12/01/2018, 11:15

Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh

Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội. ...

Phong trào đấu tranh vũ trang trong chiến tranh

Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội.

1.Hoạt động của Việt Nam Quang phục hội

Sau những hoạt động không thành công trong năm 1913, Việt Nam Quang phục hội gần như nằm im. Khi chiến tranh bùng nổ, do tình hình thay đổi, Hội đã tổ chức nhiều cuộc bạo động.

Tháng 9-1914, hội viên Đỗ Chân Thiết đứng ra lập chi hội ở Vân Nam với phần đông là công nhân, viên chức hỏa xa trên tuyến đường sắt Hải Phòng-Vân Nam. Họ sản xuất bom ở Hà Nội và dự định vận động binh lính đánh úp Hà Nội. Việc bị bại lộ, Đỗ Chân Thiết cùng hơn 50 người bị bắt.

Trong suốt 2 năm đầu cuộc chiến, Hội đã tiến hành một số cuộc bạo động như tấn công vào các đồn binh của Pháp ở Cao Bằng, Phú Thọ, Nho Quan, Móng Cái… Ở Trung Kì, hoạt động đáng kể của Hội là tổ chức phá ngục Lao Bảo (Quảng Trị) ngày 28-9-1915. Tại đây, một số hội viên đã vận động tù nhân cướp súng, phá nhà lao rồi rút vào rừng chiến đấu. Nhưng do bị giam cầm lâu ngày nên sức khỏe suy kiệt , lại bị cô lập, cuối cùng nghĩa quân đã thất bại.

Trong những năm đầu chiến tranh, Việt Nam Quang phục hội đã vận động được nhiều tầng lóp tham gia một số cuộc bạo động. Nhưng các hoạt động đó đều lần lượt thất bại. Cuối cùng, Việt Nam Quang phục hội tan rã sau đợt khủng bố lớn của thực dân Pháp và tay sai năm 1916.

2.Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916)

Trần Cao Vân đã bị tù vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kì năm 1908. Mãn hạn, ông bí mật liên hệ với Thái Phiên, một thành viên của Việt Nam Quang phục hội để xúc tiến khởi nghĩa. Hai ông đã mời vua Duy Tân tham gia với tư cách là người lãnh đạo tối cao cuộc khởi nghĩa.

Nhân dân Trung Kì, đặc biệt là số binh lính người Việt tập trung ở Huế chờ ngày xuống tàu sang chiến trường châu Âu, đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Thái Phiên và Trần Cao Vân, ráo riết chuẩn bị ngày khởi sự.

Khởi nghĩa dự định vào giữa tháng 5-1916, nhưng kế hoạch bị lộ. Ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa trại lính, tước vũ khí của binh lính người Việt, lùng bắt những người yêu nước. Thái Phiên và Trần Cao Vân đưa được vua Duy Tân ra ngoài Hoàng thành, nhưng mấy hôm sau cả 3 người đều bị giặc bắt. Nghĩa binh ở Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi nổi dậy, nhưng thiếu người lãnh đạo nên tan rã nhanh chóng.

3. Khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917)

Ở Thái Nguyên, ách thống trị của thực dân Pháp cực kì tàn bạo. Công sứ Đác-lơ và Giám binh Nô-en khét tiếng tàn ác. Thái Nguyên lại là nơi đày ải những người yêu nước bị bắt trong các phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Thế….Giữa những người tù chính trị với số binh lính yêu nước làm việc trong nhà tù dần dần có sự gặp gỡ, tiếp xúc bí mật. Một kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra.

Những người lãnh đạo cuộc bạo động là Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn)-một binh sĩ yêu nước là Lương Ngọc Quyến-hội viên của Việt Nam Quang phục hội bị giam ở nhà tù Thái Nguyên.

Hình 75. Trịnh Văn Cấn (?-1918)

Cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 30 rạng sáng 31-8-11917. Giám binh Nô-en bị giết. Quân khởi nghĩa chiếm các công sở, phá nhà tù, giải phóng tất cả tù nhân, làm chủ toàn bộ thị xã, trừ trại lính Pháp. Ngọn cờ khởi nghĩa “Nam binh phục quốc” bay cao trên bầu trời tỉnh lị Thái Nguyên. Lãnh đạo nghĩa quân phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, vạch tội ác của giặc Pháp, kêu gọi đồng bào vùng lên khôi phục nền độc lập của đất nước.

Thực dân Pháp quyết định đưa 2 000 quân lên Thái Nguyên tiếp viện. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Sau một tuần lễ làm chủ tỉnh lị, cuối cùng để thoát khỏi thế bao vây của quân thù, nghĩa quân phải rút ra ngoài và kéo dài cuộc chiến đấu được 6 tháng thì tan rã.

4.Những cuộc khởi nghĩa vũ trang của đồng bào các dân tộc thiểu số

Tại Tây Bắc, vào đầu tháng 11-1914 đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa của người Thái. Nghĩa quân đánh chiếm nhiều đồn giặc dọc biên giới Việt –Lào và đến cuối năm 1915 đã làm cgur cả vùng Tây Bắc. Quân Pháp phải huy động 3 000 quân đối phó. Mãi đến tháng 3-1916, vùng Tây Bắc mới tạm yên.

Năm 1918, đồng bào Mông vùng Lai Châu khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Giàng Tả Chay, Trong quá trình phát triển, cuộc khởi nghĩa đã thu hút hầu hết quân dân các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Nghĩa quân hoạt động trên một địa bàn rộng 4 vạn km 2. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra, có trận số quân địch bị thương và bị chết lên tới hàng trăm tên. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 4 năm, buộc chính quyền thực dân phải nới rộng ách kìm kẹp, áp bức đối với các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.

Ở vùng Đông Bắc, binh lính dồn Bình Liêu nổi dậy (11-1918), lôi cuốn đông đảo đồng bào các dân tộc Hán, Nùng, Dao ở địa phương tham gia, hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ sông Tiên Yên ra đến biển; uy hiếp cả vùng mỏ Quảng Yên, lan sang các hải đảo từ Móng Cái đến Hải Phòng. Đến giữa năm 1919, giặc Pháp mới dẹp yên được cuộc khởi nghĩa này.

Cũng trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã nhiều lần nổi dậy chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa có ảnh hưởng lớn nhất là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mnông do N’Trang Long chỉ huy. Nghĩa quân thắng nhiều trận lớn, buộc thực dân Pháp phải bỏ cả một vùng cao nguyên rộng lớn. Từ năm 1916, thực dân Pháp tổ chức bao vậy chặt vùng nghĩa quân kiểm soát, triệt đường tiếp tế muối. Mặc dù vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn kéo dài đến nhiều năm sau chiến tranh, tới năm 1935 mới chấm dứt.

5.Phong trào Hội kín ở Nam Kì

Phong trào yêu nước của nhân dân Nam Kì tồn tại trong các tổ chức hội kín như Thiên địa hội, Nghĩa hòa đoàn, Phục hưng hội….Các hội kín thường núp dưới hình thức tôn giáo, mê tín để tuyên truyền, vận động và hoạt động trong quần chúng , chủ yếu là nông dân.

Trong nhân dân hồi đó lan truyền  rằng Phan Xích Long là dòng dõi nhà trời, sai xuống làm vua nước Nam. Ngay trước chiến tranh, vào năm 1913 đã có 600 nông dân các tỉnh Gia Định, Tân An, Vĩnh Long….mặc áo bà ba trắng, đeo bùa chú, kéo vào Sài Gòn định đánh chiếm công sở, rồi đưa Phan Xích Long lên ngôi. Đoàn người bị đàn áp. Phan Xích Long bị giam giữ trong Khám lớn Sài Gòn.

Trong những năm chiến tranh, phong trào Hội kín phát triển rầm rộ ở tất cả các tỉnh Nam Kì. Đáng chú ý nhất là vụ đột nhập vào Sài Gòn, mưu phá Khám lớn để cứu Xích Long.

Đêm 14-2-1916, mấy trăm người ăn mặc giống nhau (áo cánh đen, quần trắng, khăn trắng quấn cổ), mỗi người đều có gươm hoặc giáo và bùa hộ mệnh, chia làm nhiều ngả tiến vào Sài Gòn. Quân địch đã phản công quyết liệt, nghĩa quân buộc phải rút lui. Trong khi đó, lực lượng nghĩa quân của các hội kín ở Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Chợ Lớn đã tập hợp xung quanh Sài Gòn chờ phối hợp, nhưng không nhận được hiệu lệnh như đã đinh nên buộc phải rút lui.

Phong trào Hội kín ở Nam Kì thực chất là phong trào đấu tranh của nông dân-những người bị đè nén đến cùng cực đã vùng lên quyết liệt, nhưng vì thiếu sự lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nên đã nhanh chóng thất bại.

0