24/05/2018, 21:52

Phân loại và yêu cầu quản lý nguyên vật liệu

Phân loại a. Căn cứ vai trò và tác dụng của nguyên vật liệu trong sản xuất, nguyên vật liệu được chia thành các loại sau: * Nguyên liệu, vật ...

Phân loại

a. Căn cứ vai trò và tác dụng của nguyên vật liệu trong sản xuất, nguyên vật liệu được chia thành các loại sau:

* Nguyên liệu, vật liệu chính: Là những nguyên vật liệu sau quá trình gia công chế biến sẽ thành thực thể vật chất chủ yếu của sản phẩm (Bông cho nhà máy dệt, xi măng, sắt thép cho các công trình xây dựng cơ bản...). Ngoài ra, thuộc nguyên vật liệu chính còn bao gồm cả bán thành phẩm mua ngoài để tiếp tục chế biến.

*Vật liệu phụ: Là những vật liệu chỉ có tác dụng phụ trợ trong sản xuất, được sử dụng kết hợp với vật liệu chính để làm thay đổi màu sắc, hình dáng, phục vụ hoạt động của các tư liệu hay phục vụ cho lao động của công nhân viên chức (Dầu nhờn, hồ keo, thuốc nhuộm, thuốc tẩy, xà phòng, giẻ lau...).

* Nhiên liệu, năng lượng: Là những thứ dùng để cung cấp nhiệt lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh như than, củi, xăng dầu, hơi đốt khí đốt...

* Phụ tùng thay thế: Là những chi tiết, phụ tùng dùng để sửa chữa và thay thế cho máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển.

* Vật liệu và thiết bị xây dựng: Cơ bản bao gồm các loại và thiết bị (Cẩu lắp, không cẩu lắp, vật kết cấu, công cụ, khí cụ...) mà các doanh nghiệp mua nhằm đầu tư cho xây dựng cơ bản.

Theo cách phân loại này giúp cho doanh nghiệp nắm bắt được nội dung kinh tế cùng chức năng của từng loại nguyên vật liệu và từ đó có phương hướng và biện pháp quản lý thích hợp đối với từng loại nguyên vật liệu.

Phân loại nguyên vật liệu theo nguồn hình thành

* Nguồn từ bên ngoài nhập vào: Chủ yếu là mua ngoài, liên doanh, tặng, biếu.

* Nguồn tự sản xuất :

Cách phân loại này có tác dụng làm căn cứ để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch mua và dự trữ nguyên vật liệu làm cơ sở xác định giá vốn thực tế của nguyên vật liệu.

Yêu cầu quản lý nguyên vật liệu

Nền kinh tế quốc dân ngày càng phát triển khối lượng sản xuất công nghiệp đòi hỏi ngày càng nhiều chủng loại nguyên vật liệu. Đối với nước ta, nguyên vật liệu trong nước còn chưa đáp ứng được cho nhu cầu sản xuất, một số loại nguyên vật liệu còn phải nhập của nước ngoài. Do đó, việc quản lý nguyên vật liệu phải hết sức tiết kiệm, chống lãng phí, đúng quy trình công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm tốt và có hiệu quả.

Muốn quản lý tốt nguyên vật liệu ta phải quản lý tốt trên các khâu: Thu mua, bảo quản, dự trữ và sử dụng.

* ở khâu thu mua: Phải tổ chức quản lý quá trình thu mua nguyên vật liệu sao cho đủ về số lượng, đúng chủng loại, tốt về chất lượng, giá cả hợp lý, nhằm hạ thấp chi phí nguyên vật liệu đưa vào sản xuất, góp phần quan trọng trong việc hạ giá thành sản phẩm.

* ở khâu bảo quản: Phải bảo đảm theo đúng chế độ quy định tổ chức hệ thống kho hợp lý, để nguyên vật liệu không thất thoát, hư hỏng kém phẩm chất, ảnh hưởng đến chất liệu sản phẩm.

* ở khâu dự trữ: Phải tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được tiến hành liên tục, cần quan tâm quản lý tốt khâu dự trữ. Phải dự trữ nguyên vật liệu đúng mức tối đa, tối thiểu để không gây ứ đọng hoặc gây gián đoạn trong sản xuất.

* ở khâu sử dụng: Do chi phí nguyên vật liệu chiếm một tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất vì vậy cần sử dụng nguyên vật liệu đúng mức tiêu hao, đúng chủng loại, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí nguyên vật liệu trong giá thành sản phẩm.

Do đó, công tác quản lý nguyên vật liệu là rất quan trọng nhưng trên thực tế có những doanh nghiệp vẫn để thất thoát một lượng nguyên vật liệu khá lớn do không quản lý tốt nguyên vật liệu ở các khâu, không xác định mức tiêu hao hoặc có xu hướng thực hiện không đúng. Chính vì thế cho nên luôn luôn phải cải tiến công tác quản lý nguyên vật liệu cho phù hợp với thực tế.

0