03/06/2017, 22:51

Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu (Bài 7)

Khao khát giao cảm với đời, ham muốn sống mãnh liệt trong tuổi trẻ và tình yêu là đặc điểm của thơ Xuân Diệu. ở mỗi sáng tác, mỗi vần thơ của ông, ta đều thấy cái chất Xuân Diệu ấy. Nếu trong Tỏa nhị Kiều là một tấm lòng yêu thương người phải sống một cuộc sống buồn tẻ, mờ nhạt thì trong Vội vàng, ...

Khao khát giao cảm với đời, ham muốn sống mãnh liệt trong tuổi trẻ và tình yêu là đặc điểm của thơ Xuân Diệu. ở mỗi sáng tác, mỗi vần thơ của ông, ta đều thấy cái chất Xuân Diệu ấy. Nếu trong Tỏa nhị Kiều là một tấm lòng yêu thương người phải sống một cuộc sống buồn tẻ, mờ nhạt thì trong Vội vàng, đó cũng là một tấm lòng, một tâm hồn yêu đời, yêu người đến cuồng nhiệt trước cuộc sống "mới bắt đầu mơn mởn". Ngay tựa đề của bài thơ, ta đã thấy cái gì đó "vội vàng" ...

 
Tôi muốn tắt nắng đi,
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại,
Cho hương đừng bay đi.
 
ý muốn táo bạo quá! Phải chăng hồn thơ thiết tha với đời ấy đang lo lắng trước sự đổi thay của đất trời, cảnh vật nên muốn ôm tất cả, muốn giữ lại tất cả với vẻ đẹp vốn có của nó?... ý muốn của Xuân Diệu lớn quá, mạnh mẽ quá như chính hồn ông vậy? "Muốn tắt nắng đi", "muốn buộc gió lại" có vẻ không ngoài ý muốn giữ cho vũ trụ ngừng quay, ý tưởng giữ lại cái đẹp, giữ lại thời gian... Những ý muốn, những hành động của ông cứ mạnh dần lên, lớn hơn lên: "tắt nắng" rồi lại "buộc gió"; cũng như sự "lớn" của lòng ham muốn của niềm khao khát trước cuộc sống trần thế đang tràn đầy hứa hẹn. Một loạt những điệp từ "này đây", "này đay" đặt song song như sự sắp đặt những món ăn tinh thần sẵn có, như gợi mở quyến rũ hấp dẫn đến lạ kì. Qua "cặp mắt xanh non" của nhà thơ, cuộc sống trần thế xung quanh ta bỗng được phát hiện như một thiên đường, phong phú giàu có. Cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc, những cái giá trị nhất của cuộc đời đang được Xuân Diệu phát hiện. Cái gì cũng "biếc rờn" "mơn mởn". Khác với những nhà thơ cùng thời, Xuân Diệu cũng chịu "nỗi buồn thế hệ", nhưng không có phần chán chường, buồn nhưng ông vẫn nhìn thấy cuộc sống tươi đẹp, đáng sống. Không như Chế Lan Viên trong Điêu tàn có phần quay lưng lại thực tại một cách gay gắt, quyết liệt, hay chán nản, bế tắc như trong những vần thơ Huy Cận, hoặc tìm đến một nơi tiên cảnh như trong thơ Thế Lữ, thơ Xuân Diệu luôn toát lên niềm ham sống mãnh liệt. Đó là nét bao trùm của hồn thơ ông. Tất cả như gợi lên sự tận hưởng, gợi lên niềm tha thiết với tình yêu và cuộc sống. Cảnh vật đầy hứa hẹn về tương lai, về hạnh phúc và với Xuân Diệu, cuộc đời đầy đáng yêu, ngay cả tháng giêng cũng thật thi vị, hấp dẫn:
 
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.
 
Một câu thơ gợi cảm thật đắt! Xuân Diệu không nói cả mùa xuân mà chỉ nói mỗi tháng giêng - tháng đẹp nhất, tháng mở đầu cho cả mùa xuân. Nói tháng giêng, nhưng Xuân Diệu gợi đến cả mùa xuân, mùa mà vạn vật căng đầy sức sống: cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá xanh tươi, con người trẻ trung, yêu đời, tất cả như trồi dậy một sức sống mạnh mẽ, một niềm say sưa sống, thiết tha với đời. "Tháng giêng" là tháng đẹp nhất của mùa xuân, mùa xuân là "mùa" đẹp nhất của con người, của cuộc đời. Thiên nhiên đẹp được Xuân Diệu ví với "cặp môi gần". Đây là một câu thơ rất truyền thống lấy chuẩn mực cái đẹp là cỏ cây hoa lá, thì với Xuân Diệu, chuẩn mực của cái đẹp lại là con người. Cái hay, cái đẹp, của hồn thơ Xuân Diệu, cái rất Xuân Diệu có phần là ở đó. Khác với Nguyễn Du tả mùa xuân đẹp với chuẩn mực là thiên nhiên, khác với Chế Lan Viên trong Điêu tàn, mùa xuân đẹp, hấp dẫn là thế mà thi sĩ chối bỏ gay gắt, quyết liệt. Đối với Xuân Diệu, mùa xuân thật tươi đẹp, thật quyến rũ. ở đây, Xuân Diệu không có sự phủ nhận thực tại như Chế Lan Viên, mà trái lại, trước thực tại, ông luôn đón nhận nó một cách mãnh liệt, thiết tha. Bởi lẽ ông đang trong thời xuân. "Cặp mắt xanh non", "biếc rờn" của nhà thơ nhìn vào cái gì cũng đẹp, cũng thấy thú vị, hấp dẫn: "ngon như một cặp môi gần". "Tháng giêng ngon như một cặp môi gần" là một câu thơ trong sáng. Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc một cảm nhận trước phần "ngon nhất" của cuộc đời. Câu thơ vừa tả cảnh lại vừa ngụ tình - tình Xuân Diệu, khát khao hạnh phúc, khát khao yêu đương, tha thiết cuộc đời đến cuồng nhiệt. Xuân Diệu đã "say sưa", "chếnh choáng" trước vẻ đẹp "no nê", "đã đầy" của mùa xuân. Nhưng vì lẽ thường, xuân chỉ là một trong bốn mùa của một năm, chỉ tồn tại một thời gian để mùa hạ, mùa thu, mùa đông sẽ đến, nên xuân mang trong nó tính thời gian, mang ý nghĩa trôi chảy:
 
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
 
Khát khao giao cảm với đời nên Xuân Diệu nhạy cảm, khám phá được nhiều biến thái tinh vi của thiên nhiên. Ông đang chứng kiến sự chuyển vần, thay đổi nhanh chóng của trời xuân, đang chứng kiến thời gian trôi qua, và cái hữu hạn của đời người. Cuộc đời sẽ mất đi, xuân sẽ qua đi, nhưng thời gian vẫn mãi mãi là thời gian, trường tồn cùng vũ trụ. Có lẽ thế mà Xuân Diệu lúc nào cũng hấp tấp, vội vàng, giục giã để tận hưởng hết phần quý nhất, đẹp nhất của đời. Lúc nào Xuân Diệu cũng cuống quýt, vội vã:

- Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
- Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai!
- Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm!
 
"Mau đi thôi", vì xuân của cuộc đời cũng phải qua đi, mà bi đát thay, lại không được tuần hoàn như xuân của trời đất. Cuộc đời, tuổi xuân đi qua là không bao giờ trở lại. Nhịp thơ, câu thơ như cũng đang "vội vàng" gấp gấp, nhanh nhanh, dồn dập. Lúc nào cũng cuống quýt, cũng "gấp đi em", nên lúc nào Xuân Diệu cũng muốn níu kéo, muốn giữ lại tuổi trẻ, tình yêu. Tấm lòng Xuân Diệu lớn quá, hồn thơ mênh mông quá "nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời". Xuân Diệu là thế đấy!
 
Ta muốn ôm,
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hồn nhiều
 
Chữ "ôm" như gói trọn "Cả sự sống mới bát đầu mơn mởn", như ghì riết, ôm tất cả để giữ lại tất cả. "Cặp mắt biếc rờn" của nhà thơ như đang khám phá hết những bí ẩn của thế giới thiên nhiên, như thấy tất cả đều căng đầy, tràn trề nhựa sống. Nhà thơ "mới nhất trong các nhà thơ thơ mới" (Hoài Thanh) đang làm cho những bạn đọc trẻ lòng, trẻ tuổi kinh ngạc khi thưởng thức thơ ông đó sao? Lời thơ mạnh mẽ, trần thế quá. Nhưng đó là cái tâm, cái hồn nhà thơ thiết tha sự sống, yêu cuộc đời đến cuồng nhiệt, muốn được "chếnh choáng", "no nê" trong sự tận hưởng hết giá trị, hết cái đẹp của cuộc sống và tình yêu. Ta cảm giác như Xuân Diệu đang hạnh phúc, đang sung sướng đón nhận một món quà, một niềm vui tột bậc khi nhà thơ buông câu kết:
 
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
 
Mùa xuân như một trái chín ửng hồng, như mời mọc ta, hấp dẫn ta, thôi thúc ta hành động để đến cái đích: "cắn vào ngươi!". Lòng ham muốn mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu trước tình yêu, trước cuộc đời mãi mãi là khát vọng, là ham muốn chưa toại nguyện. Xuân đẹp quá, gần quá mà chưa với tới được.
 
Như thế Vội vàng không chỉ thể hiện một hồn thơ Xuân Diệu, một tấm lòng Xuân Diệu trước cuộc đời mà còn thể hiện một quan niệm nhân sinh mới "chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống". Đó là thái độ sống tích cực, sống hết mình, sống "say sưa", sống cuồng nhiệt của Xuân Diệu.
 
Vội vàng đúng là một bài thơ tiêu biểu của một thi sĩ lớn luôn khao khát giao cảm với đời. Mặc dù có thể còn không ít cách cảm nhận khác nhau, nhưng nhìn chung, bài thơ này khiến phần đông người đọc biết yêu cuộc sống trần thế, biết tận hưởng niềm hạnh phúc được sống trên trái đất này, và thêm quý trọng tuổi thanh xuân một đi không bao giờ trở lại, để không bao giờ phải ân hận xót xa, bởi những năm tháng sống hoài phí. Xuân Diệu mãi mãi là nhà thơ của tình yêu, của tuổi trẻ chính là do lẽ đó.

0