16/01/2018, 13:37

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Văn mẫu lớp 12

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Văn mẫu lớp 12 Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Bài số 1 Nguyễn Thi là cây bút khá nổi tiếng của văn xuôi thời kháng chiến chống Mỹ. Truyện của Nguyễn Thi đã ...

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Văn mẫu lớp 12

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Bài số 1

Nguyễn Thi là cây bút khá nổi tiếng của văn xuôi thời kháng chiến chống Mỹ. Truyện của Nguyễn Thi đã phản ánh khá sinh động cuộc sống của nhân dân Miền Nam dưới sự đàn áp dã man của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp của con người Miền Nam trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do về cho dân tộc. Trong những sáng tác của mình, Nguyễn Thi đi sâu khai thác đề tài: chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng của nhân dân Nam Bộ. Đó là những tập thể anh hùng được làm nên bởi mọi lứa tuổi. Trong đó, tầng lớp thiếu niên đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bức tranh hào hùng này như nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của ông.

Thật vậy, Việt là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Việt xuất thân trong một gia đình lớn, gia đình cách mạng. Những con người trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có bản chất riêng, nhưng lại thống nhất với nhau về bản chất đó là: lòng căm thù giặc sâu sắc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, có niềm say mê và khao khát được đánh giặc, rất tình nghĩa, rất đỗi thủy chung với gia đình, với cách mạng và Tổ quốc. Hơn nữa, Việt xuất thân trong một gia đình mang nặng thù nhà, nợ nước. Ông nội của Việt bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, bà nội bị lính quận Sơn hành hạ, đánh đập. Ba của Việt thì bị giặc chặt đầu, má Việt thì bị trái ca nông của Mỹ giết chết khi đi đấu tranh ở Mỏ Cày, thím Năm thì bị giặc hắn bể xuồng chết khi đi rọc lá chuối… những người thân trong gia đình của Việt lần lượt bị giặc sát hại. Những đau thương mất mát này đã sớm khơi dậy lòng căm thù giặc của Việt, đồng thời cũng sớm khơi dậy ý thức đấu tranh để trả thù nhà và góp phần vào việc đấu tranh giải phóng miền Nam của Việt.

Việt là một cậu con trai mới lớn, ngây thơ và hiếu động. Việt đã tiến xa hơn thế hệ của ông cha mình. Lúc nhỏ Việt đã rất gan , đúng như lời nhận xét của chú Năm: “Việt là một thằng nhỏ nhưng rất gan lì". Trước nỗi đau mất cha, cậu bé Việt không còn biết sợ hãi là gì, Việt đã đi theo má mà la “Trả đầu ba! Trả đầu ba!”, rồi khi thằng giặc liệng đầu ba vào ngực mẹ, làm máu me văng cùng đầu chị em Việt. “Đầu ba ở dưới không lượm” mà Việt “cứ nhè cái thằng liệng đầu mà đá”. Lòng căm thù giặc đã dậy lên trong lòng Việt. Càng lớn lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh giặc trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chứ chừng nào tôi mới bị".

Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý chí quyết ra đi trả thù cho ba má Việt. Và ngay sau khi vào bộ đội, tân binh Việt đã lập nên chiến công trong một trận đánh quyết liệt với quân thù. Việt đã diệt được một xe đầy Mỹ và bắn nhào một xe tăng. Việt bị thương ở hai mắt, không còn thấy được gì cả. "Việt cảm thấy chân tay tê dại, khắp người nước hay máu không biết, chỗ ướt, chỗ sũng, chỗ dẻo quẹo, chỗ đã khô cứng", “người Việt khô khốc”, “chỗ nào đụng tới, ruồi cũng bay lên như vải trấu…”. Thế mà Việt vẫn quyết bò đi tìm đồng đội “Việt cho mũi lê đi trước, rồi tới hai cùi tay, hai cái chân nhức nhối cho nó đi cuối cùng. Cái nào không chịu đi thì bắt phải đi”. Trong cơn mê Việt nhớ lại những gì đã xảy ra trong gia đình mình. Việt nhớ má, nhớ chú Năm, nhớ chị Chiến… tỉnh ra Việt càng cảm thấy căm thù, càng có ý thức quyết tâm chiến đấu. Nghe tiếng máy bay và tiếng xe bọc thép của địch rú lên, Việt không hề run sợ mà trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: Được, tao cứ nằm đây! Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này có còn mình tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ các anh sẽ tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Như vậy, là Việt đã đi xa hơn khúc sông truyền thống gia đình. Việt chủ động đi tìm giặc mà đánh. Việt chính là hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ, làm nên khúc sông truyền thống dào dạt hơn, rộng lớn hơn trước khi đổ vẻ biển cả.

Tuy chiến đấu rất dũng cảm nhưng ở Việt vẫn còn mang tính chất trẻ con: rất thương chị nhưng không biết lo toan cùng chị, chỉ biết đi chiến đấu. Đi chiến đấu mà Việt vẫn giắt sau lưng một chiếc ná thun. Khi bị thương Việt có thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng Việt cũng chưa hiểu cái chết là như thế nào: “Chết là gì nhỉ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương. Hay chết là người thật biến lên trên nóc nhà, còn người giả thì nằm lại đó? Việt chưa bao giờ nghỉ tới cái chết, mà cũng chưa nghe ai nói rõ nó ra xao”. Và Việt không hề biết sợ chết, chỉ sợ là “không còn được ở chung với anh Tánh và cũng không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm”. Những điều suy nghĩ của Việt thật ngây thơ và thật đáng yêu làm sao. Trước sau, trong hoàn cảnh nào Việt cũng nghĩ đến chiến đấu. Đó chính là bản chất vốn có của Việt và cũng chính là bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.

Tóm lại, trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình Nguyễn Thi đã xây dựng khá thành công hình tượng nhân vật Việt – một nhân vật tiêu biểu cho tuổi trẻ miền Nam, tuổi trẻ của cả đất nước anh hùng. Sức mạnh của tuổi trẻ không gì ngăn nổi, hứa hẹn sẽ mở ra những khúc sông hào hùng hơn, vẻ vang hơn để đổ về biển lớn của cách mạng. 

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Bài số 2

Với tác phẩm "Những đứa con trong gia đình", Nguyễn Thi đã tăng thêm vị thế danh hiệu "nhà văn của người dân Nam Bộ". Phong cách nhân vật của ông luôn là những người bộc trực, hồn nhiên, gan góc, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng. Hai nhân vật Việt và Chiến là minh chứng hùng hồn cho phong cách ấy.

Chiến và Việt cùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có mối thù sâu nặng với Mĩ – ngụy. Ông nội và ba đều bị giặc giết hại. Má phải vất vả nuôi mấy chị em, cuối cùng cũng chết vì bom đạn. Chiến và Việt đều là hai nhân vật trung tâm của truyện ngắn góp phần thể hiện nội dung cũng như tư tưởng của tác phẩm. Hai nhân vật này đều có những vẻ đẹp tiếp nối truyền thống gia đình và đưa truyền thống ấy đi xa hơn.

Đầu tiên là nhân vật chị Chiến, chị Chiến trong tác phẩm là hiện thân vẻ đẹp của má. Chị được thừa hưởng những vẻ đẹp của má. Chị mang dáng vóc của má: "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch". Không chỉ về ngoại hình, chị Chiến giống má nhất ở sự đảm đang tháo vát. Trước đêm lên đường, Chiến lo liệu hết việc nhà. "Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học. Nồi lu, chén, đĩa, cuốc, vá, đèn soi với nơm để gửi chú Năm. Chừng nào chị Hai ở dưới biển về làm giỗ má, chị có muốn lấy gì thì chị chở về dưới. Còn năm công ruộng hồi trước mấy chú cấp cho ba má, giờ mình đi mình trao lại chi bộ đặng chia cho cô bác khác mần. Hai công mía thì chừng nào tới mùa, nhờ chú Năm đốn, để dành đó làm giỗ ba má. Đem bàn thờ sang gửi chú Năm". Chị Chiến lo liệu chu toàn mọi việc đến chú Năm còn khen: "Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non". Chiến chu đáo giống hệt má. Đến Việt cũng thấy chị giống má: "Chà, chị Chiến bữa nay nói in như má vậy! Cũng ở trong cái buồng mà nói vọng ra, cũng nằm với thằng Út em, ở trên cái giường đó". Chị Chiến giống từ cách nằm, cựa mình, thở dài ngay cả cách nói vọng từ buồng ra. Chính chị Chiến cũng cảm thấy mình giống má: "Tao cũng lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy". Nhưng không chỉ giống má, Chiến còn có nét riêng biệt. Ở Chiến vẫn có nét trẻ trung, thích làm duyên làm dáng. Trong túi Chiến lúc nào cũng có một cái gương để soi. Chiến là cô gái mới lớn, đang tuổi mơ mộng nên vẫn có những nét trẻ con. Điểm khác biệt nhất của chị Chiến với má là được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề: "Đã là thân con gái, nếu giặc còn thì tao mất, vậy à?". Chị Chiến là tiêu biểu cho người yêu nước, những con người sinh ra để cầm súng đánh giặc.

Nhân vật xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm là Việt. Nhà văn đã trao ngòi bút để nhân vật Việt tự viết về mình. Việt là chàng trai có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, yêu đời. Việt có nét riêng của con trai mới lớn, tính tình trẻ con ngây thơ hiếu động. Việt hay giành phần hơn với chị từ việc đi bắt ếch, tòng quân, lập chiến công giết giặc… Việt thích đi câu cá, bắn chim, khi đi bộ đội rồi, anh vẫn mang chiếc ná thun trong áo. Đêm trước ngày lên đường, chị Chiến thu xếp toan tính mọi việc thì Việt lại vô tư lăn kềnh ra ván cười khì, vừa nghe vừa chụp con đom đóm vào lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con. Mặc dù tin yêu anh em đồng đội nhưng lại giấu không cho ai biết mình có chị gái là tiểu đội trưởng bộ đội nữ Bến Tre. Việt sợ mất chị trước lời tếu táo của anh em. Khi bị lạc đồng đội, một mình nằm lại giữa chiến trường, không sợ giặc mà sợ "con ma thụt đầu ngồi trên cây xoài mồ côi, và thằng chỏng thụt lưỡi hai bên vàm sông". Khi gặp được đồng đội, thằng út em vừa khóc vừa cười. Dù trẻ con nhưng trên cương vị của người chiến sĩ, Việt dũng cảm kiên cường. Dòng máu trong con người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc, không bao giờ sợ trước bạo tàn. Việt đã chiến đấu dũng cảm lập chiến công dùng thủ pháo tiêu diệt một xe tăng bọc thép của giặc. Khi bị trọng thương một mình giữa rừng, "mắt sưng húp không nhìn thấy gì, toàn thân như rỉ máu" nhưng Việt vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. "Đạn đã lên nòng, ngón cái còn lại vẫn sẵn sàng nổ súng". Việt là đứa con kế tục truyền thống của gia đình đi tiếp con đường cách mạng của ba má là con đường đi trả thù mà không sợ dài lâu nhưng Việt còn tiến xa hơn, lập nhiều chiến công.

Chiến và Việt đã kế tục và phát huy truyền thống của gia đình, mang truyền thống ấy tiến xa hơn. Hai nhân vật, hai tính cách khác nhau nhưng vẫn có những điểm chung thống nhất. Hai nhân vật, hai bức tượng đài lớn của tác phẩm và trở thành hình mẫu của tuổi trẻ Việt Nam thời kỳ kháng chiến.

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Bài số 3

Trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Nguyễn Thi là một trong những cây bút tiêu biểu cho văn học Việt Nam. Tuy quê ở Nam Định nhưng ông lại được mệnh danh là nhà văn của người nông dân Nam Bộ. Trong sáng tác của ông có những tác phẩm tiêu biểu: Trăng sáng, Đôi bạn, Những đứa con trong gia đình…Nhưng tiêu biểu hơn cả là tác phẩm được viết ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt –“Những đứa con trong gia đình”. Qua tác phẩm, nhà văn cho ta thấy được vẻ đẹp, phẩm chất của nhân vật Việt và Chiến: giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Họ như đi lên từ tuổi thơ đau thương, mất mát mà đến với cuộc chiến.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại đặt cho tác phẩm của mình là “Những đứa con trong gia đình”. Nhan đề ấy gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ: phải chăng những đứa con trong gia đình là những người con được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, đấu tranh kiên cường. Những đứa con ấy đã sống, chiến đấu để xứng đáng với truyền thống ấy? “Những đứa con trong gia đình” là sự khẳng định, ngợi ca mối liên hệ bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình.

Tác phẩm trước hết thành công ở nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: Việt bị thương và nằm lại chiến trường. Qua dòng hồi tưởng đứt nối  của Việt, nhà văn đã mở dần đối tượng miêu tả, đi sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật. Cách diễn đạt này mang lại cho tác phẩm tính trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động.

Theo dòng hồi tưởng của Việt, chị Chiến- người chị mà Việt hết sức thương yêu quí trọng- đã xuất hiện trước mắt người đọc với nét trẻ con và cả tính người lớn. Chiến dẫu sao cũng chỉ là một cô gái mới lớn, vẫn thích được khen, tranh công bắt ếch với em. Rồi đến cái ngày hai chị em đăng kí đi bộ đội , Chiến đã tranh đi với em-một lẽ vì thương em còn nhỏ nhưng một lẽ Chiến vẫn còn trẻ con: “Tao lớn tao mới đi, mày còn nhỏ, ở nhà phụ làm với chú Năm, qua năm hãy đi”, “Đề nghị mấy anh xét lại cho. Nó là em tôi mà cái gì nó cũng giành”.

Nhưng ở phương diện khác Chiến lại tỏ ra là một cô gái rất gan góc, đảm đang, tháo vát. Và trong cảm nhận của em, Chiến giống mẹ đến lạ lùng. Chiến lo lắng cho em từng chút, đi đâu Chiến cũng xem chừng em, yêu thương em. Đặc biệt Chiến là một cô gái tháo vát, đảm đang: trước khi lên đường chiến đấu, Chiến đã thu xếp việc nhà chu đáo: “thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra thì cho các anh ở xã mượn mở trường học”. Cả cái giường ván, Chiến cũng cho xã mượn làm ghế để ngồi học. Cái nồi, cái lu, chén, dĩa…Chiến đều gửi cho chú Năm. Nhà có năm công ruộng, Chiến giao lại cho chú Năm và bà con trong xóm làm. Hai công mía thì nhờ chú Năm thu hoạch để giỗ má. Bàn thờ ba má thì hai chị em cũng đem sang chú cho thằng Út trông coi.

Một câu nói giản dị nhưng tâm hồn chiến dường như cũng sáng bừng với câu nói ấy: “Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất…”.Với câu nói ấy, ta có thể hiểu vì sau Chiến đã tham gia cuộc chiến và chiến đấu dũng cảm đến như vậy.

Từ hình ảnh Chiến – một cô gái dễ thương với một tính cách đa dạng đã cho ta thấy vẻ đẹp của người dân Nam bộ: giàu ý chí, lòng căm thù giặc mà lại sâu sắc nghĩa tình.

Cùng với nhân vật Chiến, nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật Việt. Việt đúng là một chàng trai mới lớn, hết sức hiếu động: thích bắt ếch, bắn chim, câu cá…và rất vô tư. Trong cái đêm trước ngày lên đường nhập ngũ khi nghe chị bàn việc nhà, Viêt “lăn ra ván cười khì khì”, chụp một con đom đóm trong lòng tay rồi ngủ quên lúc nào không biết. Đến lúc đã thành một người lính, Việt vẫn mang theo cái ná thun bên mình. Khi bị thương giữa chiến trường, thất lạc đồng đội Việt không hề nao núng sợ hãi mà anh lại sợ ma.  Việt thương chị mình theo một cách cũng rất trẻ con là giấu chị như giấu của riêng vì sợ mất chị.

Tuy chỉ mới mười tám tuổi nhưng Việt lại chiến đấu rất gan dạ và dũng cảm, kiên cường bởi lẽ dòng máu trong người Việt là dòng máu anh hùng, dòng máu của “những người con trong gia đình” có truyền thống cách mạng. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Việt đã dám xông vào thằng giặc đã giết cha mình. Khi chiến đấu Việt lập chiến công là đã hạ được một xe bọc thép của giặc. Dù cận kề cái chết Việt vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: “đạn đã lên nòng, ngón tay còn lại sẵn sàng chiến đấu”.

Hình ảnh Việt mang vẻ đẹp của người thanh niên mới lớn. Tuy còn đó những nét trẻ con nhưng lại dạt dào tình cảm yêu nước. 

Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Thi đã thành công trong việc khắc họa tính cách nhân vật một cách tinh tế sâu sắc, ngôn ngữ mang đậm sắc thái Nam bộ giàu chất tạo hình, góc cạnh.

Tóm lại, “Những đứa con trong gia đình”  đã thành công trong việc khắc họa hình tượng nhân vật Chiến và Việt- những thanh niên một thời hào hùng của dân tộc. Thông qua hai nhân vật này nhà văn đã cho thấy chính sự gan góc, kiên cường đã tạo nên sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.

Phân tích nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình – Bài số 4

Bằng tài năng nghệ thuật và lòng yêu quyê hương đất nước sâu sắc, Nguyễn Thi đã dành hết tâm huyết xây dựng lên những nhân vật văn học đáng nhớ, hồn nhiên giàu tình nghĩa, gần gũi với nhân vật đời thường. Đặc biệt là hai nhân vật Chiến và Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gi đình, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Qua hai nhân vật của mình, ông đã thể hiện lòng yêu nước và căm thù giặc của toàn thể nhân dân ta.

Cuộc chiến tranh ác liệt đã cướp đi biết bao sinh mạng con người. Bom đạn của kẻ thù đã khiến cho hàng ngàn gia đình li tan, con mất cha, vợ mất chồng. Trước những mất mát đau thương quá lớn của dân tộc, nhiều nhà văn nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình viết lên những câu chuyện để phần nào khắc họa lại những mất mát đau thương ấy. Hai chị em Chiến và Việt cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát đau thương do kẻ thù gây ra. Ngay từ bé, hai chị em đã chứng kiến cái chết của cha thật tàn khốc: bị giặc bắn chết, chặt đầu bêu ra chợ. Hai chị em đã cùng mẹ đau đớn đến cực độ khi đi đòi đầu ba. Chiến và Việt lại cùng chứng kiến cái chết của má: "bị miểng văng trúng, má chết, trái cà nông lép còn nóng hổi trong nổi". Tất cả điều đó đã tạc vào tâm khảm chị em Việt mối thù sâu nặng không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Tuy còn nhỏ tuổi, chí căm thù đã thôi thúc hai chị em cùng một ý nghĩ: phải trả thù cho ba má, và có cùng nguyện vọng: được cầm súng đánh giặc. Trực tiếp chứng kiến cái chết của ba mẹ mình đó là nỗi đau không thể nao quên trong suốt cuộc đời của hai đứa trẻ. Chính bom đạn của kẻ thù đã bắt những ánh mắt trẻ còn quá ngây thơ nhưng đã phải chứng kiến điều khủng khiếp trong cuộc đời. Qua những lời văn miêu tả đến chi tiết của tác giả, người đọc có thể hình dung được bom đạn của kẻ thù đã tàn ác với nhân dân ta như thể nào. Điều đó đã thể hiện lóng yêu nước và ý chí căm thù giặc của tác giả cũng như của toàn thể dân tộc ta.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng hai chị em Việt và Chiến đã biết căm thù giặc và có ý tình thần chiến đấu chống lại giặc. Tình cảm này được thể hiện sâu sắc và cảm động nhất trong cái đêm chị em giành nhau ghi tên tòng quân và sáng hôm sau trước khi lên đường nhập ngũ cùng khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm: "Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể sờ thấy được vì nó đang đè nặng trên vai". Khó mà nói hết được ý nghĩa trong đoạn văn xúc động này. Tác giả đã nói lên hết sức cô động về cuộc chiến đấu của chúng ta, về ý nghĩa của việc hai chị em quyết ra đi cầm súng chiến đấu và về tình cảm của mỗi nhân vật.

Chiến và Việt là đại diện cho tuổi trẻ miền Nam trong những năm tháng ấy, quyết lên đường chiến đấu để bảo vệ nước nhà: "Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù". Chiến đã nói với em trong đêm thu xếp việc nhà trước lúc ra trận: "Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!". Câu nói mộc mạc, giản dị ấy vang lên thật hào hùng, mạnh mẽ, thể hiện ý chí phi thường của thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Họ là những con người còn ngây thơ hồn nhiên nhưng ý chí đánh giặc thì lại dứt khoát, quyết tâm..

Trong tác phẩm, nhân vật Chiến hiện lên là một cô giá trẻ mang vóc dáng của mẹ: "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng… thân người to và chắc nịch". Đó là vẻ đẹp của những con người sinh ra để gánh vác, để chống chọi, để chịu đựng và để chiến thắng. Chưa bao giờ Chiến giống mẹ hơn cái đêm sắp xa nhà đi bộ đôi. Phải đến đêm ấy, người ta mới biết một cô Chiến biết lo liệu, toan tính việc nhà thật trọn vẹn trước sau, từ em út, nhà cửa, gường ván, ruộng nương đến nơi gửi bàn thơ ba má. Chiến lo liệu việc y hệt má (nói nghe in như má vậy). Hình ảnh người mẹ như bao bọc lấy Chiến, từ cái lối nằm với thằng út em trên giường ở trong buồng nói ra với đến lối hứ một cái "cóc" rồi trở mình. Đến nỗi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi trong đêm, Việt đã không dưới ba lần thấy chị giống in má, có khác chỉ là ở chỗ chị "không bè tay rồi đập và bắp vế than mỏi" mà thôi. Chính Chiến cũng thấy mình trong đêm ấy đang hòa vào trong mẹ: "Tao cũng đã lựa ý nếu má còn sống chắc má tính vậy, nên tao cũng tính vậy". Nguyễn Thi muốn cho ta hiểu rằng: trong cái thời khắc thiêng liêng ấy, người mẹ sống hơn bao giờ hết trong những đứa con. "Cả chị cả em cùng nhớ đến má. Hình như má cũng đã về đâu đây. Má biến theo ánh đom đóm trên nóc nhà hay đang ngồi dựa vào mấy thúng lúa mà cần nón quạt? Đêm nay, dễ gì má vắng mặt". Đó là nét đẹp trong thế hệ trẻ Việt Nam, họ đã trưởng thành nhanh chóng trong khó khăn gian khổ, họ là những người đảm việc nước giỏi việc nhà, dù trong bom đạn ác liệt họ luôn hướng ra chiến trường nhưng việc nhà vẫn thu xêp trọn vẹn. Chiến đã có thể thay thế được người mẹ đã mất để lo liệu công việc gia đình, và Chiến còn có thể cầm súng để đánh lại kẻ thù nữa.

Chiến có thể nhường em tất cả mọi chuyện như tranh công bắt ếch, đánh tàu giặc, nhưng việc đi tòng quân giết giặc thì cô nhất định không chịu nhường. Điều đó đã thể hiện niềm khát khao đánh giặc và tình thương em của người chị, chưa muốn em phải chịu đựng bom đạn nguy hiểm.

Trong toàn bộ câu chuyện, Chiến hiện ra trước mắt người đọc là một cô gái hồn nhiên, đôn hậu, thương em hết mực, đảm đang lo toan mọi việc. Người đọc bắt gặp một cô gái có phần già dặn trước tuổi. Chiến mang dáng dấp của những người phụ nữ Việt Nam như chị Út Tịch, như chính mẹ của chị. Cũng đúng thôi bởi thời đại của Chiến, cuộc chiến tranh chống Mĩ vô cùng khốc liệt đòi hỏi mỗi thanh thiếu niên sức vươn mình vụt lớn của Phù Đổng Thiên Vương.

Tác giả đã xây dựng hình ảnh nhân vật Việt trái hẳn với Chiến. Nếu Chiến có dáng dấp một người lớn thực sự thì Việt dường như vẫn giữ nguyên tính cách của một cậu bé. Việt được bạn đọc yêu thích trước hết là ở cái vẻ lộc ngộc, vô tư của một cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Chiến nhường nhịn em bao nhiêu thì Việt hay tranh giành với chị bấy nhiêu. Đêm trước ngày ra đi, Chiến nói với em những lời nghiêm trang thì Việt lúc "lăn kềnh ra ván cười khì khì", lúc lại rình "chụp một con đom đóm úp trong lòng tay". Vào bộ đội, Chiến đem theo tấm gương soi còn Việt lại đem theo một chiếc súng cao su.

Tuy ngây thơ là vậy, nhưng trong chiến đấu, Việt rất mưu trí và dũng cảm, không bao giờ khuất phục trước kẻ thù. Ngay từ lúc bé tí, Việt đã dám xông vào đá cái thằng đã giết cha mình. Khi trở thành một chiến sĩ, mặc dù chỉ có một mình, với đôi mắt không còn nhìn thấy gì, với hai bàn tay đau đớn, Việt vẫn quyết tâm sống mái với quân thù: "Trên trời có mày, dưới chân có mày, khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao có bắn được mày". Cứ như vậy, người con trai giản dị ấy thấy việc đi đánh giặc cũng tự nhiên như đi bắt ếch hay bắn ná thun. Việt là người đi xa hơn cả trong dòng sông truyền thống. Việt chính là hiện thân của sức trẻ tiến công.

Một thành công nữa của Nguyễn Thi khi xây dựng nhân vật là nghệt thuật khắc họa tâm lí. Mạch tâm lí đứt nối theo lúc mê, lúc tỉnh của Việt đã giúp nhân vật hiện lên đầy đủ, phong phú với nhiều chiều, nhiều góc dộ. Nhà văn đã khéo léo tạo cho tác phẩm một hình thưc kể chuyện độc đáo từ đó mở rộng dần đối tượng được miêu tả và đi sâu vào đời sống tâm hồn nhân vật, làm nổi bật tính cách, phẩm chất nhân vật mà không bị khô khan, lộ liễu.

Nhờ sự gắn bó với người dân Nam Bộ, nhà văn đã rất am hiểu tâm lí của người Nam Bộ và đã xây dựng thành công hai nhân vật trong truyện. Hai nhân vật đó là hiện thân của tuổi trẻ, lòng quyết tâm chiến đấu chống lại giặc của cả dân tộc, đặc biệt là người dân Nam Bộ. Cũng qua hai nhân vật của mình tác giả đã nói lên lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc của nhân dân ta. Tác phẩm đã sống mãi với thời gian và mãi mãi là niềm tự hào của người dân Nam Bộ, nó giống như ngọn đuốc sáng rực trên bầu trời văn học nước nhà.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • phan tich nhan vat chien trong tac pham nhung dua con trong gis dinh
0