông sản, người ta còn sử dụng chỉ tiêu cơ cấu giá trị nông sản hàng hoá.
Ưu thế của sản xuất hàng hoá.
Xét về mặt lịch sử, sản xuất hàng hoá là kiểu tổ chức sản xuất có sau sản xuất tự cấp, tự túc. Do vậy, sản xuất hàng hoá có nhiều ưu thế hơn hẳn so với sản xuất tự cấp, tự túc. Những ưu thế được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Trước hết, do yêu cầu của qui luật cạnh tranh, liên quan đến sự sống còn của người sản xuất hàng hoá, buộc mỗi người sản xuất hàng hoá phải tìm cách để hạ thấp chi phí sản xuất, thông qua việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ mới, cải tiến tổ chức sản xuất... Tất cả những nỗ lực đó của những người sản xuất hàng hoá một mặt, đem lại vị trí vững vàng của họ trên thị trường, mặt khác, đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ hai, do động lực của lợi nhuận thúc đẩy, những người sản xuất hàng hoá vô tình hay hữu ý cũng đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ ba, sự cạnh tranh để hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giữa những người sản xuất hàng hoá không chỉ đem lại lợi nhuận cho họ, mà còn tạo ra cho xã hội ngày càng nhiều sản phẩm với chất luợng cao, giá cả hạ.
Tuy nhiên, sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường cũng có những khiếm khuyết nhất định. Kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế thừa hoặc thiếu, theo đó là tình trạng lãng phí tài nguyên của xã hội; là tình trạng thất nghiệp thường xuyên xảy ra. Kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hoá xã hội, dẫn đến sự phá hoại môi trường... Để phát huy ưu thế của sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá và cao hơn là của kinh tế thị trường, hạn chế những khuyết tật của nó, rất cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vai trò đó có thể được thể hiện thông qua cơ chế quản lý vĩ mô, thông qua các chính sách và giải pháp định hướng, hoặc thông qua sự đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào một vùng, ngành, sản phẩm nào đó.
Kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường.
Có thể hiểu một cách khái quát kinh tế hàng hoá là nền kinh tế mà ở đó sản xuất hàng hoá đã trở thành kiểu sản xuất phổ biến. Kiểu sản xuất hàng hoá là kiểu sản xuất đối lập với sản xuất tự cấp tự túc. Tương tự như vậy, kinh tế hàng hoá cũng đối lập với nền kinh tế tự nhiên. Trong nền kinh tế tự nhiên, các mối quan hệ kinh tế phổ biến là quan hệ hiện vật. Trên góc độ lịch sử, kinh tế hàng hoá là nền kinh tế có sau nền kinh tế tự nhiên, và dĩ nhiên, nó là nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn kinh tế tự nhiên.
Liên quan đến kinh tế hàng hoá, còn có một kiểu tổ chức nền kinh tế nữa - kinh tế thị trường. Nói đến kinh tế thị trường, trước hết đó phải là nền kinh tế hàng hoá và nền kinh tế hàng hoá đó phải được vận hành chủ yếu theo cơ chế thị trường, tức là hoạt động chủ yếu dưới sự điều tiết của các qui luật thị trường.
Đối lập với nền kinh tế thị trường là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kinh tế hàng hoá có thể chưa trở thành phổ biến, cũng có thể đã trở thành phổ biến. Tuy vậy, điểm khác căn bản giữa nền kinh tế thị trường và nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung là ở cơ chế vận hành. Trong kinh tế thị trường, như đã nói, cơ chế vận hành nền kinh tế chủ yếu theo cơ chế thị trường, ngược lại, trong kinh tế kế hoạch hoá tập trung, cơ chế vận hành nền kinh tế chủ yếu theo mệnh lệnh kế hoạch từ trung tâm phát ra. Dĩ nhiên, cơ chế vận hành khác nhau, thì cấu trúc của nền kinh tế cũng không giống nhau. Sẽ không thể có kinh tế thị trường, hoặc nếu có thì đó cũng là kinh tế thị trường không hoàn chỉnh, nếu cấu trúc của nền kinh tế đơn nhất về thành phần kinh tế và các quan hệ thị trường bị hạn chế phát triển. Ngược lại, cũng không thể thực hiện được cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nếu có quá nhiều đầu mối bên dưới mà không có cơ chế ràng buộc các đầu mối đó với nhau. Nói ngắn gọn: cơ chế vận hành như thế nào thì cần phải có cấu trúc nền kinh tế tương ứng, ngược lại, cấu trúc nền kinh tế như thế nào cũng phải có cơ chế vận hành phù hợp.
Chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Chuyên môn hoá sản xuất là quá trình tập trung lực lượng sản xuất của một đơn vị để sản xuất một hay một số sản phẩm hàng hoá phù hợp với điều kiện của đơn vị đó cũng như với nhu cầu của thị trường.
Chuyên môn hoá sản xuất, hay chuyên canh trong nông nghiệp có sự khác nhau căn bản so với độc canh. Điều đó được thể hiện ở mục đích của sự tập trung lực lượng sản xuất của đơn vị là để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, nó khác hẳn với mục đích của độc canh - tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng. Sự giống nhau về hình thức giữa độc canh và chuyên canh là ở sự tập trung lực lượng sản xuất để sản xuất một hay một số sản phẩm dễ dẫn đến sự lầm lẫn về mặt lý luận cũng như cũng như thực tiễn khi nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp. Chuyên canh và độc canh được phát triển ở các trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất xã hội.
Để đánh giá trình độ chuyên môn hoá của một vùng, có thể sử dụng hệ thống chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu chính là tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hoá trong tổng giá trị sản xuất, các chỉ tiêu bổ sung là qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá, tỷ trọng đầu tư các yếu tố đầu vào cho sản xuất sản phẩm hàng hoá...
Do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, cũng như xuất phát từ những yêu cầu về sinh thái, về thị trường, về tài chính của doanh nghiệp, nên các vùng chuyên canh trong nông nghiệp thường phải kết hợp với phát triển đa dạng một cách hợp lý. Sự kết hợp đó phải tuân thủ nguyên tắc là: không được cản trở sự phát triển của sản phẩm chuyên môn hoá và tốt nhất là tạo điều kiện cho sản phẩm chuyên môn hoá phát triển.
Trong điều kiện của Việt Nam, chuyên môn hoá kết hợp với phát triển đa dạng hoá thường được thực hiện dưới một số hình thức chính sau đây:
Thứ nhất, bên cạnh sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá, doanh nghiệp còn có thể phát triển một số sản phẩm khác để tận dụng những yếu tố nguồn lực mà việc sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá chưa sử dụng hết, thường thì đó là những thửa đất không phù hợp để phát triển cây trồng chính, hoặc là để tận dụng lao động nhàn rỗi ngoài thời vụ của sản xuất sản phẩm chính... Sản phẩm sản xuất thêm theo cách này thường không liên quan đến sản xuất sản phẩm chính, xét về mặt kỹ thuật.
Thứ hai, trong vùng chuyên canh một loại cây trồng nào đó, có thể trồng xen những loại cây khác. Việc trồng xen này phải tuân thủ nguyên tắc cây trồng xen không được cản trở, cạnh tranh về dinh dưỡng với cây trồng chính. Trên thực tế, ở Việt Nam thường thấy các hình thức trồng xen như: khi cây lâu năm chưa khép tán, người ta trồng xen các loại cây họ đậu để tận dụng đất trống; hoặc có một số vùng nông dân trồng xen ngô và đậu; trồng xen đậu, ngô giữa các luống trồng khoai lang...
Thứ ba, có thể thấy hình thức trồng gối vụ ở vùng chuyên môn hoá. Mục tiêu của trồng gối vụ chủ yếu là để tranh thủ thời vụ, tăng thêm vụ gieo trồng, tăng năng suất ruộng đất.
Trong quá trình kết hợp chuyên môn hoá với phát triển đa dạng hoá trong nông nghiệp cần lưu ý rằng, ngoài những mục đích truyền thống của sự kết hợp đó, cần hướng tới mục đích phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, nền nông nghiệp sạch; ít dùng thuốc trừ sâu hoá học, ít dùng thuốc diệt cỏ hoá học...
Những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp
Về cơ bản, những nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá cũng chính là những nhân tố ảnh hưởng đến chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, xét về mức độ ảnh hưởng chi phối của các yếu tố đến sản xuất hàng hoá sẽ khác với ảnh hưởng đến chuyên môn hoá. Nhìn chung, xét về mức độ, các nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá sẽ chi phối mạnh hơn, sâu sắc hơn đối với chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. ở đây, ta có thể hiểu chuyên môn hoá sản xuất, đặc biệt là chuyên môn hoá theo vùng, là sự phát triển đến trình độ cao của sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp.
Xét về đại thể, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Có thể chia những nhân tố đó thành ba nhóm sau đây:
Những nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên của sản xuất nông nghiệp.
Trong các nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên, thông thường, nhân tố đầu tiên mà người ta phải kể đến đó là điều kiện đất đai. Các tiêu thức của đất đai cần được phân tích, đánh giá về mức độ thuận lợi hay khó khăn cho sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp là: Tổng diện tích đất tự nhiên, đất nông nghiệp; đặc điểm về chất đất (nguồn gốc đất, hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong đất, khả năng mà cây trồng các loại có thể sử dụng các chất dinh dưỡng đó, độ PH của đất...); đặc điểm về địa hình, về cao độ của đất đai. Điểm cơ bản cần lưu ý khi đánh giá mức độ thuận lợi hay khó khăn của đất đai là phải gắn với từng loại cây trồng cụ thể. Rất có thể một đặc điểm nào đó của đất đai là khó khăn cho phát triển loại cây trồng này, nhưng lại là thuận lợi cho phát triển loại cây khác. Đồng thời cũng cần xem xét trong từng thời vụ cụ thể trong năm về ảnh hưởng của đất đai đối với sản xuất một loại cây trồng cụ thể.
Đối với sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, đất đai tuy thường được xem xét trước, nhưng mức độ ảnh hưởng của nó đến sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá không mang tính quyết định bằng điều kiện khí hậu. Những thông số cơ bản của khí hậu như: nhiệt độ bình quân hàng năm, hàng tháng; nhiệt độ cao nhất, thấp nhất hàng năm, hàng tháng; lượng mưa hàng năm, hàng tháng; lượng mưa bình quân cao nhất, thấp nhất trong thời kỳ quan trắc; độ ẩm không khí; thời gian chiếu sáng, cường độ chiếu sáng; chế độ gió; những hiện tượng đặc biệt của khí hậu như sương muối, mưa đá, tuyết rơi, sương mù... đều phải được phân tích, đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến phát triển của từng loại cây trồng cụ thể.
Ngoài đất đai và khí hậu, nguồn nước cũng cần được xem xét. Nguồn nước bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, hoặc khả năng đưa nước từ nơi khác đến vùng sản xuất mà chúng ta đang xem xét.
Đối với sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, các yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên được xem như cơ sở tự nhiên của phân công lao động trong nông nghiệp. Đa phần những chuyên môn hoá theo vùng trong nông nghiệp cho đến thời đại ngày nay, đều xuất phát từ sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, trong đó chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt về khí hậu và nguồn nước. Sự chuyên môn hoá giữa vùng này và vùng khác trong một quốc gia, hoặc giữa quốc gia này với quốc gia khác trên phạm vi thế giới, cơ bản đều xuất phát từ sự khác biệt của điều kiện khí hậu. Đó là cơ sở tự nhiên cho sự phân công lao động quốc tế.
Những nhân tố thuộc về điều kiện kinh tế - xã hội.
Đất đai, khi xem xét những đặc tính về cơ, lý, hoá, sinh ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, thì đó được coi là điều kiện tự nhiên. Song nếu xem xét nó về qui mô diện tích bình quân cho một nhân khẩu, cho một lao động, cách thức phân phối quĩ đất nông nghiệp ... thì nó lại là điều kiện kinh tế. Nói chung, với các điều kiện khác như nhau, nếu chỉ tiêu đất đai nông nghiệp, đất canh tác trên một nhân khẩu, một lao động càng cao, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp hình thành và phát triển. Chỉ tiêu này không hoàn toàn cố định, nó không phải là điều kiện bất biến như các điều kiện tự nhiên, nó chịu sự tác động mạnh mẽ của các nhân tố kinh tế - kỹ thuật. Trong quá trình công nghiệp hoá, sự biến đổi của cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, sẽ làm tăng chỉ tiêu đất đai bình quân một nhân khẩu, hay một lao động. Đồng thời, tiến bộ của khoa học và công nghệ cũng sẽ làm cho chỉ tiêu này ngày càng ít quan trọng hơn đối với sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam thì chỉ tiêu nói trên vẫn còn quan trọng.
Do sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp có mục đích chính là sản xuất ra nông sản hàng hoá, nên điều kiện về thị trường, tuy là nhân tố bên ngoài của doanh nghiệp, của vùng chuyên môn hoá nông nghiệp nhưng lại giữ vị trí quyết định đến sự tồn tại và phát triển của người sản xuất hàng hoá, vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Điều kiện về thị trường bao gồm cả thị trường các yếu tố đầu vào của sản xuất nông nghiệp và thị trường sản phẩm đầu ra.
Không thể chỉ coi trọng thị trường sản phẩm đầu ra, mà coi nhẹ thị trường các yếu tố đầu vào của vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Thực tiễn cho thấy rằng, nếu sản xuất ra những nông sản không đạt yêu cầu về chất lượng, sản phẩm có giá thành cao, thì dù công tác tiếp thị được tiến hành hoàn hảo đến mấy cũng là vô ích. Do vậy, khi đặt vấn đề giải quyết thị trường cho các vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, cần đặt nó trong toàn bộ quá trình kinh doanh để xem xét và giải quyết. Sự phân tích, đánh giá thị trường sản phẩm đầu ra của vùng chuyên môn hoá nông nghiệp cũng cần có sự phân tổ để có thể giải quyết vấn đề mạch lạc. Chẳng hạn, cũng là sản phẩm đầu ra của vùng chuyên môn hoá, nhưng đó là sản phẩm để tiêu dùng trực tiếp của dân cư, hay là sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào của công nghiệp chế biến. Hoặc đó là sản phẩm dễ vận chuyển đi xa hay khó vận chuyển đi xa... Những phân tích đó giúp cho sự định hướng chuyên môn hoá của mỗi vùng nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trong kinh doanh, cũng như trong bảo vệ các tài nguyên nông nghiệp.
Cũng do mục đích của sản xuất là sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, hơn nữa là sản xuất hàng hoá với trình độ cao và qui mô lớn nên điều kiện giao thông vận tải cũng có tác động quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, cũng như đối với sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp nói chung. Đây là nhân tố bên ngoài của các vùng chuyên môn hoá, của người sản xuất hàng hoá nông nghiệp. Nói chung các vùng chuyên môn hoá phải thích ứng với điều kiện giao thông vận tải. Tuy nhiên, sự thích ứng ở đây không mang tính bất biến như đối với điều kiện tự nhiên. Vì rằng, điều kiện giao thông vận tải ngày càng được giải quyết tốt hơn, nhờ khả năng đầu tư để xây dựng hệ thống giao thông ngày càng tăng.
Ngoài những nhân tố trên, trong nhóm nhân tố thuộc về điều kiện kinh tế - xã hội còn phải kể đến các nhân tố như sự phát triển của công nghiệp chế biến; loại sản phẩm chuyên môn hoá; cơ chế quản lý của nền kinh tế... Đối với các vùng chuyên môn hoá sự phát triển của công nghiệp chế biến một mặt giúp tiêu thụ dễ dàng các sản phẩm chuyên môn hoá của vùng, mặt khác còn làm tăng dung lượng tiêu thụ sản phẩm nói chung của vùng chuyên môn hoá. Sự tác động làm tăng dung lượng không chỉ thể hiện ở chỗ, bên cạnh lượng sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, còn có một lượng lớn sản phẩm được tiêu thụ bởi công nghiệp chế biến, mà sự tăng lên còn thể hiện ở khả năng kéo dài thời vụ tiêu thụ sản phẩm của vùng chuyên môn hoá nhờ tác động của công nghiệp. Do đó, vai trò của công nghiệp chế biến ngày càng tăng đối với sự tồn tại và phát triền của các vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Có thể coi các doanh nghiệp công nghiệp chế biến nông sản như những hạt nhân tạo vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý nền kinh tế cũng có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Các yếu tố thuộc về điều kiện kỹ thuật.
Trong thời đại ngày nay, các nhân tố thuộc về điều kiện kỹ thuật có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của các vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp, cũng như đối với sản xuất hàng hoá nông nghiệp nói chung. Nhận định đó được thể hiện trên một số khía cạnh chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đó là những tiến bộ trong khâu sản xuất và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi mới. Các loại giống cây, con có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt cho phép tăng qui mô sản lượng hàng hoá của vùng chuyên môn hoá mà không cần mở rộng diện tích của vùng chuyên môn hoá. Các loại giống mới có sức kháng chịu dịch bệnh cao giúp ổn định năng suất cây trồng, vật nuôi; ổn định sản lượng sản phẩm hàng hoá. Đặc biệt, trong công nghệ ghép mắt của cây trồng đã trưởng thành vào gốc cây trồng non đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các vùng chuyên canh cây trồng dài ngày mau chóng cho sản phẩm, rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản của vườn cây, ổn định tính năng di truyền những phẩm chất tốt của cây cung cấp mắt ghép, đồng thời lại có sức sinh trưởng cao của gốc cây non. Với công nghệ mới đó, các loại cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp dài ngày đang có những bước tăng trưởng cao trong những năm gần đây.
Bên cạnh những tiến bộ trên về công tác giống, còn phải kể đến xu hướng lai tạo, bình tuyển các giống cây trồng cho sản phẩm phù hợp với kinh tế thị trường: chịu được va đập trong quá trình vận chuyển, giữ được độ tươi ngon dài hơn trong quá trình vận chuyển. Có thể nói xu thế tuyển tạo các loại giống phù hợp với yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không lưu ý đến khả năng chịu được những tác động của sự vận chuyển sản phẩm đi xa, trong thời gian ngày càng dài hơn.
Thứ hai, bên cạnh tiến bộ công nghệ trong sản xuất cây con mới, hệ thống qui trình kỹ thuật tiên tiến cũng được hoàn thiện và phổ biến nhanh đến người sản xuất nông nghiệp. Kết quả đó là nhờ Nhà nước Việt Nam đã và đang đầu tư cho đào tạo cán bộ kỹ thuật, cho nghiên cứu và thử nghiệm hệ thống qui trình kỹ thuật mới, cho việc tổng kết kinh nghiệm của các chủ trang trại để đúc kết thành qui trình kỹ thuật. Ngoài ra, nhờ sự phối hợp ngày càng hiệu quả giữa các cơ quan khuyến nông với các tổ chức truyền thông, nên đã rút ngắn được thời gian chuyển tải kỹ thuật mới từ nơi nghiên cứu đến người nông dân.
Thứ ba, đó là sự phát triển của qui trình công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm đang tạo ra những điều kiện có tính cách mạng để vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ tại những thị trường xa xôi. Điều đó cũng đã có ý nghĩa to lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của từng vùng chuyên canh, xét về không gian. Thay vì nông sản chỉ được tiêu thụ tại chỗ, hoặc ở vùng lân cận quanh vùng chuyên môn hoá, thì nay sản phẩm được đưa đi tiêu thụ tại những thị trường cách vùng sản xuất hàng ngàn, hàng vạn ki lô mét nhờ công nghệ bảo quản và chế biến nông sản tiên tiến. Đồng thời, cuộc cách mạng trong lĩnh vực này cũng tạo điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của vùng chuyên môn hoá xét về thời gian. Thay vì nông sản chỉ được tiêu dùng trong một khoảng thời gian ngắn vào thời vụ thu hoạch, thì nay, ngày càng có điều kiện để tiêu thụ nông sản loại nào đó ngày càng dài hơn, thậm chí là quanh năm.
Công nghệ chế biến cũng mở rộng dung lượng thị trường nông sản vùng chuyên canh nhờ sự tác động của quá trình đó đã đa dạng hoá sản phẩm tiêu dùng cuối cùng. Ví dụ, thay vì chỉ tiêu thụ dứa quả tươi, ngày nay, công nghiệp chế biến còn cung cấp cho thị trường dứa khoanh, dứa miếng và đặc biệt là nước dứa cô đặc. Sự định hướng nhu cầu thị trường bằng các loại nước quả cô đặc đang mở rộng nhanh chóng dung lượng thị trường sản phẩm các loại cây ăn quả. Điều này cũng đặt ra cho các nhà khoa học của Việt Nam nhiệm vụ: trong nghiên cứu công nghệ chế biến nông sản, cần hướng tới những mục tiêu cụ thể như, đa dạng hoá sản phẩm tiêu dùng cuối cùng, kéo dài thời gian tiêu dùng sản phẩm trong năm, tăng dung lượng sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ..., ngoài mục tiêu truyền thống là tăng giá trị nông sản thông qua quá trình chế biến.
Các điều kiện khác như: hệ thống tưới, tiêu nước của vùng chuyên môn hoá; công nghệ phòng trừ dịch bệnh; trình độ của người nông dân... cũng không thể không phân tích khi nghiên cứu những điều kiện kỹ thuật ảnh hưởng đến sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá trong nông nghiệp.
các vùng sản xuất chuyên môn hoá trong nông nghiệp của Việt Nam
Phân vùng kinh tế nông nghiệp.
Trong công tác quản lý Nhà nước đối với nông nghiệp, cũng như trong việc định hướng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp của từng vùng, việc phân vùng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng. Phân vùng kinh tế là việc phân chia lãnh thổ tự nhiên thành các vùng kinh tế khác nhau. Sự phân chia lãnh thổ tự nhiên thành các vùng kinh tế dựa trên nhiều căn cứ, trong đó, thông thường các điều kiện tự nhiên được chú ý trước tiên. Tuy nhiên, trong thời đại khoa học và công nghệ tiên tiến, các điều kiện tự nhiên ngày càng có vai trò thứ yếu trong công tác phân vùng kinh tế.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, hơn nữa lại là nông nghiệp của Việt Nam, thì những điều kiện tự nhiên vẫn cần được xem xét trước tiên. Sau những điều kiện tự nhiên, phải kể đến các điều kiện về thị trường, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Điều kiện thị trường ở đây cần được xem xét cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong việc phát triển các loại cây dài ngày, bên cạnh việc phân tích hiện trạng thị trường, thì việc dự báo thị trường tương lai là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, sự phân bố các yếu tố cụ thể của lực lượng sản xuất của quốc gia cũng cần được phân tích, đánh giá khi phân vùng kinh tế. Những điều kiện xã hội như tình hình dân số, lao động, phong tục, tập quán... cũng là những căn cứ cần xem xét trong công tác phân vùng kinh tế.
Vậy vùng kinh tế nông nghiệp là gì? có thể hiểu một cách khái quát, vùng kinh tế là một bộ phận lãnh thổ tương đối trọn vẹn về mặt địa lý, có qui mô đủ lớn, có những mối liên hệ kinh tế nội tại tương đối bền vững và không ngừng liên hệ với các bộ phận lãnh thổ khác, thông qua trao đổi sản phẩm và dịch vụ.
Sự phân biệt giữa vùng kinh tế này với vùng kinh tế khác chủ yếu dựa trên cơ sở hướng chuyên môn hoá sản xuất kinh doanh. Ranh giới giữa vùng này với vùng khác thường dựa vào ranh giới các đơn vị hành chính. Tuy nhiên, cần chú ý rằng vùng kinh tế không phải là một đơn vị hành chính, và ranh giới giữa các vùng không sắc nét như ranh giới các đơn vị hành chính.
Các vùng kinh tế - vùng chuyên môn hoá nông nghiệp ở Việt Nam.
Đối với Việt Nam, trước kia cả nước được chia thành 7 vùng kinh tế - sinh thái: vùng miền núi và trung du phía Bắc; vùng đồng bằng Bắc Bộ; vùng Bắc Trung Bộ; vùng ven biển Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi có sự điều chỉnh lại một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, Thành phố, và xuất phát từ tình hình thực tiễn, đã có sự phân định lại các vùng kinh tế sinh thái cơ bản. Thay vì 7 vùng như trước và 8 vùng trong Niên giám thống kê, hiện nay có phương án đề nghị có 6 vùng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm: Hai vùng kinh tế sinh thái trước kia là vùng Bắc Trung Bộ và vùng ven biển Nam Trung Bộ, nay được gộp thành vùng khu 4 cũ và ven biển miền Trung. Ngoài ra, giữa các vùng cũng có một số điều chỉnh. Thí dụ, tỉnh Quảng Ninh trước đây thuộc vùng miền núi và trung du bắc bộ, thì nay thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hoặc tỉnh Lâm Đồng, trước kia thuộc vùng Tây Nguyên, nay thuộc vùng Đông Nam Bộ... Về cơ bản, 6 vùng kinh tế sinh thái hiện nay vẫn kế thừa về định hướng phát triển kinh tế - xã hội đã được định ra trước đây. Do vậy, trong mục này, việc phân tích các vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp sẽ căn bản bám theo 7 vùng kinh tế - sinh thái đã được xây dựng từ trước.
Định hướng hình thành vùng chuyên môn hoá sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để hình thành vùng kinh tế sinh thái. Đồng thời trong quá trình phát triển, chính những vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm đậm nét thêm về phương hướng phát triển của các vùng kinh tế sinh thái. Do vậy, việc nghiên cứu các vùng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp không thể tách rời nghiên cứu các vùng kinh tế sinh thái của cả nước. Trước khi nghiên cứu từng vùng kinh tế - sinh thái cụ thể, có thể lướt qua một số chỉ tiêu khái quát về đất đai của 7 vùng kinh tế - sinh thái ở Việt Nam như sau:
Biểu 1: tình hình sử dụng đất năm 1994 chia theo các vùng kinh tế sinh thái cơ bản
Đơn vị tính: Ha
Vùng miền núi phía Bắc:
Vùng này bao gồm 14 tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Đây là vùng có vị trí quan trọng về quốc phòng đối với cả nước, về sinh thái đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Về kinh tế nông nghiệp và lâm nghiệp, vùng này có 940.000 ha trồng cây lâu năm, trong đó phải kể đến diện tích trồng chè. Năm 1990, vùng này có 35.000 ha chè trong số gần 60.000 ha của cả nước (chiếm trên 58%). Đến năm 2000, diện tích chè của vùng này là 56.594 ha, chiếm 64,34% tổng diện tích chè của cả nước. Có thể nói, vùng miền núi phía Bắc đã và đang trở thành vùng chuyên môn hoá trồng chè của cả nước.
Ngoài cây chè, các loại cây khác như mía, cà phê chè, cây ăn quả, quế... cũng đang từng bước phát triển theo các vùng chuyên môn hoá. Năm 1990, diện tích mía của vùng mới đạt khoảng 8.200 ha, chiếm 6,27% tổng diện tích mía của cả nước, đến năm 2000, diện tích mía đã lên gần 34.000 ha, chiếm gần 9% diện tích mía của cả nước. ở vùng này, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng có thể nói là vùng tập trung tương đối cao diện tích mận, đào. Đây là các loại cây ăn quả đang có nhiều triển vọng phát triển. Cây cà phê chè đang được khuyến khích phát triển ở Sơn La, Yên Bái.
Về chăn nuôi, vùng này có thể chăn thả các loại đại gia súc. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh doanh nông lâm nghiệp đang đi theo hướng thâm canh, thì lợi thế chăn thả đại gia súc theo lối quảng canh đang mất dần ưu thế.
Về phát triển lâm nghiệp, vùng này có nhiệm vụ khoanh nuôi, tái sinh rừng để bảo vệ môi trường cho gần như toàn miền Bắc. Đồng thời, có thể trồng rừng sản xuất và rừng phòng hộ ở một số khu vực không có điều kiện khoanh nuôi, tái sinh rừng.
Có thể khái quát tình hình phát triển một số sản phẩm nông nghiệp của vùng qua biểu 2. Qua đó có thể khẳng định rằng, vùng miền núi phía Bắc đã và đang là vùng chuyên canh sản xuất chè lớn nhất của Việt Nam. Các điều kiện về đất đai, khí hậu, truyền thống sản xuất ... đều rất thuận lợi cho phát triển sản xuất cây chè ở vùng này.
Vùng này có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây dài ngày như: chè, cà phê chè, mận, lê, cam... Tuy nhiên, để khơi dậy được tiềm năng đó, còn nhiều vấn đề bất cập trong hệ thống qui trình kỹ thuật canh tác trên đất dốc; hệ thống hạ tầng kỹ thuậtcòn lạc hậu; công nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản chưa trở thành hạt nhân kích thích vùng chuyên môn hoá hình thành và phát triển.
Biểu 2: Một số chỉ tiêu nông nghiệp, lâm nghiệp vùng miền núi phía Bắc.
Hướng phát triển của vùng miền núi phía Bắc được thể hiện ở một số loại sản phẩm chủ yếu như: chè, cà phê chè (có thể đưa từ 9000 ha lên 20.000 ha cà phê chè), mía, đào, lê, mận, cam, quýt, bưởi... chú trọng đầu tư khai thác 5,4 triệu ha đất chưa sử dụng, trong đó có 4,2 triệu ha có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp.
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Vùng này bao gồm 12 tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Trong đó vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được xác định là: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
So với vùng miền núi phía Bắc, vùng này có nhiều thuận lợi về địa hình, chất đất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nước, trình độ dân trí... nhưng lại có nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp như: mật độ dân số quá cao; cây lúa - cây chủ lực của vùng đang giảm dần vị thế trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, do giá trị thu được trên 1 ha không cao. Năm 2000, diện tích lúa của vùng khoảng 726.000 ha, bằng 18% của cả nước, sản lượng thóc bằng 27% của cả nước. Tuy nhiên sản lượng lúa hàng hoá không cao, do sản lượng lúa bình quân/1 người mới đạt 328 kg. Cho đến năm 2000, vùng này chưa có nông sản chủ lực nào đóng góp vào cơ cấu nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Có thể tham khảo tình hình phát triển một số nông sản của vùng qua biểu sau:
Biểu 3: Một số chỉ tiêu nông nghiệp và thuỷ sản vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong tương lai, các loại rau vụ đông, hoa, cây cảnh, lúa đặc sản có thể trở thành những sản phẩm có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đáng kể ở vùng này.
Bên cạnh nông nghiệp, là vùng có bờ biển tương đối dài, nên ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đã và sẽ trở thành ngành mũi nhọn của vùng.
Vùng Bắc Trung Bộ.
Vùng bao gồm 7 tỉnh là: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Đặc điểm của vùng này về đất đai có thể xem trong biểu số liệu đất năm 1994. Về cơ bản, đến năm 2000, cơ cấu sử dụng đất không thay đổi nhiều so với năm 1994. Về khí hậu, đây vẫn là vùng khí hậu của miền Bắc Việt Nam (mỗi năm có 4 mùa rõ rệt), khác với khí hậu có 2 mùa trong năm ở khu vực từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam.. Đây là vùng đất hẹp từ Đông sang Tây, địa hình đa dạng: có núi rừng, đồi trung du, đồng bằng nhỏ hẹp, và bờ biển dài. Trình độ phát triển kinh tế của vùng này nói chung còn thấp.
Về kinh tế nông nghiệp, ở vùng này, nổi bật lên ở 3 khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, đây là vùng có tốc độ tăng trưởng về diện tích và sản lượng mía đường tương đối bền vững, tập trung chủ yếu ở Thanh Hoá. Đến năm 2002, sản lượng mía đường phục vụ cho 3 nhà máy đường lớn ở tỉnh này (tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân, Nông Cống), đã đạt trên 2 triệu tấn mía cây. Trong những năm tới, diện tích mía đường có thể diễn biến theo chiều hướng ổn định, nhưng sản lượng mía cây sẽ còn tăng nhanh, do xu thế đầu tư thâm canh tăng năng suất mía, nhằm hạ giá thành nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến đường và dành đất để phát triển các loại cây trồng khác.
Thứ hai, trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, các loại cây ăn quả đã bắt đầu được mở rộng diện tích tại vùng Bắc Trung Bộ, trong đó đáng kể nhất là diện tích dứa. Bên cạnh đó, các loại cây có múi như cam, bưởi vẫn tiếp tục khẳng định được vị trí của chúng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng này. Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) từ lâu đã nổi tiếng trên cả nước Việt Nam bởi vị đậm và mát. Loại bưởi này đang có triển vọng phát triển nhanh nhờ thị trường tiêu thụ còn rộng lớn, và nhờ tiến bộ khoa học công nghệ trong khâu sản xuất giống tốt. Công nghệ sản xuất giống bưởi ít nhiễm bệnh đang được thực hiện tại Viện cây ăn quả của Việt Nam và có thể được triển khai tại ngay vùng bưởi Phúc Trạch - Hà Tĩnh. Khi đó giống bưởi sạch bệnh sẽ có thể đáp ứng được cho nhu cầu mở rộng diện tích loại quả quí này.
Thứ ba, đây là vùng có tổng diện tích đất rừng và rừng lớn thứ ba (sau Tây Nguyên và vùng miền núi phía Bắc), và cũng đứng thứ ba về tỷ lệ đất rừng trong tổng diện tích đất tự nhiên (sau Tây Nguyên và vùng ven biển Nam Trung Bộ). Tại vùng này, diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn. Tuy nhiên, nguy cơ khai thác gỗ làm cạn kiệt tài nguyên rừng vẫn còn thường trực trong đời sống xã hội, và tỷ lệ che phủ trên đất rừng vẫn chưa cao (đến năm 2002, tỷ lệ che phủ trên đất rừng của Thanh Hoá mới đạt trên 40%). Vấn đề trong phát triển rừng của vùng này là: trồng rừng chưa đi đôi với phát triển chế biến gỗ công nghiệp. Do đó, dù rừng trồng chưa nhiều, song đã xuất hiện hiện tượng dư thừa sản phẩm từ rừng trồng. Thực tế trồng luồng của Thanh Hoá là minh chứng điển hình cho vấn đề đó.
Thứ tư, vùng này có gần 600 km bờ biển, với nhiều đầm phá ven bờ, với tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản rất lớn. Đồng thời, tiềm năng đánh bắt thuỷ sản xa bờ cũng chưa được đầu tư khai thác hợp lý. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, Nhà nước Việt Nam đã có chương trình đánh bắt thủy sản xa bờ. Song tiếc rằng, chương trình này chưa đầu tư đồng bộ, chủ yếu mới đầu tư cho mua sắm tầu thuyền công suất lớn, chưa đầu tư tương xứng cho phát triển dịch vụ đánh bắt thuỷ sản; cho xây dựng hệ thống cảng cá; cho đào tạo nhân lực... Do vậy, tiềm năng khai thác thuỷ sản xa bờ ở vùng này chưa được khai thác hợp lý.
Biểu 4: Một số chỉ tiêu nông nghiệp và thuỷ sản của vùng Bắc Trung Bộ.
Hướng phát triển nông, lâm, thuỷ sản của vùng này sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn là phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Mục tiêu là phục hồi thảm rừng, đồng thời xây dựng hệ thống hồ đập đầu nguồn để phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững. Tăng cường nuôi trồng và đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản. Tiếp tục hoàn thiện công tác qui hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng: gắn phát triển rừng với phát triển công nghiệp chế biến gỗ, giấy sợi; gắn phát triển vùng nguyên liệu mía với các Nhà máy đường, vùng nguyên liệu dứa với các nhà máy chế biến hoa quả; phát triển các loại cây có múi như cam, đặc biệt là bưởi Phúc Trạch.
Vùng ven biển Nam Trung Bộ.
Vùng ven biển Nam Trung Bộ bao gồm 7 tỉnh: thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích tự nhiên của vùng là 3.555.887 ha, chiếm 10,60% tổng diện tích tự nhiên của Việt Nam.
Những đặc điểm tự nhiên cơ bản của vùng này là, địa hình được tạo bởi dải đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc theo hơn 600 km bờ biển phía Đông và khu vực miền núi phía Tây; gần như không có địa hình Trung Du giữa đồng bằng ven biển và miền núi. Hàng năm khí hậu của vùng này có 2 mùa, song không rõ rệt như Tây Nguyên và Nam Bộ. So với các vùng khác của Việt Nam, đây là vùng có khí hậu tương đối khắc nghiệt. Điển hình của sự khắc nghiệt đó là mùa nắng, nóng, hạn và mùa mưa, bão, lũ lụt diễn ra rất gay gắt. Hệ thống sông của vùng này rất ngắn và dốc, do vậy rất dễ gây ra lũ vào mùa mưa, khô hạn vào mùa khô. Có thể thấy được hướng chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp của vùng này qua một số chỉ tiêu chính sau đây:
Biểu 5: Một số chỉ tiêu nông nghiệp và thuỷ sản của vùng ven biển Nam Trung Bộ.
Ghi chú: * Số liệu năm 1992.
Như vậy, có thể thấy đây là vùng đã và đang có xu hướng phát triển vùng chuyên canh sản xuất mía đường, điều, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, diện tích và sản lượng mía đường đã có dấu hiệu chững lại, sản phẩm điều và thuỷ sản vẫn đang có tốc độ tăng trưởng nhanh. Sản xuất lương thực, đặc biệt sản xuất lúa nước, ở vùng này rất khó khăn.
Với các loại đất cát bạc màu bồi tụ dưới chân các dãy núi, đất cát ven biển, nếu giải quyết được vấn đề nước tưới, sẽ có thể phát triển các loại cây như: xoài, nho, thanh long, cây bông vải.... Trên thực tế, các loại cây như xoài, nho, thanh long đã khẳng định được ưu thế và vị trí của chúng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng.
Hướng phát triển về nông lâm nghiệp và thuỷ sản ở vùng này là, tiếp tục đầu tư cho ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản; mở rộng diện tích và tăng sản lượng các loại sản phẩm từ cây xoài, nho, thanh long, cây bông vải trên cơ sở tiến bộ khoa học và công nghệ mới; xây dựng hệ thống hồ đập đi đôi với việc phủ xanh đất trống, đồi trọc ở vùng núi để cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản bền vững cả về kinh tế lẫn môi trường.
Vùng Tây Nguyên.
Vùng này gồm 4 tỉnh: Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai và Kon Tum. Cơ cấu sử dụng đất như trong biểu hiện trạng sử dụng đất năm 1994. Tuy nhiên, cần nói thêm là, vùng này có 60 vạn héc ta đất đỏ bagian, chiếm 40% tiềm năng đất phát triển cây công nghiệp dài ngày của cả nước Việt Nam. Tổng dân số của toàn vùng (năm 1999) là 3,13 triệu người, mật độ dân số 68 người/km2. Đó là chỉ tiêu thấp nhất trong 7 vùng kinh tế - sinh thái của cả nước. Có thể nhận rõ vị trí của vùng Tây Nguyên đối với phát triển nông nghiệp của cả nước qua số liệu sau:
Biểu 6: Một số chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp của vùng Tây Nguyên.
Ghi chú: * Số liệu năm 1992
Qua số liệu trên, có thể khẳng định ngay rằng, Tây Nguyên là vùng chuyên canh tập trung có qui mô lớn về sản xuất cà phê của Việt Nam. Trong những năm cuối của thập niên 90, sản lượng cà phê nhân của vùng Tây Nguyên luôn chiếm trên dưới 70% sản lượng của cả nước. Diện tích cà phê, năm 2000 đã lên 233 ngàn héc ta, chiếm trên 54% diện tích cả nước. Như vậy, rõ ràng năng suất cà phê của vùng này cao hơn nhiều mức năng suất bình quân của cả nước. Trên thực tế, năng suất cà phê kinh doanh đạt trên 2 tấn/ha, nhiều diện tích của hộ trang trại đạt 4-6 tấn/ha, đó là mức năng suất cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua, đã có dấu hiệu cho thấy sự phát triển ồ ạt diện tích cà phê đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái của vùng: mực nước ngầm đang ngày càng bị tụt sâu; nhiều diện tích không thể tìm được nguồn nước tưới. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, sẽ phải điều chỉnh về qui mô, cơ cấu diện tích cà phê ở Tây Nguyên.
Sau cây cà phê, cây cao su cũng được bố trí với diện tích khá tập trung ở Tây Nguyên. Năm 2000, diện tích cao su của vùng đã đạt 95 ngàn héc ta, chiếm trên 23,5% diện tích cao su của cả nước. Tuy vậy, sản lượng như số liệu trên cho thấy, lại chỉ chiếm 11,73%. Điều này không phải do năng suất mủ cao su ở Tây Nguyên đạt thấp, mà là do trong số 95 ngàn héc ta đó, diện tích kinh doanh chưa đến 30 ngàn héc ta, còn lại là diện tích cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trong tương lai, ở Tây Nguyên sẽ đưa diện tích cao su lên khoảng 200 ngàn héc ta, do đây là loại cây có khả năng phòng hộ tốt hơn cây cà phê.
Sau cây cao su, cây điều đang ngày càng có vị trí quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của vùng Tây Nguyên. Đây là loại cây tương đối dễ trồng, không kén đất, có thể trồng ở vùng đất có độ mùn thấp. Đồng thời phát triển sản xuất cây điều cũng có tác dụng phòng hộ tương đối tốt.
Cây mía đường cũng có triển vọng phát triển ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, có lẽ cây này không phải là thế mạnh của Tây Nguyên.
Tây Nguyên cũng có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc. Song cần lưu ý rằng, xu thế chăn nuôi thâm canh sẽ làm giảm dần lợi thế tiềm năng này của Tây Nguyên.
Khó khăn lớn của vùng Tây Nguyên là vấn đề nguồn nước tưới cho cây trồng vào mùa khô. Để giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững, việc xác định cơ cấu cây trồng hợp lý là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, việc bảo vệ và phát triển rừng cũng đã đến lúc trở thành cấp bách không chỉ đối với Tây Nguyên, mà còn cả đối với toàn vùng ven biển trung bộ.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đông Nam Bộ.
Vùng này gồm 8 tỉnh và thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, trong đó, vùng trọng điểm kinh tế phía Nam được xác định là: Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà rịa Vũng Tàu.
Tình hình cơ bản về đất đai của vùng Đông Nam Bộ được thể hiện trong biểu số liệu đất đai năm 1994. Dân số của toàn vùng là 12,4 triệu người. Đây là vùng có tỷ lệ đô thị hoá cao nhất: 50,8% dân số sống tại các đô thị. Mật độ dân số 344 người/km2, gấp 1,5 lần mức bình quân chung của cả nước. Vùng Đông Nam Bộ có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Năm 1999 vùng này chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, 60% kim ngạch xuất nhập khẩu, 60%
- 1 Đo nhiệt độ bằng phương pháp gián tiếp
- 2 Tài liệu tham khảo: Giáo trình Lý thuyết mạch (Tác giả Nguyễn Trung Tập)
- 3 Layout - Quản lý các cửa sổ
- 4 Hư cấu
- 5 Nội dung chính của luận văn tốt nghiệp
- 6 Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau
- 7 Các loại máy bơm khác
- 8 Tầng phiên
- 9 Các khái niệm về quảng cáo
- 10 Âm dương lịch