04/06/2017, 23:31

Phân tích bài thơ “Nhớ rừng” của thế Lữ.

Nhớ rừng của Thế Lữ là một bài thơ hay, tiêu biểu của phong trào Thơ mới và của tác giả trên hai phương diện: tính điêu luyện, phóng khoáng, già dặn của Thơ mới và tình cảm yêu nước kín đáo, âm thầm. Bài thơ có một cấu tứ độc đáo: mượn lời con hổ trong cũi sắt của vườn bách thú nhớ về nỗi nhớ ...

Nhớ rừng của Thế Lữ là một bài thơ hay, tiêu biểu của phong trào Thơ mới và của tác giả trên hai phương diện: tính điêu luyện, phóng khoáng, già dặn của Thơ mới và tình cảm yêu nước kín đáo, âm thầm.

Bài thơ có một cấu tứ độc đáo: mượn lời con hổ trong cũi sắt của vườn bách thú nhớ về nỗi nhớ cảnh rừng xanh và những ngày oanh liệt của ngày xưa đế nói lên niềm khao khát những cảnh tượng hùng vĩ, tự nhiên, ghét cảnh chăm sửa giả dối, khát khao được tự do biểu hiện sức mạnh tự nhiên của mình, khao khát được giải phóng cá tính. Bài thơ cũng gửi gắm chút tình cảm đối với thời oanh liệt nhất của đất nước. Bài thơ rõ ràng là lời của con hổ rồi nhưng tác giả vẫn cứ chưa rõ thêm: Lời con hổ ở vườn bách thú, để tỏ rằng đây không phải là lời của con người. Lời chua này vừa có tác dụng che mắt, nhưng cũng có ý nhắc nhở các nhà suy diễn chớ suy diễn dễ dãi.
 
Hai dòng đầu giới thiệu hiện trạng và tình cảm của con hổ:
 
Gặm một khối căm hờn trong củi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
 
Gặm chứ không phải ngậm, nghĩa như mình tự gặm nhấm, nhấm nháp khối căn hờn của mình. Nhà thơ nói khối căm hờn, bởi khối là một tình cảm to lớn, nguyên vẹn, chưa tan. Người xưa khi nói tới những tình cảm chưa giải tỏa, những tình cảm u uất thường dùng chữ khối tình. Cái tư thế nằm dài thể hiện sự chán ngán, bất lực, không ra vẻ gì là hổ nữa, bởi con thú nào mà chẳng nằm dài được? Con hổ đã đánh mất, hay bị tước mất tư thế uy nghi của nó.
 
Nhưng đó chỉ là bề ngoài, ơ trong tâm hồn, con hô vẫn còn nguyên là con hổ với những kỉ niệm mãnh liệt, với những tình cảm ngang tàng.
 
Sáu dòng tiếp theo nói lên tình cảnh tủi nhục của con hổ, thể hiện ý thực muốn phân biệt với con người và các con vật khác. Còn gì đau khổ hơn là một con hổ - chúa sơn lâm - mà không ai sợ, bị đem dùng làm đồ chơi, và đặt ngang hàng với gấu, báo? Trong khi đó, so với hổ, chúng chí là một lũ ngẩn ngơ, dở hơi, vô tư lự (không suy nghĩ).
 
22 dòng tiếp kế về tình thương, nỗi nhớ một thời oanh liệt đã mất: Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa. Hai chữ ngày xưa nghe sao mà xa vời, như không bao giờ có thể trở lại!
 
Đoạn cuối bài thơ thể hiện một tình cảm tha thiết nhưng bi đát, vô vọng. Đã nằm dài trông ngày tháng dần qua rồi lại Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu, và cuối cùng là không còn dược thấy bao giờ, mạch tình cảm làm cho nỗi nhớ nhung của tác giả mang ý vị vĩnh biệt.
 
Nhớ rừng vừa là khát vọng về thiên nhiên, tự do, khoáng đạt, khát vọng làm chủ giang sơn, vừa là tiếng thở dài mang ý vị vĩnh biệt không hòa nhập với thế giới giả tạo. Dù thời oanh liệt không còn nữa, dù nó một đi không trở lại, thì con hổ vẫn mãi mãi thuộc về thời đả mất ấy chứ không cam tâm làm đồ chơi, mua vui cho con người, không hòa nhập vào thời hiện tại.
 
Bài thơ cũng gửi gắm một tình cảm yêu nước. Nhà phê bình văn học Lê Đình Kị viết: “Trong thơ ca lãng mạn 1932 - 1945 không nói tới tình yêu, không đi sâu vào những tình tự riêng mà gây được tác động mạnh, trước hết phải nhớ đến bài Nhớ rừng nổi tiếng của Thế Lữ. Chuyện con hổ ở vườn bách thú nhưng cũng là chuyện của con người phải sống trong tù ngục của chế độ cũ. Đọc những câu thơ của Thế Lữ, người ta rất dễ liên hệ với thân phận sống trong xiềng xích, bị tước mất tự do, bị trói buộc đủ đường thời Pháp thuộc. Cái quá khứ oai hùng của con hổ trước lúc bị giam cầm cũng rất dễ làm ta nhớ tiếc cái quá khứ oai hùng của cha ông. Càng nhớ tới thời oanh liệt, càng thấy uất ức vì phải bị tù hãm, xung quanh toàn những cái nhỏ nhen, tầm thường”. Đó là những lời phân tích chí lí.
 
Bài thơ đầy ắp những sáng tạo về câu chữ, nhịp điệu. Những từ mới tạo: bốn phương ngàn, giấc mộng ngàn; những từ văn xuôi: bọn gấu dở hơi., len dưới nách những mô gò thấp kém, cảnh rừng ghê gớm,... bên cạnh những từ thi vị. Những câu thơ vắt dòng, dài, với liên từ vốn làm cho ý thơ mở rộng, câu thơ co duỗi thoải mái, khác hẳn thơ luật truyền thống, thể hiện trọn vẹn một đặc điểm của Thơ mới đương thời, đó là tạo dáng lại cho câu thơ tiếng Việt.

0