01/09/2018, 23:12

Phân tích tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Bài văn phân tích của bạn Phan Việt Anh lớp 12C2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong). BÀI LÀM Tính sử thi là một trong những đặc điểm quan trọng của nền văn ...

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích tính sử thi trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Bài văn phân tích của bạn Phan Việt Anh lớp 12C2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong).

BÀI LÀM

Tính sử thi là một trong những đặc điểm quan trọng của nền văn học kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và văn học hiện đại cuối thế kỉ XX. Từ các tác phẩm thơ như “Việt Bắc” của Tố Hữu, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi… đến văn xuôi như “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân hay “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đều có yếu tố này. Trong số các tác phẩm trên, “Rừng xà nu” khiến tôi ấn tượng nhất. Tính sử thi trong tác phẩm được thể hiện rõ ràng, đặc sắc và đặc trưng nhất.

Tính sử thi trong văn học đặc biệt là văn học kháng chiến được biểu hiện qua các nội dung như đề cập tới vấn đề trọng đại của dân tộc, nhân vật có tính anh hùng tiêu biểu, không gian nghệ thuật mang tính thời đại, ngôn ngữ trang trọng… Những vấn đề này được thể hiện rất cụ thể trong truyện ngắn.

>>>Xem thêm:

  • Tóm tắt truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
  • Cảm nhận về nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu
  • Cảm nghĩ về tác phẩm Rừng Xà Nu

Trước hết, tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đã đề cập tới sự kiện trọng đại lớn lao của cộng đồng. Đó là thời kì Tây Nguyên chìm trong bom đạn kẻ thù và quy luật cách mạng có áp bức ắt có đấu tranh. Cả thiên nhiên và con người Tây Nguyên đều cùng số phận “nằm trong tầm đại bác” của giặc Pháp. Tất cả đều chịu đau thương, mất mát, khiếm khuyết cơ thể và tâm hồn. Nguyễn Trung Thành phản ánh cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt của quân ta và giặc Pháp. Mặt khác, quy luật đất nước còn – mất, tự do – nô lệ cũng được đưa ra. Nhân vật cụ Mết đã thay tác giả phát ngôn những tư tưởng mang tính sống còn của dân tộc: “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”, “Đảng còn núi nước này còn”. 

phan-tich-nhan-vat-tnu-trong-truyen-ngan-rung-xa-nuphan-tich-nhan-vat-tnu-trong-truyen-ngan-rung-xa-nu

Thứ hai, truyện ngắn đã thể hiện chân dung các hình tượng nhân vật tập thể. Mỗi thế hệ người dân làng Xô Man như một hình tượng anh hùng, nhiều thế hệ dân làng hợp lại trở thành một khối đại đoàn kết thống nhất. Những thế hệ cha anh đã hi sinh cho Tổ quốc là anh Quyết, anh Xút, bà Nhan. Thế hệ già kết tinh văn hóa, truyền thống và có nghĩa vụ truyền lại những điều đó được thể hiện qua hình ảnh cụ Mết. Thế hệ Tnú, Mai là những người đã tiếp bước và thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh. Họ đau thương mà quật khởi. Cuối cùng, những Heng, Dít… sẽ là lớp trẻ tiếp nhận và hoàn thành cuộc chiến đấu ấy. Mỗi một thế hệ đều có tinh thần bất khuất, sức mạnh quật cường và khát vọng tự do tuyệt đối.

Một trong những điểm làm nên tính sử thi rất đậm trong tác phẩm, ấy là không gian nghệ thuật mà Nguyễn Trung Thành đã xây dựng. Những hình ảnh về rừng xà nu và cây xà nu, về khói, về nhựa xà nu như “cành lá xum xuê”, “lóng lánh vô số hạt bụi vàng”, “thơm mỡ màng”,” nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt”, “bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”… đã trở thành phông nền cho con người đau thương mà đẹp đẽ xuất hiện. Không gian đêm hội họp dưới ánh lửa mái nhà tập thể, “hàng chục cái đầu chụm lại” cùng tiếng cụ Mết “giọng nói ồ ồ dội vang trong lồng ngực”, lời dặn “Nhớ lấy… ghi lấy…” tựa đêm huyền thiêng giữa đại ngàn, tựa con người đang tiếp thu lời sấm truyền đấng địa linh. Những hình ảnh đôi tay Tnú bị giặc dùng nhựa xà nu đốt “Mười ngón tay đã trở thành 10 ngọn đuốc” đã tạo nên bức tranh đậm màu sắc điện ảnh và anh hùng ca. Ngoài ra, việc tác giả sử dụng hệ thống ngôn ngữ trang trọng, tính đại chúng, khá đặc trưng của người Tây Nguyên cũng góp phần tạo nên tính sử thi chung cho tác phẩm.

Tóm lại, với các yếu tố trên đây, Nguyễn trung Thành đã xây dựng lên tác phẩm “Rừng xà nu” điển hình cho tính khuynh hướng sử thi của văn học hiện đại. Truyện ngắn không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị lịch sử và giá trị giáo dục cách mạng lớn lao.

>>>Xem thêm:

  • Phân tích nhân vật tnú trong tác phẩm rừng xà nu
  • Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
  • Hình ảnh con người tây nguyên trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
  • Chủ nghĩa anh hùng trong truyện ngắn Rừng xà nu
0