"Quái kiệt" săn cá ngát sông Hàm Luông: Hết gặp tử thi đến chạm mặt “tử thần”
Xui rủi cá chạy ngược lên miệng hang đâm một nhát khiến người săn ăn chẳng được ngủ cũng không yên. Ngoài ra, họ còn đối mặt rất nhiều hiểm nguy, thậm chí mất mạng. Con nước bắt đầu chuyển ròng là lúc người đi săn lặn ngụp tận đáy sông sâu hàng chục mét để bắt những con cá ngát hung tợn, ngạnh ...
Xui rủi cá chạy ngược lên miệng hang đâm một nhát khiến người săn ăn chẳng được ngủ cũng không yên. Ngoài ra, họ còn đối mặt rất nhiều hiểm nguy, thậm chí mất mạng.
Con nước bắt đầu chuyển ròng là lúc người đi săn lặn ngụp tận đáy sông sâu hàng chục mét để bắt những con cá ngát hung tợn, ngạnh bén ngót nặng cả chục ký.
Một tiếng kiếm bạc triệu
Ấp An Qui (xã An Thới, H.Mỏ Cày Nam, Bến Tre) người theo nghiệp lặn đi tìm sắt phế liệu, thi công cầu nhiều, nhưng chuyên mò hang bắt cá ngát chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Tấn Đạt (48 tuổi) - người được gọi là “vua săn cá ngát” xứ này. Nhà anh nằm lọt thỏm trong những vườn dừa trĩu quả. Ngồi nhâm nhi cốc trà nóng, anh Đạt kể: “Anh sở hữu vườn cây ăn trái rộng hơn chục công, với nguồn thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên thứ được anh nâng niu nhất là 3 chiếc vợt lưới, bởi nó theo anh từ khi mới vào nghề đến giờ”.
Gia đình gốc gác lâu đời ở Bến Tre, chuyên nghề làm ruộng, việc săn cá chỉ là phụ thêm, nhưng lại khiến anh đam mê. Nhiều năm lặn sông, bắt đủ loại cá tôm, anh thấy cá ngát có rất nhiều nhưng không mấy người biết bắt. Nó là loài cá trường trú ngụ dưới hang sâu, nơi vực xoáy và làm hang nơi có đất cứng. Ai bị đâm nhức buốt vô cùng cũng như dễ nhiễm trùng…
Sông Hàm Luông và Cổ Chiên là nơi anh Đạt thường xuyên “săn” cá ngát.
Anh Đạt cho biết, hang cá ngát thường có một cửa chính và từ 2 – 3 ngách để tẩu thoát khi gặp nguy hiểm. Bắt cá cũng chẳng dễ vì chúng thấy động là giương vây căng ngạnh phóng như… tên bắn. Tranh thủ thời gian rảnh sau khi lo xong khu vườn anh Đạt lại nhổ neo đi bắt cá ngát.
“Mò hang bắt cá ngát vui lắm! Mỗi lần cá lớn nó chạy ra tung kéo theo cây vợt mình kéo lại sung sướng vô cùng. Sáng nghe có khách đến chơi nên tôi nghỉ ở nhà 1 ngày”, anh Đạt cho hay.
Sau nhiều lần thuyết phục, anh đồng ý chở chúng tôi ra sông bắt cá. Xuống chiếc ghe cà tàng cùng cái máy dầu anh lặn được dưới đáy sông mấy năm trước. Trên ghe là bình dưỡng khí cũ kèm cuộn ống thở, vợt lưới, một cái đai vải bên trong bỏ gần chục ký sắt.
Trước khi ghe khởi hành, anh Đạt tấp sang bụi dừa nước chặt lấy cái đọt để chọc vào hang cho cá giật mình chạy ra. Sau hơn 10 phút di chuyển đến địa điểm cho là có cá ngát anh Đạt tiến hành quăng neo cho ghe dừng lại. Quấn dây đai quanh bụng, anh đạt nhét chặt 3 chiếc vợt lưới cùng đọt dừa vào bên trong.
Kế đến anh ngậm ống hơi và trước khi nhảy xuống nước không quên ngoái lại nói: “Chỗ này gần nhà, bắt riết chỉ có cá nhỏ chứ không được như sông Hàm Luông”. Ở trên ghe, tiếng máy nổ giòn tan, còn chúng tôi ngồi theo dõi đám bong bóng sủi từng đợt đánh dấu đường lặn của anh Đạt.
Sau hơn 15 phút lặn, anh Đạt trồi lên mặt nước, mặt bám đầy rong nhưng miệng vẫn tươi cười mang theo chiến lợi phẩm là một con cá ngát mập ú nặng khoảng 3kg. Chèo lên ghe, anh Đạt nhanh chóng lấy kềm bẻ ngày 3 cái ngạnh nhọn hoắt, bởi cần xớ rớ một chút là dính đòn. Cắt ngạnh xong, anh Đạt cho con cá vừa bắt được vào khoang ghe có chứa nước.
Trước khi trở lại đáy sông, anh Đạt vừa nói vừa lý giải: “Vậy cho chắc ăn em ơi! Dù kỹ vậy chứ dính ngạnh nó mấy lần rồi, nhức buốt đến mức hết sốt nóng lại lạnh run người. Cá này đâm xài thuốc gì cũng không đỡ, sưng đến cả tuần, nhiều người chịu không nổi hơ vào lửa phải tháo khớp”.
Anh Đạt đang chuẩn bị lặn bắt ổ cá ngát gần nhà.
Một con cá ngát nặng khoảng 2kg bị tóm gọn.
Hơn 1 giờ lặn ngụp, chúng tôi trở về sau cuộc săn với chiến lợi phẩm là 4 con cá ngát nặng gần chục ký (ký 120 ngàn đồng), khiến mọi người hết sức phấn khởi.
Vừa lái chiếc ghe về nhà anh Đạt vừa nói: “Săn cá ngát diễn ra quanh năm. Mùa sinh sản của loài này bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch. Cá ngát thường trú ngụ trong các bờ đất thẳng đứng dưới đáy sông sâu hơn chục mét. Nhiều hang to đến nỗi một người có thể chui vào. Xuống tới đáy mình sẽ dùng tay sờ vào miệng hang, nếu cửa hang láng, nước bên trong ấm hơn bên ngoài là có cá ở. Lúc đó dùng vợt chụp vào miệng hang chính, sẽ tiếp tục kiểm tra các ngách. Sau đó dùng tay hoặc đọt dừa chọc vào hang khiến con cá giật mình chạy thẳng vào vợt lưới. Do các vợt lưới được cột dây vào người nên khi cá tung, dây sẽ giật mình chỉ cần nhanh tay với lấy rồi phăng theo dây neo trồi lên”.
Hơn chục năm làm nghề, chẳng ai đếm nổi đã bao nhiêu tấn cá ngát sa vợt của anh Đạt. Theo lời anh, một buổi lặn vào “thời hoàng kim” anh bắt được khoảng 40 – 50kg cá ngát, nhiều khi tóm những con nặng tới 13 - 14kg. Con cá ngát lớn nhất anh từng bắt nặng gần 20kg, nên phải dỡ tất cả khoang ghe mới đưa nó lọt. Đến khi về nhà mang lên bờ 2 người khiêng đuôi nó còn đụng đất.
“Bây giờ ngày nào bắt được nhiều cũng khoảng 20 – 30kg, còn ít trên dưới chục ký. Con cá nào lớn cũng chỉ 9 – 10kg nhưng thường 3 – 5kg. Cá ngát trên các sông ở miền Tây vẫn còn nhiều, nhưng so với trước ba phần chỉ còn một, do nhiều người đánh bắt kiểu tận diệt”, anh Đạt nói với giọng đầy tiếc nuối.
Hết gặp tử thi đến chạm mặt “tử thần”
Anh Đạt kể làm nghề lặn khi mới 24 tuổi. Lúc nhỏ sau khi lập gia đình vợ chồng anh về ấp An Hòa, xã Bình Khánh Tây cất căn nhà để hàng ngày đợi những chuyến đồ sang bắt khách chạy xe ôm. Một lần nọ, anh quen với ông Ba Lặn ở huyện Mỏ Cày, nên sau đó được dẫn theo phụ ghe. Sau vài lần tham gia, anh bắt đầu học cách lặn mò phế liệu, trục vớt ghe chìm.
Sau vài năm theo học nghề, ông Ba Lặn bị bệnh đành giao cho anh toàn bộ đồ nghề như… “xưởng cơ khí”. Từ đó anh đứng ra làm thợ chuyên vớt ghe chìm, mò thi thể,... để nuôi sống gia đình.
Khoảng năm 2006, trong một vụ sập nhà do lở đất, anh Đạt và nhiều thợ lặn dù ngại nguy hiểm, nhưng thấy tội chủ nhà nên cố bám dưới đáy sông suốt 11 ngày tìm thi thể 2 nạn nhân xấu số đến nỗi ra máu lỗ tai.
Nhắc lại cảnh tượng đó, anh Đạt nhớ lại: “Vụ sạt lở ở chợ Bình Khánh Đông ngoài 3 căn nhà, 40 tấn dừa nạo còn có 2 mẹ con bị nhấn chìm dưới hố xoáy. Nghe người nhà kể lại thời điểm đó người phụ nữ đang tắm. Sau nhiều ngày lặn chỉ tìm được thi thể đứa con, còn người mẹ mất xác đến giờ. Vậy mà sau đó họ chẳng những không cảm ơn, lại còn nghi mình cố tình giấu thi thể để tháo vòng vàng của người chết”.
Tự ái, anh Đạt thôi lặn vớt phế liệu và thi thể mà chuyển qua lặn cho các công trình cầu với nhiệm vụ là đổ mặt bằng đế âm, bởi thời điểm đó phương tiện chưa phổ biến, nhiều nơi máy móc không vào được.
Mấy năm trước, trong lần lặn làm đế chân cầu vượt Bến Lức (Long An), anh Đạt bị đất cát lở đè mắc kẹt dưới đáy sông, phải nằm ngậm ống thở chịu trận cách mặt nước hơn 10m suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Nhớ lại lần thoát chết hy hữu này, anh Đạt kể: “Cầu đó từ mặt nước đến mặt đất chỉ 3m trong khi đó theo quy định phải 11m, nên đơn vị thi công thuê mình làm. Do vậy dùng máy khoan làm vỡ lớp đất cứng chắc như cao lanh, rồi dùng vòi rồng hút lên. Sau khi lên bờ hút xong điếu thuốc tôi lặn xuống kiểm tra đang lúc đi lên bất ngờ đất sụp đè kẹt cứng, khiến tay chân co quắp lại. Lúc đó tôi cứ nghĩ sẽ chết, nhưng nếu có quậy sẽ bị kiệt sức chết nhanh hơn, đành tự trấn an mình”.
Hơn 1 tiếng lặn sông anh Đạt bắt được 4 con cá ngát, thu về cả triệu đồng.
Anh Đạt rất sợ chân bị vòi rồng hút, bởi vô là không thể rút ra vì sức hút cực mạnh. Phát hiện có cục đất nào rơi ra liền lấy ém vào lưng vì sợ vòi rồng bị nghẹt, không hút được lượng cát đang nén chặt anh. Nhiều giờ sau đó cơ thể được nới lỏng, anh Đạt liền uyển chuyển thoát ra, nhưng bị hai mảng đất cứng giữ lại ngay cổ.
Phát hiện người đồng nghiệp xuống giải cứu cho anh, nhưng cũng hết sức khó khăn. Thoát chết hy hữu, anh Đạt bỏ nghề trở về quê. Lúc đó, mọi người cứ nghĩ lần này anh giải nghệ hẳn, nhưng mấy hôm sau lại thấy anh lui cui sửa lại đồ nghề đưa ghe ra sông lớn lặn bắt cá ngát. Địa điểm anh hoạt động là sông: Hàm Luông, Cổ Chiên, Tiền, bởi có nhiều cá lớn.
Anh Đạt cho biết cá ngát đâm đau đớn nhưng anh chỉ sợ kẻ thù lớn nhất là áp lực nước. Địa phương từng có vụ ông Hai Đức một lần lặn bị áp lực nước khiến hai chân tàn phế suốt đời.
Nói về nghề quanh năm lấy sông sâu làm bạn, anh Đạt tâm sự: “Thời gian làm tùy theo con nước, diễn ra từ lúc nước đứng đến hết con nước ròng. Nhiều khi tôi làm việc cả ban đêm. Thường đi theo ghe là hai người: một lặn, còn một coi ống. Làm nghề này đòi hỏi người thợ phải có cơ địa tốt, bởi lơ mơ là bị liệt hoặc chết như chơi. Tôi phước lớn, mạng lớn chưa bị lòng sông hạ gục, nên giờ đi bắt cá cũng phải…biết điều. Gặp ghe nào rải thuốc, bắt bằng xung điện là ghét cay ghét đắng, quyết tìm mọi cách đuổi đi cho bằng được”.
Từng theo phụ anh Đạt, một người hàng xóm của anh cho biết: “Mấy năm gần đây cá ngát sông Hàm Luông bán rất có giá, vậy mà đi lặn bắt gặp cá hơi nhỏ là ổng thả hết, bảo để cho nó lớn. Bắt cá xong ổng còn tránh làm hư hang để lần sau còn có bắt tiếp. Nghề lặn cá ngát ổng là số 1”.
- Những người nuôi “thủy quái” trên sông Gâm
- "Thủy quái" Vàm Nao và giai thoại thú vị về cá sấu 5 chân thành tinh
- Rợn người cảnh vào hang đá khổng lồ, nơi ẩn mình của bầy trăn ở Sơn La