12/01/2018, 16:36

Quan điểm của Hồ Chí Minh về sự ra đời và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam

Quan điểm của Hồ Chí Minh về sự ra đời và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam Hồ Chí Minh có hai cống hiến lớn về Đảng. Một là cống hiến trong việc sáng lập Đảng (về sự ra đời của Đảng) hai là cống hiến về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. ...

Quan điểm của Hồ Chí Minh về sự ra đời và vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam

Hồ Chí Minh có hai cống hiến lớn về Đảng. Một là cống hiến trong việc sáng lập Đảng (về sự ra đời của Đảng) hai là cống hiến về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Câu hỏi. ?

Trả lời:

Hồ Chí Minh có hai cống hiến lớn về Đảng. Một là cống hiến trong việc sáng lập Đảng (về sự ra đời của Đảng) hai là cống hiến về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam: Theo quan điểm của V.I. Lênin (chủ nghĩa Mác - Lênin), Đảng Cộng sản ra đời chỉ cần hai yếu tố, đó là sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của nước Nga và tình hình ở châu Âu. Tuy nhiên, ngay khi tổng kết như vậy, Lênin cũng lưu ý rằng Đảng ra đời là sản phẩm của lịch sử và diễn ra trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định. Điều này có thể được hiểu các yếu tố dẫn tới sự ra đời của một Đảng Cộng sản không phải bao giờ cũng khuôn lại trong những yếu tố cố định, cứng nhắc.

Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm thành lập Đảng, Hồ Chí Minh khảng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”. Tổng kết của Hồ Chí Minh nói lên quy luật ra đời của Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa. So với “công thức" của Lênin “công thức” của Hồ Chí Minh có thêm một yếu tố mới là phong trào yêu nước.

Trước hết phải khẳng định rằng Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin như là cơ sở tư tưởng của phong trào công nhân. Người cũng nhận thức rõ vai trò của phong trào công nhân như là cơ sở xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Không có chủ nghĩa Mác - Lênin thì phong trào công nhân chỉ dừng lại ở trình độ “tự phát”. Không có phong trào công nhân thì chủ nghĩa Mác - Lênin không có đất để bám rễ. Nhưng tại sao Hồ Chí Minh lại nêu thêm yếu tố mới là phong trào yêu nước Và yếu tố mới này lại có khả năng kết hợp với phong trào công nhân.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam phải có thêm yếu tố mới là phong trào yêu nước, vì phong trào yêu nước là một yếu tố trường tồn trong lịch sử có trước phong trào công nhân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của dân tộc. Ngay cả khi có phong trào công nhân (từ khi có giai cấp công nhân ra đời trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, (1897-1914), thì phong trào yêu nước vẫn giữ vai trò cực kỳ to lớn trong cuộc đấu tranh cách mạng, vì lúc này phong trào công nhân vẫn còn trong tình trạng “tự phát”. Các phong trào yêu nước đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, đòi để tang Phan Châu Trinh trong những năm 1925-1926 là những minh chứng cho sức mạnh của phong trào yêu nước.

Phong trào yêu nước bàn tới ở đây không phải tất cả mọi loại hình mà chỉ là những phong trào yêu nước theo khuynh hướng cách mạng vô sản, tức là các phong trào yêu nước triệt để. Các loại phong trào yêu nước triệt để đó có thể kết hợp được với phong trào công nhân vì mấy lý do cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong điều kiện một nước thuộc địa đều có mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, đưa đất nước phát triển theo con đường phồn vinh, hạnh phúc. Nói tới phong trào công nhân là nói đấu tranh chống ách áp bức giai cấp là nói tới chủ nghĩa xã hội nói tới phong trào yêu nước là nói đấu tranh chống ách áp bức dân tộc, là nói tới độc lập dân tộc. Nhưng dưới ách áp bức của thực dân Pháp thì trước hết đất nước phải giành được độc lập dân tộc. Không có độc lập dân tộc không có gì hết. Giải phóng dân tộc trong đó có cả lợi ích của giai cấp công nhân.

Thứ hai, trong phong trào yêu nước, lực lượng nông dân chiếm phần lớn. Mà nông dân Việt Nam lại có quan hệ tự nhiên với giai cấp công nhân (nông dân mất ruộng trở thành công nhân và công nhân mất việc trở thành nông dân). Vì vậy, phong trào nông dân có khả năng kết hợp với phong trào công nhân.

Thứ ba, trong phong trào yêu nước đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng cả về số lượng và vị trí, vai trò. Đội ngũ trí thức nhờ điều kiện làm việc đặc thù nên rất nhanh nhạy với thời cuộc, dễ tiếp thu cái mới. Vì vậy, họ thường là “ngòi nổ" của các phong trào chống Pháp. Họ đưa lý luận cách mạng vào phong trào công nhân, làm cho phong trào công nhân chuyển dần từ “tự phát” sang “tự giác”. Về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam: Nói tới Đảng Cộng sản Việt Nam là nói tới lãnh đạo cách mạng, tổ chức, giáo dục, tập hợp quần chúng đưa quần chúng ra đấu tranh cách mạng Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhưng nếu không có Đảng lãnh đạo thì lực lượng vô tận của quần chúng không chắc chắn thắng lợi. Ngay từ năm 1927, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của Đảng là trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Người cho rằng: “ Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng. Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ, chí khí phải kiên quvết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, giành lấy chính quyền. Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo”.

Tóm lại. Đảng là nhân tố hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

soanbailop6.com

0