03/06/2017, 22:41

Phân tích bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bài 2)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) không chỉ là một nhà nho uyên thâm lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho triều đình, nhưng do thời cuộc rối ren, ông không chấp nhận chốn quan trường thị phi, về sống ẩn dật tại quê nhà. Ông để lại cho nhân loại một số lượng tác phẩm lớn, bài thơ Nhàn cho thấy một phần cuộc ...

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) không chỉ là một nhà nho uyên thâm lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho triều đình, nhưng do thời cuộc rối ren, ông không chấp nhận chốn quan trường thị phi, về sống ẩn dật tại quê nhà. Ông để lại cho nhân loại một số lượng tác phẩm lớn, bài thơ Nhàn cho thấy một phần cuộc sống và quan niệm sống của tác giả trong cảnh ẩn dật.

Giữa cảnh đất nước rối ren, nhân dân lầm than cơ cực, triều đình thì mục nát, một nhà yêu nước như ông phải sống nhàn nhã, ẩn dật vô công rồi nghề. Tả lại cảnh nhàn hạ của mình mà giọng điệu của ông thật chua cay.
 
"Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai  vui thú nào"
 
Đọc câu thơ, thoạt nghe người đọc có cảm tưởng nhà thơ đang có cuộc sống ung dung tự tại. Câu đầu, nhịp điệu trong hai câu thơ thể hiện sự thong thả, ung dung. Nhà thơ dùng một số từ "một" lặp lại ba lần, cùng với các danh từ đứng sau chỉ công cụ sinh hoạt: "Một mai, một cuốc, một cần câu". Cuộc sống của nhàn nhã của nhà thơ thật bình dị, đơn giản nhưng ông vẫn thấy vui. Ông không quan tâm đến xung quanh, mặc cho thế sự cuộc đời có thế nào, đối với ông cuộc sống của ông lúc này thật đáng sống. Tâm trạng của nhà thơ là tâm trạng của một kẻ sĩ "an bần lạc đạo", vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen của đời thường để tìm đến cái vui của ẩn sĩ.                     
 
Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người dến chốn lao xao
 
Đối với ông "Nơi vắng vẻ" chính là nơi thôn quê yên tĩnh nơi ông đang sống còn "chốn lao xao" là nơi thành thị, chốn quan trường đầy rẫy những thị phi. Trong cuộc sống của con người, người khôn sẽ chọn ở nơi đông đúc, theo thói vụ lợi, giành giật, bon chen vinh hoa, phú quý, lợi ích vật chất để được hưởng cái hay, cái tốt đẹp ở đời. Chỉ có những con người dại dột mới xa lánh lợi lộc, tìm chốn thanh cao, vắng vẻ, sống an nhàn để tu tâm dưỡng tính. Nhưng nhà thơ đi ngược lại với quan niệm bình thường đó, ông tự nhận mình là kẻ khờ dại, ngu dốt, giữ chốn triều đình hưởng lộc vua mà không sống lại chọn vùng quê nghèo để sống cho qua ngày.
 
Đối lập giữa "nơi vắng vẻ" với "chốn lao xao", tác giả muốn khẳng định cách sống nhàn cư ẩn dật, xa lánh chốn vinh hoa, chạy theo vật chất tầm thường. Hai vế tương phản, làm nổi bật ý nghĩa, nhấn mạnh phương châm sống của bản thân. Khôn kia là cái khôn của kẻ tiểu trí còn cái dại này là cái dại của bậc đại trí. Tại sao lại như vậy? Vì nắm được thời thế, vì không muốn bụi bặm của xã hội nhiễu phương vấy bẩn. Hai câu thơ 3, 4 còn thể hiện sự kiên định lối sống, có một chút mỉa mai thói đời, thói người đời và bộc lộ cái cao ngạo của kẻ sĩ.
 
Cảnh sinh hoạt nơi làng quê thanh bình như một thú chơi tao nhã của nhà thơ, mỗi mùa, mỗi dịp lại có những thú vui khác nhau.
 
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
 
Đó là những cảnh sinh hoạt hết sức giản dị, đạm bạc mà thanh cao, lối sống hòa nhập cùng thiên nhiên cỏ cây hoa lá. Đáng chú ý, thán phục hơn là lối sống hòa nhập cùng thiên nhiên cỏ cây hoa lá, lối sống tuân theo lẽ tự nhiên - mùa nào thức nấy, quê mùa, chất phác.
 
Không phải tác giả miêu tả lại cảnh sống của mình là chỉ để miêu tả, trong cách miêu tả ấy mang một nỗi niềm sâu kín trong tâm trạng của nhà thơ. Trong thời loạn lạc, người có nhân cách cao đẹp phải xa lánh cuộc bon chen tầm thường, tìm đến nơi yên tĩnh, vui thú cùng cỏ cây, vạn vật, an lòng với cảnh nghèo khó, sống hòa mình với thiên nhiên vũ trụ và giữ được cốt cách thanh cao, trong sạch. Giá trị nghệ thuật của hai câu này là ở sức gợi của nó, gợi cái ung dung, điềm nhiên, đạm bạc mà thanh cao; nhẹ nhàng, từ tốn mà kiên nghị của một con người. Một trong những câu thơ như lời nói thường nhật mà hay hiếm có trong thi ca.
 
Suy ngẫm lại cuộc sống hiện tại của mình, tác giả dường như chứa chất một nỗi buồn khó tả, nỗi buồn ấy không biết chia sẻ cùng ai, tác giả chỉ biết dùng những thú vui tầm thường tao nhã để quên đi những gì đang diễn ra trước mắt mình.
 
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.
 
Hai câu thơ trên được tác giả dựa theo điển tích Trung Hoa nói về cái hư ảo, không thực chất, qua nhanh, có cũng như không, có đấy mà tan ngay đấy của giàu sang phú quý. Nhưng dù sao vẫn có chút ngậm ngùi thân thế. Nguyễn Bỉnh Khiêm biết rõ lẽ thường này và coi thường, xem nhẹ giàu sang phú quý chứ không có chút ngậm ngùi vì vinh hoa qua như chớp mắt. Ta thấy ông ung dung tự tại mang rượu đến gốc cây nằm uống, nhưng không ngủ để giác mơ kia, mà tỉnh táo nhìn nó - sự phú quý đi qua như giấc chiêm bao. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đứng cao hơn một bậc trong sự đối diện với phú quý. Lối sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đạt tới, ở trên tầm cao trong vắt.
 
Là một nhà Nho có tài, có lòng yêu nước thương dân muốn cống hiến sức lực của mình để giúp dân giúp nước, nhưng ông lại không đứng ra để giúp mà chọn cách sống ẩn dật. Bởi lẽ ông đã chán với cuộc sống chốn quan trường với quan tham, vua nhu nhược, ông chọn cách sống ẩn dật để giữ tâm hồn mình được thanh cao, trong sạch. Bài thơ là nỗi niềm tâm sự của nhà thơ với dân với nước, là sự cay đắng đến tận cùng của tác giả về thế thời của đất nước.

0