Phân tích đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Đề bài : Bài làm Tắt đèn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố, tác phẩm không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Mặc dù bị đàn áp, bị đẩy đến bước đường cùng nhưng họ không cam chịu, mà luôn mang trong mình ...
Đề bài:
Bài làm
Tắt đèn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Ngô Tất Tố, tác phẩm không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Mặc dù bị đàn áp, bị đẩy đến bước đường cùng nhưng họ không cam chịu, mà luôn mang trong mình tinh thần phản kháng mãnh liệt. Đoạn trích Tức nước vỡ bờ một mặt vạch trần bản chất độc ác của giai cấp thống trị, mặt khác ngợi ca vẻ đẹp tình yêu thương và sức mạnh tinh thần phản kháng của những người nông dân.
Nhan đề “Tức nước vỡ bờ” do nhà biên soạn đặt, nó là một câu thành ngữ thể hiện quy luật khi nước bị dồn ứ lâu, quá đầy sẽ làm vỡ bờ ngăn. Qua câu thành ngữ này nhằm nói lên quy luật xã hội: có áp bức ắt có đấu tranh. Lấy nó làm nhan đề đoạn trích là hoàn toàn hợp lí: một mặt vừa phán ảnh đúng nội dung của tác phẩm, mặt khác nêu lên chân lí: khi con đường sống của quần chúng bị áp bức thì chỉ có con đường đấu tranh để tự giải phóng chính mình.
Tác phẩm có hai hình tượng trung tâm là tên cai lệ và chị Dậu. Mỗi nhân vật đại diện cho một giai cấp, một phẩm chất khác nhau, qua đó bộc lộ những suy nghĩ, quan điểm của tác giả về xã hội lúc bấy giờ.
Nhân vật cai lệ là đại diện cho bộ mặt độc ác, bất nhân của những kẻ cầm quyền trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Hắn ta là một tên tay sai “chuyên nghiệp”, thành thạo trong việc đánh, trói, dọa nạt và cướp bóc của dân lành. Hành động gây tội ác được hắn ý thức rằng đang thực thi công việc của “người nhà nước”. Chính bởi suy nghĩ đó nên mỗi hành động của hắn vô cùng độc ác, không có chút tình thương. Trước hết là qua lời nói, hắn dùng những lời lẽ cộc cằn, thô lỗ: “thét” “quát” “hầm hè” “nham nhảm thét”,… Thể hiện rõ ràng nhất qua hành động. Mặc dù anh Dậu đang bị ốm nặng, chị Dậu tha thiết van xin, quỳ lạy nhưng hắn vẫn sẵn sàng bắt và đánh anh Dậu. Người nhà lí trưởng lo lắng không dám hạ thủ trước một người ốm nặng thì chính hắn là kẻ trực tiếp ra tay. Hắn “giật phắt cái thừng” từ tay người nhà lí trưởng “chạy sầm sập đến để trói anh Dậu”. Hắn là kẻ vô nhân tính, tàn bạo. Trước sự can ngăn của chị Dậu hắn chẳng ngại ngần “bịch luôn vào ngực”, “tát vào mặt”,… ngay cả với một người phụ nữ hắn cũng sẵn sàng đánh đập. Hắn quả thật không bằng loài cầm thú.
Bên cạnh tên cai lệ độc ác, bất nhân lại hiện lên hình ảnh của một chị Dậu có hoàn cảnh đáng thương nhưng giàu tình yêu thương và sức phản kháng mãnh liệt.
Gia đình chị vốn là hạng cùng đinh trong làng, chạy vạy vất vả mãi mới lo được tiền sưu cho chồng, nay lại thêm tiền sưu cho người em đã mất, khiến gia đình chị càng khốn đốn hơn. Chị bán cả chó, cả con mà vẫn không đủ tiền nộp sưu, giữa tình cảnh đó thì cai lệ và người nhà lí trưởng sầm sập tiến vào đòi bắt lôi anh Dậu đi. Tình cảnh hết sức khốn cùng và thảm thương.
Tình yêu thương của chị được thể hiện rõ nhất qua lời nói, hành động với chồng. Chị lấy bát cháo mang lại cho chồng, chị ngồi nhìn anh ăn và lo lắng từng miếng anh có ăn ngon miệng không. Dáng vẻ của người đàn bà ấy thật đáng trân trọng làm sao. Chị cũng khốn khổ chạy vạy khắp nơi, nhưng đến lúc này chị chỉ suy nghĩ cho chồng, cho con mà không hề quan tâm đến bản thân mình. Khi cai lê đến chị hết sức van xin, khất sưu, chị hạ mình trước tên cai lệ mạt hạng để chồng không bị đánh trói. Khi mọi sự nỗ lực của chị đều bị khước từ chị sẵn sàng đứng lên đánh nhau với chúng để bảo vệ chồng. Chị quả là một phụ nữ thủy chung, yêu thương chồng mình hết mực.
Nhưng không dừng lại ở đó, trong phụ nữ nông dân chất phác ấy còn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Sự phản kháng của chị thể hiện theo trình tự hết sức hợp lí từ chỗ cố gắng van xin, đến chống cự bằng lí lẽ và cuối cùng là đáp trả bằng hành động. Sự phản kháng của chị là bột phát nhưng cũng phần nào cho thấy sức sống tiềm tàng trong chị và những người nông dân như chị. Khi bị áp bức, bị dồn đến bước đường cùng chắc chắn họ sẽ vùng lên đấu tranh: “Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được”. Chị Dậu vốn là người phụ nữ mộc mạc, khiêm nhường, giàu lòng yêu thương, chịu đựng nhưng không hề yếu đuối. Trái lại chị có một tinh thần phản kháng và sức sống mãnh liệt. Chị là đại diện điển hình cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Tác phẩm thành công ở nghệ thuật xây dựng truyện. Tình huống truyện giàu kịch tính, được đẩy lên cao trào. Chính những xung đột mâu thuẫn đã làm cho tính cách mỗi nhân vật được bộc lộ. Tính cách nhân vật chủ yếu được thể hiện qua hành động, ngôn ngữ chưa đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật: cai lệ độc ác, bất nhân đại diện cho bộ máy cầm quyền; chị Dậu yêu thương chồng con, sức sống tiềm tàng mãnh liệt, đại diện cho vẻ đẹp người nông dân. Ngôn ngữ giàu chất hiện thực, giản dị, dễ hiểu, mang hơi thở thời đại.
Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, ngôn ngữ giản dị tác giả đã cho thấy cuộc sống của người dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Lên án những kẻ cầm quyền độc ác, nhẫn tâm đàn áp, áp bức nhân dân đến bước đường cùng. Đằng sau đó còn là thái độ yêu thương, cảm thông cho những số phận bất hạnh và trân trọng ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân.
Tham khảo thêm: