16/01/2018, 12:38

Phụ huynh cần nắm chắc điều này để tránh bị nhà trường lạm thu

Phụ huynh cần nắm chắc điều này để tránh bị nhà trường lạm thu Nguyên nhân vfa giải pháp tránh lạm thu trong nhà trường Phụ huynh cần lưu ý điều này để tránh bị nhà trường lạm thu Năm học mới sắp bắt ...

Phụ huynh cần nắm chắc điều này để tránh bị nhà trường lạm thu

Phụ huynh cần lưu ý điều này để tránh bị nhà trường lạm thu

Năm học mới sắp bắt đầu, vấn đề lạm thu tại các trường học là đề tài nóng khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ những trăn trở của mình vừa với tư cách một giáo viên, vừa là một phụ huynh để cùng xác định rõ căn nguyên, cùng đi tìm lời giải.

Những điều giáo viên không nói trong buổi họp phụ huynh

Làm thế nào cho buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả?

Câu chuyện lạm thu không mới nhưng luôn nóng trên các diễn đàn vào mỗi năm học mới.

Đã có nhiều hình thức xử phạt trường lạm thu, nhiều mức kỉ luật trực tiếp giảng xuống người lãnh đạo trường học sai phạm. Thế nhưng xem chừng tình trạng lạm thu vẫn chưa hề chấm dứt.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu vẫn tồn tại một cách ngang nhiên hết năm này qua năm khác. Ở bài viết này, chỉ xin được đề cập đến một số nguyên nhân được coi là quan trọng nhất.

Xử phạt chưa nghiêm

Bà Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An đã kê khống khoản chi mua đồ dùng học tập của học sinh, thu tiền học phí tháng thứ 10, vận động đóng góp khi chưa được phê duyệt của cấp trên...

Sau khi thanh tra và kết luận những phản ánh của phụ huynh là đúng, số tiền nhà trường thu sai quy định đã được trả lại cho phụ huynh.

Bà Lê Thị Thu Hà bị kỉ luật mức cảnh cáo, kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng và không được xét thi đua trong năm học 2016-2017.

Sau đó, vị Hiệu trưởng này lại được điều động về Phòng Giáo dục Đào tạo của huyện làm chuyên viên.

Ông Đỗ Thận Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Quán Nho (xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị phạt 15 triệu đồng vì tổ chức thu tiền học sinh khối 10 trái quy định.

Trường Tiểu học Cẩm Trung ban hành 18 khoản thu, tổng tiền phụ huynh phải đóng trên 3 triệu đồng.

Lạm thu là do lách luật

Trong số này có một số khoản không đúng và bất hợp lý như tiền thu mua đồ dùng dạy học, mua thiết bị học tiếng Anh đối với học sinh lớp 1 và 2 (70.000 đồng), tiền lao động của phụ huynh 300.000 đồng/6 buổi, tiền thu dạy buổi hai 864.000 đồng, tiền mua đồ dùng bán trú 100.000 đồng.

Trường Tiểu học Cẩm Hà cũng ban hành 21 khoản đóng nộp, tổng cộng hơn 4 triệu đồng.

Trường bị phụ huynh phản ứng vì có một số khoản quá cao và vô lý, như tiền học buổi hai 1.008.000 đồng, tiền mua sắm dụng cụ bán trú 200.000 đồng, tiền xây dựng nộp ủy ban 300.000 đồng.

Thế nhưng, sự việc vỡ lở, Hiệu trưởng hai trường chỉ phải làm bản kiểm điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học 5 thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) cũng nhận quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do lạm thu trong trường học, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh.

Và còn nhiều, rất nhiều hiệu trưởng bị kỉ luật nhưng mức nặng nhất là...chuyển qua làm chuyên viên ở phòng giáo dục, chứ hầu như chưa có trường hợp nào hiệu trưởng bị mất chức xuống làm giáo viên.

Có lẽ vì kiểu kỉ luật “êm ái” thế nên nhiều hiệu trưởng vẫn bất chấp dư luận ban nhiều lệnh tận thu, nếu chẳng may chuyện vỡ lở cùng lắm lên làm chuyên viên cấp phòng lại được "chỉ tay năm ngón" đó sao?

Kẽ hở của Thông tư 55

Nhiều trường xảy ra tình trạng lạm thu thường núp bóng hội phụ huynh học sinh.

Bởi thế, nhằm hạn chế tình trạng này, năm 2011, Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành Thông tư Số: 55/2011/TT-BGDĐT về điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Điều 10 ở Thông tư 55 quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Dù Thông tư 55 nêu rõ “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.

Nếu làm đúng theo tinh thần của Thông tư 55, phụ huynh sẽ "tự nguyện" đóng góp tiền hội phí. Đã là tự nguyện thì ai muốn đóng bao nhiêu thì đóng, ai không có cũng chẳng sao.

Thế nhưng nhiều trường cứ lờ đi hai tiếng “tự nguyện” để ép buộc phụ huynh phải đóng góp nhiều khoản tiền và lại núp bóng dưới hai từ “tự nguyện”.

Trong thực tế, kể từ khi Thông tư 55 ra đời so với thời điểm trước thì chuyện thu quỹ do phụ huynh đóng ở các trường cũng chẳng có gì khác trước nếu không muốn nói rằng phụ huynh còn phải đóng góp nhiều hơn.

Thế nên, không ít cha mẹ học sinh đã phải thốt lên “giá đừng có Thông tư 55”.

Phụ huynh cần phải lên tiếng

Đa phần phụ huynh chọn kiểu an phận, ai sao mình vậy nên dù không đồng tình cũng phải cố gắng đua theo.

Chính điều này đã tạo cho nạn lạm thu có đất sống.

Giả sử tất cả phụ huynh đều đồng loạt lên tiếng phản đối việc thu nhiều khoản bất hợp lý thử xem chuyện gì sẽ xảy ra?

Chắc chắn nhà trường phải hết sức cẩn thận khi đưa ra các khoản thu và báo cáo các khoản chi một cách thật chặt chẽ.

Phụ huynh hãy bỏ đi cái suy nghĩ rằng mình lên tiếng sẽ bị thầy cô trù dập con mình. Bởi xưa đến nay, giáo viên nhiều người cũng không thích khi phải thu tiền học sinh nhiều.

Không tin ư? Mọi người hãy cứ thử xem.

0