Ôn thi đại học môn Văn theo chuyên đề: Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
Ôn thi đại học môn Văn theo chuyên đề: Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh Luyện thi THPT Quốc gia môn Văn theo chuyên đề Giá trị lịch sử và nghệ thuật của bản Tuyên ngôn độc lập Ôn thi đại học môn ...
Ôn thi đại học môn Văn theo chuyên đề: Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
Giá trị lịch sử và nghệ thuật của bản Tuyên ngôn độc lập
Ôn thi đại học môn văn theo chuyên đề: Bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là tài liệu ôn thi môn Văn nói chung cũng như thi đại học khối C nói riêng, cần thiết cho các sĩ tử học tập trước khi bước vào các kì thi Quốc gia.
Phong cách nghệ thuật trong văn chính luận của Hồ Chí Minh qua bản Tuyên ngôn độc lập
Ôn thi đại học môn Văn theo chuyên đề: Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Câu 1: Nêu giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật của Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh).
Gợi ý trả lời:
Giá trị lịch sử:
Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến; là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của Việt Nam với thế giới; là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập tự do trên đất nước ta.
Giá trị nghệ thuật:
Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận đặc sắc, mẫu mực; lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, giọng văn đầy cảm xúc…
Câu 2: Giải thích vì sao mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp.
Gợi ý trả lời:
- Hồ Chí Minh trích dẫn hai bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp để làm căn cứ pháp lý cho bản Tuyên ngôn của Việt Nam vì đây là những bản Tuyên ngôn tiến bộ, được cả thế giới thừa nhận.
- Người trích dẫn bản Tuyên ngôn của Mỹ là để tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và phe Đồng minh.
- Người trích Tuyên ngôn của Pháp để sau đó là buộc tội Pháp đã lợi dụng lá cờ “tự do, bình đẳng, bác ái” đến cướp nước ta, làm trái với tinh thần tiến bộ của chính bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp.
- Hồ Chí Minh trích dẫn 2 bản Tuyên ngôn Độc lập của hai nước lớn là vì tác giả muốn tạo vị thế ngang hàng của Việt Nam với các nước đó, có cơ sở pháp lí vững vàng kết hợp với lập luận khéo léo vừa thể hiện thái độ trân trọng, tiếp nhận của người Việt vừa hàm ý cảnh báo Pháp và Mỹ đừng đi ngược lại những gì của chính đất nước họ
Câu 3: Anh (chị) hãy phân tích giá trị lịch sử và giá trị văn chương của bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
Gợi ý trả lời:
1. Giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, nêu hai giá trị cơ bản của bản Tuyên ngôn, đó là giá trị lịch sử và giá trị văn chương
Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Người thay mặt chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước hàng chục vạn đồng bào. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh vừa có ý nghĩa Lịch sử vô cùng to lớn, vừa có giá trị văn chương cao.
2. Giá trị lịch sử
- Về mặt lịch sử, bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỉ nguyên của độc lập, tự do, đánh đổ chế độ phong kiến hàng mấy mươi thế kỉ, đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp hơn tám mươi năm, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Bản Tuyên ngôn đã thể hiện một cách hùng hồn khát vọng, ý chí và sức mạnh Việt Nam.
- Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh còn là sự khẳng định tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, không ai có quyền xâm phạm được.
- So với bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất (Nam quốc sơn hà - Lí Thường Kiệt) và bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ hai (Bình Ngô đại cao - Nguyễn Trãi) thì bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh đã vươn lên một tầm cao mới, vượt hơn ở tầm vóc hướng ra thế giới trên tinh thần dân chủ, tự do có kết hợp với truyền thống yêu nước và tư tưởng nhân đạo của dân tộc.
3. Giá trị văn chương
Về mặt văn chương, bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, chưa tới một ngàn chữ nhưng vô cùng chặt chẽ và cô đọng.
Bản Tuyên ngôn chia làm ba phần rõ rệt, mỗi phần một ý, liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong phần một, Hồ Chí Minh đã nêu lên những chân lí về nhân quyền và dân quyền để làm cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn. Trong phần này Bác đã nêu lên hai bản Tuyên ngôn, đó là bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mĩ năm 1776 và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 để khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc" (Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ, 1776), “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi” (Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp, 1791).
Việc dẫn hai bản tuyên ngôn này, Bác đã đặt bản Tuyên ngôn Độc lập của ta ngang hàng với các bản Tuyên ngôn của các nước lớn như Pháp và Mĩ. Từ đó khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, Bác đã nâng lên thành quyền thiêng liêng của mỗi dân tộc: “suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Phần thứ nhất đã làm nền cho phần thứ hai của bản Tuyên ngôn. Nếu trong phần thứ nhất Bác khẳng định quyền thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc là quyền được sống, được tự do, được độc lập và mưu cầu hạnh phúc thì trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn, Bác đã vạch rõ tội ác của thực dân Pháp đã gây ra cho đất nước ta, nhân dân ta. Hành động của chúng thật dã man, vô nhân đạo, đi ngược lại tinh thần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp, vạch rõ bản chất gian xảo của bọn thực dân Pháp. Trong phần này Bác lại nêu rõ tinh thần nhân đạo, yêu độc lập lự do và tinh thần quyết tâm giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta. Đến phần thứ ba (phần cuối) Bác lại nói về kết quả của tinh thần yêu nước, yêu độc lập tự do của dân tộc ta và tuyên bố trịnh trọng với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và thực sự đã trở thành một nước tự do độc lập”.
Như vậy, ta thấy bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh có một kết câu, bố cục khá chặt chẽ. Hơn nữa, lời lẽ của bản Tuyên ngôn khá hùng hồn, nhịp điệu câu văn khá dồn dập, sắc cạnh. Có những câu văn thật ngắn gọn nhưng lại diễn đạt một ý nghĩa vô cùng phong phú như câu “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Câu văn chỉ có chín từ thôi nhưng lại diễn đạt được bao biến động của thời điểm lịch sử lúc bấy giờ.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập này Bác đã sử dụng rất thành công các biện pháp tu từ: điệp từ, điệp ngữ.... như Bác sử dụng khá độc đáo điệp từ “sự thật”. Điệp từ này được Bác nhắc đi nhắc lại nhiều lần để cho mọi người thấy rõ chân lí phải đi từ sự thật. Sự thật là điều chứng minh rõ cho chân lí. Và từ đó Bác đã vạch trần cái luận điệu “bảo hộ Đông Dương", “khai hóa văn minh" của thực dân Pháp; đồng thời cũng để khẳng định lòng yêu độc lập tự do, tinh thần quyết tâm đấu tranh để giành và giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc. Cách dùng điệp từ này còn làm cho bản Tuyên ngôn mang tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó, Bác còn sử dụng rất thành công phép liệt kê để vạch rõ tội ác của kẻ thù đã gieo rắc cho nhân dân ta, đất nước ta trên nhiều lĩnh vực từ chính trị đến văn hóa, kinh tế...