08/02/2018, 00:27

Phân tích truyện ngắn “Thuốc" của văn hào Lỗ Tấn và nói lên những suy nghĩ của em

Phân tích truyện ngắn “Thuốc” của văn hào Lỗ Tấn và nói lên những suy nghĩ của em Hướng dẫn Văn hào Lỗ Tấn (1881 – 1936) được ngợi ca là vị chủ tướng trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, đạt được thành lựu lớn nhất trong nền văn học hiện đại Trung Quốc. Ông đã sống và ...

Phân tích truyện ngắn “Thuốc” của văn hào Lỗ Tấn và nói lên những suy nghĩ của em

Hướng dẫn

Văn hào Lỗ Tấn (1881 – 1936) được ngợi ca là vị chủ tướng trên mặt trận văn hóa – tư tưởng, đạt được thành lựu lớn nhất trong nền văn học hiện đại Trung Quốc. Ông đã sống và viết với một tâm thế chiến đấu ngoan cường, bất khuất, coi khinh mọi kẻ thù của nhân dân. Hai vần thơ nổi tiếng của ông được truyền tụng như một châm ngôn sáng ngời:

"Quắc mắc coi khinh nghìn lực sĩ

Cúi đầu làm ngựa chú nhi đồng”.

Nhà văn Fa-đê-ép (Nga) từng ca ngợi: “Lỗ Tấn là một danh thủ truyện ngắn thế giới… Ông đã cống hiến cho nhân loại những hình thức dân tộc không thể bắt chước được..”.

"Thuốc" là một truyện ngắn đa nghĩa như nhiều truyện ngắn khác của Lỗ Tấn. Ông sáng tác truyện "Thuốc” vào ngày 25.4.1919 đúng một năm sau "Nhật kí người điên” ra đời. Nó được đăng trên báo "Tân Thanh niên” số tháng 5.1919 giữa cơn bão táp phong trào Ngũ Tứ (4.5.1919) do học sinh, sinh viên Bắc Kinh phát động, mở đầu cuộc vận động "cứu vong" – cứu đất nước Trung Hoa khỏi bị diệt vong.

Lỗ Tấn kể chuyện vợ chồng lão Hoa Thuyên mua bánh bao tẩm máu tử tù để làm thuốc chữa bệnh lao cho con, chuyện Hạ Du làm cách mạng mà bị chết chém… qua đó tác giả thể hiện tình trụng u mê, tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc nhưng năm đầu của thế kỉ XX.

Lỗ Tấn chia truyện làm bốn phần: 1) Lão Hoa Thuyên đi mua thuốc – bánh bao tẩm máu tử tù đem về chữa bệnh lao cho con. 2) Vợ chồng lão Hoa nướng "thuốc” và – con trai ăn "thuốc”. 3) Bọn khách trong quán trà và bác Cả Khang (đao phủ) nói về "thuốc” và bàn về tên tử tù. 4) Bà Hoa và bà Tứ (mẹ tử tù) cùng đi thăm mộ con và gặp nhau trong nghĩa địa nhân ngày thanh minh.

1. Lão Hoa Thuyên đi mua "thuốc” cho con vào một đêm mùa thu gần sáng, khi trăng đã lặn rồi. Mùa thu cũng là mùa ở Trung Quốc dưới thời Mãn Thanh, người ta đem chém tử tù. Trời tối và lạnh, vắng vẻ. Tiếng ho của người bệnh lao (thằng con trai) nổi lên. Bà Hoa sờ soạng dưới gối lấy một gói bạc đồng đưa cho chồng. Lão Hoa Thuyên cầm đèn lồng đi ra, thằng con lại nổi một cơn ho. Lão Thuyên khẽ nói với con, biết bao yêu thương: “Thuyên à! Con cứ nằm đấy!..”.

Trời tối và vắng, lạnh, nhưng lão Hoa Thuyên “cảm thấy sảng khoái như bỗng dung mình trẻ lại, và ai cho phép thần thông cải tử hoàn đồng”. Đã mấy đời độc đinh, thằng Thuyên bị ho lao, một mối lo buồn đè nặng đã bấy nay, vì thế đêm nay, lão cầm đèn đi mua thuốc cho con, lão chứa chan hy vọng mới cảm thấy “sảng khoái” và như “trẻ lại” thế!

Cánh pháp trường qua cái "trố mắt nhìn” của lão Thuyên. Có biết bao nhiêu người "kì dị hết sức”, cứ hai ba người "đi đi lại lại như những bóng ma”. Bọn lính với sắc phục có "miếng vải tròn màu trắng ”, ở vạt áo trước, vạt áo sau, có "đường viền đỏ thẫm” trên chiếc áo dấu. Cảnh pháp trường, lúc thì "tiếng chân bước ào ào”, bọn người "xô nhào tới như nước thủy triều”, lúc thì cả đám "xô đẩy nhau ào ào”. Hình như họ tranh nhau "lấy thuốc ”để đem bán?

Người bán "thuốc”cho lão Thuyên mặc “ áo quần đen ngòm", “mắt sắc như hai lưỡi dao” chọc thẳng vào lão, làm lão "co rúm” lại. Thuốc là “một chiếc bánh bao nhuốm máu, đỏ tươi, máu còn nhỏ từng giọt, từng giọt”. Sau khi “tiền trao cháo múc” người bán thuốc giật lấy gói bạc, "nắn nắn rồi quay đi, miệng càu nhàu. Lão Thuyên "run run… ngại không cầm chiếc bánh”, nhưng sau đó, tất cả tinh thần lão để hết vào cái bánh bao tẩm máu ấy, "lão sẽ mang cái gói này về nhà, đem sinh mệnh lại cho con lão, và lão sẽ sung sướng biết bao! ”.

Cảnh vợ chồng lão Hoa Thuyên gặp nhau “bàn bạc một hồi”, cảnh lấy lá sen già gói bánh bao tẩm máu tử tù để nướng, cảnh "ngọn lửa đỏ sẫm bốc lên “mùi thơm quái lạ tràn ngập cả quán trà” rồi cậu Năm Gù đi vào quán trà hỏi: “Thơm ghê nhỉ?… Rang cơm đấy à? ”, cảnh thằng Thuyên ăn "hai bố mẹ đứng hai bên, và bà Hoa nói khẽ, an ủi con: "Ăn đi con, con sẽ khỏi ngay” – tất cả đều phản ánh tình trạng mê muội của quần chúng. Họ tin tưởng một cách chắc chắn và thiêng liêng rằng, bánh bao tẩm máu tử tù ăn vào sẽ chữa khỏi bẹnh lao. Với một cách viết dung dị, trầm lắng, sâu xa, hàng loạt các chi tiết đưa ra đều xoay quanh chuyên mua thuốc, bán thuốc, chuyện ăn thuốc và niềm tin "thuốc thánh” sẽ chữa khỏi bệnh lao, tác giả đã làm nổi bật chủ đề thứ nhất của truyện là phê phán tư tưởng mê tín, tập quán chữa bệnh phản khoa học.

2. Buổi sáng mùa thu năm ấy, sau khi thằng Thuyên ăn "thuốc” nằm ngủ, bà Hoa “nhẹ nhàng lấy chiếc mền kép vá chằng chịt đắp cho con” thì quán trà một lúc một đông khách.

Có cậu Năm Gù, có một người “râu hoa râm”. Có lão “măt thịt ngang phè… mặc chiếc áo vải màu huyền, không gài khuy, dải thắt lưng màu huyền quấn ớ ngoài, xộc xệch…”. Sắc phục ấy là dấu hiệu của những đao phủ trên pháp trường. Đó là bác Cả Khang, kẻ đã bán “thuốc” cho lão Hoa Thuyên. Bác Cả Khang sau khi tán tụng thứ thuốc đặc biệt “bánh bao tẩm máu người như thế, lao gì ăn mà chẳng khỏi” đã nói về tử tù là "con nhà bà Tứ chứ còn ai? Thằng quỷ sứ?”. Tử tù đã mang lại cái lợi, món hời cho bao người! May nhất là lão Thuyên đã mua được “thuốc” ăn vào "cam đoan thế nào cũng khỏi” thứ đến là cụ Ba đưa cháu ra đầu thú, vừa "tránh cho cá nhà mất đầu ”, vừa "được 25 lạng, một mình bỏ túi tất cả chẳng mất cho ai một đồng kẽm!”.Lão Nghĩa đề lao "mắt đỏ như cá chép” thì được cái áo của tử tù cởi ra trước lúc lên đoạn đầu đài. Còn bác Cả Khang, ngoài mấy đổng bạc bán thuốc cho lão Thuyên “chẳng nước mẹ gì!”

Người ta thường nói: "Máu người không phải là nước lã”. Ở đây, máu của Hạ Du, một người cách mạng tiên phong chỉ có giá trị đem lại một ít quyền lợi vật chất cho một số người! Chua xót và cay đắng hơn nữa, dưới mắt họ thì Hạ Du chỉ là "thằng quỷ sứỉ”, “Thằng nhãi ranh con”, "thằng nhãi con”, “thằng khốn nạn”! Với bác Cả Khang thì Hạ Du là “đáng thương hại”, lão râu hoa râm thì “hắn điên thật rồi!”, với cậu Năm Gù thì Hạ Du đúng là một kẻ "điên thật rồi!”.

Hạ Du là người cách mạng có lí tường chống phong kiến (triều đình Mãn Thanh), như một tín đồ tử vì đạo, anh ta đã chiến đấu vì lí tưởng “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chỉnh là của chúng ta”. Đó là khẩu hiệu của những nhà cách mạng Trung Quốc năm 1907 hô hào quần chúng nổi dậy chống Mãn Thanh. Các nhà nghiên cứu văn học cho biết: "Thuốc” nói chuyện trước cách mang Tân Hợi (1911). Hạ Du nằm trong ngục, trước lúc ra pháp trường còn dám cả gan “vuốt râu cọp ” tuyên truyền cách mạng cho lão Nghĩa "mắt cá chép” – dám rũ lão đề lao làm giặc nên đă bị lão ta “đánh cho hai bạt tai”. Những người như Hạ Du, Thu Cận… là những nhà cách mạng tiên phong, dũng cảm xả thân vì đại nghĩa, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Giữa đông đáo quần chúng u mê, họ chiến đấu một cách đơn độc. Chẳng ai hiểu họ, ủng hộ họ. Ngay bà mẹ Hạ Du cũng chỉ biết kêu than: “Oan con lắm Du ơi!” và nguyền rủa: "Trời còn có mắt, chúng nó giết con rồi thì trời báo hại chúng nó thôi! Du ơi!..,”. Ông chú thì táng tận lương tâm tố cáo cháu làm giặc để được thưởng 25 lạng bạc trắng, lão Cả Khang thì lấy máu tử tù Hạ Du tẩm bánh bao để bán "Thuốc", lão Hoa Thuyên và bao người khác đã lấy máu Hạ Du để chữa bệnh… Quần chúng thì u mê tăm tối, bị tê liệt… Người cách mạng thì xa rời quần chúng chiến đấu một cách đơn dộc. "Thuốc ”đã phê phán tình trạng ấy, thể hiện sâu sẳc bi kịch của người mạng tiên phong. Đó chính là chủ đề thứ hai của truyện ngắn này. Ngầm một ý mà nhà văn muốn nêu ra: Trước thực trạng cay đắng ấy phái tìm một “vị thuốc” công hiệu nào để chữa tri, và chỉ khi nào tìm được vị thuốc ấy mới thay đổi được “quốc dân tính ”, mới cứu được nước Trung Hoa. Phong trào Ngũ Tứ tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1921. Và lịch sử đã xác nhận, chi có Đảng Cộng sản Trung Quốc mới tìm ra được “vị thuốc” để phục hưng đất nước.

3. Phần cuối của truyện nói về những gì đã diễn ra trên nghĩa địa vào tiết thanh minh.

Một con đường nhỏ cong queo tạo nên cái ranh giới tự nhiên giữa nghĩa địa. Phía tay trái con đường là mộ những người chết chém hoặc chết tù, phía bên phải là mộ những người nghèo. Cả hai nơi mộ dày khít “như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ”. Trời lạnh lắm có hai bà già đều ra thăm mộ. Bà Hoa bày ra trước nấm mộ mới đắp (mộ thằng Thuyên) một bát cơm, bốn đĩa thức ăn, ngồi khóc một hồi, đốt xong thếp vàng giấy rồi ngồi bệt xuống đất, ngẩn ngơ. Gió hiu hiu thổi vào mớ tóc cắt ngắn đã bạc nhiều lắm… Nỗi thương con, nỗi buồn cô đơn của bà Hoa được diễn tả qua tiếng khóc, qua dáng “ngồi bệt“và cái“ngẩn ngơ” ấy. Không có bông lau mà chỉ có mớ tóc bạc rung lên theo làn gió hiu hiu thổi mà đầy ám ảnh, thê lương.

Một bà già nữa, tóc bạc, quần áo rách rưới cũng mang bát cơm, bốn đĩa thức ăn… cứ đi ba bước lại dừng lại, ngập ngừng không dám bước, sắc mặt xanh xao bỗng hơi đỏ lên vì xấu hố… Đốt vàng lên… bỗng chân tay “run lên” lùi lại “loạng choạng” mắt “trợn trừng trừng ngơ ngác". Như một kẻ mất hồn…

Bà Hoa bước sang bên kia con đường mòn – nơi mộ tử tù – khẽ nói với bà kia, an ủi: “Bà ơi thôi mà, thương xót làm chỉ nữa! Ta về đi thôi!". Cử chỉ ấy, câu nói ấy trước hết là sự đồng cảm xót thương, là sự san sẻ của hai bà mẹ già bất hạnh, một người có đứa con ho lao ăn “thuốc” bánh bao tẩm máu tử tù mà chết, một bà mẹ có đứa con “đi làm giặc” mà bị chém đầu! Tiết thanh minh này, hai bà mẹ già đã bước qua con đường mòn ngăn cách giữa hai thế giới mộ – mộ người nghèo và mộ tử tù – họ đến với nhau trong nỗi đau đớn tột cùng của lòng mẹ mất con. Phải chăng điều ấy báo hiệu một đổi thay gì mới giữa mùa xuân này? Nỗi đau của bà Tứ (mẹ Hạ Du) đã có người đồng cảm. Sự thức tỉnh đã hé lộ như những mầm non bằng nửa hạt gạo trên cây dương liễu?

Vòng hoa – hoa trắng hoa hồng – xen lẫn nhau, nằm khoanh trên nấm mộ khum khum, với bà mẹ Hạ Du là “cái gì thế này?", tại sao “ Hoa không có gốc, không phải dưới đất mọc lên?Ai đã đến đây?"… Vòng hoa đa làm cho nỗi đau của bà Tứ không thể nào kể xiết, cất tiếng khóc thê thảm: “Du ơi! Oan con lắm Du ơi! Chắc con không quên được và con đau long lắm, phải không con? Con hiển hiện lên cho mẹ biết con ơi! ”… Rõ ràng vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du như muốn khẳng định một chân lí lịch sử và cách mạng: Trong trạng thái mê muội, tê liệt của quần chúng thuở ấy, vẫn có người nhớ đến, tiếc thương ngưỡng mộ và quyết tâm noi gương người cách mạng tiên phong đã ngã xuống vì đại nghĩa. Vòng hoa thể hiện cho xu thế cách mạng, cho niềm lạc quan đối với tiền đồ cách mạng. Vòng hoa trong truyện “Thuốc” là một dự cảm về con đường bão táp, một tia lửa hôm nay sẽ báo hiệu một đám cháy ngày mai!

Câu hỏi của bà Tứ: “Cái gì thế này?", “thế này thế nào?" đã tạo ra một ám ảnh khôn nguôi, khiến người đọc “không trá lời không yên” (Nguyễn Tuân). Và tiếng quạ kêu cất lên sau liếng khóc, sau lời nguyền của bà Hoa, bà Tứ làm cho âm điệu chủ đạo của thiên truyện “Thuốc” này thêm não nùng, ai oán! Phải tìm được “vị thuốc” đế giảm bớt nỗi đau cho quần chúng, cho đồng loại. Muốn “cứu vong” đất nước phải đồng thời chữa bệnh cho “quốc dân tính” là như vậy!

Truyện “Thuốc” chỉ có vài nhân vật. Câu chuyên thương tâm dồn tụ lại ở hai người mẹ già, hai đứa con xấu số. Không gian hẹp: một quán trà, một pháp trường, một bãi tha ma. Cảnh chém người một đêm thu tàn canh. Nghĩa địa “mộ dày khít, lớp này, lớp khác, như bánh bao nhà gỉàu ngày mừng thọ”. Tiếng mẹ khóc con thê thiết. Tiếng quạ kêu não nùng. Không gian nghệ thuật ấy tiêu biểu cho một nước Trung Hoa trì trệ, bế tắc đầu thế kỉ XX.

Thời gian nghệ thuật trong truyện "Thuốc” vận động từ mùa thu đến mùa xuân, từ lức tử tù bị chém, thằng Thuyên ho lao rồi chết đến tiết thanh minh, trên ngôi mộ Hạ Du, mộ thằng Thuyên và những nấm mộ khác: “lác đác vài nụ hoa bé tí, trắng trắng, xanh xanh”, trên cánh dương liễu đã đâm ra “những mầm non bằng nửa hạt gạo”. Đó là mầm xanh của mùa xuân hy vọng, hứa hẹn một ngày mai ấm áp hơn, như lời thơ Quạch Mạt Nhược, người cùng thời và đồng hành với Lỗ Tấn:

"Dẫu vầng dương còn phương xa,

Trong nước biển đã nghe vang chuông sớm…”

(Kiếp tái sinh của nữ thần)

Trong bài “Vì sao tôi viết tiểu thuyết”, Lỗ Tấn nói: “Mỗi khi chọn đề tài, tôi đều chọn những người bất hạnh trong xã hội bệnh tật, với mục đích lôi hết bệnh tật của họ ra, làm cho mọi người chú ý mà tìm ra cách chữa…” Có lẽ vì thế mà áng văn này đã trở thành một “vị thuốc” rất công hiệu để chạy chữa tình trạng u mê tăm tối và tê liệt tinh thần của quần chúng, phê phán sự xa rời quần chúng của những nhà cách mạng. Cuộc đời tuy còn nhiều nước mắt, nhiều bi kịch “vầng dương còn phương xa” nhưng “Thuốc” gợi lên nhiều hi vọng. Hình ảnh “vòng hoa” và hai bà mẹ cùng đi thăm mộ con đã đến với nhau qua tiếng khóc và sự an ủi, điều đó khẳng định giá trị nhân đạo của truyện ngắn này.

Thu Trang

oranh11

0 chủ đề

23755 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0