28/02/2018, 16:47

Phiên bản "con người 2.0"

Mục tiêu của giới khoa học là cấy chip vào não để chữa bệnh, sau đó cải tiến nó để giúp con người có những khả năng siêu phàm. Trong tương lai gần, người ta có thể mua bộ nhớ mới và xóa bộ nhớ không mong muốn trong khi giới chuyên gia tin rằng họ tiến gần đến bước xâm nhập sinh học bộ não con ...

Mục tiêu của giới khoa học là cấy chip vào não để chữa bệnh, sau đó cải tiến nó để giúp con người có những khả năng siêu phàm.

Trong tương lai gần, người ta có thể mua bộ nhớ mới và xóa bộ nhớ không mong muốn trong khi giới chuyên gia tin rằng họ tiến gần đến bước xâm nhập sinh học bộ não con người.

Cấy chip vào não

Xâm nhập não đã trở thành một mục tiêu hấp dẫn trong suốt nhiều thập kỷ đối với các nhà khoa học thần kinh. Họ muốn , trước hết là để chữa bệnh. Bước đầu tiên của Công ty Kernel, trụ sở ở TP Los Angeles - Mỹ, là thiết kế các loại chip cấy não có thể giúp cơ thể người chống chọi bệnh tật, sau đó giúp bộ não tiến hóa để đem lại những khả năng siêu phàm.

"Chúng tôi biết rằng nếu đưa chip vào trong não và làm phóng ra các tín hiệu điện thì có thể giảm bớt tác hại của căn bệnh Parkinson. Điều này đã được thực hiện cho cơn đau dây cột sống, chứng béo phì, chứng chán ăn..." - ông Bryan Johnson, người sáng lập Kernel để nghiên cứu những gì chip cấy não có thể làm được, cho biết.

"Để khám phá nhiều hơn nữa những giới hạn của con người, cần có công nghệ mới có thể truy cập, đọc và viết từ bộ não - công cụ mạnh nhất chúng ta hiện có. Tại Kernel, mục đích đầu tiên của chúng tôi là phát triển công nghệ để hiểu và điều trị các căn bệnh thần kinh bằng những cách thức mới mẻ. Sau đó, chúng tôi sẽ giải mã hoạt động phức tạp của bộ não để tạo ra các ứng dụng nhằm tăng cường nhận thức" - website của công ty này nói rõ hơn.

Ông Johnson nói thêm cấy chip vào não là điều cần làm lúc này. "Chẳng có kỹ thuật nào hiện tồn tại trên thế giới có thể cho phép chúng ta tiếp cận được những dữ liệu quan trọng khi ở bên ngoài bộ não. Chúng ta phải ở bên trong não, bên trong cơ thể" - ông Johnson giải thích. Phát biểu tại một hội nghị gần đây ở TP Lisbon - Bồ Đào Nha, doanh nhân này nhấn mạnh giải phóng tiềm năng thực sự của bộ não là "thành tựu lớn nhất" nhân loại có thể đạt được.

"Tôi mong rằng trong khoảng 15-20 năm nữa, chúng ta sẽ có một bộ công cụ đủ mạnh cho bộ não để có thể đặt bất kỳ câu hỏi nào về nó. Chẳng hạn liệu tôi có thể có bộ nhớ hoàn hảo hoặc tôi có thể xóa bộ nhớ của mình hay không?" - ông Johnson bày tỏ.

Khi được hỏi liệu công nghệ như vậy có gây ra sự chia rẽ hơn nữa trong xã hội giữa những người có chip trong não và những người không có hay không, ông Johnson tin rằng công nghệ này về sau cũng sẽ phổ biến như hiện nay, theo trang Express. "Câu hỏi lớn hơn cần đặt ra là công nghệ này có được xem là cần thiết hay không?" - ông cho biết.

Công nghệ bộ xương ngoài đang được quân đội Mỹ thử nghiệm với hy vọng tạo ra siêu binh sĩ.
Công nghệ bộ xương ngoài đang được quân đội Mỹ thử nghiệm với hy vọng tạo ra siêu binh sĩ. (Ảnh: LOCKHEED).

Tham vọng của ông Johnson không chỉ dừng lại ở việc trị bệnh. Trong tương lai, ông còn muốn sử dụng việc cấy chip vào não để cải thiện trí tuệ của con người. Ông hình dung ra một thế giới nơi não người được tác động cho thông minh, hoạt động nhanh và sáng tạo nhiều hơn. Điều quan trọng nhất, ông Johnson hình dung về một thế giới nơi con người cũng không ngừng cải thiện qua thời gian, chứ không chỉ riêng máy móc. Nhờ vậy, theo dự báo của một số chuyên gia, phiên bản "con người 2.0" trong tương lai có thể có những lá phổi đủ lớn để sống dưới nước trong lúc trí nhớ có thể được mua bán.

Một viễn cảnh như thế khiến không ít chuyên gia lo ngại con người sẽ trở nên phụ thuộc vào những cỗ máy và phần mềm đang phát triển nhanh chóng, vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, ông Simon Evetts, Giám đốc hoạt động của Công ty Blue Abyss (Anh) và là người giám sát những nghiên cứu về tác động của du hành vũ trụ lên phi hành gia, trấn an rằng cho dù có bất kỳ biến đổi nào, con người 2.0 vẫn là con người.

Cũng với tham vọng tương tự, quân đội Mỹ đang tiến hành thử nghiệm với mong muốn tạo ra siêu binh sĩ. Bộ xương ngoài FORTIS do Tập đoàn Lockheed chế tạo này được thiết kế để giúp binh sĩ di chuyển, mang đồng đội bị thương và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác trong lúc chiến đấu mà không gây nhiều sức ép lên đầu gối. Thiết bị này chạy bằng pin lithium ion, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và bắt chước các dáng đi, mang lại thêm sức mạnh và sự di động cho binh sĩ, cũng như cho phép họ mang vác nặng hơn.

FORTIS đang được binh sĩ tại Trung tâm Huấn luyện Fort A.P. Hill, bang Virginia sử dụng thử trong kế hoạch cải thiện ứng dụng công nghệ cao vào quân đội. Các kỹ sư của Lockheed cho biết FORTIS có thể đặc biệt hữu ích cho binh sĩ khi giao tranh ở khu vực đô thị bởi nó giúp cải thiện tốc độ và sức mạnh của họ. Chẳng hạn, theo trang Scout, FORTIS giúp binh sĩ mang vác đến hơn 80kg chạy lên 5 tầng lầu trong lúc giảm 9% năng lượng cần để thực hiện nhiệm vụ này.

0