Phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" bài số 4 - 10 Bài văn phân tích nhân vật Mã Giám Sinh trong đoạn trích "Mã Giám Sinh mua Kiều" của Nguyễn Du
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là đoạn mở đầu cho quãng đời 15 năm lưu lạc đau khổ của Thúy Kiều. Đoạn thơ đã làm sống lại một cảnh buôn bán người thời trung cổ, thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự và tả người của thi hào ...
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là đoạn mở đầu cho quãng đời 15 năm lưu lạc đau khổ của Thúy Kiều. Đoạn thơ đã làm sống lại một cảnh buôn bán người thời trung cổ, thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự và tả người của thi hào Nguyễn Du. Đặc sắc nhất là khi tác giả tả nhân vật Mã Giám Sinh.
Vị khách đến mua Kiều là “người viễn khách”, được mụ mối đưa vào để “vấn danh” để ăn hỏi và xin cưới. Vị khách tự giới thiệu mình là “kẻ sĩ” – sinh viên của trường Quốc Tử Giám, chỉ nói họ chứ không xưng tên, rất kiểu cách quý tộc.
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: Huyện Thanh Lâm cũng gần”
Hai chữ “rằng” trong lời giới thiệu đã bộc lộ một thái độ kiêu kì, coi thiên hạ bằng nửa con mắt của Mã Giám Sinh, khẩu ngữ đối đáp của hắn vừa hợm hĩnh lại thô lậu và khiếm nhã. Nguồn gốc của hắn thực chẳng phải kẻ sĩ gì cả, hắn đích thực là một kẻ buôn thịt bán người mà Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”
Vẻ nhẵn nhụi của Mã Giám Sinh gợi lên sự dung tục, tầm thường, sự bảnh bao của áo quần lại biểu lộ sự giả dối, đội lốt, tác giả đã vẽ những nét châm biếm trên chân dung của Mã Giám Sinh. Vị khách này cũng có kẻ tớ, đi một bước cũng có người hầu hạ, ra vẻ rất sang trọng, quan dạng. Nhưng giữa vị thầy và tớ của ông khách này có những điểm lạ thường, gây “lao xao” ồn ào và lộn xộn. Chúng không có chút lễ giáo, phép tắc và thiếu nề nếp, đáng khinh:
“Trước thầy sau tớ lao xao…
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Chỉ qua các hành động ứng xử như “ngồi tót”, “sỗ sàng” đã bộc lộ rõ tư cách của những kẻ hạ lưu, thiếu nhân cách và thiếu lễ độ, đó là cách của phường buôn thịt và quân buôn người. Mã Giám Sinh là một kẻ buôn bán người đã lọc lõi “quanh năm buôn bán phấn hương đã lề”. Khi mụ mối “vén tóc, bắt tay” món hàng thì hắn “cân sắc cân tài” rồi “ép” và “thử”, bắt Kiều đánh đàn, làm thơ, đối với hắn dù có là người có quốc sắc thiên hương như Kiều cũng chỉ là một món hàng không hơn không kém, để hẳn mang ra mà cân đo đong đếm.
Sau khi đã “mặn nồng một vẻ một ưu” hắn mới “tùy cơ dặt dìu” mua bán. Cảnh mua bán Kiều đã thể hiện được cả cái tâm và cái tài của Nguyễn Du, qua nhân vật Mã Giám Sinh, tác giả đã tố cáo và lên án một cách khinh bỉ quân buôn thịt bán người trong xã hội phong kiến thối nát. Câu thơ “Tiền lưng đã sẵn, chuyện gì chẳng xong” là một lời vạch trần những kẻ bất lương, làm giàu trên thân xác của người phụ nữ. Bằng bút pháp nghệ thuật hiện thực, nghệ thuật miêu tả người rất tài tình, tác giả đã khắc họa tính cách nhân vật Mã Giám Sinh, hắn là một kẻ phong tình, giả dối, keo kiệt và vô tình, bất nhân bất nghĩa.
Hình ảnh Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều hay chính trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã trở thành một điển hình cho bọn “buôn phấn bán hương” trong xã hội phong kiến xưa, góp phần tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm.