Nghĩ về tổ tiên mình, ta sung sướng tự hào trước hình ảnh mẹ vua Hùng đã có công dựng nước. Đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Bao nhiêu nhà thơ say sưa viết về đất nước. Nó đã trở thành hình tượng tập trung những cảm xúc của các nhà thơ. Khi đất nước có chiến tranh, những bài thơ viết về đất nước, nhân dân chính là nguồn cổ vũ toàn dân và là vũ khí đắc lực chiến thắng kẻ thù. Bởi vậy từ 1945 - 1975 các văn nghệ sĩ tập trung vào miêu tả hình tượng Tố quốc. Bên kia sông Đuống ...
“Văn học là tấm gương phản ánh thời đại”. Bởi vậy, ta sẽ hiểu tác phẩm văn học rõ hơn, nếu biết ít nhiều về hoàn cảnh lịch sử mà nó ra đời.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hơm bao giờ hết; tình yêu Đất Nước phải được bộc lộ cụ thể bằng hành động. Nhà Văn ngoài nghĩa vụ cầm súng đánh giặc còn phải cầm bút khích lệ tinh thần quyết tâm chiến đấu của mọi người. Lòng yêu nước, yêu nhân dân của nhà văn được thể hiện bằng những trang viết có giá trị lôi cuốn người đọc.
Trong bài Bên kia sông Đuống, đối với Hoàng Cầm, quê hương chính là xứ sở Kinh Bắc, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ. Đoạn mở đầu bài thơ nổi tiếng này phản ánh cái nhìn của nhà thơ từ bên này - đất tự do, nơi nhà thơ đang tham gia công tác kháng chiến sang “bên kia sông Đuống” nơi quân thù vừa chiếm đóng:
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì.
Cảm hứng về một dòng sông quê hương đưa Hoàng cầm đến những dòng thơ “như từ trời xanh rớt xuống”. Dòng sông đẹp biết bao trong cái dáng thơ mộng, trữ tình, dưới ánh nắng.
Sông Đuống trôi đi Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.
Cái dáng “nghiêng nghiêng” của dòng sông đến nay vẫn làm nhiều người thấy lạ. Có lẽ dòng sông đã được nhìn nghiêng bằng con mắt “say” của nhà thơ. Cần phải thấy đó là cái nhìn của tâm tưởng. Bởi vậy, hình ảnh thơ có chút mơ màng, cảnh thơ có thể bị xô đẩy bởi cảm xúc. Dòng sông gợi về một vùng quê yên bình, tươi đẹp. Thiên nhiên đất nước thu nhỏ trong hình ảnh tinh tế của một dòng sông. Không có sự gắn bó thiết tha với dòng sông Đuống, và sự chân thực dồi dào của cảm xúc làm sao Hoàng Cầm có thể tạo nên một dòng sông Đuống giàu ấn tượng như vậy trong thơ? Vùng đất Kinh Bắc hữu tình, diễm lệ gợi bao niềm mến yêu. Cảm hứng về một đất nước tươi đẹp, một miền quê nhiều đặc sản là ngọn nguồn để tạo nên những vần thơ đầy tự hào.
Quê hương ta lúa nếp tham nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Đó là một đất nước tươi đẹp và giàu truyền thống. Nơi ấy có những người thật đáng yêu đáng quí. Một nhân dân trong thơ bình yên, rạng rỡ, rất Việt Nam hiện lên chan chứa tình yêu thương:
Những cô nàng cán chí môi trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu.
Hình ảnh cô gái Kinh Bắc đẹp dịu dàng, đúng là hình ảnh cô gái nông thôn Việt Nam ngày ấy. Những “khuôn mặt búp sen” thật dễ thương, những nụ cười của họ thật quyến rũ, vẻ quyến rũ của sự hồn nhiên, thuỳ mị. Hẳn là Hoàng cầm yêu người Kinh Bắc đến tận đáy lòng nên con mắt mới trìu mến đến thế để nhìn thấy các cô “Cười như mùa thu tỏa nắng”. Nụ cười ấy cũng có hồn, nó như nắng thu lung linh, tỏa ra thật sáng trong. Cảm hứng nhân dân đã tạo nên những vần thơ ấy. Nhưng Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống đâu chỉ bởi cảm hứng về một đất nước tươi đẹp mà còn bởi cảm hứng về một đất nước đau thương bởi tội ác đẫm máu cùa quân thù. Tinh yêu đất nước ở đây chính là nơi tiếc thương và căm giận trước những giá trị văn hóa của dân tộc, là những cảnh sinh hoạt đầm ấm yên vui của nhân dân bị tàn phá, là nỗi đau đớn xót xa trước những số phận bất hạnh của những con người đáng yêu đáng quí ở quê hương mình. Bài thơ là một nỗi nhớ. Hiện tại và quá khứ khổ đau và hạnh phúc đan cài trong bài thơ. Nhưng nỗi xót xa, nuối tiếc vẫn là cảm hứng cao nhất:
Quê hựong ta từ ngày khủng khiếp
Giặc héo lèn ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Những câu thơ dài ngắn khác nhau diễn đạt xúc cảm đau xót của nhà thơ trước cảnh quê hương thân yêu bị quân thù tàn phá. Càng thiết tha với những sản phẩm văn hóa tinh thần cần được bảo lưu, càng đau đớn khi bị chúng giày xéo, bị phá hoại:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngã
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Hình ảnh đau thương của người Kinh Bắc được khắc họa thật sinh động mới mẻ. “Mẹ con đàn lợn”, “Đám cưới chuột” chính là hình ảnh cuộc sống sinh hoạt tinh thần của con người. Những bức tranh lợn, chuột bị xé tan tác ấy cũng là nỗi dau chia lìa của nhân dân Kinh Bắc. Không khí tang thương, ảm đạm của một vùng quê được cảm nhận bằng một trái tim thương cảm, ngậm ngùi xót xa:
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông.
Hoàng hôn đỏ thẫm làm nhà thơ liên tưởng tới màu máu loang trên nền trời. Nỗi đau của con người cũng là nỗi đau của đất trời. Hai câu thơ mà gợi lên bốn cái chết, cái chết của lá lìa cành, cái chết của người dân lương thiện, cái chết của một ngày và một năm. Nỗi đau đã nén chặt vào tâm hồn nhà thơ. Bởi vậy cảnh vật trong con mắt người thấm đẫm sự u buồn. Đất nước bị tàn phá và một nhân dân bị đau thương đã được Hoàng Cầm xây dựng khá thành công, từ nỗi xót xa ấy, Hoàng Cầm bộc lộ khát vọng đất nước được giải phóng. Niềm tin và lòng mong ước của nhà thơ đã thể hiện trọn vẹn qua cảm hứng về đất nước về nhân dân.
Với Việt Bắc, đất nước không hiện lên đau thương như trong Bên kia sông Đuống của Hoàng cầm. Thủ đô kháng chiến Việt Bắc chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước những năm tháng đó. Nét đặc sắc của bài thơ chính là tính dân tộc thể hiện trong cả nội dung và hình thức. Đất nước ở đây mang vẻ đẹp bình dị và sâu xa của sức mạnh bền bỉ tiềm tàng được khơi dậy trong cách mạng và kháng chiến. Bài thơ cũng là một nỗi nhớ. Nỗi nhớ về những kỉ niệm đẹp về con người và cuộc kháng chiến. Quá khứ chưa xa xôi. Bởi vậy, khi nghĩ về nó, cảm xúc trong nhà thơ mạnh mẽ hơn. Nỗi nhớ ấy đã tạo nên cảm hứng cho thi nhân sáng tạo nên những vần thơ chan chứa ân tình, ca ngợi tình cảm quân dân gắn bó, tác giả tái hiện lại một khung cảnh chia li quyến luyến, và cảm động:
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay
Chiếc áo chàm giản dị là biểu tượng cho người dân Việt Bắc. Cảm hứng về nhân dân nghĩa tình đã tạo nên những vần thơ thật ngọt ngào, đằm thắm. Tác giả mượn nỗi nhớ của đôi lứa để nói về tình cảm của bộ đội với người dân Việt Bắc. Việt Bắc có những cánh rừng tươi đẹp, ở đó con người và thiên nhiên thật hòa hợp.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Đặc biệt, sâu đậm thiết tha là nỗi nhớ về con người Việt Bắc bình dị son sắt với cách mạng:
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Cuộc sống sinh hoạt của người dân kháng chiến được khắc họa rõ nét qua những sắc thái khác nhau của nỗi nhớ.
Nỗi nhớ cuộc sống kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc, những ngày tháng gian nan nhưng hào hùng của quân và dân ta được nhà thơ khắc họa bằng những hình ảnh giàu chất sử thi:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
… Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Trong đó, lịch sử kháng chiến được biểu hiện trong không khí sôi nổi, với ý chí sức mạnh Việt Nam. Đó là hình ảnh của một đất nước anh hùng, một nhân dân anh hùng trong chiến tranh, cảm húng về đất nước còn được hội tụ và kết tinh trong việc biểu hiện hình ảnh của người lãnh tụ:
Ở đâu u ám quân thù
Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi
Ở đâu đau đớn giống nòi
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền
Ca ngợi tình cảm quân dân, sức mạnh của quần chúng và tài năng của người lãnh đạo cuộc kháng chiến. Tố Hữu đã làm công tác chính trị của một nhà thơ cộng sản. Nhưng bởi cảm xúc trong nhà thơ là chân thật nên những vần thơ này vẫn có sức lay động. Việt Bắc chính là bản anh hùng ca của cuộc kháng chiến, phản ánh những ngày tháng gian lao, anh dũng của cuộc kháng chiến chống Pháp, kết tinh được những tình cảm lớn của con người Việt Nam.
Với Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, đất nước không phải là hình ảnh của một miền quê Kinh Bắc. Giống như Việt Bắc, đất nước chính là hình ảnh của “thủ đô kháng chiến” năm xưa. Chế Lan Viên viết về những kỉ niệm đầy tình nghĩa với nhân dân trong những năm kháng chiến gian khổ. Con tàu có ý nghĩa biểu tượng như một nỗi khát vọng réo gọi, thúc giục nhà thơ và mọi người, cởi bỏ cái tôi chật hẹp, tù túng, về với nhân dân và những kỉ niệm đang vẫy gọi. Đây là một đất nước tỏa sáng, lung linh chứ không đau thương như trong Bên kìa sông Đuống của Hoàng cầm. Vẫn là âm hưởng tự hào khi nhà thơ nghĩ về Tây Bắc:
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng
Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất
Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân
Nhưng vẫn da diết một nỗi nhớ. Câu thơ như vừa được thốt lên, đằm lại trong tâm hồn của người đọc. Ta cũng như lắng xuống trong lặng yên, nhưng đang nhớ nhung về một miền quê xa nào đó. Con tàu trong nỗi nhớ của nhà thơ đã đưa đến với những kỉ niệm thật ân tình đối với quân dân. Cảm hứng nhân dân đã giúp Chế Lan Viên sáng tạo được những câu thơ hay:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa
Tình cảm của nhà thơ đối với nhân dân như một qui luật của tự nhiên thật gắn bó. Tây Bắc trong trái tim thi nhân chứ không chỉ ở trong ý nghĩ:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Tây Bắc đã trở thành tâm hồn của nhà thơ. Cảm hứng về đất nước ở đây đã tạo nên những vần thơ da diết, giàu chất trí tuệ có sức khái quát rộng lớn, đất nước cũng bao hàm cả nhân dân cả dân tộc.
Cảm ơn Hoàng Cầm, Tố Hữu, Chế Lan Viên đã đem tới những hình ảnh đẹp về đất nước, nhân dân. Cảm hứng về đất nước là cảm hứng chính chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945 - 1975, tạo nên những tác phẩm thơ thật sự có giá trị lay động tâm hồn người đọc, khiến họ không những thêm tự hào, yêu mến quê hương, mà còn suy nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đất nước thêm tươi đẹp.