21/02/2018, 09:03

Phân tích Nhân vật Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du

Đã có rất nhiều nhận xét, đánh giá khác nhau và nhiều khi mâu thuẫn, đối lập nhau về Hoạn Thư. Nhìn chung, những nghiên cứu này có thể chia làm hai hướng. Thứ nhất, Hoạn Thư được nhìn nhận như là một nhân vật phản diện và cùng với các ...

Đã có rất nhiều nhận xét, đánh giá khác nhau và nhiều khi mâu thuẫn, đối lập nhau về Hoạn Thư. Nhìn chung, những nghiên cứu này có thể chia làm hai hướng.

Thứ nhất, Hoạn Thư được nhìn nhận như là một nhân vật phản diện và cùng với các nhân vật phản diện khác, Hoạn Thư là nguyên nhân làm cho Kiều phải gánh chịu bao nỗi bất hạnh. Như vậy thì về cơ bản, Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh chỉ là một bản sao từ Kim Vân Kiều truyện. Các tác giả đều thống nhất với nhau rằng, Hoạn Thư là biểu tượng của cái ghen khủng khiếp, một con người lắm mưu, nhiều kế, một kẻ ác độc đến tàn nhẫn, sẵn sàng chà đạp lên phẩm giá con người để trả mối tư thù.

Ngược lại với cách nhìn trên, có một số nhà nghiên cứu lại coi Hoạn Thư cũng chỉ là một nhân vật bi kịch, một nạn nhân trong tác phẩm. Điều này được họ chứng minh khi chỉ ra sự sáng tạo của Nguyễn Du trong các tình tiết, sự thay đổi tính chất mối quan hệ giữa Hoạn Thư, Thúy Kiều và Thúc Sinh trong Đoạn trường tân thanh.

Đặc biệt, giữa Hoạn Thư và Thúy Kiều không tồn tại mối quan hệ đối lập mà họ là những người “tri âm, tri kỉ” của nhau. Như thế, bước sang Đoạn trường tân thanh, Hoạn Thư đã trở thành một con người mới. Nguyễn Du đã thể hiện tài năng xuất sắc của mình trong việc xây dựng thành công hình tượng nhân vật này. Vậy thì cuối cùng, Hoạn Thư là nhân vật phản diện hay bi kịch? Và điều đó có ý nghĩa như thế nào khi nghiên cứu Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du trong tương quan so sánh với Kim Vân Kiều truyện? Thiển nghĩ, đó là câu hỏi không dễ trả lời trong một bài viết.

Con người không thể tồn tại tách rời xã hội, nói cách khác con người luôn phải sống trong một môi trường nhất định và bản chất con người luôn được bộc lộ thông qua những mối quan hệ trong môi trường ấy. Mác nói: “Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội”. Nghĩa là, khi ta muốn tìm hiểu bản chất một con người cụ thể thì cần phải xem xét đến những mối quan hệ xã hội của con người đó.

Con người trong văn học cũng luôn được đặt trong những mối quan hệ phong phú, phức tạp và qua đó, nhà văn sẽ xây dựng cho nhân vật của mình những cuộc đời, số phận và tính cách khác nhau. Trong Đoạn trường tân thanh, bên cạnh Thúy Kiều, Hoạn Thư là một nhân vật có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Nhà nghiên cứu Đông Hồ từng nhận xét, nếu không có Hoạn Thư thì Đoạn trường tân thanh sẽ “sụt đi hết nửa phần giá trị”. Ông khẳng định Hoạn Thư là “một nhân vật lạ lùng kì tuyệt phi thường” và “ví phỏng không có vai trò của Hoạn Thư thì quyển Truyện Kiều là một câu chuyện nhạt quá”. Nghiên cứu về thân phận của Hoạn Thư thì không gì bằng đặt nhân vật này trong mối quan hệ với Kiều và Thúc Sinh.

Để làm thay đổi tính cách của Hoạn Thư, trước hết Nguyễn Du đã làm thay đổi tính cách của Thúc Sinh. Sang đến Đoạn trường tân thanh, chàng Thúc không còn một chút chí khí nào (dù cũng là ít ỏi) như trong Kim Vân Kiều truyện. Một chàng Thúc có đôi lúc cương cường biến mất để nhường chỗ cho một Thúc Sinh trí tuệ thấp kém, đớn hèn và bạc nhược. Vì vậy, Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh trở nên bản lĩnh, thông minh, sắc sảo, “thiệp thế biết điều” hơn rất nhiều so với Hoạn Thư trong nguyên tác. Việc lược bớt, đảo và thêm vào một số chi tiết cũng làm thay đổi tính cách của Hoạn Thư.

Đến Đoạn trường tân thanh, một Hoạn Thư nanh nọc và tàn ác đã được thay thế bởi một Hoạn Thư vị tha, độ lượng. Với việc lược đi một số tình tiết biểu hiện sự ghê gớm, tàn độc của Hoạn Thư, Nguyễn Du đã chứng tỏ ông rất đề cao tấm lòng liên tài, sự tri ngộ, biết cảm thông, chia sẻ ở nhân vật này. Đây là điều khác nhau cơ bản giữa Hoạn Thư trong Đoạn trường tân thanh và Hoạn Thư trong Kim Vân Kiều truyện.

Từ việc thay đổi tính cách của Hoạn Thư, Nguyễn Du đã làm thay đổi số phận của nhân vật này. Bước sang Đoạn trường tân thanh, Hoạn Thư đã trở thành một nhân vật bi kịch và để làm được điều này, Nguyễn Du đã thay đổi tính chất mối quan hệ giữa Hoạn Thư và Thúc Sinh, Hoạn Thư với Thúy Kiều.

Quan hệ vợ chồng giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư không hề bình thường bởi trước hết đây là mối quan hệ mang tính đẳng cấp. Thúc Sinh chưa bao giờ là một người chồng theo đúng nghĩa của nó mà trong tay Hoạn Thư, trước sau anh ta cũng chỉ là một con rối, một thằng hề mà thôi. Sự đối lập – tương phản về tính cách giữa vợ chồng Thúc – Hoạn chưa phải là bi kịch lớn nhất của Hoạn Thư mà ở nàng còn một nỗi đắng cay hơn nhiều: đó là bi kịch của người đàn bà có chồng mà không được chồng yêu, lại bị chồng lừa dối và phụ bạc.

Dưới ngòi bút Nguyễn Du, cuộc tình Kiều – Thúc càng say đắm, nồng nàn và đẹp đẽ bao nhiêu thì tình cảm vợ chồng Thúc – Hoạn lạt lẽo, vô vị bấy nhiêu. Đoạn Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều thể hiện rõ nhất tình cảm hai người dành cho nhau và đây có thể coi là một trong những đoạn thơ vào loại hay nhất Đoạn trường tân thanh:

Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Kiều – Thúc chia tay trong một tâm trạng ngổn ngang, rối bời. Nỗi buồn trong Kiều da diết mà sâu lắng. Có thể nói, đây là cuộc chia tay đầy nước mắt. Phải về quê thăm vợ đối với Thúc Sinh là một việc “vạn bất đắc dĩ”. Nếu như Nguyễn Duđã dành biết bao câu thơ hay để đặc tả mối tình Kiều – Thúc thì tình cảm vợ chồng Thúc – Hoạn sau bao ngày gặp lại chỉ được ông miêu tả trong một dòng lục bát:

Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng.

Tình cảm Thúc Sinh dành cho Hoạn Thư chỉ có bấy nhiêu. So với Thúy Kiều, Hoạn Thư quả thực rất thiệt thòi. Vì thông minh và nhạy cảm, Hoạn Thư lại ý thức rất rõ điều này và đó trở thành một nỗi đau thường trực trong nàng. Thúc Sinh yêu Kiều bao nhiêu thì điều đó càng chứng tỏ chàng phụ bạc Hoạn Thư bấy nhiêu. Khi từ biệt Kiều để về thăm vợ chàng bịn rịn, đau khổ bao nhiêu thì khi chia tay với Hoạn Thư chàng vui mừng, hạnh phúc bấy nhiêu:

Được lời như cởi tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.

Trong tâm trạng ấy, khung cảnh thiên nhiên trước mắt Thúc Sinh bỗng trở nên rất đẹp và nên thơ:

Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

Thật tội nghiệp cho Hoạn Thư!

Như vậy, trong mối tình tay ba Kiều – Thúc – Hoạn, Nguyễn Du dựng nên nhiều sự đối lập và sự đối lập ấy đã làm tăng tính chất bi kịch ở Hoạn Thư.

Ở đoạn Kiều báo ân, báo oán, bằng cách lược bỏ một số chi tiết trong nguyên tác, Nguyễn Du đã đẩy bi kịch của Hoạn Thư lên tới đỉnh điểm. Đó là bi kịch của người đàn bà trong hoạn nạn bị chồng bỏ rơi. Trong Kim Vân Kiều truyện, sau khi được Kiều báo ân, Thúc Sinh đã chủ động xin Thúy Kiều tha cho vợ mình: “Kính bẩm phu nhân! Con vợ ngu xuẩn của tôi dù muôn lần chết cũng là đáng tội. Xong Thúc Thủ này đã được phu nhân ân xá, vậy đối với vợ tôi, cũng xin rộng lòng từ bi, mở cho một con đường sống”.

Khi bị Thúy Kiều căn vặn, Thúc Sinh còn dám nhắc lại ơn cũ của vợ mình dành cho Thúy Kiều để hi vọng cứu được vợ: “Gác Quan Âm viết kinh, phu nhân quên rồi à?”(3). Như thế, dù sao chàng Thúc trong Kim Vân Kiều truyện vẫn còn nhớ đến tình nghĩa vợ chồng, đến trách nhiệm làm chồng của mình. Lời nói của Thúc Sinh vẫn còn hàm chứa tình cảm đối với Hoạn Thư.

Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã dựng nên một chàng Thúc khúm núm, sợ hãi đến thảm hại khi được Kiều đền ơn:

Cho gươm mời đến Thúc lang,
Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.
Khi nghe Kiều nói sẽ trị tội vợ mình:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa.

Thúc Sinh chẳng những không dám mở mồm xin cho vợ một câu mà chỉ còn biết sợ hãi: “Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm”. Hoạn Thư phải một mình đối phó với Kiều. Hành động này của Thúc Sinh chứng tỏ chàng không những là người hèn kém, nhu nhược mà còn là kẻ bạc tình, bạc nghĩa. Thúc đã bỏ rơi Hoạn vào lúc gian nguy nhất của cuộc đời nàng. Hoạn Thư có chồng mà cũng như không. Ông tơ đã xe duyên cho nàng cùng chàng Thúc cũng là bắt nàng phải gánh chịu một số phận nghiệt ngã. Có người chồng như Thúc quả là điều đau đớn đối với Hoạn Thư. Bằng cách xây dựng lại mối quan hệ vợ chồng Thúc – Hoạn trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã chứng tỏ Hoạn Thư là một nhân vật bi kịch. Trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du từng viết:

Đau đớn thay, phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Đó chính là lời khẳng định, sự tổng kết đầy đau xót của Nguyễn Du về số phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Với hình tượng nhân vật Hoạn Thư trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã chứng minh quy luật ấy là đúng với bất kì ai. Hoạn Thư là người rất hiểu Kiều, thông cảm cho hoàn cảnh của Kiều song không thể đối xử khác với Kiều. Nhà nghiên cứu Đông Hồ từng khẳng định trong Đoạn trường tân thanh, nhân vật tri kỉ nhất của Kiều chính là Hoạn Thư, Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải chỉ là những người tương đắc với Thúy Kiều còn người tri kỉ thực sự với Kiều chỉ có mình Hoạn Thư. Hoạn Thư và Thúy Kiều chính là “hai người bạn tri kỉ” trong Truyện Kiều. Họ rất thông cảm và chia sẻ với nhau vì đều là những người đàn bà chịu kiếp chồng chung. Xét riêng về mặt này thì cả hai đều là nạn nhân. Và trong vai trò của người vợ cả, Hoạn Thư thực sự thấu hiểu tình cảnh ấy. Chính vì vậy, nàng luôn dành cho Kiều những tình cảm tốt đẹp và cách đối xử tốt nhất có thể.

Từ chỗ tri kỉ, Hoạn Thư đã có sự tri ngộ, gia ân với nàng Kiều. Hiểu rõ một người, trong lòng lại chất chứa đầy sự cảm thông và yêu mến người ấy mà vẫn phải hành xử với nhau như kẻ thù. Tri ngộ, gia ân nhưng bề ngoài phải tỏ ra lạnh lùng và tàn nhẫn, Hoạn Thư không được sống đúng là mình, luôn phải kìm nén, phải giết chết những tình cảm thật trong lòng mình. Đó chính là bi kịch của Hoạn Thư trong mối quan hệ với Thúy Kiều. Trong những giờ phút được sống thật với mình, sống đúng là mình với Kiều, ta thấy giữa Hoạn Thư và Thúy Kiều quả có mối tri ngộ.

Nếu như sự sáng tạo của các tác giả trung đại thường tập trung ở những tình tiết thì việc Kiều tha bổng cho Hoạn Thư trong đoạn báo ân, báo oán mà không hề đánh đập, khảo tra tiếp tục khẳng định điều đó. Đây không phải một kết thúc bất ngờ mà là kết quả của sự tri kỉ, tri ngộ giữa hai người. Theo dõi mối quan hệ Hoạn Thư – Thúy Kiều trong toàn bộ tác phẩm và xâu chuỗi lại, ta thấy nhận xét trên không phải là thiếu căn cứ. Nguyễn Du đã chuẩn bị rất kĩ cho kết cục này.

Từ đoạn để cho Hoạn Thư xuất hiện trong suy nghĩ của Kiều, Nguyễn Du đã cho thấy Kiều rất hiểu Hoạn Thư. Tình tiết Hoạn Thư để cho Kiều ở nhà Hoạn bà rồi sau đó mới mang Kiều về làm người hầu cũng chứng tỏ Hoạn Thư rất hiểu Kiều. Rồi sau đó, Kiều luôn được Hoạn Thư gia ân trong nhiều tình tiết như không bắt Kiều hầu ngủ, cho Kiều ra Quan Âm các, không truy nã khi Kiều bỏ trốn…

Ngay trong đoạn Kiều hầu rượu, hầu đàn thì rõ ràng, mục đích của việc đánh ghen là nhằm vào Thúc Sinh chứ không phải là nhằm vào Thúy Kiều. Vì vậy, cách hành xử của Hoạn Thư với Kiều mang đầy sự bao dung, độ lượng chứ không tàn độc như nguyên mẫu trong Kim Vân Kiều truyện. Để cho Kiều tha Hoạn Thư cũng là gián tiếp thừa nhận sự gia ân mà trước đây Hoạn Thư đã dành cho Kiều. Việc Kiều tri ân đối với Hoạn Thư là điều hoàn toàn đúng và hợp lôgic bởi nàng đã hiểu sự tri ngộ, gia ân của Hoạn Thư với mình. Hầu như tất cả các nhân vật trong Đoạn trường tân thanh dính dáng đến Thúy Kiều đều bị định mệnh của nàng làm cho bị “vạ lây”. Hoạn Thư cũng vậy.

Tuy nhiên, nếu như các quan hệ khác của Kiều đều kết thúc trong bi kịch (kể cả quan hệ của nàng với Kim Trọng) thì quan hệ Hoạn Thư – Thúy Kiều lại được giải quyết một cách tốt đẹp. Bởi dù sao, Hoạn Thư và Kiều đều là “phận đàn bà” có chung một “lời bạc mệnh” và đáng quý hơn là cả hai người đều thấu hiểu điều đó. Nguyên nhân chính dẫn đến cách ứng xử trên của Kiều không phải là tài biện hộ của Hoạn Thư mà do tấm lòng liên tài, sự xót thương cho những kẻ đồng cảnh ngộ nơi nàng. Toàn bộ sự chuẩn bị của Nguyễn Du đến từng chi tiết ở trên sẽ trở nên vô nghĩa nếu Kiều trong Đoạn trường tân thanh cũng hành động như Kiều trong Kim Vân Kiều truyện. Kết thúc mối quan hệ giữa hai kẻ “tình địch” như vậy, Nguyễn Du đã đạt được nhiều mục đích mà quan trọng nhất là đã xây dựng được một mối dây liên hệ giữa hai con người tưởng như “không đội trời chung” để từ đó khắc sâu bi kịch của họ, đặc biệt là bi kịch của Hoạn Thư.

Dựa vào một nguyên mẫu trong nguyên tác, với một ý đồ sáng tạo mới, Nguyễn Du đã làm thay đổi bản chất của nhân vật Hoạn Thư – đặc biệt ở phương diện tính cách và số phận nhân vật. Từ một điểm nhìn trần thuật mới, ông đã thực hiện một cuộc “lột xác” cho Hoạn Thư. Đúng như Trần Đình Sử nhận xét: “Nhân vật vay mượn có thể được miêu tả theo những trọng tâm, điểm nhấn khác và trở thành nhân vật khác”. Hoạn Thư từ một con người đạo lí, một nhân vật hành động đã trở thành nhân vật tâm trạng với đời sống nội tâm phong phú, đa dạng. Trong Đoạn trường tân thanh, ta bắt gặp một Hoạn Thư tỉnh táo, lí trí hơn song luôn giằng xé với những trăn trở, đớn đau. Ở Hoạn Thư luôn có sự tồn tại, đấu tranh của con người giai cấp và con người cá nhân. Càng thông minh bao nhiêu, càng sắc sảo bao nhiêu thì số phận của nàng lại càng đắng cay và nghiệt ngã bấy nhiêu. Nàng vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân.

Bằng các biện pháp nghệ thuật độc đáo, Nguyễn Du đã xây dựng một nhân vật Hoạn Thư khác hẳn so với nguyên tác. Từ một nhân vật đơn nhất và phản diện trong nguyên tác, bằng cách miêu tả con người nội tâm nhiều chiều và thêm, cắt bỏ và lược đi một số chi tiết, Nguyễn Du đã biến Hoạn Thư trở thành một nhân vật đa diện với một số phận bi kịch trong Đoạn trường tân thanh. Chỉ riêng điều này cũng giúp ta có thể khẳng định tài năng và sự sáng tạo của Nguyễn Du. Cùng với những thành công khác của Đoạn trường tân thanh, nghệ thuật xây dựng nhân vật đã góp phần đưa tác phẩm lên hàng kiệt tác

0