Phòng tránh tai nạn khi sử dụng thiết bị điện trong mùa mưa bão
Mưa, ngập tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rò rỉ và chập điện nếu người dùng không chú ý và xử lý đúng các thiết bị điện trong gia đình. Cách phòng tránh tai nạn về điện trong mùa mưa bão Các cơ quan điện lực luôn cảnh báo, trong những thời điểm mưa , đặc biệt là khi ngập nước , bất cứ thiết bị ...
Mưa, ngập tiềm ẩn nhiều nguy cơ về rò rỉ và chập điện nếu người dùng không chú ý và xử lý đúng các thiết bị điện trong gia đình.
Cách phòng tránh tai nạn về điện trong mùa mưa bão
Các cơ quan điện lực luôn cảnh báo, trong những thời điểm mưa, đặc biệt là khi ngập nước, bất cứ thiết bị điện nào trong nhà cũng có thể trở thành mối nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, những đường dây điện đi ngầm hay ổ cắm cũng dẫn đến những nguy cơ chập, rò điện gây nguy hiểm hoặc thất thoát điện năng.
Không dùng ổ cắm ở vị trí thấp
Không nên sử dụng các ổ cắm được đặt ở vị trí thấp khi ngập nước. (Ảnh minh họa).
Rất nhiều gia đình khi thiết kế các đường điện trong nhà thường đặt ổ cắm ở các vị trí khá thấp để tiện cho sinh hoạt. Tuy nhiên, đây lại là một trong những mối nguy hiểm rình rập trong mùa mưa, bão, đặc biệt khi gia đình bạn nằm trong khu vực ngập, úng.
Lúc này, tốt nhất không nên sử dụng và nên bịt kín các ổ điện ở vị trí thấp này. Nếu muốn, hãy sử dụng các ổ điện ở vị trí cao hoặc khô ráo hơn. Cần chú ý đường dây điện cũng nên đặt ở vị trí cao để tránh rò rỉ điện gây nguy hiểm khi gặp nước.
Chú ý đến đường dây điện ngầm trong nhà
Hiện tại, ở hầu hết các gia đình hiện nay đều sử dụng đường dây điện đi ngầm trong nhà. Tuy nhiên, khi mưa và ngập lâu ngày, tường nhà dễ ngấm ẩm ướt dẫn đến tình trạng ngấm vào đường dây điện, nhất là những đường dây sử dụng lâu năm, dẫn đến rò, chập điện.
Ngoài ra, những đầu nối điện cũng là một mối nguy hiểm khi chúng dễ bị dính nước và chúng ta không thể kiểm soát được tình trạng ẩm ướt.
Để tránh tình trạng này, tốt nhất, khi thiết kế các đường dây điện đi ngầm cần chú ý dây cùng các ổ cắm điện đều phải ở trên cao, không nên đặt ở vị trí thấp có thể bị ngập hoặc dễ bị ẩm khi mưa lớn.
Nếu đường điện trong gia đình đã sử dụng lâu năm, khi tình trạng ngập nặng và trong thời gian dài, người dùng nên ngắt toàn bộ cầu dao điện để tránh nguy hiểm.
Sau mưa, ngập, cần kiểm tra các đầu mối dây điện, ổ cắm xem tình trạng nước và hơi ẩm có ảnh hưởng đến các vị trí này hay không. Nếu có phải sấy hoặc làm khô rồi mới đóng cầu dao để sử dụng điện.
Các chuyên gia về điện, máy cũng đưa ra lời khuyên, người dùng nên lắp đặt riêng cầu dao hoặc thiết bị ngắt/mở điện cho từng tầng hoặc từng vị trí để không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt chung. Ngoài ra, khi sử dụng các thiết bị điện này cũng nên sử dụng các nhãn hiệu được đảm bảo và có chất lượng tốt.
Cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị điện gia dụng
Nối dây tiếp đất cho các thiết bị điện trong nhà. (Ảnh minh họa).
Trong mùa mưa, bão và ngập nước, mỗi thiết bị điện quen thuộc trong gia đình đều có thể là nguyên nhân gây ra những tai nạn về điện. Khi sử dụng các đồ điện: nồi cơm điện, bàn là, lò vi sóng, lò nướng, quạt điện,…cần đảm bảo các thiết bị này đều khô ráo và hoạt động tốt. Nếu thiết bị này ngấm nước hoặc bị ẩm phải sấy khô mới được sử dụng.
Ngoài ra, khi sử dụng các thiết bị này, phải đảm bảo chân tay khô, ráo để tránh các tai nạn có thể xảy ra do độ ẩm những ngày này thường rất cao.
Tiếp đất cho các thiết bị điện gia dụng
Nhiều thiết bị điện gia dụng lớn hoặc không tiện di chuyển lên các vùng khô ráo khi ngập nước: máy giặt, bình nóng lạnh, máy sấy, bếp nấu,…Vì vậy sau khi mưa, ẩm, người dùng cũng nên kiểm tra thật kỹ các thiết bị này trước khi sử dụng. Tốt nhất, hãy sấy khô đường dây và ổ cắm nối trước khi dùng.
Ngoài ra, người dùng cũng nên nối dây tiếp đất riêng cho các thiết bị này (máy giặt, bình nóng lạnh) để đảm bảo an toàn khi sử dụng.