Phát Triển Cộng Đồng
Định nghĩa phát triển cộng đồng - Phát triển cộng đồng: PTCĐ là một tiến trình làm chuyển biến cộng đồng nghèo, thiếu tự tin thành cộng đồng tự lực thông qua việc giáo dục gây nhận thức về tình hình, vấn đề hiện tại của họ, phát huy các khả năng và ...
Định nghĩa phát triển cộng đồng
- Phát triển cộng đồng: PTCĐ là một tiến trình làm chuyển biến cộng đồng nghèo, thiếu tự tin thành cộng đồng tự lực thông qua việc giáo dục gây nhận thức về tình hình, vấn đề hiện tại của họ, phát huy các khả năng và tài nguyên sẵn có, tổ chức các hoạt động chung tự giúp, bồi dưỡng và củng cố tổ chức, và tiến tới tự lực, phát triển.
• Đặc điểm của cộng đồng kém phát triển
- Nhu cầu cơ bản không được đáp ứng đầy đủ như thiếu ăn, thiếu mặc, nhà ở tồi tàn hoặc không nhà ở,...
- Kinh tế nghèo nàn: tình hình/phương tiện sản xuất lạc hậu, kỹ thuật/mô hình sản xuất không phù hợp, hệ thống tiêu thụ/phân phối hàng hóa hạn chế, không hiệu quả, thu nhập thấp, thất nghiệp,..
- Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, dịch vụ xã hội nghèo nàn, thiếu trang thiết bị tối thiểu như thiếu nước sạch, thiếu điện, thiếu cầu, đường, lưu thông khó khăn, thiếu trường lớp, trạm y tế, thuốc chữa bệnh,..
- Về tinh thần: Thiếu nhu cầu sinh hoạt tinh thần, giải trí yếu kém, tỉ lệ mù chữ cao, thiếu giáo viên, thiếu thông tin. Tâm lý thiếu tự tin, trông chờ, ỷ lại.
- Người dân không được quyền tham gia ra quyết định những việc liên quan trực tiếp đến đời sống của họ (thí dụ giá sản phẩm, hoặc đề án “phát triển” từ ngoài đưa vào).
- Người dân thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn tài nguyên như tín dụng, kỹ thuật mới, đào tạo mới, đất đai...
• Đặc điểm của cộng đồng phát triển
- Về hạ tầng cơ sở kỹ thuật: Đường sá, cầu cống được xây dựng, lưu thông được cải tiến và mạng lưới thông tin hữu hiệu được thiết lập.
- Đời sống người dân được cải thiện: Thông qua những nỗ lực, cố gắng, người dân thiệt thòi trong cộng đồng có khả năng trả tiền học phí cho con cái, chi phí y tế, đồng thời mở mang kiến thức về xã hội hiện đang sống.
- Sự tham gia: Người dân được quyền tham gia vào những quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Điều này được xem như yếu tố chủ yếu trong xác định PTCĐ.
- Sáng kiến khởi sự của người dân: Những sáng kiến nhằm tự cải thiện cuộc sống của người dân trong cộng đồng được công nhận và phát huy
Cuối cùng, một cộng đồng phát triển đúng nghĩa nếu nghèo đói và thất nghiệp giảm đi, nhân quyền và công bằng xã hội được củng cố. Vì thế, để phát triển một cộng đồng người thiệt thòi thì phải tạo ra sự thay đổi trong:
1) Phương cách làm ăn, kinh tế,
2) Nâng cao cơ sở hạ tầng,
3) Đặc biệt chú trọng tạo điều kiện thuận lợi trong việc lấy quyết định chung về phân phối tài nguyên trong cộng đồng.
Nói cách khác, tạo thêm cơ hội để người dân nghèo tiếp cận tài nguyên và tham gia quản lý dự án phát triển có liên quan đến đời sống của họ.
4. Các nguyên tắc để PTCĐ
Để thực hiện PTCĐ thì cần tuân thủ 10 nguyên tắc hành động như sau:
1) Bắt đầu từ nhu cầu, tài nguyên và khả năng của người dân. Cần chú ý đôi khi nhu cầu của người dân rất khác với nhu cầu của nhà tài trợ, hoặc của chính quyền địa phương chẳng hạn cộng đồng đang cần nước sạch, nhưng dự án chỉ xây dựng các trụ sở hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời nên vận dụng những gì có sẵn trong cộng đồng thí dụ các vật liệu như gỗ, tranh, tre, và tay nghề của người dân trong cộng đồng để dựng một lớp học, đào giếng..
2) Đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm bức xúc hiện tại của họ. Cộng đồng nghèo có nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng phải chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết và đáp ứng trước, không nên làm nhiều việc cùng một lúc.
3) Tin tưởng vào dân, vào khả năng thay đổi và phát triển của họ. Người dân dù nghèo hoặc khó khăn nhưng họ đều có óc sáng tạo và tính gắn bó, mong muốn thay đổi cuộc sống cộng đồng tốt hơn. Thí dụ, một phụ nữ lớn tuổi, không biết chữ, đi bán vé số nhưng nếu được hướng dẫn thì bà có thể trở thành một nhóm trưởng quản lý tốt một nhóm tiết kiệm-tín dụng.
4) Khuyến khích người dân cùng thảo luận, lấy quyết định chung, hành động chung để họ đồng hóa mình với những chương trình hành động. Điều này nhằm xây dựng, củng cố năng lực cộng đồng, đồng thời giúp cộng đồng làm chủ những hoạt động của mình ngay từ đầu tiến trình giải quyết vấn đề.
5) Bắt đầu từ những hoạt động nhỏ để dẫn đến các thành công nhỏ. Thí dụ thực hiện tráng một con hẻm khoảng vài chục mét, thành lập
những nhóm tiết kiệm với số thành viên khoảng 5-7 người/nhóm, phát vay tín dụng với số vốn vừa phải khoảng vài trăm ngàn cho một thành viên. Với những hoạt động nhỏ, người dân được tập dần cách điều hành và quản lý các hoạt động để đạt được thành công.
6) Vận động thành lập nhóm nhỏ để thực hiện dự án, không chỉ để giải quyết được một vấn đề cụ thể, mà còn để củng cố, làm vững mạnh tổ chức tự nguyện của người dân. Để phát huy hành động chung trong cộng đồng, tất cả các hoạt động nên thông qua hình thức nhóm nhỏ, khoảng 7-10 thành viên/một nhóm. Thí dụ Ban đại diện cộng đồng, nhóm phụ nữ có con dưới 5 tuổi, nhóm thiếu niên bảo vệ môi trường, nhóm tiểu thương,..
7) Cung cấp nhiều cơ hội để người dân tương trợ lẫn nhau và phát sinh các hoạt động chung, qua đó các thành viên vừa đạt được cảm xúc tự hoàn thành nhiệm vụ vừa góp phần cải thiện an sinh cho nhóm. Cả hai điều nầy đều quan trọng như nhau. Thí dụ phân công những người có tay nghề sẽ hướng dẫn những người học nghề trong một nhóm, hoặc tổ chức các buổi họp để người dân cùng bàn cách giúp đỡ những người già neo đơn, hoặc phụ nữ đơn thân trong cộng đồng
8) Quy trình “Hành động – Suy ngẫm rút kinh nghiệm – Hành động mới” cần áp dụng để tiến đến những chương trình hành động chung lớn hơn, trình độ quản lý cao hơn. Bất kỳ hoạt động nào cũng nên áp dụng quy trình này, cho dù là tổ chức một buổi sinh hoạt dã ngoại cho trẻ em, hay ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất, hoặc làm một công trình như xây một cầu khỉ, và thực hiện một dự án tổng hợp…
9) Nếu điều hành có hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn theo nhóm là dịp để tổ chức nhóm trưởng thành. Không tránh né những mâu thuẫn vì điều này rất thường xảy ra với tổ chức nhóm nhiều người. Việc cùng nhau giải quyết thành công những vấn đề xảy ra trong nhóm sẽ giúp các thành viên nhóm hiểu nhau hơn, và nhóm sẽ có những bài học quý báu, đồng thời tăng kỹ năng quản lý, tổ chức.
10) Thiết lập mối liên kết với các tổ chức khác để có thêm hỗ trợ và hợp tác với nhau. Phương pháp này được gọi là “tạo mạng lưới” (net- working), thí dụ liên kết giữa những nhóm trong cộng đồng như nhóm giáo dục xoá mù chữ; nhóm truyền thông môi trường; nhóm chăn nuôi, trồng trọt; nhóm thể thao, văn nghệ. Hoặc liên kết với các nhóm khác ngoài cộng đồng như các nhóm tiết kiệm-tín dụng của cộng đồng X sẽ liên kết với cộng đồng Y để tạo thành các cụm hoặc trung tâm;..Việc liên kết này sẽ tạo thêm hiệu quả, sức mạnh vì các nhóm có thể trao đổi, sử dụng nguồn lực của nhau. Đồng thời tăng thêm tiếng nói cho các cộng đồng, nếu có vấn đề cần đề xuất, ngay cả chính sách.
9. Vai trò của TVCĐ trong PTCĐ. Cho một ví dụ về vai trò xúc tác trong dự án “Bắt cầu qua sông”
Tác viên cộng đồng hay tác viên đóng vai trò là người tổ chức, lập kế hoạch, người xúc tác cho quá trình hợp tác, người bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân về điều kiện sống và quyền an sinh và phát triển, đồng thời cũng là cầu nối giữa nhóm người nghèo, thiệt thòi với những nguồn lực sẵn có.
Tác viên còn tạo ra những chuyển biến quan trọng như làm thay đổi thái độ hành vi của cá nhân, tạo ra những biến đổi trong các mối quan hệ trong các nhóm và tổ chức của cộng đồng.
1.1. Người xúc tác: nhiệm vụ đầu tiên của tác viên là tập hợp quần chúng vào các nhóm để chia sẻ với họ những thông tin mới trong cuộc sống; là người tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để người dân tăng dần khả năng bàn bạc, chọn lựa, lấy quyết định và cùng hành động để giải quyết những vấn đề của họ; là người tạo bầu không khí thân tình cởi mở và đối thoại; khuyến khích sự tham gia của người dân vào tiến trình trưởng thành, phát triển của chính họ và cộng đồng.
Điều quan trọng là tác viên phải giấu mình để người dân đóng vai trò nổi, chủ độngt
1.2. Người biện hộ: Tác viên với tư cách là người đại diện cho tiếng nói của nhóm/ cộng đồng đề đạt đến cơ quan công tác, các cấp thẩm quyền những vấn đề bức xúc của các nhóm và kêu gọi người khác hưởng ứng nhằm tạo ra một chuyển biến về nhận thức. Tác viên cũng sẽ hỗ trợ tích cực hơn và bênh vực quyền lợi chính đáng cho các đối tượng thiệt thòi, đồng thời giúp mọi người hiểu đúng hoàn cảnh thực trạng của người dân. Thí dụ, biện hộ cho việc chăm sóc bảo vệ trẻ em bị lạm dụng lao độung.
1.3. Người nghiên cứu: Tác viên là người cùng với những người nòng cốt trong cộng đồng thu thập, tìm hiểu, và phân tích các thế mạnh, thế yếu, vấn đề, tiềm năng sẵn có trong cộng đồng. Tác viên giúp cộng đồng chuyển những phân tích đó thành những chương trình hành động cụ thể. Thí dụ: khảo sát việc chăm sóc trẻ mồ côi, chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng.
1.4. Người huấn luyện: Nhiệm vụ trước tiên là bồi dưỡng các nhóm trong cộng đồng hiểu biết về mục đích, chiến lược phát triển của dự án / chương trình hành động. Bên cạnh đó là bồi dưỡng kỹ năng làm việc chung trong nhóm, kỹ năng tổ chức và quản lý. Đặc biệt chú ý đến bồi dưỡng những giá trị, thái độ hợp tác và tôn
trọng sự tham gia, sự tự quyết của người dân. Với tinh thần cởi mở, học hỏi và phát huy những kinh nghiệm tốt của cộng đồng, tác viên sẽ là người huấn luyện song hành với cộng đồng chứ không phải là thầy giáo của cộng đồng. Việc huấn luyện thường theo phương pháp giáo dục chủ động, giáo dục cho người lớn.
1.5. Người lập kế hoạch: Tác viên sẽ tham mưu, phối trí để cộng đồng xây dựng chương trình phát triển cộng đồng, giúp người dân xây dựng kế hoạch các chương trình hành động bằng việc cùng họ bàn bạc, và sắp đặt một cách có hệ thống, có tính toán, có chỉ báo để đo lường được những mục đích mong muốn . Trao đổi lẫn nhau sẽ học hỏi được các tiến trình hoạch định và thi hành những quyết định do chính cộng đồng đề ra.
Trong thực tế, tác viên sẽ cảm thấy khó tránh khỏi việc “cho ý kiến”. Do vậy, là tác viên thì bạn hãy cẩn thận khi được hỏi ý kiến bởi vì cách trả lời và câu trả lời của bạn dễ đẩy bạn vào vai trò chủ động, “làm thay”, “làm cho” chứ không phải “làm với” cộng đồng. Theo từng bước phát triển của cộng đồng, tác viên sẽ giảm dần thế chủ động của mình trong các vai trò trên để rút lui dần ra khỏi cộng đồng.
10. Cho biết những phẩm chất của TVCĐ? Cho một ví dụ về tính “hòa đồng” khi làm việc với nông dân?
▪ Năng lực: Tác viên cộng đồng phải qua huấn luyện, có đủ năng lực chuyên môn để thực hiện tốt vai trò của mình, để tự tin và tạo niềm tin nơi dân. Tác viên cần có một số kỹ năng như: Kỹ năng
giao tiếp, lắng nghe; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng viết báo cáo, sử dụng vi tính
▪ Hòa đồng: Phong cách sống, làm việc phù hợp với người dân, biết lắng nghe và đồng cảm với người dân.
▪ Trung thực: Tác viên cộng đồng phải trung thực với dân và trong sáng với chính mình.
▪ Kiên trì, nhẫn nại: Rèn luyện để tránh nóng vội, thiếu kiên nhẫn, ngã lòng, hay làm thay, áp đặt, thúc ép người dân...
▪ Khiêm tốn: Không khoe khoang, dám nhận những hạn chế của mình và sẵn sàng lắng nghe, học tập những cái hay của dân.
▪ Khách quan, vô tư trong nhận diện, phân tích, đánh giá tình hình, con người. Khách quan là điều quan trọng trong việc giải quyết mâu thuẫn trong cộng đồng và làm tốt vai trò xúc tác, liên kết các nhóm.
▪ Đạo đức: Tác viên cộng đồng phải có cuộc sống đạo đức phù hợp với các giá trị, mẫu mực của xã hội.
Ngoài ra, tác viên cần lạc quan về cuộc sống và tin tưởng nơi con người; có sự hiểu biết về chính mình; dễ dàng chấp nhận người khác và thích nghi tốt.
Chương 3 :
6. Các thành phần trong chu trình dự án PTCĐ? Đánh giá dự án được thực hiện vào những thời điểm nào? Tại sao?
Chu trình dự án gồm 5 giai đoạn, trong đó việc quản lý dự án thật sự ở giai đoạn 4 và 5, khi dự án được thực hiện.
1.1. Giai đoạn 1: Phân tích tình hình
Phân tích tình hình bao gồm:
- Đánh giá nhu cầu: là dựa trên khảo sát cơ bản, nghiên cứu về tình hình hiện tại thông qua dữ liệu thứ cấp, thăm viếng và họp mặt v.v..
- Đánh giá lợi ích: là dựa trên triết lý và những mục tiêu của tổ chức tài trợ, cộng đồng, và nhà nước, tính cam kết với công việc trong
một khu vực dân cư, và khả năng giải quyết những nhu cầu đã được đánh giá
- Chọn vấn đề dựa vào sự tương xứng giữa nhu cầu với lợi ích
- Đánh giá tài nguyên
- Những giải pháp đề nghị
Dự án nhằm giúp một cộng đồng thay đổi tình trạng yếu kém hiện tại trở nên được cải thiện. Do vậy, phân tích tình hình hay tìm hiểu cộng đồng và nhu cầu cộng đồng là khâu trọng yếu của tiến trình dự án. Nhu cầu của người dân là điều mà người dân mong muốn có được, là lợi ích hay nguyện vọng của họ. Trong ngôn ngữ phát triển, nhu cầu là sự “bất cập” giữa “tình trạng hiện nay” và “tình trạng người dân trông chờ”. Do đó tìm hiểu nhu cầu là tiến trình xác định và đo lường hố ngăn cách giữa tình trạng hiện nay và tình trạng cải thiện để tìm ra phương cách lấp hố ngăn cách đó.
Để viết một dự án phát triển thì phải có những thông tin chính xác, đáng tin cậy và có ích thật sự, phản ảnh nhu cầu thật của một cộng đồng cụ thể. Khi lên kế hoạch cho một dự án, không thể đoán mò, ước chừng nhu cầu của người dân, cũng không thể trông cậy vào những chuyên gia hay người lãnh đạo. Nhu cầu phải do chính người dân hoặc những người đại diện cho họ xác định. Nội dung và mục tiêu dự án phải căn cứ vào những nhu cầu thật sự.
1.2. Giai đoạn 2: Lập kế hoạch
Lập kế hoạch bao gồm:
3.2.1. Đặt mục tiêu: Mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể
+ Mục tiêu tổng quát hay mục đích cuối cùng của dự án, là chỉ ra phương hướng đi tới cho tất cả những người tham gia thực hiện dự án
+ Mục tiêu cụ thể đặc thù hơn mục tiêu tổng quát, nói cách khác là giải thích mục tiêu tổng quát. Khi xác định hay xây dựng mục tiêu cụ thể phải đáp ứng được các yêu cầu sau: 1) Làm cái gì? 2) Khi nào làm? 3) Có thể làm được hay không, với thời gian, tiền bạc và nhân sự sẵn có? 4) Có thể đo lường được, nghĩa là sau đó có thể xác định được mục tiêu cụ thể đạt được chưa?
3.2.2. Thiết kế dự án, gồm những nội dung: Hoạt động và phương pháp triển khai, cơ cấu tổ chức, nhân lực, bản mô tả công việc, huấn luyện, cơ sở lập luận/giả thiết, trang bị và nguồn cung cấp, di chuyển, lưu trữ và báo cáo, và cơ chế tương tác.
3.2.3. Kiểm soát, giám sát và lượng giá
3.2.4. Kế hoạch làm việc và biểu thời gian: Kế hoạch làm việc là sự phân chia thiết kế dự án thành những hoạt động cụ thể, có phân bổ thời gian và trách nhiệm.
3.3. Giai đoạn 3:Viết và nộp đề xuất dự án
Đề xuất dự án bao gồm những phần:
- Sơ lược về tổ chức tài trợ
- Tóm tắt dự án
- Phát biểu về nhu cầu (còn được gọi là biện minh, lý giải cho dự án)
- Vấn đề đã được chọn lựa
- Giải pháp/cách tiếp cận đề xuất
- Phát biểu mục đích/mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể
- Cơ chế kiểm soát, giám sát và lượng giá
- Kế hoạch làm việc và biểu thời gian
- Kinh phí
Việc đệ trình hồ sơ đề xuất dự án yêu cầu như sau:
- Tiếp xúc với nhà tài trợ tiềm năng
- Thảo luận sơ bộ
- Giải quyết mâu thuẫn về lợi ích
- Những yêu cầu của đệ trình
- Thời gian tốt nhất cho việc đệ trình hồ sơ
3.4. Giai đoạn 4: Thực hiện dự án
Thực hiện dự án bao gồm những yếu tố cơ bản về quản lý như sau:
- Tương tác của nhóm dự án là yếu tố quan trọng nhất và quản lý con người là việc khó nhất trong quản lý dự án.
Tương tác nhóm là tạo điều kiện cho nhân viên hay người dân làm việc trong dự án được đóng góp tối đa và cùng làm việc với nhau trong tinh thần hoà hợp. Do vậy, cần chú trọng các khía cạnh sau: Sự lãnh đạo tập thể; sự đại diện; việc ra quyết định; mối quan hệ với nhóm dự án; mối quan hệ giữa nhóm dự án và cộng đồng; tổ chức tập huấn; giải quyết vấn đề; đương đầu với mâu thuẫn.
- Quản lý công việc hoặc quản lý hoạt động: Xác định cách thức mà dự án sẽ thực hiện chi tiết và những hoạt động hàng ngày sẽ được lên kế hoạch và triển khai. 5 bước cơ bản:
- Xem xét lại mục tiêu dự án
- Phân chia dự án thành những tiểu dự án/dự án nhánh
- Phân chia dự án nhánh thành những nhóm hoạt động
- Phân chia hoạt động nhóm thành những hoạt động/nhiệm vụ cá nhân
- Biểu đồ thời gian chi tiết
- Quản lý thời gian: Quản lý thời gian là hướng dẫn nhân viên dự án lên kế hoạch và sử dụng thời gian một cách hiệu quả, tức là cách sử dụng tốt nhất thời gian sẵn có để hoàn thành công việc được giao.
Hai nguyên tắc cần thiết là: i/ưu tiên cho việc quan trọng, và ii/ không làm việc gì ít tốn thời gian trước mà làm việc quan trọng nhất trước
- Quản lý nguồn tài nguyên tự nhiên và vật chất: Đảm bảo rằng không có sự phung phí trong việc sử dụng không gian, trang thiết bị và phương tiện. Điều này có nghĩa là phải quan tâm đặc biệt đến không gian kho bãi, sự bảo quản và kỹ năng vận hành.
- Quản lý tài chánh: Kiểm soát việc sử dụng nguồn quỹ dự án để đảm bảo nó được sử dụng và báo cáo đúng. Số tiền dự án sẽ cố định, do đó Quản lý dự án sẽ phân chia kinh phí cho từng hoạt động và đảm bảo rằng không vượt quá số quy định.
Những hoạt động được thiết kế phải được thực hiện trong kinh phí cho phép và phải theo đúng, không được vượt quá theo từng hạng mục được phân bổ. Thí dụ: Hạng mục là Quản lý phí; Giáo dục/đào tạo; Sửa chữa cơ sở hạ tầng; Tín dụng.
- Lưu trữ và báo cáo: Trong một dự án, thông tin rất cần thiết trong việc ra quyết định và lượng giá. Thiết kế cách bảo quản và lưu giữ hồ sơ, báo cáo, văn thư, v.v..
- Xây dựng cơ chế để đo lường việc thực hiện, tiến bộ và kết quả dự án, đồng thời sửa đổi, bổ sung cần thiết
3.5. Giai đoạn 5: Lượng giá
Lượng giá có thể dưới dạng:
- Lượng giá nội bộ
- Lượng giá bên ngoài
- Lượng giá trong lúc dự án đang tiến hành
- Lượng giá kết thúc dự án