16/01/2018, 13:08

Ông cha ta thường nói “Có học phải có hạnh” – Văn mẫu lớp 8

Ông cha ta thường nói “Có học phải có hạnh” – Văn mẫu lớp 8 Ông cha ta thường nói "Có học phải có hạnh" – Bài số 1 Xã hội đang trên đà phát triển, đất nước ta đang thời kì mở cửa. Bởi thế sự hiểu biết, trình độ khả năng chuyên môn rất cần cho mọi người; đồng thời hạnh kiểm, đạo đức ...

Ông cha ta thường nói “Có học phải có hạnh” – Văn mẫu lớp 8

Ông cha ta thường nói "Có học phải có hạnh" – Bài số 1

Xã hội đang trên đà phát triển, đất nước ta đang thời kì mở cửa. Bởi thế sự hiểu biết, trình độ khả năng chuyên môn rất cần cho mọi người; đồng thời hạnh kiểm, đạo đức cũng là yếu tố rất quan trọng cho việc xãy dựng xã hội chủ nghĩa thành công tốt đẹp. Mối quan hệ giữa học vấn và hạnh kiểm một lần nữa được nhấn mạnh qua câu tục ngữ:

“Có học phải có hạnh”

Lời dạy trên dạy ta điều gì?

“Học” là sự hiểu biết, là vốn kiến thức của mỗi con người. Con người có học là người biết suy nghĩ, có nhận thức, có hiểu biết. “Hạnh” là hạnh kiểm, là phẩm chất đạo đức. Người có hạnh kiểm là con người có tư cách đúng đắn, đạo đức tốt. Do vậy, người có học thức cao cần phải có đạo đức, có hạnh kiểm tốt mới được.

Từ lúc sinh ra tới lúc bập bẹ biết nói rồi đến khi tới trường ta đã được tập tành dạy dỗ nhiều bài học về đạo đức. Lớn lên, song song với việc học văn hóa, mở rộng kiến thức thì bài học làm người càng cao hơn nữa. Một người có văn hóa, có trình độ thì được mọi người kính nể. Nhưng nếu chỉ có kiến thức sâu rộng mà thiếu đạo đức, thiếu tư cách thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị mọi người xa lánh, khỉnh thường. Làm người ở đời phải có học, cần am tường hiểu biết mọi vấn đề ngoài xã hội, đó là điều cần thiết cho mỗi chúng ta. Nhưng hạnh kiểm đạo đức của con người cũng không kém phần quan trọng. Nó là thước đo giá trị của con người. Chúng ta dồng ý rằng văn hóa là chìa khóa để mở các cửa khoa học kĩ thuật, là những viên gạch để xây dựng nền văn minh cho đất nước. Còn hạnh kiểm đạo đức cũng là tường thành để giữ vững, để bảo vệ nền độc lập, tồn tại của một thể chế Quốc gia. Điều này càng khẳng định một chân lí có học phải có hạnh” vì “học” và “hạnh”, “tài” và “đức” là hai yếu tố cần thiết cho mỗi con người. Một người vừa có học vừa có tài vừa có đạo đức, có tư cách tốt thì quả là người đáng quý, đáng cho mọi người nể phục mến yêu.

Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở chúng ta qua lời dạy ân cần và thắm thiết: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”, thật là quý báu! Đó là bài học về đạo đức làm người.

Tóm lại, câu tục ngữ trên nêu rõ tầm quan trọng của học vấn và hạnh kiểm. Có được cả hai yếu tố trên ta sẽ trở thành người toàn diện. Đó là ta thực hiện tốt lời nhắc nhở của ông cha, đồng thời ta cũng góp phần tích cực vào việc xây dựng một đất nước phồn vinh tiến bộ.

Ông cha ta thường nói "Có học phải có hạnh" – Bài số 2

"Có học phải có hạnh".
 
Đây là một tư tưởng vạch hướng rèn luyện phẩm chất đạo đức cần thiết cho chúng ta hôm nay, chúng ta thử tìm hiểu xem. Trước hết có học mới có tri thức, có hiểu biết, suy nghĩ, nhận thức. Học tập giúp ta hiểu sâu hơn, hiểu nhiều hơn các kiến thức trong khoa học, trong xã hội và trong nghề nghiệp của ta. Có "hạnh" là có nết tốt, có phẩm chất đạo đức mẫu mực, có sự rèn luyện, nhận thức và ứng xử theo tiêu chuẩn đạo đức. Đó là nhũng điều đúng, điều thiện được mọi người công nhận, có hạnh là có đức. Tóm lại câu tục ngữ trên nhấn mạnh sự kết hợp của hai mặt tài và đức. Để học tập rèn luyện kiến thức tài năng, ta không thể quên rèn luyện nhân cách, lẽ sống.

Từ ấu thơ, ta đã được học những bài học vỡ lòng trong cách ứng xử. Khi đến trường, ta thường được nghe: Tiên học lễ, hậu học văn. Song song với việc học văn hóa mở rộng kiến thức, bài học làm người càng cần thiết. Một người có văn hóa, có trình độ được mọi người kính nể. Nhưng nếu chỉ có kiến thức sâu rộng mà thiếu đạo đức thì không những làm giảm bớt sự kính nể mà còn bị mọi người xa lánh, khinh thường. Đạo đức là thước đo giá trị con người.

Người có học mà không có hạnh, thì có thể dùng tài năng ấy vào mục đích không chính đáng, chỉ vinh thân phì gia hoặc làm tay sai cho ngoại bang. Người có tài năng và đạo đức vẹn toàn càng được kính nể, yêu mến. Thực vậy, nếu văn hóa là cánh cửa dẫn ta vào khoa học kĩ thuật và văn minh, mở ra một xã hội ấm no và tiến bộ thì đức hạnh như bông hoa quý nhẹ nhàng mà thơm lâu, tỏa rộng. Để được như vậy, ta phải chú tâm rèn luyện, không phải dễ dàng có được. “Có học phải có hạnh” là chân lí, là hai yếu tố làm nên giá trị một con người toàn diện.

Tóm lại, câu tục ngữ trên là một phương châm vạch hướng rèn luyện cho học sinh chúng ta rèn luyện toàn diện. Ta cần hiểu rõ sự cần thiết của hai mặt học tập kiến thức và rèn luyện hạnh kiểm. Thiếu một trong hai mặt ấy thật đáng tiếc, ta chưa thể là con người toàn diện, đáng yêu mến kính trọng được. Thực hiện lời dạy của cha ông, ta mới có thể trở nên người tốt, hữu ích và thành công trong xã hội, không hổ thẹn với ông bà, cha mẹ:
 
"Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bỏ những ngày ước ao"

Vũ Hường tổng hợp

0