Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải
Đề bài : Phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải. Bài làm Mãn Giác thiền sư thời Lý trong bài "Cáo tật thị chúng" từng có câu thơ: "Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết Đêm qua sân trước một nhành mai" Từ lâu mùa xuân đã trở thành một đề tài hấp dẫn, ...
Đề bài: Phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải.
Bài làm
Mãn Giác thiền sư thời Lý trong bài "Cáo tật thị chúng" từng có câu thơ:
"Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai"
Từ lâu mùa xuân đã trở thành một đề tài hấp dẫn, gợi cảm hứng cho các thi nhân chấp bút để rồi viết lên những áng thơ hay, độc đáo, mới lạ về một mùa khởi đầu của một năm. Chúng ta có thể bắt gặp "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính, "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử, "xuân hồng" của Xuân Diệu... và cùng góp mình vào đề tài mùa xuân ấy chúng ta phải nhắc tới Thanh Hải – một nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp và là cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu. "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải sáng tác vào tháng 11 năm 1980, trước khi nhà thơ mất khoảng một tháng. Bài thơ là những dòng cảm xúc chân thành, thiết tha với ước nguyện cháy bỏng về sự cống hiến cho đời, được góp mình vào mùa xuân lớn của quê hương, đất nước, làm cho đất nước càng ngày càng xuân.
Trước hết, mở đầu bài thơ là cảm xúc của Thanh Hải trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời. Chỉ bằng sáu câu thơ mở đầu, được viết theo thể thơ ngũ ngôn, tác giả đã phác họa thành công một bức tranh mùa xuân tươi đẹp và giàu sức sống, rất gần với mùa xuân đất trời xứ Huế. Nghệ thuật đảo ngữ đẩy động từ "mọc" lên đầu câu thơ có tác dụng nhấn mạnh đến sự sống vươn lên mạnh mẽ của bông hoa trên dòng sông. Bông hoa ấy trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên, đang vươn lên, xòe nở và khoe sắc thắm.Từ đó, tác giả gợi tả một bức tranh không gian mùa xuân rộng lớn với các chiều kích khác nhau: chiều cao, chiều dài, chiều rộng và cả chiều sâu. Sự phối màu cân đối và hài hòa tạo nên một bức tranh xuân rất chỉnh, rất giàu nhựa sống: trời cao trong xanh, in phả xuống mặt nước như nhuốm màu cả dòng sông; một bông hoa lục bình "tím biếc" điểm tô trên phông nền sắc xanh; giọt sương hay giọt mưa mùa xuân còn đọng lại tán lá, dưới ánh sáng của mùa xuân trở nên "long lanh" đủ màu sắc. Đặc biệt trên cao là âm thanh của tiếng chim chiền chiện hót vang trời, ngân nga, réo rắc, thiết tha, ngọt ngào.
Đứng trước bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp ấy, tác giả dâng trào cảm xúc thốt lên lời trò chuyện và trách yêu thiên nhiên:
"Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời"
Đặc biệt cảm xúc dắm say, ngây ngất của nhà thơ trước thiên nhiên mùa xuân được thể hiện ở hai câu cuối:
"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"
Câu thơ có hai cách hiểu: cách thứ nhất: "giọt long lanh" là giọt sương hay giọt mưa của mùa xuân, dưới ánh sáng ban mai phản quang trở nên "long lanh" lung linh đủ màu sắc. Cách thứ hai: "giọt long lanh" là giọt âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Chim chiền chiện – xứ giả của mùa xuân khi hót thường bay vút lên trời cao rồi thả ra âm thanh, tiếng hót rơi xuống, xâu thành từng chuỗi lấp lánh như những viên ngọc và nhà thơ đưa tay ra hứng với tất cả sự đắm say, trân trọng. Hiểu như vậy thì đây là ẩn dụ chuyển đổi các giác quan: từ âm thanh của tiếng chim hót ( nghe bằng thính giác) đến giọt long lanh ( cảm nhận bằng thị giác) và đưa tay hứng ( cảm nhận bằng xúc giác). Nhưng, dù chúng ta hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì chúng ta vẫn thấy được sự đắm say, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế khi vào xuân. Qua đây, chúng ta cũng thấy được tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống thiết tha của Thanh Hải.
Từ những xúc cảm trước thiên nhiên mùa xuân ở khổ đầu, nhà thơ chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước, con người. Trước hết là cảm xúc của Thanh Hải đối với những con người làm nên lịch sử, làm nên mùa xuân của đất nước. Họ chính là chủ nhân của lịch sử đem lại mùa xuân lớn cho dân tộc:
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ"
Điệp từ: "mùa xuân", "người", "lộc" có tác dụng diễn tả không khí chiến đấu và lao động rất khẩn trương, nhịp nhàng, mau lẹ. Thanh Hải đã nhắc tới hai lớp người với hai nhiệm vụ lớn của cách mạng: "người cầm súng" tức là người chiến sĩ có nhiệm vụ bảo vệ đất nước và "người lao động" có nhiệm vụ dựng xây đất nước. Từ "lộc" được dùng với hai nghĩa. Nghĩa thực chỉ chồi non, lộc biếc; nghĩa ẩn dụ biểu tượng cho sự phát triển, vươn lên và những giá trị, thành quả tốt đẹp. Các từ "giắt đầy", "trải dài" gợi tả một màu xanh bất tận, một sức xuân căng tràn trên khắp mọi nẻo đường đất nước, rạo rực lòng người.
Câu thơ: "Mùa xuân người cầm súng / Lộc giắt đầy trên lưng": gợi hình ảnh những người chiến sĩ khi ra trận, trên mình họ là những cành lá ngụy trang chứa đầy chồi non, lộc biếc của mùa xuân và họ như đem cả mùa xuân ra mặt trận. Từ "lộc" còn khiến chúng ta có cách hiểu thứ hai: lộc chính là hình ảnh ẩn dụ cho sự sống, sự vươn lên với niềm tin chiến thắng và họ đã đem lại những thành quả to lớn cho đất nước, cho nhân dân: sự tự do, nền độc lập, sự hạnh phúc.
Còn câu thơ: "Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải dài nương mạ": gợi tả những chồi non, lộc biếc của nương lúa, nương ngô bao phủ khắp cánh đồng một màu xanh bất tận. Từ "lộc" còn là hình ảnh ẩn dụ cho sự sống, cho sức mạnh của con người lao động, chính họ đã đem lại mùa xuân của thiên nhiên, đất nước.
Hai câu thơ cuối khổ hai diễn tả không khí sôi nổi, mạnh mẽ của những người chiến sĩ và nhân dân ta đang ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước:
"Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"
Điệp ngữ "tất cả như" kết hợp với từ láy giàu tính tạo hình và biểu cảm, có tác dụng diễn tả không khí lên đường, khẩn trương, mau lẹ, rộn ràng, náo nức của đất nước ta trong những năm tháng hào hùng ấy.
Từ cảm nhận về những con người làm nên mùa xuân của đất nước, nhà thơ tiếp tục cảm nhận về đất nước với cái nhìn khái quát suốt chiều dài lịch sử với tình cảm vừa thương xót, vừa tự hào, tin tưởng từ quá khứ, hiện tại, tương lai của đất nước:
"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước."
"Bốn ngàn năm" là khái niệm chỉ thời gian, có tác dụng gợi nhớ, gợi nhắc tới những năm tháng dựng xây và bảo vệ tổ quốc của cha ông ta từ xưa cho tới ngày nay. Để có được bầu trời tự do, hòa bình, cha ông ta đã phải đánh đối biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt và sương máu. Điều này đã được tác giả khái quát qua hai từ "vất vả", "gian lao".Nhưng đất nước ta chưa bao giờ đầu hàng, khuất phục mà vẫn mạnh mẽ, hiên ngang, dũng cảm, tiến lên phía trước. Hình ảnh đất nước được so sánh với vì sao nhỏ bé, khiêm nhường nhưng rất đỗi cao cả, thiêng liêng, mang tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh vì sao khiến ta liên tưởng tới ngôi sao năm cánh vàng rực trên lá cờ tổ quốc hay ngôi sao trên mũ của những anh bộ đội cụ Hồ... Như vậy, ví đất nước với vì sao, Thanh Hải thể hiện niềm tự hào sâu sắc về một đất nước anh hùng giàu và đẹp, trường tồn vĩnh cửu cùng với vũ trụ, với thời gian. Phụ từ "cứ" được đặt đầu câu thơ, kết hợp với động từ "đi lên" có tác dụng nhấn mạnh lòng quyết tâm cao độ, luôn tiến lên phía trước, vượt qua khó khăn của đất nước. Điều đó thể hiện niềm tự hào, niềm tin bất diệt vào tương lai phía trước tươi sáng của đất nước của nhà thơ Thanh Hải.
Trước mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước, nhà thơ dâng lên khát vọng được hòa nhập bằng cách cống hiến cuộc đời, làm một "mùa xuân nho nhỏ" góp mình cho mùa xuân chung của đất nước, quê hương:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Đại từ nhân xưng chuyển từ "tôi" sang "ta". Nếu như ở khổ một "tôi" là cái bản thể cá nhân đang đứng trước thiên nhiên mùa xuân mà đắm say, ngây ngất, thả hồn vào tạo vật bằng tất cả trái tim nâng niu, trận trọng thì đến đây, cái "tôi" ấy đã chuyển thành cái "ta" không còn chỉ riêng tác giả nữa mà bao gồm tất cả mọi người. Vì thế lời thơ cũng chính là lời nói hộ mọi người một ước nguyện chung lớn lao được dâng hiến và cống hiến cho quê hương, đất nước. Đó là sự hòa nhập giữ cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc. Điệp từ "ta làm, ta nhập" được lặp lại hai lần cho thấy khát vọng thật chân thành, tha thiết của nhà thơ: muốn làm con chim hót để dâng cho đời những khúc ca vui mừng xuân; muốn làm một bông hoa tươi thắm để đem lại hương sắc cho cuộc đời; muốn là một nốt trầm xao xuyến trong bản hòa tấu muôn điệu để "làm một mùa xuân nho nhỏ" vào mùa xuân lớn của đất nước, của cuộc đời chung. Ta đọc ở đây một tinh thần trách nhiệm cao độ của một người công dân đối với đất nước. Đồng thời ta cũng thấy đây là một quan niệm sống có ích, sống đẹp của thi nhân: sống là cần biết cống hiến, biết sẻ chia, biết đem những giá trị tinh túy nhất của bản thân để tô thắm cho cuộc đời này. Hình ảnh đẹp của mùa xuân, của thiên nhiên (hoa, chim) được lặp lại (so với khổ đầu) tạo nên kết cấu đối ứng chặt chẽ nhưng đã có sự chuyển đổi ý nghĩa để nói lên khát vọng sống lí tưởng: niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên. Trong bài "Một khúc ca xuân", nhà thơ Tố Hữu cũng đã từng mượn chiếc lá, con chim để nói đến sự cống hiến của cá nhân với cộng đồng:
"Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình"
Đó chính là điểm gặp gỡ về lẽ sống đẹp, về lối sống có ích của hai nhà thơ đất Huế!
Nếu như khổ thơ trên thể hiện niềm mong ước được dâng hiến, cống hiến cho cuộc đời chung, vì mùa xuân chung của đất nước, con người thì đến khổ thơ thứ năm này, nhà thơ tự nguyện hòa nhập vào cuộc đời chung rộng lớn của quê hương, tổ quốc:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Tư tưởng của nhà thơ kết đọng nhất ở hai câu thơ: "Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời". "Mùa xuân" là khái niệm chỉ thời gian, là một mùa ở trong năm tươi đẹp và tinh khôi, giàu sức sống nhất; "nho nhỏ" là từ láy gợi hình khối nhỏ nhé, khiêm nhường. Như vậy từ "nho nhỏ" đi liền với từ chỉ thời gian "mùa xuân" nên mùa xuân như được không gian hóa. Nó gợi một mùa xuân cụ thể của thiên nhiên, đất nước nhưng chỉ "nho nhỏ" thôi, đó là hoa, là chim, là âm thanh tiếng hát... nhưng đồng thời đó cũng là ẩn dụ để nói tới một lẽ sống cao đẹp, một ý thức sống khiêm nhường, cao cả, thiêng liêng. Nhà thơ muốn mỗi người là "một mùa xuân nho nhỏ" hòa vào "mùa xuân lớn" của quê hương, đất nước. Nhưng mỗi người chỉ là một "mùa xuân nho nhỏ" thôi, còn mùa xuân lớn thì thuộc về đất nước. Và để có mùa xuân lớn thì tất nhiên phải có sự cống hiến và hòa nhập của những mùa xuân nho nhỏ của mọi người. Điệp từ "dù là" vừa có ý nghĩa nhấn mạnh, vùa có ý nghĩa khẳng định được cống hiến, sẻ chia với một bầu nhiệt huyết căng tràn ấy. Hình ảnh "tuổi hai mươi" – "khi tóc bạc" là hình ảnh hóa dụ chỉ giai đoạn cuộc đời con người đó là khi còn trẻ và lúc về già. Nhà thơ nguyện đem tất cả cuộc đời mình, bất chấp cả thời gian, cả bệnh tật để mà cống hiến cho mùa xuân chung của đất nước. Đây không phải là lời tuyên ngôn về lẽ sống của một chàng thanh niên mới bước chân vào đời mà đây là lẽ sống suốt cả cuộc đời của một con người đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, nay đã về già và đang nằm trên giường bệnh, vậy mà nhà thơ vẫn muốn dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, hiểu được điều đó, ta càng cảm thấy thật xúc động trước một lẽ sống đẹp cao cả, thiêng liêng, đồng thời chúng ta cũng thấy tình yêu đời, tình yêu cuộc sống thiết tha của nhà thơ Thanh Hải.
Bài thơ khép lại là lời ca ngợi và niềm tự hào sâu sắc về quê hương, đất nước qua điệu hò dân ca xứ Huế:
Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"
Tác giả nhắc tới điệu "Nam ai, Nam bình", vừa có giai điệu ngọt ngào, tha thiết, lại vừa có giai điệu buồn thương, da diết. Điều đó đã tạo nên tính chất nhạc điệu của bài thơ và thể hiện được tâm hồn đằm thắm, dịu dàng của người dân xứ Huế. Mở đầu bài thơ là âm thanh réo rắc, ngân nga, vang vọng trong tiếng chim chiền chiện hót chào mùa xuân; khép lại bài thơ lại là bài ca "nước non ngàn dặm" kết hợp với một loạt các thanh bằng "bình – mình – tình" có tác dụng tạo nên một giọng thơ đằm thắm, trầm lắng, da diết, bộc lộ niềm tự hào, và tình yêu thiên nhiên, quê hương, đất nước của Thanh Hải. Bài thơ đã được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thành nhạc và trở thành một khúc ca xuân xúc động lòng người và còn mãi với thời gian năm tháng.
Bài thơ được viết theo thể năm chữ, rất gần với các diệu hò dân ca miền Trung tha thiết, ngọt ngào. Cách ngắt nhịp linh hoạt 3/2, 2/3 đan xen, sử dụng nhiều hình ảnh giàu tính tạo hình và biểu tượng (hoa, chim, mùa xuân, lộc...), ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu sức gợi, giọng thơ biến đổi theo tâm trạng, xúc cảm: khi thì tươi vui, ngây ngất (khổ 1), khi lại hối hả, gấp gáp (khổ 2,3), lúc lại trầm lắng, thiết tha, manh mẽ (khổ 4,5)...
Mặc dù nhà thơ đã cách xa chúng ta hơn 30 năm nhưng những vần thơ và khát vọng được cống hiến cho đời của tác giả trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" vẫn còn sống mãi với thời gian năm tháng. Khép lại trang thơ, người đọc mới thấm thía hết được trách nhiệm của bản thân, của thế hệ trẻ đối với sự phát triển giàu đẹp của quê hương, đất nước thật quan trọng biết nhường nào!.
Các bài văn mẫu lớp 9 hay