03/06/2017, 22:43

Phân tích Diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1944 đến giữa năm 1945, trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám nhân dân Việt Nam phải trải qua một tai họa khủng khiếp có lẽ chưa từng có trong lịch sử: nạn đói giết chết hai triệu người. Nhà văn Kim Lân đã ghi lại một phần cuộc sống ấy trong một truyện ...

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm 1944 đến giữa năm 1945, trước khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám nhân dân Việt Nam phải trải qua một tai họa khủng khiếp có lẽ chưa từng có trong lịch sử: nạn đói giết chết hai triệu người. Nhà văn Kim Lân đã ghi lại một phần cuộc sống ấy trong một truyện ngắn, truyện Vợ nhặt, một trong những truyện ngắn thuộc loại sắc sảo của văn xuôi Việt Nam. Trong tác phẩm này, qua việc xây dựng một tình huống nghệ thuật độc đáo, nhà văn đã rất thành công ...

 
Cả hai mẹ con bà đang trải qua nạn đói mà hàng chục triệu người đang trải qua. Cái đói, cái chết đang lơ lửng trước mắt hai người như một ám ảnh thường xuyên. Thế mà giữa một hoàn cảnh như vậy, một buổi chiều từ nhà hàng xóm trở về, bà cụ Tứ đã nhìn thấy trong ngôi nhà của mình cùng với con trai bà có một cô gái lạ. Bà cụ Tứ đã thực sự ngạc nhiên: cô gái nào có thể đến nhà bà, lại cùng đi với con trai bà? Vợ Tràng ư? Không thể như thế được. Đó là điều không thể nghĩ đến giữa một lúc đói khát như thế này! Chuyện ấy cũng đã khó xảy ra trong một thời gian bình thường khác. Bởi vì sao? Bởi vì mẹ con bà rất nghèo, lại là dân ngụ cư ở đất này, thứ dân vốn bị xem thường và bạc đãi. Bà con họ hàng ư? Xưa nay chưa có người bà con họ hàng nào đến thăm bà.
 
Nỗi ngạc nhiên của bà cụ Tứ không hề giảm bớt mà lại tăng thêm khi bà  cụ Tứ biết rằng cô gái không phải ai khác mà chính là vợ Tràng – con dâu  của bà. Cô gái đã chào bà đến hai lần, con trai bà lại nhắc với bà, thế mà bà cụ Tứ vẫn như không nghe rõ. Cái tiếng "con dâu" rõ ràng là thế mà hình như bà không hiểu được nghĩa. Giá như ở hoàn cảnh nào khác, bà đã đón nhận tin này với biết bao sung sướng và mừng rỡ. Bà cụ chỉ có một người con trai, bà không mong gì hơn là được thấy con trai có vợ, bà có con dâu, rồi sẽ có cháu để bế bồng, có người nối dõi. Tấm lòng người mẹ Việt Nam nào chả thế. Nhưng việc này đến với bà vừa đột ngột vừa lạ lùng. Một cô gái từ đẩu từ đâu bỗng xuất hiện trong nhà bà, rồi là vợ của Tràng, con dâu của bà, không chuẩn bị, không dạm hỏi, không cưới xin.
 
Cuối cùng thì bà cụ Tứ cũng hiểu ra sự thật. Trước hết, bà cụ Tứ thấy trái tim của người mẹ như được sưởi ấm một chút. Con bà, đứa con trai nghèo khổ của bà thế là cũng có vợ. Điều bà vẫn mong mà không dám mong lại đến với bà một cách giản đơn đến thế. Nhưng cùng với niềm vui cũng xuất hiện trong lòng bà nỗi tủi thân, bà tủi cho cảnh nghèo của mình, nghèo đến  nỗi có con dâu theo một cách như vậy, không được như người ta. Việc Tràng có vợ càng làm rõ nỗi cơ cực của mẹ con bà. Xót mỗi mình, bà cụ Tứ thấy thương cho cô gái nọ. Bà cụ hiểu rằng, cô gái ấy phải gặp bước lưu li đến thế nào mới phải "theo không" về với con trai bà. Là một người mẹ nghèo, bà thương cô gái tội nghiệp ấy. Giá như không có nạn đói đang treo lơ lửng trước số phận, có lẽ sau nỗi tủi thân, bà cụ tự sẽ cảm thấy hạnh phúc. Nhưng bà cụ Tứ không thể không nghĩ đến điều mà ai cũng phải nghĩ đến lúc này: cái đói đang hoành hành, cái chết đang đe dọa. Cái chết sẽ không từ ai. Người ta lấy vợ lấy chồng là để xây dựng tương lai. Thế mà con trai bà cùng với cô con gái này lấy nhau là để sẽ cùng nhau thấy cái chết ở phía trước. Không gì có thể éo le hơn, cay đắng hơn. Lấy nhau mà để sẽ cùng chết với nhau thì lấy nhau mà làm gì? Có lẽ chưa bao giờ bà cụ Tứ nhìn thấy hình ảnh nạn đói một cách khủng khiếp đến thế. Tối hôm ấy, mặc dầu Tràng đã chơi sang thắp một ngọn đèn dầu, nhưng căn nhà của bà cụ Tứ có lẽ đã không sáng thêm lên chút nào.
 
Tuy vậy, cuộc sống vẫn có cái kì diệu của nó. Trong buổi sáng hôm sau khi nhìn thấy hình ảnh cô dâu mới đi lại quét dọn trong sân, bà cụ Tứ đã thực sự cảm thấy vui sướng. Đó là hình ảnh bà đã thiết tha chờ đợi bao lâu. Đó là hình ảnh của hạnh phúc đơn sơ nhưng cảm động. Chính hình ảnh này đã làm mờ đi những ý nghĩa bi đát của tối hôm qua. Trong tâm trạng lạc quan, bà cụ Tứ liên tưởng đến những hình ảnh nối tiếp: một gia đình, một ngôi nhà, một đàn gà đi lại kiếm ăn. Cuộc sống phải như thế chứ. Những điều ấy có phải quá to lớn đâu. Tai họa rồi cũng sẽ đi qua như bao nhiêu tai họa mà những người như bà cụ Tứ đã từng trải qua trong đời mình. Càng nghĩ bà cụ Tứ càng vui, càng hi vọng. Trong tâm trạng hi vọng, phấn chấn ấy, người mẹ đã dọn ra bữa ăn sáng.
 
Trong những ngày khó khăn này, bữa ăn sáng ấy có ý nghĩa chẳng kém gì một bữa ăn lớn để bà long trọng đón cô dâu mới. Bà muốn bữa ăn sáng thật vui, để niềm vui đượckéo dài. Nhưng thời gian để ăn hết mấy bát cháo lỏng bỏng thì ngắn quá, chóng qua quá. Không chịu để niềm vui chóng qua, bà cụ Tứ đã cố gắng kéo dài bằng cách dọn ra một thức ăn mới. Tội nghiệp cho bà cụ Tứ! Đó lại chính là cách đã phá vỡ niềm vui vừa có được. Từ khi bắt đầu bưng bát cháo cám, ai nấy đều cúi mặt. Hình ảnh nạn đói, cái chết vì đói hiện ra cùng với bát cháo cám, khủng khiếp và tàn nhẫn. Vị đắng ngắt của cháo cám đọng lại trên cổ họng đã thay thế mùi vị ngọt ngào của hi vọng. Lúc này, không còn gì khác, không còn cuộc sống, không còn tương lai, không còn hi vọng, chỉ có cái đói, chỉ có cái chết. Như cố tình làm đậm thêm tâm trạng đó của mấy mẹ con bà cụ Tứ, từ ngoài đình vọng lại những âm thanh dồn dập của tiếng tróc thu thóc. Cái đói không dừng lại mà còn tăng thêm. Rồi từ ngoài đồng vẳng lại tiếng kêu của những đàn quạ: đó là âm thanh của cái chết. Trong một bối cảnh như vậy, tưởng chừng con người chỉ có một cách là suy sụp hẳn xuống, hoàn toàn khuất phục trước nỗi tuyệt vọng.
 
Kỳ diệu thay, chính lúc ấy như một sự ngẫu nhiên, cô dâu mới kể cho mẹ con bà cụ Tứ biết về một miền đất nào đó, không gần những cũng không xa lắm. Ở đó, những con người đói khát đã tìm thấy được đường sống cho mình. Trong tâm trí Tràng bỗng hiện ra hình ảnh một đoàn người đi theo những lá cờ đỏ, xông vào kho thóc của giặc Nhật, lấy thóc chia cho người đói. Nếu ngày xưa, những con người giản dị như bà cụ Tứ đã tin vào Bụt, tin vào sự thần kỳ trong những chuyện cổ tích, thì bây giờ trước mắt bà cụ sự thần kỳ ấy lại có thật. Trong lòng người mẹ đã rộn lên bao hy vọng. Giờ đây, hy vọng ấy là con đường sống duy nhất cho những con người đã bị đẩy đến bước đường cùng như bà cụ Tứ. Truyện ấy nếu đã xảy ra ở một nơi khác thì cũng có thể xảy ra ở đây với những người như mẹ con bà cụ Tứ. Hình ảnh chỉ mới xuất hiện, mong manh làm sao, nhưng thân thiết làm sao, hấp dẫn làm sao.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, từ tối hôm trước đến sáng hôm sau mà trong lòng người mẹ đã diễn ra biết bao tâm trạng từ hoài nghi, sung sướng rồi buồn tủi, hy vọng, tuyệt vọng lại hy vọng trở lại. Đó cũng là tâm trạng của bao nhiêu con người đã trải qua một thời kỳ gay go của cuộc đời, qua những tháng ngày không thể nào quên của đất nước.
 
Bằng một sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống và con người trước Cách mạng tháng Tám, Kim Lân đã dẫn dắt người đọc qua những tâm trạng của người mẹ, vừa thấu đáo, vừa tự nhiên. Đọc "Vợ nhặt" của Kim Lân, hiểu được tâm trạng của người mẹ, ta nhận ra nhân dân ta đã đón chờ cuộc Cách mạng tháng Tám tha thiết đến chừng nào. Đó là cuộc Cách mạng vì sự sống, sự sống cho cả một dân tộc, sự sống cho hàng chục triệu người đang khao khát cuộc sống.

0