24/05/2017, 13:03

Phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Cam hung lang man trong bai tho Tay Tien – Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Bài làm của một bạn học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hùng Vương. Quang Dũng là một trong những nhà thơ xuất sắc trong kháng chiến chống ...

Cam hung lang man trong bai tho Tay Tien – Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Bài làm của một bạn học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hùng Vương. Quang Dũng là một trong những nhà thơ xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và trong thơ Việt Nam hiện đại. Quang Dũng nổi tiếng với hồn thơ lãng mạn bay bổng tài hoa đậm chất bi tráng và Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu, bất hủ và sống mãi ...

– Đề bài: Em hãy viết bài văn phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Bài làm của một bạn học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Hùng Vương.

Quang Dũng là một trong những nhà thơ xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp và trong thơ Việt Nam hiện đại. Quang Dũng nổi tiếng với hồn thơ lãng mạn bay bổng tài hoa đậm chất bi tráng và Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu, bất hủ và sống mãi trong lòng người đọc hôm nay và mai sau.

Có nhà thơ đã ca ngợi:

“Tây Tiến biên cương mờ lửa khói
Quân đi lớp lớp động cây rừng
Và bài thơ ấy, con người ấy
Vẫn sống muôn đời cùng núi sông”

Lời thơ như khẳng định Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ lãng mạn bay bổng của Quang Dũng.

Trước hết cảm hứng lãng mạn Tây Tiến được nuôi dưỡng bằng “nỗi nhớ” thật tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng thật “chơi vơi” như sự diễn tả của Quang Dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Nỗi nhớ được sống dậy trong cảm hứng lãng mạn của tác giả, nỗi nhớ ấy rất khó định hình, gọi tên. Cũng từ nỗi nhớ ấy mà cả một cuộc sống gian khổ chiến đấu với chiến trường, người lính như đắm chìm trong một thế giới phi thường có gì bí ẩn nhưng cũng thật hào hùng, tha thiết và gần gũi. Chiến trường trong bài thơ gian khổ, khắc nghiệt nhưng đồng thời cũng là thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, ấm áp, có lúc thật hiền hòa, thơ mộng. Trên cái nền thiên nhiên ấy, nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến với khí phách anh hùng, và vẻ hào hoa. Hình ảnh người lính thật kì dị khác thường “da xanh màu lá”, “đầu trụi tóc” do thiếu thốn, bệnh tật. Những hình ảnh rất thực đó vào bài thơ với giọng và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng thành ra như mang nghĩa tượng trưng và rất có khí phách:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”

phan tich cam hung lang man trong bai tho tay tien

Hoặc “cái chết” cũng vậy, những cái chết hàng loạt hay những cái chết đau thương cũng đều thật hào hùng:

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Có thể nói, nét độc đáo trong thơ Quang Dũng là đã miêu tả hiện thực thì miêu tả đến dữ dội, còn đã lãng mạn thì lãng mạn đến mộng mơ. Điều này thể hiện rất rõ khi miêu tả thiên nhiên Tây Bắc. Những câu thơ hầu hết là vần bằng được nằm xen kẽ với những câu chắc, khỏe tạo nên sự đối lập trong âm hưởng:

“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Nếu như “sương lấp” nặng nề bao nhiêu thì “hoa về” lại nhẹ nhõm, tươi tắn bấy nhiêu, câu thơ diễn tả một trạng thái lâng lâng. Khung cảnh rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến bước chân qua vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ. Tất cả đều được tác giả thể hiện từ khoảng cách xa xa, vừa hiện thực vừa hư ảo. Nói về cái hiểm trở, tác giả đã dùng những hình ảnh thật độc đáo:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời”

Tác giả dùng “súng ngửi trời” thay cho “súng chạm trời”, đây là thủ pháp cường điệu hóa – đặc trưng của bút pháp lãng mạn, ngoài ra còn thể hiện chất hóm hỉnh nghịch ngợm của người lính. Hơn thế nữa, khi miêu tả về độ cao tác giả lại dùng từ chỉ độ sâu “heo hút cồn mây súng ngửi trời” và có những câu thơ như bẻ gãy làm đôi: “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”.

Bút pháp lãng mạn không chỉ thể hiện ở việc miêu tả thiên nhiên mà còn được thể hiện rất rõ trong việc miêu tả phong thái sống của người chiến sĩ Tây Tiến. Đọc hai câu thơ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”

Ta thấy rõ sự gian nan, khốc liệt. Nhưng thật lạ là cái khốc liệt ấy lại ẩn vào bên trong còn hiện ra bên ngoài là cái lãng mạn. Bên ngoài thì xanh như lá, trụi trọc đầu nhưng bên trong vẫn giữ phong độ “giữ oai hùm”. Quang Dũng không hề che giấu những khó khăn gian khổ mà người lính phải chịu đựng nhưng chỉ có điều ông nhìn họ dưới một cái nhìn không ốm yếu mà đầy sức phi thường. Vì thế hình tượng người lính mang một dáng vẻ anh hùng: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Không những thế, bằng ngòi bút lãng mạn của mình Quang Dũng đã tạo nên một bức tượng đài không chỉ bằng những đường nét khắc họa bên ngoài mà còn bằng cả thế giới tâm hồn bên trong mộng mơ của họ:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Những người lính Tây Tiến gân guốc, rắn rỏi lại là những chàng trai hào hoa phong nhã đầy mộng mơ. “Mộng” và “mơ” của người linh được gửi về hai phương trời: biên cương – nơi còn đầy bóng giặc và Hà Nội – quê hương yêu dấu nơi có những bóng dáng thân yêu.

Đã hơn một lần, tác giả nói về cái chết:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

Người ta tránh nói về cái chết nhưng Quang Dũng không như vậy, ông cho rằng chiến thắng nào cũng phải trả giá bằng máu và nước mắt. Nét đặc sắc của Tây Tiến là nói về chiến tranh mà không có một dòng thơ nào nói về “tiếng súng” hay “bom đạn”. Cảm hứng của Quang Dũng mỗi khi chìm vào bi thương thì lại được nâng đỡ bởi lý tưởng lãng mạn. Chính vì vậy mà những hình ảnh các chiến sĩ hy sinh không có một mảnh chiếu nhưng qua cái nhìn của nhà thơ lại được bọc trong áo bào sang trọng.

“Tây Tiến” là bài thơ, là tấc lòng của những chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc, họa, bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh sự mất mát đau thương là sự hy sinh cao cả. Nửa thế kỉ trôi qua, bài thơ ngày thêm một sáng giá và những câu thơ về người lính Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp.

0