Phân tích chân lý đường đời cách mạng của Bác trong bài thơ Đi đường
Đi đường là bài thơ của Hồ Chí Minh, đã trực tiếp nói về nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng vô hạn của người đó khi đứng trên núi cao để ngắm cảnh. Ngoài ra bài thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng, toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng, có thể xem là một trong những bài ...
Đi đường là bài thơ của Hồ Chí Minh, đã trực tiếp nói về nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng vô hạn của người đó khi đứng trên núi cao để ngắm cảnh. Ngoài ra bài thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng, toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng, có thể xem là một trong những bài tự khuyên mình của người tù cách mạng Hồ Chí Minh. Phân tích bài thơ để làm sáng tò nhận xét trên. Tập thơ Nhật ký tròng tù có nhiều bài lấy cảm hứng trên đường đi làm đề ...
Đi đường là bài thơ của Hồ Chí Minh, đã trực tiếp nói về nỗi gian lao của người đi đường núi và niềm vui sướng vô hạn của người đó khi đứng trên núi cao để ngắm cảnh. Ngoài ra bài thơ còn mang ý nghĩa biểu tượng, toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng, có thể xem là một trong những bài tự khuyên mình của người tù cách mạng Hồ Chí Minh. Phân tích bài thơ để làm sáng tò nhận xét trên.
Tập thơ Nhật ký tròng tù có nhiều bài lấy cảm hứng trên đường đi làm đề tài. Đi đường (Tẩu lộ) là một trong những bài thơ đó. Bài thơ có hai lớp nghĩa. Nghĩa thực là nỗi gian lao vất vả của người đi đường núi và niềm vui sướng vô hạn khi họ đã đứng trên núi cao để ngắm cảnh. Sau lớp nghĩa thực bài thơ đã toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng. Phải chăng vừa chân thực vừa chứa đựng tư tưởng sâu xa nên bài thơ được xem như lời tự khuyên mình của nhà cách mạng Hồ Chí Minh.
Đi đường mới biết gian lao.
Câu thơ như một lời nhận xét thốt ra rất tự nhiên của người tù đã thấm mệt trên con đường bị giải đi. Lời nhận xét tưởng như hồn nhiên này được rút ra từ chính cảnh cơ cực của nhà thơ trong những ngày bị bọn Tưởng giải tới giải lui hết nhà lao này sang nhà lao khác. Đây chính là một sự trải nghiệm, một câu thơ được đánh đổi bằng chính những ngày đi đường gian khổ vất vả của Bác. Có thể là gà gáy một lần đêm chửa tan đã phải ở trên đường để hứng những trận gió hàn. Có thể là Năm mươi ba cây số một ngày – áo mũ dầm mưa rách hết giầy… Lời thơ giản dị mà nặng trĩu suy tư, có sức khái quát cao độ. Thật đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hay như Nguyễn Du đã từng viết. Một chữ gian lao là nó chứa đựng bao thử thách, nó đối mặt với ý chí của con người mà chỉ có những người đi đường mới biết được. Bằng những dòng nhật ký, không đẽo gọt, không khoa trương, câu thơ đọc lên có một độ ngân rung từ nỗi niềm có thật. Cái có thật ấy với cách nói đơn sơ không khỏi làm cho người đọc rùng mình. Ấn tượng gian nan trong nguyên bản được khắc họa hơn bản dịch II nó có một tiết tấu riêng, một cách láy đi láy lại như một tứ thơ tự thoại:
Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan.
Hai chữ tẩu lộ (đi đường) như những nốt nhấn đúng nhịp (3/4) vừa như một nhận xét vừa như một nghiền ngẫm, suy nghĩ chiêm nghiệm bằng chính máu thịt của mình. Sự truyền cảm không cố tình trong câu thơ hàm súc, dồn nén tự nó bật ra đâu có phải nhiều lời. Nói ít không phải là không có gì để nói, mà ngược lại: nội dung dồi dào mà câu chữ cứ như không. Nguyên tắc tiết kiệm lời trong thơ phải chăng là như thế? Về ý câu thơ này, tục ngữ đã nói Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Bác cũng đang học, đang biết bằng cảnh ngộ riêng của mình, rút ra bài học cho chính mình: có đi đường mới biết việc đi đường là khó. Một chữ tri (biết) đơn giản vậy thôi mà có thể cả đời không học được.
Câu thơ thứ hai tiếp tục mở rộng mạch thơ của câu thơ đầu: Núi cao rồi lại núi cao trập trùng.
Nó làm sáng tỏ cái ý gian lao ở câu thơ thứ nhất. Đây là một chi tiết tâm tình rất thực, thể hiện trong tiết tấu trùng san chi ngoại hựu trùng san. Giữa hai chữ trùng san bố trí ở đầu câu và cuối câu như một sự vây bọc bịt bùng, là chữ hựu (lại). Nghĩa là vừa mới vượt được một dãy núi cao này chưa kịp nghỉ ngơi, một dãy núi cao khác lại hiện ra, hỏi ai có thể bình tĩnh mà thư thái trong lòng. Một chữ hựu đơn giản vậy thôi mà bao nhiêu chất chứa, nó nặng nề trong tâm trí của kẻ chinh nhân.
Chữ tài tri ở câu thứ nhất và chữ hựu ở câu thứ hai ta thấy thấp thoáng nhân vật trữ tình, người tù Hồ Chí Minh đang cảm nhận, thấm thía suy ngẫm về nỗi gian lao triền miên của việc đi đường núi cũng như con đường cách mạng, con đường đời.
Lộ trình trong bài thơ đến câu thứ ba vẫn còn chưa chấm dứt, thậm chí còn phải vượt qua một đỉnh núi cao khác hơn mọi thứ trùng san:
Núi cao lên đến tận cùng,
Mạch thơ không đi theo hướng có nữa mà chuyển cảnh, chuyển tình. Vì thế trong thơ tứ tuyệt gọi câu ba là câu chuyển. Nó như cầu nối mạch thơ, tiếp tục diễn tả núi cao của câu thứ hai nhưng cũng tiếp tục phát triển cao hơn. Ta cảm nhận từ sự lấy đà ấy của nhịp thơ:
Trùng san chi ngoại hựu trùng san
Trùng san đăng đáo cao phong hậu
Ta chú ý hai chữ trùng san sử dụng trong câu hai và ba đầy dụng ý. Mật độ của nó vốn đã dầy lúc này càng dầy hơn. Cũng là điệp ngữ nhưng trùng san ở cuối câu hai ở đầu câu ba là điệp ngữ nối tiếp, lặp vòng. Tiết tấu thơ không còn chậm rãi, đều đều. Nó khẩn trương hơn, có phần thanh thoát hơn như một cuộc chuẩn bị. Phảng phất trong câu thơ một thứ âm nhạc tâm hồn khoan khoái xốn xang. Vậy cái gì xảy ra sau đó? Mộ sự ngã gục ư? Một sự chiến thắng ư? Người đọc đã trút đi được gánh nặng ngàn cân và thở phào nhẹ nhõm bởi câu thơ thứ tư:
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Chỉ trong một chớp mắt, tình thế đã đổi thay, tâm trạng đã thay đổi, cán cân lực lượng về mặt tinh thần giữa người đi đường và những gian truân trên con đường đèo dốc đã thay đổi theo chiều ngược lại. Từ tư thế con người bị đày đọa tới kiệt sức, tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành du khách ung dung say sưa ngắm phong cảnh đẹp. Tư thế của người đi đường- từ vị trí nạn nhân đã trở thành chủ nhân tạo cho núi non một gương mặt khác. Người đi đường chủ động thu vào tầm mắt tất cả núi non trùng điệp với niềm vui vô hạn, niềm hạnh phúc dạt dào không gì sánh được, ấy là niềm vui vì chiến thắng được hoàn cảnh, chiến thắng được chính bản thân mình. Niềm hạnh phúc ấy không phải tự nhiên mà có.
Phải chăng là cái điều tâm niệm của Người khi mới bước vào chốn lao lung chỉ là một ước mơ, một quyết tâm, nay đã trở thành sự thật:
Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao.
Quả thật tinh thần của người tù còn cao hơn núi. Chính Bác đã tự chứng thực cho mình, bằng con người mình. Một sự thể nghiệm lặng lẽ kiên trì và nhẫn nại không chịu lùi một phân.
Người đã chiến thắng.
Bốn câu thơ rất bình dị mà cô đọng, vừa tự nhiên chân thực, vừa chứa đựng tư tưởng sâu xa. Bài thơ toát lên bài học chân lý đường đời, đường cách mạng, như lời tự khuyên mình của mỗi con người. Mỗi cuộc đời là một trăm năm, ai cũng phải đi một trăm đường. Có con đường lao động mưu sinh, có con đường công danh lập nghiệp. Tuổi trẻ còn có con đường học tập. Bài thơ Đi đường dã trở thành hành trang cho mỗi chúng ta thêm sức mạnh để vươn tới tương lai.