Phong trào Alt-Right là gì?
Nguồn: “What is the Alt-Right?“, The Economist , 25/9/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Cho đến tháng Tám năm nay, phong trào Alt-Right [ Alt viết tắt cho Alternative (sự thay thế), còn right nghĩa là đúng đắn hoặc cánh hữu ] không nhận được mấy sự ...
Nguồn: “What is the Alt-Right?“, The Economist, 25/9/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cho đến tháng Tám năm nay, phong trào Alt-Right [Alt viết tắt cho Alternative (sự thay thế), còn right nghĩa là đúng đắn hoặc cánh hữu] không nhận được mấy sự quan tâm. Hai sự việc xảy ra đã làm thay đổi điều đó. Đầu tiên, Donald Trump bổ nhiệm Steve Bannon, cựu Giám đốc Điều hành – Chủ tịch của Breitbart, làm CEO cho chiến dịch tranh cử của mình. Breitbart là một trang web đã đăng tải những câu chuyện cổ xúy Alt-Right. Sau đó, Hillary Clinton đã có bài phát biểu tại Reno, Nevada, trong đó bà tố cáo Trump đã đưa Alt-Right và những người ủng hộ phong trào này vào nền chính trị chính thống Mỹ. Điều đó dẫn đến hàng trăm hàng ngàn lượt tìm kiếm trên Google. Những người tuyên bố là ủng hộ Alt-Right vui mừng vì nhận được sự chú ý. Vậy Alt-Right là gì? Và nếu nó thực sự quan trọng, thì tại sao?
Tư tưởng cánh hữu ở Mỹ rất đa dạng. Chủ nghĩa bảo thủ được thừa nhận của tờ National Review không có bất cứ điểm chung nào với các trang web được lập ra nhằm mục đích kích động như Breitbart. Tuy nhiên, nhiều nhà cố vấn và tác giả khi đặt mình vào vị trí cánh hữu của nền chính trị đã cùng chia sẻ một quan điểm rằng: những người khác bên cánh hữu đã phản bội các nguyên tắc của họ. Do đó, khá nhiều người với những ý tưởng khác nhau đã có thể tuyên bố mình đại diện cho phong trào Alt-Right (cánh hữu thay thế). Những người này bao gồm các nhà chủ nghĩa tự do, các nhà chủ nghĩa truyền thống văn hóa và các nhà bảo thủ cải cách. Alt-Right nhìn chung là một điều gì đó khác biệt (với cánh hữu truyền thống).
Cái tên nghe như một phím tắt này khá thích hợp vì Alt-Right phần lớn là một hiện tượng mạng. Những người tỉnh táo hơn của phong trào này đã hâm nóng lại những lời chỉ trích đối với dân chủ từng có từ thời Plato. Họ lập luận rằng chính quyền “của dân và do dân” sẽ luôn có thiếu sót, và họ mong muốn một thể chế nào đó giống với nền độc tài khai sáng của nước Phổ dưới thời Frederick Đại đế. Những người này không phải là những người đáng lo ngại.
Những bộ phận của phong trào Alt-Right đáng bận tâm vào thời điểm hiện nay là những người nói rằng thành viên của các chủng tộc khác nhau nên được tách biệt, những người tìm cách tấn công người Mỹ gốc Do Thái và nghĩ rằng việc gọi một chương trình phát thanh là “The Daily Shoah” (nói trại từ Daily Show; shoah là một tên gọi khác của nạn diệt chủng holocaust) sẽ giáng một đòn mạnh vào quyền tự do ngôn luận và sai trái về mặt chính trị. Về mặt kinh tế, phong trào Alt-Right nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ cực đoan. Phong trào này xem chứng ghét kết hôn là một cuộc nổi loạn táo bạo chống lại nền văn hóa hiện hành. Biểu tượng yêu thích của phong trào này là một con ếch hoạt hình có tên gọi Pepe (hình trên).
Những người gần gũi với Trump, bao gồm Roger Stone, một cố vấn, và Donald Junior, con trai Trump, đã chia sẻ hình ảnh Ếch Pepe trên các phương tiện truyền thông xã hội. Cả hai sau đó nói rằng họ không biết chú ếch này cụ thể tượng trưng cho điều gì. Điều này cho thấy nội bộ những người thân tín với Trump hiện tại thờ ơ về một số các đồng minh của mình. Mặc dù Alt-Right đã tuyên bố rằng Trump thuộc về phe mình, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa này lại không thể hiện sự ủng hộ với Alt-Right. Nhưng ông cũng không phản đối nó. Điều này có nghĩa rằng Trump không quan tâm quá nhiều về việc sự ủng hộ đến từ nơi nào. Thật vậy, ông thường có vẻ quan tâm nhiều hơn đến việc liệu một người nào đó có thích ông ta hay không hơn là việc liệu họ đúng hay sai về bất kỳ một vấn đề nào đó. Đây là lý do tại sao phong trào Alt-Right lại có tác động vào thời điểm hiện tại.