02/06/2017, 23:30
Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh (Bài 7)
Thiên nhiên vốn rất được ngưỡng mộ trong thơ ca Việt Nam. Khi đi vào thơ hiện đại, nó dường như có thêm sức sống và đẹp hơn. Một năm có bốn mùa và mùa nào cũng đẹp, nhưng có lẽ mùa mà được các thi nhân ưu ái nhất đó lại là mùa thu. Đã có rất nhiều những vần thơ hay nói về mùa thu, mỗi nhà ...
Thiên nhiên vốn rất được ngưỡng mộ trong thơ ca Việt Nam. Khi đi vào thơ hiện đại, nó dường như có thêm sức sống và đẹp hơn. Một năm có bốn mùa và mùa nào cũng đẹp, nhưng có lẽ mùa mà được các thi nhân ưu ái nhất đó lại là mùa thu.
Đã có rất nhiều những vần thơ hay nói về mùa thu, mỗi nhà thơ đều lưu lại dấu ấn độc đáo của mình trong từng dòng thơ ấy. Đến lượt Hữu Thỉnh, ông lại thổi vào bài thơ một cái nhìn độc đáo và mới mẻ hơn bằng sự trải nghiệm của chính mình. “Sang thu” được ông sáng tác năm 1977 là một trong những minh chứng.
Với thể thơ năm chữ và số lượng khổ thơ ít ỏi, nhưng Hữu Thỉnh đã khắc họa tuyệt vời bức tranh thiên nhiên trong thời khắc giao mùa một cách cô đọng và súc tích. Giọng thơ nhẹ nhàng, nhịp thơ chậm làm bài thơ dễ đi vào lòng người, từ đó cho chúng ta những suy ngẫm về cuộc đời, về con người. Chiến tranh kết thúc đã hai năm, hòa bình được lặp lại trên đất nước. Từ vùng quê ở ngoại ô, tác giả cảm nhận được có cái gì chìm lắng, xao động tận sâu trong cõi lòng. Thời khắc giao mùa từ hạ sang thu đã làm rung động tâm hồn người thi sĩ và những vần thơ bắt đầu dâng trào mạnh mẽ.
Những dấu hiệu đầu tiên của buổi giao mùa thật nhẹ nhàng mà rõ rệt, khiến tâm hồn nhà thơ phải lay động, phải giật mình:
Bỗng nhận ra hương ổi // Phả vào trong gió se
Ở đây, tác giả nhận ra mùa thu không phải nhờ những nét đặc trưng của trời mây như thơ cổ điển mà trước hết là “hương ổi”. Và từ “bỗng” cho chúng ta thấy được rằng mùa thu đến với tác giả khá đột ngột và bất ngờ, không hẹn trước. Mùa thu đến không báo trước khiến nhà thơ cảm thấy có một chút bối rối, ngỡ ngàng. Và tác giả có vẻ sững sờ khi bắt gặp mùi hương ổi ngập tràn trong gió. Trong đoạn thơ, động từ “phả” mang tính gợi tả rất lớn. Hương ổi quyện trong gió, “phả vào” khướu giác của nhà thơ theo từng luồng gió. Một chữ “phả” kia đủ để gợi hương thơm như sánh lại, không thoang thoảng cũng không lan ra. Nó sánh bởi vì hương thơm đậm một phần, sánh còn bởi tại hơi gió se. Hương ổi luồng vào trong gió được tinh lọc, được cô đặc thêm. Nhờ gió thu hào phóng, đã mang mùi hương ổi “phả” vào từng ngóc ngách của làng quê, để rồi thi nhân bắt gặp hương thu và “bỗng” sững sờ. Từ trước đến nay, các nhà thơ lay động trước mùa thu là do lá vàng rơi, ao thu lạnh lẽo,… chưa ai đưa vào thơ mùi hương ổi chín. Nhưng Hữu Thỉnh đã làm như thế, đã đưa mùi hương của quê nhà vào trong thơ và để nó là tín hiệu để nhận ra mùa thu đang đến. Có phải do tình yêu quê hương sâu sắc, gắn bó với làng quê mà ý thơ của ông thật giản dị, dân dã, và có cả hương ổi quê nhà?
Đã cảm nhận được “hương ổi”, đã nhận ra “gió se”, hơn thế nữa, thị giác cũng mách bảo với nhà thơ rằng thiên nhiên đang chuyển mình.
Sương chùng chình qua ngõ // Hình như thu đã về
Đồng hành với “hương ổi” ở hai câu trên đó chính là sương. Nghệ thuật nhân hóa kết hợp với từ láy tượng hình “chùng chình” giúp người đọc cảm nhận sự duyên dáng của làn sương đang gaing8 mắc nhẹ nhàng ở ngõ. Với từ láy “chùng chình”, mùa thu hiện ra như một con người đang bước những bước chân chậm chạp đến giữa đất trời. Bước chân sang thu, sương hình như có chít gì bịn rịn, ngập ngừng, dùng dằn, đi mà như cố ý chậm lại. Như vậy “chùng chình” hay chính là sự lưu luyến của thi sĩ khi chợt nhận ra đã qua rồi mùa hạ? Nhưng tại sao là “hình như”? Thu đã về thật đấy rồi, còn gì phải nghi ngờ nữa ? Tưởng chừng như câu thơ có vẻ dư thừa nhưng nếu nghĩ kĩ lại, thì đây là một nét tâm lí chung của mọi người khi mùa thu đến quá đột ngột và bất ngờ. Tác giả cần một sự khẳng định, và “hình như thu đã về” là một câu để tác giả tự hỏi lại chính mình. Và cái giây phút giao mùa được thể hiện khá rõ qua hình ảnh cái ngõ mà sương đang “chùng chình” đi qua. Đó là cái ngõ thực hay cũng chính là cái ngõ thời gian thôn giữa hai mùa. Một hình ảnh đẹp được tác giả cảm nhận bằng chính tình yêu mùa thu, yêu làng quê, gắn bó với quê hương, cho thấy thi nhân là người có cảm nhận rất tinh tế. Âm điệu của đoạn thơ đầu tiên này thật nhẹ nhàng, man mác, rất phù hợp khi miêu tả trời sắp lập thu.
Tiếp tục chấm phá vào bức tranh, Hữu Thỉnh đã mở ra một không gian rộng lớn hơn, nhiều tầng bậc hơn
Sông được lúc dềnh dàng // Chim bắt đầu vội vã
Không còn là những gì vô hình: hương, gió; không còn là không gian nhỏ hẹp của cái “ngõ” xóm mà mùa thu hiện lên với những nét hữu hình của sông nước và của cánh chim. Sông không cuồn cuộn dữ dội như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông của mùa thu lặng sóng và lắng buồn, cứ “dềnh dàng” cho người ta cảm tưởng như sông rộng ra. Dòng sông êm ả, lững lờ trôi như đang trầm ngâm suy nghĩ. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Gió thu se lạnh, chim cũng không còn thời gian để ríu rít khắp nơi mà đang khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Hai câu thơ tưởng chừng như đối lập nhau song đó lại chính là những tín hiệu của mùa thu: không phải là ảo giác nữa rồi! Góp phần làm nên sự sống động của cảnh vật trong lúc chuyển mùa là hai từ láy “dềnh dàng” và “vội vã” thật gợi hình và biểu cảm. Thường chúng ta chỉ chú ý đến hai từ láy quan trọng này mà quên mất từ “bắt đầu” ở đây cũng rất độc đáo. Tác giả đã nhận ra từ những cánh chim một sự bắt đầu vội vã chứ không phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới nhận ra được sự “bắt đầu” này trong cánh chim.
Dù có sự vội vã của cánh chim nhưng không khí mùa thu vẫn là thư thái, lắng đọng và chậm rãi như “dải lụa trắng” trên trời.
Có đám mây mùa hạ // Vắt nửa mình sang thu
Và cái hồn của bức tranh thu chính là hình ảnh duyên dáng và đặc sắc này. Đám mây như tấm lụa, chiếc khăn của người phụ nữ đang vắt ngang trời xanh mà một nửa còn đang là mùa hạ nồng nàn, và nửa kia đã nghiêng về mùa thu êm dịu. Nghệ thuật nhân hóa “vắt nửa mình” gợi lên nhiều liên tưởng thú vị cho người đọc. Đó không phải là “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” của Nguyễn Khuyến, cũng không phải là “khói thu xây thành” của Tản Đà mà là “vắt nửa mình sang thu”. Nếu ở khổ một cần có một cái ngõ thực để hiện lên cái ngõ ảo nối giữa hai mùa thì ở đây chỉ cần một áng mây bâng khuâng mà có thể thấy bầu trời đang nhuộm nửa sắc thu. Nhưng hình ảnh mây là thực, còn ranh giới kia chỉ là hư ảo, tất cả chỉ là sự lưu luyến của con người trước sự thay đổi của cảnh vật. Đến một lúc nào đó, đám mây chợt bừng tỉnh ngỡ ngàng khi thấy mình đang bồng bềnh trong trời thu trọn vẹn. Thật vậy, đám mây như những sợi tơ trời nối hai bến bờ của thời gian gợi tâm trạng bâng khuâng xao xuyến. Đọc những dòng thơ giàu nét tạo hình, đọc giả bỗng nhớ đến cái ước lệ của những câu thơ cổ điển “Thi trung hữu họa – Tả cảnh ngụ tình”. Đứng trước bức tranh thu, tâm hồn nhà thơ đang ngây ngất say sưa, mở rộng tầm mắt ngắm nhìn đất trời quê hương vào thời khắc chuyển mùa.
Bức tranh thu càng trọn vẹn hơn khi nhà thơ điểm vào đó màu sắc của triết lí
Vẫn còn bao nhiêu nắng / Đã vơi dần cơn mưa / Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi
Khổ thơ cuối cùng làm trọn vẹn hơn ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên. Mùa thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như ở hai khổ thơ trước. Mùa thu không còn được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư. Lúc này, mọi thứ dường như đã đi vào đúng thật tự của nó, vẫn là nắng, mưa, sấm, nhưng mức độ đã khác rồi. Những phó từ “vẫn-còn-đã” được đảo lên đứng đầu dòng thơ làm hiện tượng thiên nhiên như đo đếm được sự nhạt vơi. Nắng vẫn trải đầy không gian nhưng không còn chói chang, gay gắt như mùa hạ, mà vàng óng ánh, mang hơi thở ấm áp. Những cơn mưa cuối cùng cũng trả lại cho mùa thu sự dịu dàng êm ả. Sấm không còn vang rền như xé cả bầu trời sau những trận mưa mà lặng dần nên hàng cây không còn run rẩy, ngã nghiêng. Đâu phải ngẫu nhiên mà “hàng cây đứng tuổi” lại được đặt vào chỗ kết thúc của bài thơ, là một chỗ cực kì quan trọng? Phải chăng đó chính là một cái chốt cửa để ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang thu của hồn người? “Cây đứng tuổi” hay chính là con người sau những phong ba bão táp của cuộc đời? Ngược trở lên hai khổ thơ trước, ta chợt hiểu vì sao có sự “chùng chình – dềnh dàng – vội vã”. Con người bị cuốn vào vòng xoay của cuộc đời, tất bật lo toan cuộc sống hằng ngày, để rồi đến khi nhìn lại, mình cũng đã sang thu. Nhưng khác với một thời tuổi trẻ bồng bột sôi nổi, con người giờ đây điềm đạm hơn, chínn chắn và sâu sắc hơn. Mặt khác, người ta phải khẩn trương hơn, gấp gáp hơn để làm cái gì đó có ích cho đời.
Có phải là dụng ý nghệ thuật của tác giả khi đặt dấu chấm duy nhất khép lại bài thơ? Đó chính là cảm xúc xuyên suốt không đứt quãng: ngõ nhỏ sang thu, dòng sông và bầu trời sang thu và cuối cùng là con người sang thu. Trở lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ 1977, đất nước vừa trải qua những năm dài chiến tranh chia cắt, mất mát đau thương. Bấy nhiêu năm thử thách “nắng, mưa, sấm” đã góp phần rèn luyện con người Việt Nam thêm vững vàng bản lĩnh, thêm tự tin để bước vào tương lai. Không gì có thể ngăn chặn được bước tiến của dân tộc này.
Bằng những cảm nhận tinh tế của mình, với nhiều từ láy gợi hình, hình ảnh đơn sơ mà giàu sức gợi cảm, Hữu Thỉnh đã dệt nên bức tranh giao mùa thật trữ tình và đằm thắm. Thiên nhiên và con người đều cùng một nhịp sang thu. Bức tranh mang hơi thở của quê hương, hơi ấm của cuộc đời. Cảnh vật sang thu để lại trong lòng người đọc những dư âm sâu lắng.