12/01/2018, 11:08

Phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ (1918-1939)

Phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ (1918-1939) Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1918-1929. ...

Phong trào độc lập dân tộc ở Ấn Độ (1918-1939)

Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1918-1929.

1.Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1918-1929

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đẩy nhân dân Ấn Độ vào cảnh sống cùng cực, vì toàn bộ gánh nặng chi phí chiến tranh của thực dân Anh đè nặng lên vai các thuộc địa. Sau chiến tranh, việc chính quyền thực dân tăng cường bóc lột thuộc địa, ban hành những đạo luật phản động nhằm củng cố bộ máy thống trị, làm cho những mâu thuẫn xã hội ngày càng căng thẳng. Một làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh dâng cao khắp Ấn Độ trong những năm 1918-1922.

Phong trào đấu tranh diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nông dân, công nhân và thị dân tham gia. Giữ vai trò lãnh đạo phong trào là Đảng Quốc đại, đứng đầu là M.Gan-đi, một lãnh tụ có uy tín và có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân Ấn Độ. Ông kêu gọi đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng bạo lực (như biểu tình hòa bình, bãi công ở các nhà máy, công sở, bãi khóa ở các trường học, tẩy chay hàng hóa Anh, không nộp thuế…).Phong trào bất bạo động , bất hợp tác, do Gan-di và Đảng Quốc đại lãnh đạo, được các tầng lớp nhân dân Ấn Độ hưởng ứng.

Sự phát triển của phong trào công nhân tới sự thành lập Đảng Cộng sản Ấn Độ tháng 12-1925. Sự kiện này góp phần thúc đẩy làn sóng đấu tranh chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ.

Hình 40. M.Gan-đi (1869-1948)

2.Phong trào độc lập dân tộc trong những năm 1929-1939

Những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) đã làm bùng lên làn sóng đấu tranh  mới của nhân dân Ấn Độ. Phong trào kéo dài trong suốt những năm 30 thông qua các chiến dịch bất hợp tác với thực dân Anh, do Gan-đi và Đảng Quốc đại khởi xướng.

Đầu năm 1930, chiến dịch bất hợp tác bùng nổ với việc Gan-đi thực hiện một cuộc hành trình lịch sử dài 300 km để phản đối chính sách độc quyền muối của thực dân Anh. Tháng 12-1931, ông lại phát động chiến dịch bất hợp tác mới. Thực dân Anh tăng cường khủng bố, đàn áp, đồng thời thực hiện các biện pháp mua chuộc nhằm chia rẽ hàng ngũ cách mạng. Bất chấp các thủ đoạn hai mặt của chính quyền thực dân, phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ diễn ra sôi động và lan rộng trong cả nước, liên kết được tất cả các lực lượng chính trị thành một Mặt trận thống nhất trên thực tế.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Chính quyền Anh tuyên chiến ở châu Âu và tuyên bố Ấn Độ là một bên tham chiến. Phong trào cách mạng ở Ấn Độ chuyển sang một thời kì mới.

  

0